Tuyên bố Washington: Ý nghĩa đối với Đài Loan và Đông Á
Răn đe Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Dưới đây là một loạt câu hỏi được đặt ra cho tôi trên “Taiwan Talks,” một trong những chương trình truyền hình Anh ngữ của Đài Loan, liên quan đến các sự kiện gần đây giữa Nam Hàn, Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tầm quan trọng của “Washington Declaration” (Tuyên bố Washington) được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol của Nam Hàn thống nhất là gì?
“Tuyên bố Washington” được đưa ra nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Bắc Hàn (CHDCND Triều Tiên) cùng với một loạt các biện pháp răn đe mới của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ Nam Hàn.
Nhớ lại hồi tháng 09/2022, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố ba không: “hoàn toàn không phi hạt nhân hóa, không đàm phán, và không có sự nhượng bộ tiềm năng trong thương mại,” bất kể các lệnh trừng phạt quốc tế có được dỡ bỏ hay không. Tuyên bố Washington là một phản ứng đối với sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bắc Hàn thông qua các tuyên bố công khai của họ và hơn 100 vụ thử hỏa tiễn tầm xa kể từ đầu năm 2022. Hãy nhớ rằng sau khi Tổng thống đương thời Donald Trump gặp mặt nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, CHDCND Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hỏa tiễn tầm xa cho đến khi ông Trump chấm dứt nhiệm kỳ vào năm 2021.
Tháng 02/2022, Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu (CCGA) đã tiến hành một cuộc thăm dò ở Nam Hàn, cho thấy có đến 71% người tham gia (chiếm đa số) mong muốn quốc gia của họ sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.
CCGA đã tóm tắt kết quả cuộc thăm dò: “Sự ủng hộ đối với vũ khí hạt nhân rất mạnh mẽ, với 71% ủng hộ việc Nam Hàn phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, trong khi 56% ủng hộ việc khai triển vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ ở Nam Hàn. Tuy nhiên, khi được yêu cầu lựa chọn giữa hai phương án này, phần lớn công chúng nghiêng về một kho vũ khí độc lập (67%) hơn là sự khai triển của Hoa Kỳ (9%). Điều thú vị là có đến 40% phản đối việc khai triển của Hoa Kỳ, trong khi chỉ 26% phản đối một kho vũ khí hạt nhân trong nước.”
CCGA đã tiến hành cuộc thăm dò trên trước hàng loạt vụ thử hỏa tiễn và các hành động gây hấn khác của Bắc Hàn. Nói cách khác, con số hiện tại sẽ cao hơn do các hành động sau đó của Bắc Hàn. Chẳng hạn bao gồm các hành động sau:
- Các vụ thử hỏa tiễn của CHDCND Triều Tiên: CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hơn 95 vụ phóng hỏa tiễn trong năm 2022. CHDCND Triều Tiên cũng đã tiến hành 30 vụ thử hỏa tiễn khác kể từ đầu năm 2023 cho đến tháng Tư năm nay.
- Hỏa tiễn của CHDCND Triều Tiên bay qua Nhật Bản: Kể từ cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào tháng 08/2022 gần Đài Loan, CHDCND Triều Tiên đã phóng ít nhất năm hỏa tiễn bay qua Nhật Bản, khiến các chính trị gia và người dân sợ hãi, vào ngày: 04/10/2022, 03/11/2022, 18 và 20/02, và 13/04.
- ICBM sử dụng nhiên liệu rắn: CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm ICBM đầu tiên sử dụng nhiên liệu rắn hôm 13/04. Công nghệ hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu rắn bị nghi ngờ giống với hỏa tiễn Iskander của Nga. Việc Nga cung cấp công nghệ này có thể là một trong những lý do khiến Bắc Hàn cung cấp cho Nga nguồn cung ứng lớn cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Moscow.
- Hàm nghĩa của hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu rắn: Hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu rắn có nghĩa rằng nếu CHDCND Triều Tiên quyết định tấn công một quốc gia, quốc gia đó sẽ có rất ít khả năng phán đoán trước vì hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu lỏng cần thời gian để đổ đầy thùng nhiên liệu, còn hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu rắn thì không. CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ phóng cho khả năng cảnh báo, và đây sẽ là trường hợp đầu tiên Bắc Hàn thể hiện năng lực này đối với các ICBM của mình. Không chỉ Nam Hàn sẽ gặp rủi ro mà cả Nhật Bản, Hoa Kỳ và thậm chí là Đài Loan. Hơn nữa, hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu rắn là công nghệ cần thiết cho hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân phóng từ biển.
Trước khi đến thăm Hoa Kỳ, ông Yoon cho biết ông sẽ cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo dân sự. Đây là sự đảo ngược lập trường viện trợ phi quân sự của ông do nỗ lực của Nam Hàn nhằm “tránh việc gây phản cảm đối với Nga vì các công ty của họ đang vận hành tại quốc gia này và ảnh hưởng của Moscow đối với Bắc Hàn.”
Thỏa thuận mới này có ý nghĩa gì đối với Đông Á, kể cả Nhật Bản và Đài Loan?
- Hoa Kỳ đang củng cố các liên minh của mình, gửi thông điệp răn đe tới Bắc Hàn và Trung Quốc.
- Nhật Bản và Nam Hàn đang trở nên gắn kết hơn do các mối đe dọa chung: Bắc Hàn và Trung Quốc.
- Các nước Âu Châu đang gây dựng liên minh với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Nam Hàn và Nhật Bản đang đàm phán về một thỏa thuận an ninh, các thỏa thuận của Nhật Bản-Anh Quốc và Úc gần đây, và Pháp đang đàm phán với Nhật Bản).
- Thỏa thuận của Hoa Thịnh Đốn gây áp lực lên Nhật Bản để thực hiện một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ. Thỏa thuận này có thể xoa dịu những lo ngại của người Nhật, những người cũng mong muốn năng lực hạt nhân của riêng họ độc lập với Hoa Kỳ.
- Về mặt kinh tế, Nam Hàn đã đồng ý hạn chế bán chất bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc, mặc dù điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) và các quan chức Đài Loan chụp ảnh với phái đoàn Nhật Bản tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 28/07/2022. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan qua AP)
Bài diễn văn của ông Biden tại bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc với ông Yoon lưu ý rằng các cuộc thảo luận của họ bao hàm việc “thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và hơn thế nữa.” Nói cách khác, Nam Hàn có vai trò thúc đẩy hòa bình và sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và hơn thế nữa. Cho đến nay, chính phủ Nam Hàn vẫn lập luận rằng thách thức của Bắc Hàn sẽ khiến họ quá bận rộn để can dự vào các khu vực xung đột khác.
Ông Biden cũng thuyết phục ông Yoon gửi viện trợ quân sự cho Ukraine lần đầu tiên — Nam Hàn đã nỗ lực tránh gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, tuyên bố (quốc gia này) trung lập trong cuộc xung đột.
Hành động hung hăng của Bắc Hàn và Trung Quốc trong hai năm qua đã buộc các nước láng giềng của Trung Quốc và Bắc Hàn phải có phản ứng. Phản ứng này có hai phần:
- Tăng cường khả năng phòng thủ trong nước của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines và các quốc gia khác.
- Tăng cường liên minh quốc phòng giữa các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các quốc gia Âu Châu.
Khi các quốc gia thân thiện với Đài Loan trở nên gắn kết hơn trong mối quan hệ của họ, điều này sẽ giúp ích cho Đài Loan nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào nước này. Nói cách khác, khi các quốc gia này trở nên giống NATO hơn (tập huấn cùng nhau, sử dụng một mô hình hoạt động chung để tiến hành các hoạt động quân sự và cùng nhau lập kế hoạch để giải quyết các hành động xung đột), Đài Loan ngày càng giống Ukraine hơn. Một ngày nào đó, Đài Loan có thể trở thành một phần của cấu trúc liên minh mới đang phát triển này.
Đài Loan có một nguồn tài nguyên độc nhất mà không một quốc gia nào khác, có lẽ ngoại trừ Singapore, có thể sở hữu — một lượng lớn các nhà ngôn ngữ học Trung Hoa, các nhà ngôn ngữ học bản địa. Do đó, Đài Loan có thể hỗ trợ liên minh đang phát triển này bằng cách cung cấp thông tin, tình báo — các dấu hiệu và cảnh báo — về các hoạt động của PLA trong và xung quanh Eo biển Đài Loan, cũng như cung cấp thông tin chiến lược về những thứ mà ĐCSTQ và các phần tử trợ giúp của họ đang thực thi trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa.
Hiện tại, thỏa thuận này có ý nghĩa gì ở cấp độ quân sự?
Hiện tại, Hoa Kỳ sẽ có một bến cảng để sử dụng cho các tàu ngầm hạt nhân của mình tại Nam Hàn — tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm đạn đạo hạt nhân, tàu ngầm hỏa tiễn hành trình (SSBN/SSCM). Hoa Kỳ không có bất kỳ cơ sở nào cho các tàu ngầm của mình ở Đông Á để cập cảng. Đây cũng là một cách rõ ràng để nhắc nhở Bắc Hàn rằng Hoa Kỳ duy trì vị thế răn đe trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn.
Sự hiện diện rõ ràng của tàu ngầm cũng nhắc nhở Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang ở rất gần. SLBM và SLCM có thể vươn tới bất cứ đâu ở Trung Quốc nếu các tàu ngầm của Hoa Kỳ ở biển Hoa Đông hoặc tây Thái Bình Dương.
Thỏa thuận này đã xoa dịu một số áp lực nội bộ của Nam Hàn để phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Theo một cuộc khảo sát năm 2022, có đến 71% người Nam Hàn mong muốn đất nước họ sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Quý vị có dự đoán về những thỏa thuận nào trong tương lai dựa trên Tuyên bố Washington và các thỏa thuận khác trong khu vực hay không?
Dựa trên phân tích của tôi về các xu hướng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và dựa trên sự thông thái của tổ phụ Abraham Lincoln rằng “cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó,” sau đây là những thỏa thuận mới trong tương lai mà tôi dự đoán sẽ xảy ra nếu mỗi quốc gia có chính sách sẵn sàng. Những cải tiến này sẽ nằm trong các lĩnh vực sau: các thỏa thuận an ninh song phương, bộ tứ Quad và liên minh AUKUS. Một AUKUS được tăng cường sẽ có tác dụng chiến lược lớn nhất đối với khu vực do yếu tố răn đe.
Một trong những đồng sự của tôi gợi ý rằng có lẽ là một phần của Tuyên bố Washington, Hoa Kỳ có thể đưa Nam Hàn vào Nhóm Bộ tứ, AUKUS và thậm chí cả G-7.
Các thỏa thuận tăng cường an ninh
Tăng cường các hiệp định an ninh song phương
Ông Yoon tuyên bố ông sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương của Nam Hàn “để tăng cường chia sẻ thông tin, lập kế hoạch dự phòng chung và cùng thực hiện các kế hoạch.” Tuy nhiên, điều này không chỉ áp dụng cho các đồng minh hiện tại (là Mỹ), mà có cả các đồng minh mới như Úc, Nhật Bản, Philippines và có thể một ngày nào đó là Đài Loan. Hy vọng rằng, một khi có nhiều hiệp ước song phương tồn tại, các chính phủ này có thể chuyển đổi các hiệp ước này thành một hiệp ước liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các thông báo gần đây của Nhật Bản và Nam Hàn về việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác về an ninh thương mại công nghệ cho thấy các mối đe dọa chung đang thúc đẩy họ tiến nhanh hơn cùng với nhau.
Mở rộng bộ tứ Quad (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Hoa Kỳ)
Bộ tứ Quad sẽ bổ sung thêm Nam Hàn (một thành viên thứ Năm), mà ông John Bolton đã đề cập trong bài diễn văn của ông tại Đài Bắc hồi đầu tháng này, và ông Yoon đã thể hiện mối quan tâm mạnh mẽ đến việc tham gia bộ tứ Quad kể từ khi trở thành tổng thống. Cuối cùng, Đài Loan có thể là một đối tác liên kết hoặc một kiểu thành viên mới.
Mở rộng liên minh AUKUS (Úc, Anh, Mỹ)
Cũng như Nhật Bản, Nam Hàn nên được gia nhập AUKUS. Đài Loan một lần nữa có thể đóng một vai trò nào đó, có thể là một địa điểm để neo đậu tàu ngầm hạt nhân của các nước thân thiện, một khi căn cứ tàu ngầm sẵn có ở phía đông của hòn đảo tự trị này. Một bài báo tiếp theo về việc mở rộng AUKUS sẽ được xuất bản để mô tả ý nghĩa của việc này.
Tóm lược
Nếu việc tăng cường các mối quan hệ trở thành hiện thực, thì Trung Quốc cộng sản sẽ bị cản trở rất nhiều trong các kế hoạch bành trướng của mình, do đó làm trì hoãn hành động quân sự của PLA đối với Đài Loan, Biển Đông và các khu vực có tuyên bố chủ quyền khác. Những thỏa thuận chồng chéo này tạo ra mối liên kết dày đặc hơn và khả năng phục hồi tổng lực giữa các quốc gia bị đe dọa. Những thỏa thuận tăng cường này tạo ra một xu hướng tích cực mạnh mẽ cho hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times