Các nhà lập pháp Hoa Kỳ gặp gỡ chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ giữa lúc ông Tập đến thăm Tây Tạng
Một phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong khi ông Tập Cận Bình đến thăm một ngôi chùa Tây Tạng ở Tây Ninh.
NEW DELHI—Hôm 18/06, một phái đoàn Quốc hội gồm bảy thành viên đến từ Hoa Kỳ, do Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) dẫn đầu, đã đến thăm Dharamshala, trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong.
Cùng ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng ở Thanh Hải, một tỉnh mà người Tây Tạng theo truyền thống gọi là An Đa (Amdo). Một chuyên gia người Tây Tạng cho rằng thời điểm và cách thức diễn ra cả hai chuyến thăm này đều mang tính biểu tượng cao.
Thị trấn Dharamshala ở Himalaya đã là trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong kể từ năm 1960.
Hôm thứ Tư (19/06), phái đoàn Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, và sau đó đã phát biểu trước một nhóm người Tây Tạng lưu vong, gồm cả trẻ em từ các trường học Tây Tạng. Trong khi đó, theo một bản tin của Tân Hoa Xã, ông Tập đã đến thăm ngôi chùa cổ Hongjue ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc Tây Tạng.
Sau cuộc gặp, bà Pelosi đăng những bức ảnh phái đoàn lưỡng đảng cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma và ông Penpa Tsering, Tổng thống Chính phủ Trung ương Tây Tạng, chính phủ Tây Tạng lưu vong. Bài đăng của bà trên X nói rằng bà “tái khẳng định một cách chắc chắn sự ủng hộ của Quốc hội dành cho người dân Tây Tạng.”
Tại một cuộc họp công khai do Chính phủ Trung ương Tây Tạng tổ chức, ông McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “quyết tâm xóa sổ văn hóa Tây Tạng” sau khi “cưỡng bức” người Tây Tạng phải chịu sự kiểm soát của mình.
Sau khi cuộc chiếm đóng tàn bạo của Trung Quốc đối với Tây Tạng và một cuộc nổi dậy thất bại của người Tây Tạng năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đã đào thoát sang Ấn Độ. Hơn 80,000 người Tây Tạng đã đi theo vị lãnh đạo tinh thần này.
“Nhiều thập niên sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đe dọa quyền tự do của người dân Tây Tạng và họ thậm chí còn cố gắng can thiệp vào việc kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra,” ông McCaul nói.
Bà Pelosi nói trước toàn cuộc hội họp về “Đạo luật Giải quyết vấn đề Tây Tạng” (Resolve Tibet Act) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hồi tuần trước. Bà cho biết dự luật này gửi một thông điệp tới chính quyền Trung Quốc rằng Hoa Kỳ hiểu rõ vấn đề này và hiểu giá trị tự do của Tây Tạng.
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ sớm ký dự luật nhằm khuyến khích chính quyền Trung Quốc đàm phán với các nhà lãnh đạo Tây Tạng này—một tiến trình đã bị đình trệ kể từ năm 2010.
Cựu chủ tịch Hạ viện cho biết di sản của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong “sẽ mãi trường tồn.”
Hôm thứ Năm (20/06), phái đoàn này cũng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và cố vấn an ninh quốc gia của ông, ông Ajit Doval. Tuy nhiên, văn phòng của ông Modi đã không bình luận về chuyến thăm của phái đoàn Hoa Kỳ tới Dharamshala.
Trong một tuyên bố, văn phòng Thủ tướng [Ấn Độ] nói rằng phái đoàn này nhận định mối quan hệ Ấn Độ-Hoa Kỳ là quan trọng nhất.
Các thành viên quốc hội Hoa Kỳ “bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc làm sâu sắc hơn nữa Hợp tác Toàn cầu Chiến lược Toàn diện trong mọi lĩnh vực, trong đó có thương mại, công nghệ mới và mới nổi, quốc phòng, trao đổi nhân sự,” văn phòng của ông Modi cho biết.
Thời điểm của chuyến thăm
Chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ tới Ấn Độ và gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra chỉ vài ngày trước khi nhà lãnh đạo tinh thần 88 tuổi này dự kiến sang Hoa Kỳ để phẫu thuật đầu gối. Nhà Tây Tạng học và là nhà sử học Claude Arpi nói với The Epoch Times rằng chuyến thăm này đặt ra một số câu hỏi. Ông Arpi sinh ra tại Pháp, hiện sống ở Ấn Độ.
Ông Arpi nói: “Tại sao phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm Dharamasala chỉ vài ngày trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Hoa Kỳ để phẫu thuật đầu gối? Hẳn họ có thể gặp nhau ở Hoa Kỳ. Điểm này còn chưa được trả lời. Việc này có thể lôi kéo Ấn Độ vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung lớn hơn.”
Ông cho biết thời điểm của chuyến thăm cũng liên quan đến Đạo luật Giải quyết vấn đề Tây Tạng.
Ông nói, “Đạo luật này nói rõ rằng Tây Tạng là một quốc gia độc lập. Đạo luật rất quan trọng đối với Ấn Độ, vốn là quốc gia có cùng một cuộc đối đầu lâu dài ở biên giới và căng thẳng với Trung Quốc kể từ những năm 1950,” đặc biệt là sau cuộc xung đột đẫm máu Galwan hồi tháng 05/2020. Ông nói, trong hàng ngàn năm, ranh giới phía bắc của Ấn Độ là biên giới Ấn Độ-Tây Tạng.
Khu vực phía đông của biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ngày nay, được gọi là Đường McMahon, đã được Ấn Độ khi đó là thuộc địa của Anh quốc và Tây Tạng độc lập đồng thuận vào tháng 03/1914, trong một hội nghị ở Shimla, thủ phủ mùa hè của Ấn Độ thuộc Anh.
“Nếu người ta chấp nhận lập luận của Trung Quốc rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc từ thời xa xưa, thì Đường McMahon sẽ mất hiệu lực. Theo nghĩa này, đạo luật mới và chuyến thăm của phái đoàn Hoa Kỳ là quan trọng đối với Ấn Độ, vì đạo luật này xác nhận lại thực tế rằng trước năm 1951 Tây Tạng đã là một quốc gia độc lập,” ông Arpi nói.
Ông Tsering Passang là người sáng lập và là chủ tịch của Liên minh Toàn cầu vì Tây Tạng và các Nhóm người thiểu số bị Đàn áp, có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Trong một bức thư điện tử gửi tới The Epoch Times, ông Passang nói rằng Ấn Độ có lợi ích lớn đối với tương lai của Tây Tạng. Vào thời điểm mà ông gọi là một “thời điểm quan trọng,” ông nói rằng ông muốn thấy Hoa Kỳ và Ấn Độ “chủ động hợp tác cùng nhau bằng cách thành lập một lực lượng đặc nhiệm dành riêng cho Tây Tạng, yêu cầu trợ giúp thiết thực, trong đó có cả hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Tây Tạng, để chuẩn bị cho tương lai.”
Ông Tập đến thăm Tây Ninh
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng chuyến thăm của ông Tập tới Tây Ninh, thủ phủ của Thanh Hải, có mục đích tìm hiểu về các sáng kiến để tăng cường giáo dục và Trung Quốc hóa cộng đồng Tây Tạng.
Mục tiêu của chuyến thăm là “thúc đẩy truyền thống yêu nước tốt đẹp và tình yêu dành cho tôn giáo trong cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng và thúc đẩy sự đoàn kết và tiến bộ dân tộc,” Tân Hoa Xã đưa tin.
Tuy nhiên, ông Arpi trích dẫn những bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước này công bố, trong đó có thể thấy ông Tập cùng với các nhà sư Tây Tạng ở chùa Hongjue. Tu viện có từ thế kỷ thứ 7 này được kết nối với “một vị Ban Thiền Lạt Ma tiền nhiệm,” mà ông cho rằng điều đó làm cho tu viện này mang ý nghĩa đặc biệt.
Ông Arpi nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của chiếc dù màu vàng được giơ cao trên đầu ông Tập và loại hương được thắp trước nhà độc tài Trung Quốc này trong chuyến viếng thăm ngôi chùa.
Ông cho biết, chiếc dù màu vàng là một trong “tám biểu tượng tôn giáo” của Phật Giáo Tây Tạng và chỉ được dâng lên một Đức Đạt Lai Lạt Ma “hoặc các Lạt Ma rất cao.”
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã yêu cầu phái đoàn Hoa Kỳ không liên lạc với “nhóm Đạt Lai” và “ngừng việc gửi tín hiệu sai cho thế giới.”
“Về đạo luật liên quan tại Quốc hội Hoa Kỳ, hãy để tôi nhấn mạnh rằng Xizang [Tây Tạng] luôn là một phần của Trung Quốc kể từ thời cổ đại. Các vấn đề của Xizang hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không bao giờ được phép có sự can thiệp từ bên ngoài,” ông Lâm nói. Phát ngôn viên này của Bộ Ngoại giao này nói rằng xã hội Tây Tạng ở Trung Quốc được hưởng “sự ổn định và hòa hợp xã hội.”
Ông Lâm kêu gọi Hoa Kỳ không thông qua Đạo luật Giải quyết vấn đề Tây Tạng.
Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ tuân thủ các cam kết công nhận Xizang là một phần của Trung Quốc và không ủng hộ ‘sự độc lập của Xizang.’”
Một phát ngôn viên của Chính phủ Trung ương Tây Tạng nói với The Epoch Times rằng mặc dù chuyến thăm của phái đoàn Hoa Kỳ tới Dharamshala là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Đạo luật Giải quyết vấn đề Tây Tạng, nhưng viễn cảnh này không nên chỉ được nhìn từ góc độ địa chính trị cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đúng hơn, “chuyến thăm này mang lại khoảng thời gian kịp thời để Trung Quốc suy nghĩ lại và thay đổi các chính sách đàn áp của họ liên quan đến việc vi phạm các quyền và tự do của người Tây Tạng,” phát ngôn viên Tenzin Llekshay của Chính phủ Trung ương Tây Tạng cho biết trong một văn bản phúc đáp.
Ông nêu rõ rằng chuyến thăm này cũng là một cơ hội để thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn “bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc khởi động lại cuộc đối thoại để giải quyết Xung đột Trung Quốc-Tây Tạng lâu dài.”
Vị phát ngôn viên Tây Tạng này kêu gọi chính quyền Trung Quốc nên có suy nghĩ tích cực và nói rằng Chính phủ Trung ương Tây Tạng đang kêu gọi một giải pháp cùng có lợi.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times