Báo cáo: Số lượng ký giả bị bỏ tù trên toàn cầu tăng vọt, Trung Quốc đứng đầu bảng
Theo một báo cáo thường niên mới của tổ chức phi chính phủ Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders, RSF), số lượng ký giả bị cầm tù trên khắp thế giới đã tăng vọt trong năm qua.
Theo RSF, tổng cộng 533 ký giả đang bị giam giữ trong các nhà tù trên toàn thế giới, tăng từ 488 hồi năm 2021, và đánh dấu mức tăng 13.4% so với năm trước.
Ngoài ra, vào năm 2022 số lượng ký giả thiệt mạng đã tăng lên 57 người, đánh dấu mức tăng 18.8% so với năm 2021, mà RSF cho rằng có liên quan đến việc tăng cường đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.
Báo cáo này cho thấy 65 ký giả khác hiện đang bị bắt làm con tin, gần bằng số lượng vào thời điểm này năm ngoái, trong khi đó 50 ký giả đã mất tích trong 20 năm qua.
Theo RSF, năm quốc gia bỏ tù nhiều ký giả nhất trong năm 2022 là Trung Quốc với 110 ký giả bị tống giam, Miến Điện (còn gọi là Myanmar) với 63 ký giả phải ngồi sau song sắt, và Iran với 47 ký giả phải ngồi tù.
Báo cáo này cho biết Belarus đã bắt giữ 31 phóng viên. Phần lớn các ký giả bị cầm tù trên khắp thế giới đang bị giam giữ mà không qua xét xử.
Các chế độ độc tài lấp đầy các nhà tù ‘nhanh hơn bao giờ hết’
“Bằng cách bỏ tù các ký giả, các chế độ độc tài đang lấp đầy các nhà tù của họ nhanh hơn bao giờ hết,” Tổng thư ký RSF Christophe Deloire cho biết trong một tuyên bố. “Kỷ lục mới về số lượng các ký giả bị giam giữ này khẳng định nhu cầu cấp thiết phải hành động chống lại các chính phủ vô lương tâm này, cũng như cần phải tăng cường sự đoàn kết tích cực của chúng ta đối với tất cả những người đại diện cho lý tưởng về quyền tự do báo chí, độc lập và đa nguyên.”
Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng một số phương pháp để tăng cường kiểm duyệt và giám sát, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các cuộc biểu tình kéo theo do chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc nhằm đối phó với chủng virus này.
Hồi tháng Mười Một, nhiều phóng viên đã bị tạm giữ và bị hành hung trong thời gian ngắn khi đưa tin về những cuộc biểu tình nói trên, trong đó có một phóng viên làm việc cho đài BBC.
Một báo cáo thường niên do Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc của Trung Quốc (FCCC) công bố hồi tháng 03/2021 cho thấy, vào năm 2020, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt, đe dọa, và hạn chế cấp thị thực để hạn chế việc đưa tin của ngoại quốc, bao gồm cả việc từ chối cho các phóng viên tiếp cận các khu vực nhạy cảm và đe dọa sẽ cưỡng chế cách ly họ.
Báo cáo này cho biết: “Tất cả các vũ khí của quyền lực nhà nước — trong đó có các hệ thống giám sát được giới thiệu là để ngăn chặn virus corona — được sử dụng để sách nhiễu và đe dọa các ký giả, các đồng nghiệp Trung Quốc của họ, và những người mà báo chí ngoại quốc tìm cách phỏng vấn.”
Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã gọi những tuyên bố được đưa ra trong báo cáo nói trên là “có sự thiên vị về hệ tư tưởng chống lại Trung Quốc và là tin giả nhân danh tự do báo chí.”
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một số luật nhằm ngăn chặn thông tin, bao gồm Luật An ninh Mạng năm 2017, Các Quy định về Quản trị Hệ sinh thái Nội dung Thông tin Trực tuyến năm 2020, Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông năm 2020, và Luật Bảo mật Dữ liệu năm 2021.
Các ký giả thiểu số bị nhắm mục tiêu nhiều hơn
Ở những nơi khác, các vụ bắt giữ ký giả ở Miến Điện đã gia tăng kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021, trong khi đó hàng chục ký giả được cho là nằm trong số những người đã bị bắt ở Iran trong bối cảnh chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình nổ ra sau sự việc cô Mahsa Amini, một cô gái 22 tuổi người Kurd, thiệt mạng khi đang bị cảnh sát giam giữ.
Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ) và nhiều tổ chức khác đã kêu gọi chính quyền Iran trả tự do cho tất cả các ký giả và nhân viên truyền thông đang bị cầm tù ở nước này.
Một báo cáo chuyên biệt của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, được công bố hồi tháng Mười Hai, cho thấy 363 ký giả hiện đang bị cầm tù trên khắp thế giới. Con số này cũng đánh dấu mức tăng 20% so với năm trước.
Sử dụng một phương pháp khác để tính toán các trường hợp được ghi nhận, báo cáo đó cho biết những quốc gia bỏ tù các ký giả nhiều nhất vào năm 2022 lần lượt là Iran, Trung Quốc, Miến Điện, Thổ Nhĩ Kỳ, và Belarus.
Ủy ban này viết: “Trong một năm được đánh dấu bằng xung đột và đàn áp, các nhà lãnh đạo độc tài đã tăng gấp đôi việc hình sự hóa việc đưa tin độc lập, áp đặt sự tàn ác ngày càng tăng để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng và làm suy yếu quyền tự do báo chí.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times