Nhiều quốc gia trả lại gấu trúc lớn, chính sách ‘ngoại giao gấu trúc’ của Trung Quốc xem như tới hồi kết
Gần đây, Nhật Bản, Phần Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ trả lại những con gấu trúc lớn (đại hùng miêu) mà họ đã thuê từ Trung Quốc. Gấu trúc được nuôi ở Hoa Kỳ và Đài Loan đã chết vì bệnh tật.
Nhật Bản trao trả bốn con gấu trúc lớn
Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, gấu trúc đực Vĩnh Minh (Eimei), 30 tuổi và hai gấu trúc cái sinh đôi của Vĩnh Minh là Anh Tân (Ouhin) và Đào Tân (Touhin), 8 tuổi, đã được chuyển lên phi cơ rời Nhật Bản vào tối hôm 22/02. Một ngày trước đó, công viên giải trí Wakayama Adventure World đã tổ chức lễ chia tay cho ba chú gấu trúc này.
Bản tin này viết, gấu trúc đực Vĩnh Minh trở lại Trung Quốc để phục vụ quá trình nghiên cứu bảo tồn và nhân giống gấu trúc, còn cặp chị em song sinh cái của Vĩnh Minh trở lại Trung Quốc để tìm bạn phối ngẫu.
Gấu trúc Vĩnh Minh chào đời ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1992 và đến Nhật Bản vào năm 1994. Vĩnh Minh là một chú gấu trúc có thành tích nhân giống vượt trội, còn được gọi là “super Dad”. Vĩnh Minh sinh được sáu con với gấu trúc mẹ Mỹ Mỹ (Meimei), gấu trúc mẹ này đã qua đời vào năm 2008. Sau đó Vĩnh Minh tiếp tục sinh mười gấu trúc con với gấu mẹ Nhược Hân (Rauhin). Vĩnh Minh hiện là cha của 16 gấu trúc con.
Hôm 21/02, một con gấu trúc lớn khác của Nhật Bản, Hương Hương (Xiang Xiang), cũng đã trở về Trung Quốc. Hương Hương được sinh ra ở Nhật Bản vào tháng 06/2017 và theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thì quyền sở hữu gấu trúc con sinh ra ở ngoại quốc cũng thuộc về Trung Quốc. Do sự bùng phát của dịch COVID-19, ngày trở về của Hương Hương đã bị hoãn bốn lần.
Phần Lan: Không đủ kinh phí để nuôi gấu trúc
Hồi cuối tháng Một, một vườn thú tư nhân ở Phần Lan cho biết họ sẵn sàng trả lại hai con gấu trúc lớn mà họ đã thuê từ Trung Quốc vì không còn khả năng chi trả cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng cặp gấu này.
Hai chú gấu trúc này có tên là Lumi và Pyry đã đến Phần Lan vào tháng 01/2018, ngay sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ký hợp đồng cho thuê gấu trúc 15 năm với Phần Lan trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới nước này vào năm 2017.
Vườn thú Ahtari, nằm ở miền trung Phần Lan, đã hy vọng hai chú gấu trúc này sẽ thu hút khách du lịch, nhưng thay vào đó lại phải gánh những khoản nợ ngày càng lớn do đại dịch COVID hạn chế các hoạt động du lịch.
Chính phủ Phần Lan đã đề nghị hỗ trợ tài chính một lần cho vườn thú này là 200,000 euro (210,000 USD) vào năm 2021, nhưng đã từ chối đơn xin tài trợ 5 triệu euro (5.3 triệu USD) của vườn thú này.
Theo hợp đồng thuê 15 năm, vườn thú này phải trả phí thuê hàng năm cho Trung Quốc. Mặc dù số tiền này không được công khai nhưng ước tính vào khoảng 1 triệu euro (1.06 triệu USD). Ngoài ra, vườn thú này còn phải tự trang trải chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc cặp gấu trúc.
Anh Quốc: Gặp khó khăn trong việc nuôi gấu trúc
Vương quốc Anh cũng thông báo rằng họ sẽ trả lại gấu trúc lớn cho Trung Quốc vào tháng Một. Hôm 04/01, Vườn thú Edinburgh ở Scotland cho biết họ dự kiến sẽ gửi một cặp gấu trúc trở lại Trung Quốc vào cuối tháng Mười năm nay.
Dương Quang (Yang Guang) và Điềm Điềm (Tian Tian) đến Edinburgh vào tháng 12/2011. Vườn thú Edinburgh trả 750,000 bảng Anh (900,000 USD) mỗi năm cho Trung Quốc để thuê hai con gấu trúc này.
Theo ông David Field, giám đốc điều hành của Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland, vì cặp gấu trúc này là cặp gấu duy nhất ở Vương quốc Anh, nên chúng rất được du khách yêu thích.
Nhưng không lâu sau khi cặp gấu này đến, người ta phát hiện ra rằng cặp gấu trúc này không muốn sinh con. Các nhân viên đã cố gắng thụ tinh nhân tạo tám lần, nhưng đều thất bại. Dương Quang cũng bị ung thư tinh hoàn và bị thiến sau khi phẫu thuật.
Hợp đồng thuê 10 năm cho cặp gấu trúc này vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, nhưng đã được gia hạn thêm hai năm do đại dịch COVID-19. Sau năm nay, hợp đồng thuê nói trên sẽ không được gia hạn thêm nữa.
Hoa Kỳ: Gấu trúc qua đời đột ngột
Trong khoảng thời gian gần đây, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố trả lại gấu trúc lớn.
Hôm 21/12/2022, Vườn thú Memphis ở Tennessee tuyên bố rằng họ sẽ trả Nha Nha (Ya Ya) và Lạc Lạc (Le Le) về Trung Quốc, chấm dứt hợp đồng thuê 20 năm của họ.
Theo thời hạn thuê, cặp gấu trúc này sẽ được trả về Trung Quốc vào ngày 07/04. Bất ngờ thay, Lạc Lạc được phát hiện đã chết trong khi ngủ hồi đầu tháng Hai ở tuổi 25.
Vườn thú Memphis không thể xác định nguyên nhân cái chết tại thời điểm thông báo. Ông Matt Thompson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của vườn thú, cho biết trong một cuộc họp báo rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Lạc Lạc bị ốm. Đoạn băng ghi hình từ những ngày trước khi Lạc Lạc qua đời cũng không có dấu hiệu của bất kỳ vấn đề gì.
Sau khi tin tức được đưa ra, truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ, và nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã hối thúc đưa Nha Nha trở về Trung Quốc trước ngày dự kiến.
Khi cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lan rộng ra nhiều lĩnh vực, cái chết bất ngờ của Lạc Lạc dường như càng khiến mối bang giao song phương trở nên xấu đi.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc cử một chuyên gia về gấu trúc lớn đến Hoa Kỳ, người ta đã xác định sơ bộ rằng nguyên nhân cái chết của Lạc Lạc là do một cơn đau tim. Đồng thời, bản đánh giá sức khỏe của Nha Nha kết luận rằng ngoại trừ tình trạng bị rụng lông do bệnh ngoài da ra thì Nha Nha vẫn ăn ngon miệng và có cân nặng ổn định.
Đài Loan: Gấu trúc chết vì động kinh
Một con gấu trúc lớn khác đã chết hồi năm ngoái có tác động chính trị lớn hơn [sự kiện ở Hoa Kỳ].
Hồi cuối tháng Tám năm 2022, Đoàn Đoàn (Tuan Tuan), một chú gấu trúc lớn mà Trung Quốc đã tặng cho Đài Loan có dấu hiệu bị động kinh và sau đó được chẩn đoán là bị tổn thương não và tiến triển bệnh ngày càng nặng hơn. Vì trước giờ chưa có ai có khả năng thực hiện phẫu thuật mở hộp sọ cho gấu trúc nên các bác sĩ thú y đã không theo đuổi lựa chọn này. Hôm 19/11, Đoàn Đoàn lên ba cơn động kinh liên tiếp. Đội ngũ y tế đã khẳng định là bệnh tình của chú gấu đực này không thể cứu vãn được nữa và quyết định đưa Đoàn Đoàn vào giấc ngủ bằng cách gây mê. Chiều cùng ngày, tim Đoàn Đoàn đã ngừng đập. Chú gấu này mới chỉ 18 tuổi, tương đương với 54 đến 55 tuổi theo tuổi của con người.
Thực tế, chính quyền Trung Quốc đã ngừng tặng gấu trúc lớn cho các quốc gia ngoại bang kể từ năm 1982, nhưng đã thực hiện một nỗ lực đặc biệt để tặng Đoàn Đoàn và Viên Viên cho Đài Loan vào năm 2006.
Cặp gấu trúc này ban đầu không được đặt tên như vậy, nhưng ĐCSTQ đã cố tình đổi tên của chúng thành “Đoàn-Viên” (muốn ám chỉ tới sự đoàn tụ và hợp nhất với Đài Loan).
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận rằng cái chết của Đoàn Đoàn giống như một điềm xấu cho ý định hợp nhất Đài Loan của Bắc Kinh.
Chính sách ngoại giao gấu trúc đã thất bại
Gấu trúc lớn là một loài động vật chỉ có ở Trung Quốc và được mọi người trên khắp thế giới yêu thích vì ngoại hình dễ thương và bản tính hiền lành. ĐCSTQ đã biết được điểm này. Từ năm 1957 đến 1982, nhà cầm quyền nước này đã tặng 23 con gấu trúc lớn cho chín quốc gia như vật biếu tặng. Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật Bản và Đức đều đã nhận được gấu trúc như một món quà đặc biệt.
Sau năm 1982, dưới áp lực trên toàn thế giới nhằm bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, ĐCSTQ đã ngừng tặng gấu trúc lớn và gửi gấu trúc ra hải ngoại để tham gia các chuyến triển lãm. Sau đó, ĐCSTQ đã thay đổi cách tiếp cận và quyết định gửi các cặp gấu trúc trưởng thành ra ngoại quốc. Những cặp gấu trúc này sẽ ở lại nước sở tại trong 10 năm để “nghiên cứu hợp tác” và trong toàn bộ khung thời gian đó, bên nhận gấu sẽ trả hàng triệu dollar phí thuê hằng năm.
Trong nhiều thập niên, gấu trúc lớn đã và đang được đối xử như những ngôi sao ở bất cứ nơi nào chúng đến. Đồng thời, những chú gấu này cũng đã giúp đánh bóng hình ảnh cho ĐCSTQ một cách hiệu quả.
Ông Quý Lâm (Ji Lin), một nhà bình luận thời sự sống tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times hôm 07/03 rằng gấu trúc lớn đã trở thành một loại quyền lực mềm của ĐCSTQ. Những quốc gia chấp nhận mượn gấu trúc của Trung Quốc cũng là một cử chỉ thể hiện việc họ chấp nhận lập trường chính trị của ĐCSTQ. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia không muốn duy trì cái gọi là “ngoại giao gấu trúc” này, vì lý do chính trị hoặc lý do tài chính, ông Quý nói.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times