Nhà hoạt động: ĐCSTQ sợ các phong trào của người dân
Anh Âu Vinh Quý (Ou Ronggui), một trong những người khởi xướng và cũng là người tham gia trong phong trào dân chủ Quảng Châu — Phong trào Đường phố phía Nam (từ đây gọi tắt là Phong trào), đang sống lưu vong ở New Zealand sau nhiều năm bị cầm tù vì hoài bão hoạt động dân chủ ở Trung Quốc.
Mới đây, anh Âu đã kể lại cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times về Phong trào này.
Phong trào này được bắt nguồn từ các đường phố ở Quảng Châu, một đô thị phía nam, nơi các nhà hoạt động đòi dân chủ bằng cách giương cao biểu ngữ và hô khẩu hiệu.
Anh giải thích lý do tại sao các phong trào xuống đường ở Quảng Châu lại trở thành nỗi lo sợ lớn nhất đối với ĐCSTQ.
Anh Âu, 37 tuổi, cho biết hầu hết người Trung Quốc cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình đều không biết rằng họ đang rơi vào cái bẫy mà chính quyền đã giăng sẵn.
Anh đề cập đến số lượng lớn người Trung Quốc truy đòi công lý và đệ đơn khiếu nại lên văn phòng thỉnh nguyện, hay Văn phòng Kháng cáo Nhà nước, ở Bắc Kinh. Thay vì giải quyết được vấn đề của họ, thì những người thỉnh nguyện lại gặp phải không gì ngoài sự đàn áp ngày càng gia tăng.
Anh Âu nhắc nhở mọi người rằng họ đang đối đầu với “một chế độ tà ác, chứ không phải một chính phủ.”
Anh nhấn mạnh rằng những gì người dân đang đối phó chính là một tà giáo.
Sớm thức tỉnh
Anh Âu sinh ra ở một làng quê thuộc Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, giáp với Việt Nam ở phía nam Trung Quốc. Anh dường như bẩm sinh đã miễn nhiễm với ĐCSTQ. Thời niên thiếu, khi các bạn cùng trang lứa tôn sùng ông Mao Trạch Đông, thì trong lòng anh đã không khỏi hồ nghi.
Anh đã biết về bản chất độc tài của ĐCSTQ khi anh ấy nộp đơn xin làm chứng minh thư đầu tiên tại một đồn công an vào năm 16 tuổi.
Anh đã rút ra một bài học kinh nghiệm, đó là ĐCSTQ không phục vụ người dân.
Anh Âu và một số thanh niên Trung Quốc đầy nhiệt huyết đã mang những lý tưởng dân chủ của họ từ internet xuống đường phố. Phong trào vào năm 2011 và 2012 này đã dẫn đến nhiều vụ bắt giữ đối với anh Âu và những người tham gia.
Anh cũng bị lực lượng an ninh quốc gia sách nhiễu vào đêm trước ngày 04/06 — ngày tưởng niệm thường niên dành cho Vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Năm 2016, anh Âu bị kết án một năm tù vì tham gia vào một cuộc biểu tình phản đối việc cưỡng chế phá dỡ nhà ở tỉnh Quảng Tây.
Gặp khó khăn trong việc thuê nhà ở Quảng Châu là chuyện thường ngày đối với anh Âu. Thẻ khóa điện tử của anh ấy liên tục bị vô hiệu hóa khiến anh không thể vào nhà.
Hồi tháng 05/2020, công an giao thông định tạm giữ xe tải của anh và muốn anh rời khỏi Quảng Châu. Hồi tháng Ba năm nay, anh Âu cuối cùng đã đến New Zealand.
Phong trào Hoa nhài Trung Quốc
Sau Phong trào Hoa nhài năm 2011 ở Trung Đông, Phong trào Hoa nhài Trung Quốc cũng xuất hiện ở Trung Quốc.
Sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi vào tháng 08/2011 đã kích động các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình diễn ra tại Quảng Châu vào ngày 28/08/2011, khi ấy ông Hồ Cẩm Đào đang là chủ tịch của ĐCSTQ.
Họ giương cao một tấm biểu ngữ ghi: “Chúc mừng sự sụp đổ của nhà độc tài Gaddafi”, để thể hiện đề nghị ĐCSTQ hạ đài của mình.
Anh Lưu Viễn Đông (Liu Yuandong), một nhà hoạt động dân chủ, đã lên tiếng, nói rằng “Hồ Cẩm Đào phải hạ đài” và “tại sao chúng ta lại phải thực hiện chính sách một con?”
Công an đã ngăn cản cuộc tụ họp của họ, và hơn một chục nhà hoạt động trẻ tuổi đã bị bắt giữ. Toàn bộ cuộc biểu tình này chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút. Tối hôm đó họ được thả về nhà.
‘Trả tự do cho ông Trần Quang Thành’
Hồi tháng 09/2011, họ thành lập một cuộc biểu tình khác để ủng hộ luật sư nhân quyền Trần Quang Thành (Chen Quangcheng).
Ông Trần, một nhà hoạt động mù nổi tiếng với cuộc đấu tranh chống lại chính sách một con của Trung Quốc và là người ủng hộ quyền của phụ nữ, đã bị bỏ tù vào năm 2006.
Cuối cùng khi ông Trần được trả tự do vào năm 2010, ĐCSTQ đã quản thúc ông tại gia.
Tháng 09/2011, các nhà hoạt động của phong trào Đường phố phía Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trần bằng cách mặc một chiếc áo phông có in hình ông Trần sau song sắt với khẩu hiệu “Hãy trả tự do cho ông Trần Quang Thành.” Anh Âu cho biết nhiều nhà hoạt động trong sự kiện này đã bị cầm tù.
Giấc mộng hợp hiến của Trung Quốc
Hồi năm 2013 , Tuần báo Phương Nam đã đăng một bài xã luận chúc mừng năm mới với tựa đề “Giấc mộng Trung Hoa, Giấc mộng Hợp hiến,” báo hiệu một cuộc đối đầu công khai giữa các ký giả Trung Quốc với bộ máy tuyên truyền của nhà nước.
Bài xã luận này đã bị kiểm duyệt không lâu sau đó, còn nhà xuất bản nói trên cũng bị đàn áp.
Hai ngày sau đó, rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với các ký giả của Tuần báo Phương Nam. Các thành viên của Phong trào Đường phố phía Nam cũng giương cao khẩu hiệu “Đấu tranh cho Tự do Báo chí, Xây dựng một Trung Quốc Dân chủ.”
Anh Âu cho biết các thành viên của Phong trào này một lần nữa phải đối mặt với sự trả đũa của chế độ vào tháng 03/2013.
Ví dụ, anh Lưu Viễn Đông đã bị bắt vào năm 2013. Anh bị kết án ba năm tù vì tội “tụ tập gây rối trật tự xã hội.” Anh Lưu, một nhà sinh vật học, đã lặng lẽ điều hành công ty của mình sau khi ra tù.
Anh Vương Ái Trung (Wang Aizhong), là một ví dụ khác, cũng đã bị bắt vào năm 2013. Năm 2021, anh lại bị bắt một lần nữa với tội danh “gây gổ và gây rối” vì những lời bình luận trên mạng của mình.
Vợ của anh Vương tiết lộ trên mạng xã hội Trung Quốc rằng đến tận bây giờ anh Vương vẫn bị giam giữ mà không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào, theo lời kể của anh Âu.
ĐCSTQ rất sợ các phong trào của người dân
Anh Âu tin rằng một phong trào chân chính thì không thể ngăn cản; đặc biệt nếu phong trào đó được khởi xướng bởi một tổ chức. Nói thẳng ra, mỗi một phong trào đều có một mục tiêu nhất định.
Anh cho hay, “Giống như Phong trào Giấy trắng, mục đích chính là dỡ bỏ lệnh phong tỏa; thế nhưng, nếu phong trào này là do một nhà hoạt động dân chủ dẫn dắt, thì phong trào này sẽ trở thành một vấn đề về tự do và dân chủ, chứ không chỉ là về việc nới lỏng lệnh phong tỏa thành phố.”
Anh giải thích rằng phong trào là một dạng sức mạnh của người dân. ĐCSTQ rất giỏi trong việc thao túng các phong trào bằng cách khởi xướng, kiểm soát, và lèo lái sức mạnh này của người dân, chẳng hạn như trong Cách mạng Văn hóa.
Nhưng ĐCSTQ sẽ không cho phép có phong trào ở bất kỳ cấp độ nào, từ cơ sở hay từ xã hội.
Bất kỳ phong trào bên ngoài nào cũng trở thành vấn đề mẫn cảm với ĐCSTQ, “Điều đó trở thành vấn đề vô cùng đáng lo ngại đối với chế độ,” anh nói.
Anh Âu cho biết các biện pháp kiểm soát đại dịch là sự kiểm soát xã hội trắng trợn và ép buộc nhất của ĐCSTQ, khi hàng tỷ người bị giam hãm trong nhà của chính mình.
Tuy nhiên, Phong trào Giấy trắng đã thách thức chế độ và buộc ĐCSTQ phải nhanh chóng chấm dứt lệnh phong tỏa.
“Đó là lý do tại sao chúng ta phải bắt đầu phong trào từ bên ngoài, ngăn chặn sự thao túng và kiểm soát của chế độ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ĐCSTQ ở một mức độ nào đó,” anh giải thích.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Nguyên Minh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times