Người tị nạn Trung Quốc mắc kẹt ở Đông Nam Á cầu cứu Liên Hiệp Quốc nhân Ngày Tị nạn Thế giới
Nhân Ngày Tị nạn Thế giới (20/06), những người tị nạn Trung Quốc bị mắc kẹt nhiều năm ở Đông Nam Á đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Liên Hiệp Quốc.
Dưới sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều công dân Trung Quốc đã rời bỏ quê hương và xin tị nạn ở các quốc gia khác vì lý do tín ngưỡng, chính trị, và kinh tế. Họ thường lựa chọn các quốc gia Đông Nam Á làm điểm trung chuyển. Tuy nhiên, thật không dễ để xin được quy chế tị nạn ở các quốc gia này, đồng thời họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất trở về Trung Quốc.
Kể từ năm 2019, không có một học viên Pháp Luân Công đào thoát sang Malaysia nào được cấp thẻ tị nạn. Hiện có khoảng 60 đến 70 học viên Pháp Luân Công đang bị mắc kẹt ở Malaysia.
Malaysia
Ông Tiêu Sơn (Xiao Shan), một kỹ sư kỳ cựu đến từ tỉnh Liêu Ninh, nói với The Epoch Times rằng ông đã bị ĐCSTQ bắt giam hai lần vì tu luyện Pháp Luân Công — một môn tu luyện truyền thống dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Ông đã đào thoát khỏi Trung Quốc từ năm 2019 để xin tị nạn.
“Tôi đã sống lưu vong ở Malaysia được 5 năm. Tôi đã nhận được thư bảo vệ từ năm 2022, nhưng tôi vẫn chưa được cấp thẻ tị nạn,” ông Tiêu cho biết.
Ông cho biết một vài người bạn của ông cũng là học viên Pháp Luân Công đã phải chờ đợi hơn 10 năm ở Malaysia trước khi họ có thể chuyển đến quốc gia thứ ba.
“Đặc biệt là những người có con nhỏ, bởi vì rất khó để con em của họ được đi học và thụ nhận giáo dục ở đó. Một số người trưởng thành cũng bị mắc kẹt ở đây khá lâu rồi,” ông Tiêu cho biết. “Họ không có danh tính hợp pháp, nên không thể tìm được việc làm, cũng không có cách nào kết hôn.”
Nghệ sỹ Trung Quốc lưu vong ở Malaysia Đồng Nhất Mẫn (Tong Yimin) cũng là một học viên Pháp Luân Công. Kể từ khi ĐCSTQ khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 07/1999, ông đã liên tục bị bức hại và buộc phải sống lưu vong ở hải ngoại.
Ông kể rằng vào tháng 04/2000, ông đã bị bắt giam vào Trại giam Đông Thành ở Bắc Kinh.
“Tôi bị đánh đập và thẩm vấn suốt đêm. Sau đó tôi bị đưa trở lại Giang Tây, chịu đựng khổ hình, đánh đập, và bị bắt đeo cùm chân nặng. Suýt chút nữa tôi đã bị bức hại đến tử vong,” ông Đồng nói với The Epoch Times.
“Tháng 09/2005, công an ĐCSTQ đã đột nhập vào nhà và xưởng làm việc của tôi ở Bắc Kinh, tịch thu hết máy điện toán và thiết bị in của tôi. Tôi bị kết án hai năm trong trại lao động và bị bức hại nghiêm trọng cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.”
Sau khi được ra tù, ông Đồng đã trở về Bắc Kinh.
“Năm 2008, công an khám xét nhà và nhà máy của tôi. Tôi buộc phải từ bỏ công việc kinh doanh của mình ở Bắc Kinh và đào thoát đến Thâm Quyến để tìm kiếm cơ hội rời khỏi Trung Quốc,” ông nói. “Năm 2019, nơi cư trú của tôi ở Thâm Quyến bị theo dõi và tôi cảm thấy tính mạng của tôi một lần nữa lại bị uy hiếp.”
Tháng 01/2020, ông Đồng đào thoát sang Malaysia cùng vợ và hai con nhỏ. Ông đã nộp đơn xin tị nạn cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR).
“Nhưng UNHCR vẫn chưa cấp giấy chứng nhận tị nạn cho chúng tôi,” ông cho biết. “Chúng tôi không thể sống và làm việc bình thường ở Malaysia. Điều này cũng đã gây ảnh hưởng đến việc [đi] học của hai con của chúng tôi. Chúng tôi bị đẩy vào một hoàn cảnh khó khăn kéo dài. Chúng tôi hy vọng UNHCR sẽ sớm cấp giấy chứng nhận tị nạn cho chúng tôi.”
Thái Lan
Có hơn 100 học viên Pháp Luân Công đang bị mắc kẹt ở Thái Lan, và hoàn cảnh của họ thậm chí còn khó khăn hơn.
Sỹ quan quân đội tỉnh Hà Bắc đã xuất ngũ Đổng Tuấn Minh (Dong Junming) cũng đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo vì tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2014, ông đã cùng gia đình đào thoát sang Thái Lan. Họ đã chờ đợi gần 10 năm ở Thái Lan và cuối cùng cũng đến được Canada.
“Tại Đông Nam Á có rất nhiều người tị nạn Trung Quốc, trong đó một số người đã ở lại đây hơn 10 năm rồi,” ông nói với The Epoch Times. “Đặc biệt là khi ở Thái Lan, người tị nạn không thể làm việc, họ không có thu nhập, và cuộc sống của họ vô cùng gian khổ.”
Thái Lan chưa bao giờ ký kết Công ước về vị thế của người tị nạn được thông qua vào năm 1951, điều này có nghĩa là Thái Lan vẫn chưa công nhận người tị nạn. Vì vậy, ngay cả khi có được thẻ tị nạn của Liên Hiệp Quốc, những người tị nạn cũng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ vào một trại giam giữ người nhập cư.
Ông Đổng cho biết hoàn cảnh ở trại giam giữ người nhập cư vô cùng tồi tệ.
“Thời tiết thì nóng nực, mà có hơn 140 người sống trong một phòng giam có diện tích chưa đầy 100 mét vuông [khoảng 1,076 feet vuông], và không có phòng tắm,” ông cho biết. “Và một khi bị giam giữ ở đó, những người tị nạn sẽ phải đối diện với vấn đề bị trục xuất.”
Ngoài các học viên Pháp Luân Công, còn có một số lượng lớn người Trung Quốc theo Cơ Đốc Giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, nhà thỉnh nguyện, và những người ủng hộ dân chủ đã bị ĐCSTQ đàn áp và đang bị mắc kẹt ở Đông Nam Á trong một thời gian dài để tìm kiếm quy chế tị nạn từ Liên Hiệp Quốc.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tiến hành một số hoạt động như bắt cóc hay dẫn dụ xuyên quốc gia nhắm vào những người bất đồng chính kiến Trung Quốc sống lưu vong ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Lào, Thái Lan, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), và Việt Nam.
Một cựu đặc vụ của ĐCSTQ nói với The Epoch Times rằng các đặc vụ của ĐCSTQ được chỉ thị dẫn dụ những người bất đồng chính kiến Trung Quốc ở các nước phương Tây nơi họ hiện đang cư trú (chẳng hạn như Canada và Úc) đến Đông Nam Á, tại đó lực lượng công an hải ngoại của Trung Quốc có thể bắt cóc họ và đưa họ trở về Trung Quốc.
“Sự thâm nhập của ĐCSTQ tại Đông Nam Á là khá nghiêm trọng,” ông cho biết và nói thêm rằng ĐCSTQ “rất thành thục trong việc dẫn dụ mục tiêu” ở các nước Đông Nam Á.