Thực phẩm và binh lính: Hai điểm yếu chiến lược của Trung Quốc
Nhà địa chiến lược nổi tiếng Edward Luttwak chỉ ra gót chân Achilles của Bắc Kinh
Hôm 07/12/2022, Tiến sĩ Edward Luttwak, một nhà cố vấn chiến lược cho chính phủ Hoa Kỳ, đã có bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Các Vấn đề An ninh của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản (NIDS). Bài diễn văn này có nhan đề “Liệu Trung Quốc có thể Tiến hành một cuộc Chiến tranh hay không?”
Hầu hết các hãng thông tấn đã không đưa tin về hội nghị NIDS này và hầu như không có hãng nào trong số họ đề cập đến bài diễn văn của ông Luttwak. Các nguồn tin đã bỏ lỡ cơ hội nêu bật một số điểm yếu chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc. Những điều này nên được theo dõi sát sao nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan.
Liệu Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến không?
Tiến sĩ Luttwak đã lưu ý ngay từ phần mở đầu bài diễn văn của mình rằng ông không thể trả lời câu hỏi này: “Liệu chính phủ Trung Quốc có thực sự phát động các chiến sự hay không; họ có gây chiến với Đài Loan không?” Ông lưu ý rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia (chẳng hạn như ông Putin ở Ukraine hay ông Bush ở Iraq năm 2003), “hoàn toàn có khả năng khởi xướng các cuộc chiến mà họ không thể giành chiến thắng. Điều đó đúng với người Nga và người Mỹ, và thậm chí còn đúng hơn với Trung Quốc.”
Ông Luttwak đã đặt ra một câu hỏi đơn giản: “Liệu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đang tồn tại có thể thực sự tiến hành một cuộc chiến tranh … một cuộc chiến tranh nhỏ … chẳng hạn như một cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan?”
Sử dụng phép ẩn dụ về sức chống chịu, ông Luttwak lập luận rằng ĐCSTQ sẽ gặp rắc rối nếu hiện nay họ gây chiến với Đài Loan, đặc biệt nếu cuộc chiến này tiếp diễn trong hơn vài tháng. Phân tích của ông không dựa trên những so sánh tiêu chuẩn quân sự về thứ tự tác chiến của quân đội hai nước, hay là dựa trên các hệ thống vũ khí và quân số.
Thay vào đó, ông Luttwak tập trung vào hai điểm yếu chiến lược then chốt của Trung Quốc liên quan đến sức chống chịu: các nguồn cung cấp thực phẩm và các binh sĩ tử trận.
Xem xét Nga
Ông Luttwak so sánh Nga và Trung Quốc. Trước hết, liệu Nga có một cuộc chiến có thể chống chịu được không?
Theo ông Luttwak, “Nga không nhập cảng thực phẩm. Có lẽ Nga nhập cảng một số loại pate gan ngỗng vị nấm đặc biệt từ Paris, nhưng người Nga tiêu dùng loại thực phẩm mà họ làm ra.
Thứ hai, Nga không nhập cảng năng lượng; mà Nga xuất cảng năng lượng.
Thứ ba, Nga có thứ có giá trị nhất trong thời chiến: một số gia đình có nhiều con trai.
Tầm quan trọng của thực phẩm
Ngược lại, ông Luttwak lưu ý rằng hàng năm, Trung Quốc nhập cảng vài triệu tấn lương thực. Ví dụ, hồi năm 2022, Trung Quốc đã nhập cảng hơn 85% lượng đậu nành (95 triệu tấn) chủ yếu từ Hoa Kỳ, Brazil, và Argentina.
Ông Luttwak cho biết Trung Quốc nhập cảng thực phẩm cho người và thức ăn chăn nuôi, bao gồm “95 triệu tấn đậu nành, cộng với khoảng 20–30,000 tấn bắp, lúa mì, lúa miến, hạt kê, và những loại thực phẩm khác để làm thức ăn gia súc.” Ông nói thêm rằng, ngoài thịt, “tất nhiên là còn có nhập cảng sữa, rất nhiều sữa nhập cảng.”
Do đó, “Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ protein, mà protein lại quan trọng. Giờ đây, bất kể có xảy ra điều gì đi nữa, vào thời điểm một cuộc chiến dưới bất kỳ hình thức nào bùng nổ, thậm chí là một cuộc chiến nhỏ, thì các biện pháp trừng phạt kiểu G7 sẽ bắt đầu,” có nghĩa là Trung Quốc sẽ bị cấm tiếp cận với các mặt hàng nhập cảng như đậu nành từ Hoa Kỳ và Canada.
Ông đã lập luận rằng một khi một cuộc chiến khởi phát, thì “trong vòng khoảng ba tháng, họ sẽ phải mổ thịt … hầu hết heo, gà, cừu, và bò.”
Ông còn tuyên bố rằng trong thời kỳ ông Mao Trạch Đông cai trị Trung Quốc, người dân sống sót là vì họ ăn uống giản dị hơn. Họ đã không có nhiều thịt và chắc chắn không có sữa chua. “Trung Quốc đã từng tự túc [lương thực]. Nói cách khác, họ từng sống theo cách mà hiện nay người Nga tiêu thụ thực phẩm. Còn hiện giờ thì hoàn toàn khác.”
Ông Luttwak đã lưu ý rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã thất bại trong việc bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các nguồn thực phẩm địa phương. Bất chấp các luật mới đây ngăn cấm chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất dành cho công nghiệp, Trung Quốc vẫn tiếp tục mất đất nông nghiệp, chủ yếu là do xói mòn đất, công nghiệp hóa, và đô thị hóa.
Tuy nhiên, ông Luttwak lưu ý rằng Nga đã tham chiến kể từ tháng 02/2022 và “người dân ở Nga … vẫn tiêu thụ những thực phẩm giống như họ đã ăn cách đây sáu tháng, một năm.”
Năng lượng
Một số nhà phân tích có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ gặp thách thức trong việc mua sắm các nguồn năng lượng trong thời chiến. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc nhập cảng một lượng lớn xăng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng ông Luttwak cho biết, những hàng nhập cảng đó “không quan trọng về mặt chiến lược bằng thực phẩm.”
Ông Luttwak nói thêm rằng “Trung Quốc có một sản lượng dầu mỏ và khí đốt nội địa dồi dào.” Theo lập luận của ông, trong thời chiến, Trung Quốc sẽ có thể chuyển hướng các nguồn năng lượng được sử dụng cho xuất cảng thương mại sang trợ giúp cho dân chúng của họ. “Ngoài ra, trong thời chiến, hạn chế sử dụng năng lượng là điều khá dễ dàng.”
Binh sĩ thiệt mạng: Quá khứ có thể dự báo tương lai
Ông Luttwak đã lưu ý rằng ước tính thấp nhất về số người Nga thiệt mạng ở Ukraine tính đến tháng 12/2022 là 25,000 người. (Trong khi nhiều ước tính đưa ra con số hơn 100,000 người.) Ông cho biết người Nga “có thể mất 25,000 binh sĩ trong vài tháng và điều đó không có gì khác biệt …. Chẳng có ai chặn đường xá ở Moscow để phản đối. Tình trạng này có thể tiếp tục như vậy trong một thời gian dài.”
Sau đó, ông đã so sánh cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 của Liên Xô, cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, và cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra của PLA.
Theo ông Luttwak, khi Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968, họ “có thể đưa 400,000 quân vào trong 24 giờ đầu tiên. Và 800,000 quân trong vòng 48 giờ.”
Tuy nhiên, khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm 2022, họ đã mắc sai lầm lớn khi chỉ sử dụng 135,000 quân để xâm lược một quốc gia rộng gấp 4.5 lần Tiệp Khắc (603,700 km vuông so với 127,900 km vuông) và đông dân hơn bốn lần. (Năm 1968, dân số Tiệp Khắc là 10 triệu người; vào năm 2022, dân số Ukraine là khoảng 41 triệu.) Theo quan điểm của ông Luttwak, lẽ ra Nga nên lên kế hoạch khai triển gấp bốn lần số quân mà Liên Xô đã điều động đến Tiệp Khắc, tức là khoảng 3,200,000 người.
Sử dụng các tỷ lệ dân số tương tự, PLA sẽ cần khai triển tối thiểu 1,600,000 binh sĩ trong vòng 48 giờ sau một cuộc xâm lược, vì dân số Đài Loan bằng khoảng một nửa dân số Ukraine. ĐCSTQ sẽ gặp khó khăn với số lượng bộ binh thiếu thốn, giống như tình trạng Nga đang gặp khó khăn ở Ukraine.
Chiến tranh hậu anh hùng
Ông Luttwak tuyên bố rằng “nếu quý vị muốn tham chiến, quý vị cần phải có nguồn một cung cấp binh lính, thủy thủ, phi công có thể hy sinh …. Quý vị không thể bắt đầu chiến tranh nếu quý vị không sẵn sàng chấp nhận thương vong. Nhiều năm trước [1995], tôi đã công bố một lý thuyết gọi là chiến tranh hậu anh hùng…. Và lập luận của tôi vô cùng đơn giản, rất đơn giản. Những cuộc chiến trong lịch sử đã được chiến đấu bởi những đứa trẻ trai rảnh rỗi.”
Theo lý thuyết chiến tranh hậu anh hùng của ông Luttwak, “sự chấp nhận thương vong đã giảm xuống ở khắp mọi nơi. Nói như thế này nhé … [vào] ngày 06/06/1944, trên bãi biển Omaha, đã xảy ra sai lầm … 2,200 người Mỹ thiệt mạng trong một buổi sáng … thế nhưng cuộc chiến này vẫn tiếp diễn.”
Tại “Việt Nam, Hoa Kỳ đã mất 50,000 quân nhân trong 10 năm … và điều đó được xem là rất bi thương …. Và, tất nhiên, kể từ thời điểm đó, xã hội đã thay đổi nhiều hơn. Quy mô của các gia đình Mỹ trở nên nhỏ hơn … Vì vậy, khả năng chấp nhận thương vong đã giảm đi rất nhiều. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu quý vị đến một nơi như Iraq hay Afghanistan và quý vị tổn thất vài ngàn nhân mạng, điều đó không sao cả. Thế nhưng điều quý vị không thể làm là tổn thất 10,000 nhân mạng trước bữa sáng mà vẫn tiếp tục như thường. Đó là sự thay đổi hậu anh hùng.”
Những số liệu thống kê sau đây về Afghanistan và Iraq ủng hộ lập luận của ông Luttwak. Gần 2,500 binh sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng ở Afghanistan trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm (2001–2020) và 4,400 binh sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng tại Iraq trong cuộc chiến tranh kéo dài 7 năm (2003–2010). Ngoài ra, trong cùng khoảng thời gian tương ứng, hơn 3,800 nhà thầu Hoa Kỳ đã thiệt mạng ở Afghanistan và gần 3,600 nhà thầu đã thiệt mạng ở Iraq.
Sự thiếu hụt con trai ở Trung Quốc
Ông Luttwak đã trích dẫn số liệu thống kê về điều mà ông gọi là “một Trung Quốc thời hậu anh hùng.” Vào năm 1980, ĐCSTQ đã thiết lập “chính sách một con,” kéo dài đến năm 2016. Hầu hết các gia đình Trung Quốc ngày nay chỉ có một con. Mặc dù điều đó được cho là sẽ thay đổi theo các chính sách mới khuyến khích các gia đình có nhiều con hơn, nhưng những chính sách đó sẽ không có tác động trong nhiều thập niên.
Trong một mô hình mà các gia đình có rất ít con, “không có dư trẻ em trai, thì các gia đình, xã hội, văn hóa cũng như chính quyền đều phải giảm thiểu thương vong”.
Ông Luttwak đã kể một câu chuyện về cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở Thung lũng sông Galwan của Ladakh hồi năm 2020. Khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và ngay sau cuộc giao tranh, những người lính đã tử vong đó được tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội, trong đó có một thiếu tướng.
Tuy nhiên, phải mất tám tháng sau cuộc giao tranh này, ĐCSTQ mới tuyên bố về hành động gây thiệt hại nhân mạng của mình. ĐCSTQ đã thừa nhận bốn binh sĩ đã thiệt mạng: một sĩ quan và ba binh sĩ nhập ngũ. Điều gì đã xảy ra trong bảy tháng đó là phần thú vị của câu chuyện này.
Người vợ của viên sĩ quan PLA đó, một giáo viên âm nhạc địa phương, đã được thăng chức thành giáo sư âm nhạc tại một nhạc viện lớn.
Ba binh sĩ nhập ngũ đã thiệt mạng cũng được trao cho giá trị tuyên truyền đặc biệt. Một người lính trông còn rất trẻ đã được phong làm một người hùng địa phương. Một người lính PLA khác được biến thành “người tốt”, anh ta được cho là đã nói: “Tôi sẽ hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ quê hương — từng tấc đất của quê hương; Tôi ở đây để bảo vệ từng tấc đất.” Tất nhiên, Ladakh chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc — một sự thật phũ phàng.
ĐCSTQ đã giới thiệu vị binh sĩ nhập ngũ thứ ba là “rất truyền thống”. Trong một bức thư được cho là viết trước lúc ra đi, anh đã viết: “Cha mẹ kính yêu, con rất xin lỗi vì đã không ở bên cha mẹ khi cha mẹ cần con, nhưng nếu có kiếp sau … thì con hy vọng sẽ được ở bên cha mẹ.” Ông Luttwak nhận ra tính bất hợp lý khi những người người cộng sản vô thần nhắc đến kiếp sau.
Tóm lại, người Trung Quốc “lo ngại về phản ứng của công chúng. Toàn bộ hoạt động này là nhằm giảm tác động về mặt tình cảm khi thông báo rằng có bốn quân nhân thiệt mạng.”
Không chấp nhận thương vong
Ông Luttwak đã lập luận rằng nếu ĐCSTQ mất tới tám tháng để tìm ra các thông tin chi tiết về bốn người lính này, thì họ sẽ giải quyết ra sao khi vài ngàn, hoặc có thể là vài chục ngàn quân nhân thiệt mạng? Ông ước tính rằng 25,000–40,000 binh sĩ PLA sẽ thiệt mạng trong tuần đầu tiên của một cuộc xung đột với Đài Loan. Nhiều người sẽ thiệt mạng trên các chiến hạm hoặc các phi cơ khi cố gắng đổ bộ vào Đài Loan. Những con số thương vong này của PLA sẽ do các hệ thống chống hạm của Đài Loan cũng như các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh gây ra.
Ông Luttwak đi đến kết luận rằng mặc dù trong khung thời gian gần và trung hạn, Trung Quốc sẽ không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến, nhưng dù sao thì nước này cũng có thể khơi mào một cuộc chiến tranh như vậy. “Tôi hoàn toàn không tin rằng việc Trung Quốc không thể gây chiến có nghĩa là họ sẽ không cố gắng gây chiến.”
Tuy nhiên, ông đã dự đoán rằng “nếu Trung Quốc khơi mào một cuộc chiến, thì họ sẽ phải dừng lại khá nhanh”.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times