ĐCSTQ đưa trích dẫn của ông Tập vào kỳ thi đại học nhằm thắt chặt quyền kiểm soát chính trị
Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc năm nay do Bộ Giáo dục của nhà cầm quyền cộng sản này tổ chức đã đưa các trích dẫn của ông Tập Cận Bình vào làm chủ đề bài luận.
Cách đây năm năm, những câu nói của nhà lãnh đạo chế độ cộng sản này cũng đã được đưa vào một trong những kỳ thi tuyển sinh đại học cam go nhất của thế giới, còn được gọi là kỳ thi Cao Khảo (Gaokao), và năm nay là lần thứ hai trích dẫn của ông Tập được đưa vào đề thi.
Các chuyên gia cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất sợ không thể kiểm soát được suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc, tuy vậy các phương pháp tẩy não theo kiểu Cách mạng Văn hóa của đảng này rõ ràng là không hiệu quả.
Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia diễn ra từ ngày 07-08/06.
Hai thành ngữ của ông Tập đã được đưa vào phần tự luận. Một là “Thổi tắt đèn của người khác cũng không làm cho đèn của mình sáng hơn; chặn đường của người khác cũng sẽ không giúp mình đi xa hơn.” Ông Tập đã nói câu này khi đọc bài diễn văn quan trọng hôm 15/03 tại một cuộc họp giữa ĐCSTQ và thứ mà họ gọi là “các đảng chính trị thế giới” ở Bắc Kinh.
Một câu thành ngữ khác của ông Tập trong kỳ tuyển sinh là “Một bông hoa nở chưa phải xuân, trăm hoa đua nở xuân tràn đầy. Nếu trên đời chỉ có một loài hoa thì dù loài hoa ấy có đẹp đến đâu chăng nữa cũng vẫn đơn điệu mà thôi.” Câu nói này là từ bài diễn văn của ông tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao của Hội nghị Thường niên Châu Á năm 2013, câu nói mà ông cũng lặp lại trong cuộc đối thoại với các đảng chính trị thế giới.
Trong kỳ tuyển sinh quốc gia này, ngoài việc đưa vào các thành ngữ của ông Tập, họ còn ca ngợi ông Tập vì “đã diễn đạt những đạo lý thường ngày bằng ngôn từ phong phú.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một học giả tại Úc và là cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, từng tham gia vào quá trình xây dựng đề thi cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia khi ông còn ở Trung Quốc. Hôm 08/06, ông nói với The Epoch Times rằng tính nhạy cảm chính trị trong việc sử dụng các trích dẫn của ông Tập nằm ngoài quyền hạn của các học giả trong nhóm thiết kế đề thi. Phải có chỉ thị từ cấp trên trong chính quyền trung ương rồi sau đó việc của nhóm soạn đề chỉ đơn giản là bắt tay vào thực hiện.
Ông Lý cho hay, “Trong thời đại Mao, họ đã tìm kiếm cách làm sao để kiểm soát suy nghĩ của người dân trong thời đại Mao và bây giờ họ lại vận dụng chiêu thức đó.”
Phản tác dụng trong thời hiện đại
Ông Tăng Kiến Nguyên (Tseng Chien-Yuan), Chủ tịch Hiệp hội Thư viện Dân chủ của Người Hoa ở Đài Loan và Hiệp hội Văn hóa Cộng đồng Á Châu, nói với The Epoch Times hôm 08/06 rằng ĐCSTQ đang kiểm tra lòng trung thành với một nhà lãnh đạo chính trị cụ thể trong đề thi quốc gia.
“Khi quý vị xem những lời nhận định của [ông Tập] là nội dung của kỳ thi quốc gia, thì dĩ nhiên sẽ có những câu trả lời tiêu chuẩn cho câu hỏi đó. [Nếu] học sinh có ý kiến khác, thì liệu họ có bị đàn áp không, và họ có bị từ chối chấm điểm không?” Ông Tăng nói thêm, “Nhưng rất có thể những tư tưởng tiến bộ của họ có khả năng lãnh đạo thế hệ tiếp theo.”
Hồi năm 2018, những câu trích dẫn của ông Tập đã được sử dụng trong phần tự luận của đề thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc nhằm nêu bật và quảng bá “Tư tưởng Tập Cận Bình.”
Cuối năm ngoái, “phong trào giấy trắng” phản đối lệnh phong tỏa COVID-19 của ĐCSTQ đã nổ ra trên toàn quốc. Nhiều người tham gia thuộc tầng lớp trí thức trẻ, bao gồm cả sinh viên đại học. Một số người biểu tình trên đường phố của các thành phố lớn đã hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản! Đả đảo Tập Cận Bình!”
Ông Tăng nói rằng điều này cho thấy nền giáo dục theo định hướng đảng của ĐCSTQ không thể đạt được mục tiêu của họ. Đối với các tài liệu học tập bắt buộc này, thì “sau khi thi xong học sinh sẽ vứt sang một bên, vứt đi như vứt đống giẻ rách.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times