Ông Tập kêu gọi các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu chuẩn bị cho ‘các tình huống xấu nhất’
Hôm 30/05, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã nói các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của mình sẵn sàng cho “các tình huống xấu nhất” và “những trận bão biển cuồng phong”.
Theo hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã, ông Tập đã đọc bài diễn văn trước các quan chức tham dự cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia kể từ khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra hồi năm ngoái (2022).
Với tư cách là chủ tịch ủy ban, ông Tập cho biết họ phải hiểu sâu sắc “sự phức tạp và khó khăn của các vấn đề an ninh quốc gia mà chúng ta hiện phải đối mặt đang tăng lên một cách đáng kể.”
Ông Tập kêu gọi các quan chức ĐCSTQ phát huy “tinh thần đấu tranh” và “phải tuân thủ suy nghĩ ở điểm mấu chốt và suy nghĩ đến tình huống xấu nhất, đồng thời sẵn sàng đương đầu với các khảo nghiệm cường đại của những cơn phong ba bão táp, và thậm chí là những trận bão biển cuồng phong.”
Việc ông Tập sử dụng “suy nghĩ ở điểm mấu chốt và suy nghĩ đến tình huống xấu nhất” đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận các vấn đề về Trung Quốc kiêm người phụ trách chuyên mục bình luận của The Epoch Times, đã viết: “Có thể đây là lần đầu tiên trong một cuộc họp chính trị cao cấp của ĐCSTQ, hai thuật ngữ này được sử dụng cùng lúc. Sự kết hợp của hai thuật ngữ này cho thấy giọng điệu của hội nghị Ủy ban An ninh Quốc gia lần này là đằng đằng sát khí.”
“Vào thời khắc nguy hiểm nhất, ĐCSTQ sẽ có biểu hiện hung ác nhất. Nhưng thời điểm hung ác nhất ấy cũng là thời điểm mà ĐCSTQ yếu nhược nhất và họ sử dụng biểu hiện hung ác để che đậy sự yếu đuối bên trong của mình.”
‘Phức tạp và nghiêm trọng’
Ông Tập cũng nhấn mạnh nhà cầm quyền Bắc Kinh phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội, làm cho lực lượng này hiệu quả hơn trong “chiến đấu thực tế và sử dụng thực tế”, trong bối cảnh ĐCSTQ đối mặt với hình thế “phức tạp và nghiêm trọng” về an ninh quốc gia.
Liên quan đến nhận xét mới nhất của ông Tập về tình hình này trong cuộc họp, nhà quan sát các vấn đề về Trung Quốc Chung Nguyên (Zhong Yuan) nói với The Epoch Times rằng điều này tương đương với việc thừa nhận rằng sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của ĐCSTQ hồi năm ngoái, các tân viên chức an ninh quốc gia hàng đầuđã làm việc tích cực nhưng không cải thiện được tình hình nói trên.
“Ngược lại, các vấn đề an ninh quốc gia đối với ĐCSTQ đang xấu đi đáng kể,” ông Chung nói.
Ông Chung cho hay, “Nhận xét này là bất thường, vì lẽ ra tình hình này phải được cải thiện sau khi ủy ban an ninh quốc gia mới lên nắm quyền. Nhưng giờ đây cuối cùng họ đã phải thừa nhận tình hình thực sự, vốn cho thấy rằng các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đang thực sự lo lắng hơn.”
Kể từ năm ngoái, một loạt các biện pháp mà Hoa Kỳ đã thực hiện, chẳng hạn như kiềm chế ĐCSTQ trong lĩnh vực công nghệ cao, bắt giữ các gián điệp Trung Quốc, đóng cửa các đồn công an ngầm ở hải ngoại của Trung Quốc, và trừng phạt các quan chức Trung Quốc, toàn bộ đều là các biện pháp đối phó mạnh mẽ chống lại sự bành trướng và thâm nhập toàn cầu của nhà cầm quyền nước này. Các quốc gia khác cũng đang làm theo.
“Giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có thể cảm thấy rất rõ rằng áp lực từ cộng đồng quốc tế đang gia tăng,” ông Chung nói.
“Hiện giờ ĐCSTQ không dám công khai ủng hộ chiến tranh, mà thay vào đó họ tuyên bố ‘chủ động định hình một môi trường an ninh bên ngoài có lợi cho chúng ta’. Chắc chắn họ đang thực sự rất sợ bất kỳ cuộc phản công nào và sợ bị đánh bại.”
Trong cuộc họp nói trên, ông Tập cũng đề nghị xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm và giám sát rủi ro an ninh quốc gia, tăng cường giáo dục an ninh quốc gia, cũng như cải thiện quản lý bảo mật dữ liệu và AI.
“ĐCSTQ không chỉ sợ áp lực bên ngoài,” ông Chung nói. “Mà đảng này còn sợ các vấn đề nội bộ, vậy nên ông Tập mới yêu cầu duy trì an ninh chính trị cũng như cải thiện việc quản lý dữ liệu và bảo mật trí tuệ nhân tạo.”
‘Cuộc khủng hoảng hiện sinh’
Ông Vương cũng lưu ý rằng trong cuộc họp, “an ninh chính trị” được ưu tiên hơn các khía cạnh khác trong “công tác an ninh quốc gia” của ĐCSTQ.
Ông viết: “Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng hiện sinh của ĐCSTQ đang khiến nhà cầm quyền ngày đêm thao thức.”
Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ lặp đi lặp lại duy trì “an ninh chính trị” ở cấp cao cũng phản ánh sự mong manh yếu ớt của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh, Ninh Hải Chung, và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times