ĐCSTQ khai triển đội quản lý nông thôn, đưa Trung Quốc về thời kỳ cắt đứt ‘cái đuôi tư bản’ của Mao
Quản lý Nông thôn, một thuật ngữ được giới thiệu vào năm 2023 để chỉ các đội nhóm nằm dưới sự quản lý Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, đã nhanh chóng thu hút sự phẫn nộ của dư luận.
Các đội này sẽ quản lý vùng nông thôn giống như đã được thực hiện vào thời ông Mao Trạch Đông khi ngũ cốc là sản phẩm canh tác chính, sản xuất bị nghiêm cấm, và những người nông dân trồng rau bị xem như là “cái đuôi tư bản” ô uế cần phải cắt bỏ.
Các nhà bình luận cho biết tổ chức mới này cho thấy Bắc Kinh cảm nhận được sự không chắc chắn và dễ thay đổi của người dân nông thôn.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng những nhóm người hỗn loạn và vô kỷ luật, lực lượng chấp pháp trái pháp luật này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở vùng nông thôn.
Sự xuất hiện lố bịch
Theo các quan chức, nhiệm vụ của quản lý nông thôn là trấn áp các hoạt động bất hợp pháp như bán các loại hạt giống, thuốc trừ sâu, và thuốc thú y giả hoặc kém chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều video cho thấy các hoạt động theo kiểu ‘hội đồng’ của những người được gọi là lực lượng thi hành pháp luật đã xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Chẳng hạn, một đội [quản lý] địa phương đã trưng thu chiếc tủ lạnh của một người dân làng, mà đội này cho biết đã bị trục trặc vào ngày đầu tiên họ đến. (Xem video)
Một đội [quản lý] địa phương khác đã bắt giữ gà thả rông của dân làng để tiêu thụ riêng, ngụy biện rằng gia cầm chỉ có thể được nuôi trong chuồng gà của những nông dân chăn nuôi gà. (Xem video)
Một video khác cho thấy một đội quản lý đã sử dụng xe lu để nghiền nát táo tàu xanh ở Vận Thành, tuyên bố rằng không thể bán hoặc mua táo tàu chưa chín. (Xem video)
Đội quản lý này cũng phô trương quyền thế của mình qua các video trực tuyến.
Chẳng hạn, một đội chỉ cho nông dân cách xới đất bằng xẻng. (Xem video)
Một thành viên mặc đồng phục trong đội tuyên bố: “Chúng tôi chịu trách nhiệm khi bên quản lý giao thông hoặc quản lý thành phố không thể.” “[Chúng tôi] được trao quyền thi hành trước khi xin phép.” (Xem video)
Thêm một tầng xiềng xích
Cô Vương, một cư dân Thiểm Tây, bày tỏ sự tức giận về việc thiết lập quản lý nông thôn với ấn bản tiếng Hoa ngữ của The Epoch Times.
Cô nói: “Chỉ là nuôi mấy con gà, mấy con heo, và trồng một số nông sản. Có gì để quản lý đây? Nhưng những tên côn đồ đó rất giỏi lấy trộm gà [của chúng tôi]; bây giờ việc cướp bóc được hợp pháp hóa dưới danh nghĩa quản lý nông thôn.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tước đoạt quỹ hưu trí của nông dân, phá hủy nhà cửa, cướp đất của họ, và giờ đây lại trơ tráo dắt mũi nông dân. “[Nếu] họ nghĩ rằng họ biết làm nông, thì họ nên tự mình làm lấy,” cô nói.
Một cư dân mạng nhận xét: “Có quản lý đô thị trong thành phố, quản lý giao thông trên đường, và quản lý nông thôn trong nước; không phải là người Trung Quốc đang là nô lệ sao?”
Một cư dân mạng Trung Quốc khác mạnh dạn nhận xét: “Quản lý nông thôn là một tầng xiềng xích khác đặt lên cổ người nông dân.”
Lực lượng thi hành bất hợp pháp
Được liệt kê trong cái gọi là “các biện pháp thực thi hành chính trong nông nghiệp” (Các biện pháp) có hiệu lực từ ngày 01/01, điều 30 quy định chính quyền địa phương cần bảo đảm họ có ngân sách cho việc hoạt động và trang thiết bị cần thiết.
Trong thông báo đấu thầu công khai của chính quyền địa phương ở Tây Tạng, thành phố Lâm Chi (Nyingchi) đã liệt kê các mục cần mua sắm như dùi cui điện, kính nhìn ban đêm, áo khoác chống đâm, đèn pin, thiết bị gây nhiễu tín hiệu, dây cáp cảnh sát, và .v.v. để phục vụ hoạt động của đội quản lý nông nghiệp.
Một cư dân mạng đăng rằng, “Đội nông thôn này chắc hẳn là tàn bạo … với thiết bị của cảnh sát. Hãy cẩn trọng, nông dân ơi.”
Nhà sử học Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) cho biết chính quyền này đang vũ trang bất hợp pháp cho một tổ chức để củng cố chính thể chuyên quyền của mình.
Ông nói, “Nhà cầm quyền xem khu vực nông thôn là nguồn gốc của bất ổn” vì số lượng lớn lao động nhập cư thất nghiệp đã trở về quê.
Đội [quản lý] nông thôn này sử dụng cách tiếp cận đấu tranh quần chúng điển hình của Cộng sản. Ông Lý nói, “Họ sẽ thi hành các mệnh lệnh chính thức ngoài vòng pháp luật nhưng một khi xuất hiện vấn đề, chẳng hạn như có án mạng xảy ra trong cuộc xung đột xuất phát từ việc quản lý nông thôn, thì họ cũng trở thành vật tế thần cho chính quyền.”
Một nhà bình luận người đại lục muốn ẩn danh cũng cho biết số lượng lớn người dân nông thôn thất nghiệp là mối lo ngại nghiêm trọng đối với Bắc Kinh.
Ông nói, “Suốt mấy ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, quý vị xem ngay cả trên toàn thế giới này, có quốc gia nào vẫn còn quản lý nông thôn không?”
Ông tin rằng nhóm quản lý này đã thể hiện chuyên môn của họ trong việc bắt nạt dân làng địa phương, khi họ “ăn-chặn-đòi-vòi-cướp-phá” bất cứ thứ gì thuận cho họ.
Kẻ thù xâm lược
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết [tình trạng ở] các khu vực nông thôn đang lao dốc một cách nghiêm trọng vì dân số nghèo đói vẫn còn rất đông. Ông nói: “Xóa đói giảm nghèo toàn là những lời dối trá.”
Ông đã sử dụng thành ngữ “Quỷ tử tiến thôn” (quỷ xâm lăng đang vào làng) để mô tả việc đóng quân của các đội quản lý này ở vùng nông thôn.
“Quỷ xâm lăng” là một từ mà khi xưa những người dân làng ở Trung Quốc dùng để cảnh báo cho nhau khi quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.
Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ Hai, binh lính Nhật Bản sẽ lấy đi bất cứ thứ gì có thể ở làng mạc để tích trữ dọc theo tuyến đường xâm lược của họ trên mảnh đất rộng lớn Trung Quốc. Dân làng sẽ cảnh báo lẫn nhau để ẩn đi khi lính Nhật Bản có vũ trang và bạo lực đến.
Ông Phùng cho biết ĐCSTQ giống như ‘quỷ xâm lăng’ đang đóng quân ở Trung Quốc, trong các ngôi làng và nhà máy, kể từ khi đảng này thành lập.
“Người Trung Quốc từng có quyền sở hữu tài sản, đất đai, và nhà cửa, chẳng hạn như trong triều Minh và triều Thanh, và ở thời dân quốc, ngay cả khi người Nhật Bản đang xâm lược,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Dịch Như
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times