Nam Hàn triệu tập đại sứ Trung Quốc vì những nhận xét ‘khiêu khích’ về mối bang giao với Hoa Kỳ
Hôm thứ Sáu (09/06), Nam Hàn đã triệu tập đại diện ngoại giao cao nhất của Trung Quốc để phản đối những nhận xét “khiêu khích” của ông này về mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, nói rằng một hành động như vậy tương đương với việc can thiệp vào công việc nội bộ.
Đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh (Xing Haiming) đã đưa ra những nhận xét đó trong cuộc gặp với lãnh đạo phe đối lập Nam Hàn Lee Jae-myung hôm thứ Năm (08/06), trong đó ông kêu gọi Nam Hàn “loại bỏ sự can thiệp của các yếu tố bên ngoài khi quản lý mối bang giao với Trung Quốc.”
“Mối bang giao Trung Quốc-Đại Hàn Dân Quốc hiện đang gặp phải những khó khăn đáng kể. Thành thật mà nói, bên chịu trách nhiệm cho tình hình này không phải là Trung Quốc,” ông nói, sử dụng tên chính thức của Nam Hàn, Đại Hàn Dân Quốc (ROK).
“Hoa Kỳ đang cố gắng hết sức để kìm hãm Trung Quốc. Một số người đặt cược rằng Hoa Kỳ sẽ thắng còn Trung Quốc sẽ thua,” vị đại sứ này nói thêm. “Những người đặt cược chống lại Trung Quốc sẽ hối tiếc trong tương lai.”
Ông Hình nói thêm rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong lợi ích của Trung Quốc, và Nam Hàn nên tôn trọng điều đó.
‘Đi quá xa’
Thứ trưởng Ngoại giao thứ Nhất của Nam Hàn, ông Chang Ho-jin “đã nghiêm khắc cảnh báo” rằng những nhận xét của ông Hình là một vi phạm nghi thức ngoại giao và có thể cấu thành hành vi can thiệp vào công việc nội bộ.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin cho biết Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin cũng lên án hành động của vị phái viên này, nói rằng ông Hình “đã đi quá xa.”
Ông Park nói với các ký giả rằng, “Có những quy tắc ngoại giao, và vai trò của một đại sứ là tăng cường mối giao hảo, chứ không phải gieo rắc hiểu lầm.”
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã bảo vệ hành động của ông Hình và nhắc lại lập trường của vị phái viên này rằng Trung Quốc không phải bên đáng bị khiển trách về những thách thức trong mối bang giao Trung Quốc-Nam Hàn.
“Một phần công việc của đại sứ Hình là giao thiệp rộng rãi với chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, các đảng phái chính trị, và người dân thuộc mọi giai tầng xã hội, trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và các vấn đề đôi bên cùng quan tâm, đồng thời chia sẻ về lập trường và những lo ngại của Trung Quốc,” ông Uông nói với các ký giả.
Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ của mình và tuyên bố sẽ chiếm lấy hòn đảo tự trị này bằng mọi cách cần thiết. Hồi tháng Tư, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol cho biết ông phản đối những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, “Những căng thẳng này xảy ra do những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và chúng tôi cùng cộng đồng quốc tế hoàn toàn phản đối một thay đổi như vậy.”
“Vấn đề Đài Loan không chỉ đơn giản là một vấn đề giữa Trung Quốc và Đài Loan, mà giống như vấn đề của Bắc Hàn, đó là một vấn đề toàn cầu,” ông Yoon nói thêm.
Tuyên bố Washington giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn
Hôm 26/04, ông Yoon và Tổng thống Joe Biden đã ký Tuyên bố Washington, phác thảo ra một bộ các biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ. Sự việc đã thu hút sự chỉ trích từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Hôm 29/04, hãng truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) cho rằng “nếu Seoul phớt lờ các cảnh báo từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn và hoàn toàn thực hiện mệnh lệnh ‘răn đe mở rộng’ của Hoa Kỳ trong khu vực, thì Nam Hàn có thể sẽ phải đối mặt với sự trả đũa từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn.”
Khi được hỏi về sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh đối với việc ký kết Tuyên bố Washington, ông Yoon nói rằng Nam Hàn “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ.
“Nếu [Bắc Kinh] hoàn toàn không tham gia vào các biện pháp trừng phạt đối với việc [Bắc Hàn] vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thì họ muốn chúng tôi làm gì đây? Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác,” ông cho biết.
“Nếu họ muốn phản đối chúng tôi và chỉ trích chúng tôi vì đã thông qua Tuyên bố Washington và nâng cấp hợp tác an ninh của chúng tôi lên cơ sở dựa trên hạt nhân, thì họ nên giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân hoặc ít nhất là tuân thủ luật pháp quốc tế và tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với [Bắc Hàn],” ông nói thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Lisa Bian và Sean Tseng
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times