Ký giả Mỹ bị đối xử thô bạo trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập vì phơi bày sự đàn áp của ĐCSTQ
Khi một người đưa tin Mỹ hỏi Tổng thống Joe Biden trước cuộc gặp ngày 14/11 với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng liệu tổng thống có nêu lên vấn đề nhân quyền trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên của họ hay không, thì một người đàn ông trong phái đoàn Trung Quốc “ngay lập tức … giật chiếc ba lô của người đưa tin này và kéo cô về phía sau,” theo lời tường thuật của một phóng viên trong nhóm phóng viên đưa tin của Tòa Bạch Ốc.
Phóng viên này nói, “Cô ấy bị mất thăng bằng nhưng không bị ngã và bị đẩy về phía cửa. Hai nhân viên của Tòa Bạch Ốc đã tới can thiệp, nói rằng hãy thả người đưa tin này ra.”
Việc đối xử thô bạo với phóng viên người Mỹ tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay đã cho công chúng thấy “một cái nhìn rất sơ lược về những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm trên toàn thế giới, nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến, bịt miệng giới ký giả, bịt miệng bất kỳ ai muốn phơi bày những hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc,” ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, một tổ chức bất vụ lợi, cho biết.
Một báo cáo năm 2021 của tổ chức bất vụ lợi Freedom House cho thấy “Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu phức tạp nhất, toàn diện nhất trên thế giới.”
Giới chức ĐCSTQ “truy đuổi bất kỳ tiếng nói nào đang cố gắng lên tiếng cho những người đang bị đàn áp ở Trung Quốc, hay chỉ đơn thuần là nói điều gì đó mà ĐCSTQ không thích,” ông Browde nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/11 với kênh NTD, một hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times.
Vụ tấn công ngày 14/11 này diễn ra chưa đầy một tháng sau một vụ bạo lực diễn ra bên ngoài tòa lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, Anh, khiến công chúng không khỏi phẫn nộ và gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà lập pháp Anh.
Tháng trước (10/2022), khi các nhà hoạt động ở Vương quốc Anh biểu tình phản đối sự đàn áp của ĐCSTQ ở Hồng Kông, một nhóm người đã hung dữ bước ra từ tòa lãnh sự Trung Quốc, đạp đổ các bích chương biểu tình của họ, sau đó kéo một người biểu tình vào trong khuôn viên lãnh sự. Họ giật tóc và đánh đập người biểu tình này trước khi một sĩ quan cảnh sát đến giải cứu anh. Theo các quan chức Anh, một trong những nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, ông Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), đã tham gia vào vụ hành hung kể trên.
Ông Browde nói: “Họ tấn công một cách có hệ thống người dân ở các nền dân chủ phương Tây, chứ đừng nói đến các quốc gia khác trên thế giới.”
Đề cập đến việc các học viên Pháp Luân Công nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản đối với môn tu luyện tinh thần này ở Trung Quốc đại lục, ông Browde nói: “Nhìn lại quãng thời gian 20 năm qua, có những người trong chúng tôi mà, mỗi khi họ cố gắng biểu tình trước một Lãnh đạo Trung Quốc hay làm những việc tương tự như thế, mỗi khi họ đi công tác với các phái đoàn trên khắp thế giới, họ đều bị đánh đập, xô đẩy.”
Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần gồm các bài công pháp chậm rãi và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn — đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, khi ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó.
Xem sự phổ biến này là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, đảng cộng sản cầm quyền đã tiến hành một cuộc đàn áp trên toàn quốc vào năm 1999. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị đưa vào các nhà tù, trại lao động, và các trung tâm tẩy não trên khắp đất nước, nơi họ trở thành nạn nhân của tra tấn, lao động cưỡng bức, hoặc thậm chí là thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Những học viên sống ở Hoa Kỳ đang cố gắng đưa cuộc bức hại không ngừng này ra ánh sáng cũng phải đối mặt với áp lực liên tục từ ĐCSTQ và những người làm việc cho đảng này. Hồi tháng Hai, cảnh sát New York đã bắt giữ và buộc tội một người đàn ông thực hiện tội ác do thù hận sau khi các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy anh này phá hoại quầy thông tin Pháp Luân Công ở Flushing.
“Đã có những người trong cộng đồng của chúng tôi bị đánh đập, sách nhiễu, công việc kinh doanh của họ bị đe dọa, thân nhân của họ ở Trung Quốc bị đe dọa,” ông Browde nói.
Làm ngơ trước cuộc bức hại Pháp Luân Công
Nhà vận động nhân quyền này lưu ý rằng không có đề cập cụ thể nào về cuộc bức hại Pháp Luân Công trong bản ghi của Tòa Bạch Ốc về cuộc hội đàm hôm 14/11 giữa ông Biden và ông Tập.
Theo tuyên bố hôm 14/11, “Tổng thống Biden nêu lên những mối lo ngại về các hoạt động của CHND Trung Hoa ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông, cũng như nhân quyền nói chung.”
Ông Browde lưu ý rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công ở Trung Quốc cho thấy rằng các học viên của môn tu luyện này là cộng đồng lớn nhất bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu.
“Điều mà mọi người không nhận ra là đã có 100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc khi cuộc bức hại này bắt đầu,” ông nói. “Con số đó nhiều hơn gấp đôi số người sống ở Đài Loan, Hồng Kông, và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cộng lại. Đó là một nhóm dân số rất lớn.”
“Trên khắp Trung Quốc và tại từng tỉnh thành, từ các giáo sư đại học đến các bà nội trợ cho đến các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp, Pháp Luân Công truyền ra khắp mọi nơi, và bây giờ vẫn thế.”
Đối với ông Browde, việc làm ngơ trước những hành vi ngược đãi của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đồng nghĩa với việc “phớt lờ … nhóm dân số lớn nhất đang bị bức hại ở Trung Quốc.”
Ông lưu ý rằng hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, mặc dù là mục tiêu của cuộc bức hại, đang tham gia vào một “phong trào bất tuân rất ôn hòa ở cấp cơ sở để thông báo cho công chúng, không chỉ về những hành vi ngược đãi đối với bản thân họ nói riêng mà còn về lịch sử bạo ngược của ĐCSTQ nói chung.”
“Điều đó thực sự giúp người Trung Quốc thức tỉnh,” ông Browde nói.
Theo ông Browde, ĐCSTQ đã nhấn mạnh rằng các chính phủ phương Tây chỉ nên chỉ trích hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền này sau những cánh cửa đóng kín. Nhưng sẽ “hiệu quả hơn nhiều” nếu lên án công khai và cụ thể những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền này, mặc dù nhiều chính phủ có thể không đánh giá cao hiệu quả của những hành động như vậy.
Cả chính phủ cựu Tổng thống Trump lẫn chính phủ Tổng thống Biden đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Ông Browde nói: “Điều đó có hiệu ứng lan tỏa khắp Trung Quốc theo những cách mà có lẽ nhiều người không nhận ra.”
“Các quan chức Trung Quốc, trưởng công an Trung Quốc bắt đầu lo lắng về việc họ sẽ bị trừng phạt. Họ đã bắt đầu đối xử nhẹ tay tại một số trường hợp trong việc bức hại Pháp Luân Công và những người khác trong nước.”
Nhà vận động nhân quyền này kêu gọi nhiều chính phủ hơn nữa thực hiện cách hành động này.
Ông Browde nói, “Những loại hành động cụ thể đó là điều duy nhất mà chúng tôi thấy chính phủ phương Tây đã làm được cho đến nay, và điều đó thực sự có một tác động nhất định đến cuộc sống của người dân bên trong Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times