Công an Bắc Kinh sách nhiễu, bắt cóc nhà hoạt động-doanh nhân trong kỳ họp ‘lưỡng hội’
Tối hôm 09/03, một nhà hoạt động kiêm doanh nhân Trung Quốc đã bị công an địa phương cưỡng chế bắt đi tại nhà riêng của ông ở Bắc Kinh để phục vụ quá trình “điều tra” của họ về cái gọi là “Phong trào Giấy Trắng”.
Doanh nhân Quách Khôn Bằng (Guo Kunpeng) cho biết ông tin rằng việc giam giữ này có liên quan đến kỳ họp “Lưỡng Hội” thường niên diễn ra vào đúng thời điểm ông bị bắt. Ông Quách cho biết mãi đến tận nửa đêm hôm đó ông mới được thả về nhà. Hoạt động sách nhiễu người dân của chính quyền Trung Quốc thường được đẩy mạnh vào những ngày được gọi là “ngày nhạy cảm”, chẳng hạn như vào dịp diễn ra các kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Quách có thể đã bị đưa vào tầm ngắm vì ông đã nhiều lần khiếu nại để phản đối việc cưỡng chế phá dỡ khu xưởng sản xuất của mình. Ông cho biết bản thân đã bị thiệt hại hàng trăm triệu nhân dân tệ (hơn 10 triệu USD) sau khi chính quyền thị trấn địa phương tiến hành phá dỡ khu nhà xưởng của ông vào năm 2018. Việc phản đối phá dỡ và đòi bồi thường này có thể đã khiến ông trở thành mục tiêu trong cuộc đàn áp của chính quyền cộng sản — mặc dù việc phá dỡ này đã được chính thức xác nhận là bất hợp pháp.
Hôm 10/03, ông Quách nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng công an đã gõ cửa nhà ông và cắt ngang bữa tối của ông, sau đó cưỡng chế đưa ông đi với cáo buộc là ông bị “tình nghi phạm tội gây gổ và gây rối”. Ông Quách cho biết ông đã hỏi công an rằng làm thế nào mà ông có thể gây gổ hoặc gây rối khi đang dùng bữa tối ở nhà.
Tăng cường giám sát trong kỳ họp lưỡng hội
Trong kỳ họp chính trị “Lưỡng Hội” — là phiên họp chung hằng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc — hoạt động đàn áp dân thường Trung Quốc thường được tăng cường dưới danh nghĩa duy trì sự ổn định của chế độ.
Là một nạn nhân của hoạt động cưỡng chế phá dỡ và từ chối chấp nhận hành vi bất hợp pháp này, ông Quách thường xuyên bị đàn áp kể từ khi ông bắt đầu bảo vệ quyền lợi của mình đối với khu đất này — và/hoặc bồi thường thiệt hại cho tài sản trên khu đất đó — vào năm 2018.
Trong hơn bốn giờ tại đồn công an, ông Quách đã bị thẩm vấn về việc liệu ông có tham gia một nhóm trò chuyện trực tuyến về chủ đề “Phong trào Giấy trắng” hay không và liệu ông có giúp đưa đón con cho luật sư nhân quyền Trung Quốc bị bức hại Vương Toàn Chương hay không.
Ông Vương là một nạn nhân trong cuộc đàn áp “709” đối với các luật sư nhân quyền Trung Quốc vào năm 2015 và mặc dù được ra tù vào năm 2020, nhưng công an mặc thường phục và các loại xe không mang quân hiệu vẫn tiếp tục giám sát ông đến tận hôm nay.
Vào sáng sớm hôm 08/03, công an mặc thường phục đã đến thăm căn nhà nằm trong khu chung cư của ông Vương, theo đoạn video tại nhà mà ông ghi lại và đăng trên Twitter. Ông Vương cho biết trong một bài đăng gần đây trên một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc rằng lốp xe của ông đã bị ai đó cố tình đâm thủng.
Kể từ ngày 08/03, công an đã bắt ông Vương phải ở yên trong nhà. Ông Quách Khôn Bằng đã giúp đưa con của ông Vương đi học và đến trường đón vào buổi chiều vì họ sống trong cùng một khu chung cư.
Ông Quách nói: “Họ [những người công an này] quả đúng là coi trời bằng vung.”
Nạn nhân của cưỡng chế phá dỡ
Là chủ sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Hối Anh Hào Bắc Kinh, ông Quách có giấy chứng nhận quyền sử dụng và hợp đồng cho thuê diện tích 292,000 bộ vuông (27,127 mét vuông) đất công nghiệp và các tòa nhà tại Thị trấn Tây Hồng Môn ở quận Đại Hưng phía bắc Bắc Kinh. Những giấy tờ này đã được Chính quyền Quận Đại Hưng cũng như Phòng Tài nguyên và Đất đai phê chuẩn vào năm 2006 và có hiệu lực cho đến năm 2043.
Ông Quách đã tu sửa lại toàn bộ cơ sở này, hoàn thiện hệ thống nước, nhiệt, điện, nhà xưởng, và tòa nhà văn phòng. Một phần của khu nhà này được dùng làm xưởng sơn, phần còn lại cho một xưởng may mặc thuê.
Vào ba ngày khác nhau trong năm 2018, chính quyền thị trấn Tây Hồng Môn đã phá dỡ các phần trong khuôn viên nhà xưởng của ông Quách chiếm tổng diện tích khoảng 97,000 bộ vuông (9,011 mét vuông) — mà không có bất kỳ thông báo nào.
Lần nào ông Quách cũng gọi công an và không cho họ phá dỡ. Tuy nhiên, từ tháng 09 đến tháng 10/2018, đội phá dỡ đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ khu nhà xưởng này. Ông nói, “Tất cả những thứ trong nhà máy này đều một đi không trở lại. Họ [chính quyền thị trấn] đã đem đồ đạc ở đây đi bán phế liệu. Tôi đã không tháo một con vít nào … Mọi thứ đều biến mất.”
Theo ông Quách, ông không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ những người thu mua tái chế. Những gì còn lại là một khu đất trống, và chính quyền địa phương thậm chí đã xây tường và lắp cổng để ngăn ông tiếp cận khu đất ban đầu.
Dựa trên giá thị trường của các công trình tương tự trong khu vực, ông Quách ước tính khoản thiệt hại của mình rơi vào khoảng từ 90 triệu đến 110 triệu nhân dân tệ (12 triệu đến 15 triệu USD).
Căn cứ vào Luật Thẩm tra Hành chính của Trung Quốc, chính quyền quận Đại Hưng cuối cùng đã ban hành quyết định xác nhận rằng việc chính quyền thị trấn Tây Hồng Môn phá hủy cơ sở của Công ty Hối Anh Hào là bất hợp pháp vào ngày 13/01/2020.
Tuy nhiên, tòa án quận Đại Hưng đã không chấp thuận yêu cầu khôi phục nhà máy của ông Quách, nhưng đã chấp thuận khoản tiền bồi thường thiệt hại kinh doanh là 3 triệu nhân dân tệ (440,000 USD).
Cho đến nay, tòa án này vẫn im hơi lặng tiếng về việc bồi thường cho hoạt động phá dỡ tài sản của ông Quách.
Ông Quách đã không cam chịu chấp nhận những khó khăn cản trở trong việc bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình — vốn là những quyền lợi mà ông nói đã bị chính quyền vi phạm hoàn toàn.
Vào ngày 13/07/2021, bộ phận phát triển địa ốc đô thị và nông thôn của Bắc Kinh, thay mặt cho thị trấn nói trên, đã ban hành một quyết định, tuyên bố rằng việc phá dỡ được thực hiện để “giúp đỡ” công ty của ông Quách “giải phóng mặt bằng đất thuộc sở hữu nhà nước” — và đưa ra một số tiền bồi thường cho việc thu hồi đất và phá dỡ nhà máy là 45 triệu nhân dân tệ (6.5 triệu USD).
Ông Quách không đồng ý với quyết định này, và ông tin rằng chính quyền đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách tuyên bố rằng họ đã giúp công ty của ông “dọn sạch nhà máy trên khu đất này,” ông nói.
Mới đây, chính quyền thị trấn địa phương đã liên lạc lại với ông Quách và cố gắng thương lượng mức giá 38 triệu nhân dân tệ (5.5 triệu USD) để mua lại toàn bộ công ty, theo ông Quách.
“Tôi sẽ không đồng ý với mức giá này,” ông Quách nói, “mức giá này quá thấp.”
Ông bày tỏ rằng ông sẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình đến cùng, dù cho ông bị chính quyền địa phương sách nhiễu trong hơn bốn năm.
“Là một doanh nhân, tôi vẫn đang cố gắng để có một môi trường an toàn mà tôi có thể cần cù lao động,” ông nói. “Họ không thể tước đi quyền của tôi.”
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times