BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Phơi bày vòng kiểm soát Miến Điện của Trung Quốc trong cuộc nội chiến leo thang
Một người trong cuộc nói với The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công gần đây của các nhóm chiến binh khu vực tại miền Bắc Myanmar (Miến Điện).
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, là một quốc gia quan trọng trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Quốc gia này hiện đang nằm dưới sự cai trị của một chính phủ quân quản từng truất phế chính phủ dân cử hồi năm 2021. Cuộc nội chiến giữa chính phủ quân quản và nhiều nhóm kháng chiến cùng chiến binh khu vực đã leo thang kể từ khi đó.
Hôm 13/11, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) đã tấn công vào Rathedaung và Minbya, đồng thời giành lại những thị trấn này từ tay chính phủ quân quản cầm quyền, đưa hàng ngàn thường dân sang nước láng giềng Ấn Độ. Tổng thống Myanmar được quân đội hậu thuẫn cho rằng lực lượng chính phủ đã thất bại trong việc đánh bại quân nổi dậy và vì vậy, Myanmar đang trên bờ vực tan rã.
Cuộc giao tranh ác liệt đã và đang diễn ra tại miền Bắc Myanmar, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc. Kể từ cuối tháng Mười, MNDAA đã hợp tác với Quân đội Arakan và Giải phóng quân Quốc gia Ta’ang trong một cuộc tấn công phối hợp để chống lại chính phủ quân quản Miến Điện. Liên minh này đã giành được những chiến thắng trên diện rộng và chính phủ quân quản thừa nhận đã mất quyền kiểm soát ba thị trấn tại miền Bắc đất nước.
Một người trong cuộc và có mối quan hệ thân cận với MNDAA đã kể với The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng sau cuộc tấn công của MNDAA ở miền Bắc Myanmar và mục tiêu của ĐCSTQ là giành lại sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Myanmar.
Hồi đầu tháng Mười, ĐCSTQ đã cử các kỹ sư đến Myanmar để khảo sát tuyến đường sắt dự kiến thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm tìm cách thúc đẩy tiến độ xây dựng. Tiến độ của dự án vẫn chưa làm ĐCSTQ hài lòng, và họ đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng đối với Myanmar.
Mối liên kết lịch sử giữa ĐCSTQ và các nhóm ly khai ở Miến Điện
Quân đội Miến Điện trong lịch sử đã đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị của nước này. Sau khi tiếp quản quốc gia này trong một cuộc đảo chính vào năm 1962, quân đội Miến điện đã tự tuyên bố thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự cai trị của chính phủ quân quản. [Kể từ đó], thường xuyên xảy ra tình trạng trấn áp các cuộc biểu tình và bầu cử gian lận.
Vào những năm 2010, quân đội Miến Điện đã cho phép tiến hành cải cách dân chủ, dẫn đến chiến thắng vang dội vào năm 2015 của bà Aung Sang Suu Kyi cùng liên minh ủng hộ dân chủ của bà. Tuy nhiên, năm 2021 quốc gia này lại quay trở về với chính phủ quân quản sau một cuộc đảo chính khác. Việc quân đội giành quyền kiểm soát đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn và một cuộc nội chiến leo thang. Chính quyền cộng sản Trung Quốc ngay lập tức kết thân với chính phủ quân quản và tăng cường đầu tư quy mô lớn vào Myanmar.
Ngoài cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Myanmar giữa quân đội Miến Điện và phe ủng hộ dân chủ của bà Aung Sang Suu Kyi, còn có các phe cánh khác là các nhóm chiến binh sắc tộc khu vực như MNDAA xuất hiện từ năm 1989 và đã kiểm soát vùng Kokang ở phía bắc đất nước.
MNDAA trước đây là một phần của Đảng Cộng sản Miến Điện và trong lịch sử đã từng nhận được sự trợ giúp đáng kể từ chính quyền Trung Quốc. Thủ lĩnh hiện tại của MNDAA là ông Bàng Đại Thuận (Peng Daxun), có cha là ông Bàng Gia Thanh (Pheung Kya-shin), người từng được ĐCSTQ đào tạo và viện trợ quân sự trước khi thành lập MNDAA. Năm 1989, chính phủ quân quản Miến Điện đã công nhận quyền tự trị của MNDAA đối với vùng Kokang sau nhiều năm xung đột và hỗn loạn, và ông Bàng Gia Thanh trở thành thủ lĩnh vùng Kokang. Vùng Kokang thực chất là một chế độ độc tài khác được Trung Quốc hậu thuẫn dưới thời ông Bàng Gia Thanh và MNDAA.
Năm 2009, xung đột bùng nổ giữa quân đội Miến Điện và quân đội Kokang của ông Bàng Gia Thanh, dẫn đến sự chia rẽ trong phe của ông này. Các đồng minh cũ của ông quay lưng lại với ông và đào tẩu sang quân đội Miến Điện, lực lượng của ông Bàng Gia Thanh bị đánh bại, và ông phải rút lui về Trung Quốc, nơi ông được ĐCSTQ sắp xếp cho một chốn nương thân cho đến khi qua đời hồi tháng 02/2022.
Các đồng minh cũ của ông Bàng Gia Thanh trở thành thủ lĩnh thống trị vùng Kokang, tham gia vào các hoạt động phạm tội như gian lận chuyển khoản và đánh bạc trái phép. Khu vực này thực chất là một tiểu bang của băng đảng mafia. Hiện MNDAA do ông Bàng Đại Thuận (Peng Daxun), con trai ông Bàng Gia Thanh lãnh đạo. Lấy danh nghĩa ‘tận diệt băng đảng mafia tống tiền’, ông ta đang dẫn dắt MNDAA từ Trung Quốc trở về Myanmar để đòi lại lãnh thổ của cha mình.
Gần đây, ông Trương Chính (bí danh), một người trong cuộc thân cận với giới lãnh đạo MNDAA, nói với The Epoch Times: “Sự xuất hiện trở lại của liên minh này (MNDAA) chính là do ĐCSTQ hậu thuẫn, mục đích của ĐCSTQ là khôi phục lại ‘sức ảnh hưởng tuyệt đối’ đối với Myanmar.”
Ông Trương giải thích rằng các liên minh cũ của ông Bàng Gia Thanh nổi lên ở miền Bắc Myanmar sau khi ông ta bị trục xuất khỏi đất nước vẫn ở trong tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ, nhưng trong những năm gần đây, các phe phái này đã trở nên giàu có nhờ hoạt động gian lận viễn thông (telecommunication fraud) và đánh bạc, và đang dần xa rời Trung Quốc về mặt kinh tế. Khi ảnh hưởng của ĐCSTQ suy giảm, ĐCSTQ lo ngại về việc họ gặp bất lợi trong địa chính trị của Myanmar.
Một mặt, ĐCSTQ hâm nóng tình hữu nghị với chính phủ quân quản Myanmar và đầu tư mạnh vào Myanmar thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mặt khác, trong lịch sử ĐCSTQ đã ủng hộ các nhóm ly khai ở miền Bắc Myanmar, những nhóm có ảnh hưởng đáng kể tại khu vực đó.
Đầu tháng Năm, khi Ngoại trưởng Trung Quốc đương thời Tần Cương đến thăm Myanmar, các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra ở nhiều nơi trên đất nước để bày tỏ sự bất bình trước mối quan hệ thân thiết của ĐCSTQ với chính phủ quân quản.
Dự án ‘Vành đai và Con đường’ ở Myanmar
Năm 2018, Trung Quốc và Myanmar đã công bố Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar (CMEC) thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Dự án này dự tính xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và dầu thô giữa Trung Quốc và Myanmar, là một phần trong chính sách năng lượng của Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư là 2.54 tỷ USD.
Một phần quan trọng của CMEC là Cảng và Đặc khu kinh tế Kyaukphyu ở Myanmar, mà Trung Quốc đã giành được quyền vận hành vào năm 2018. Bến cảng này có vị trí ở Ấn Độ Dương và là điểm khởi đầu của đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc – Myanmar.
Phương án vận chuyển dầu khí từ Trung Đông đến Trung Quốc thông qua Cảng Kyaukphyu có thể tránh được việc phải đi qua các tuyến hải vận truyền thống là eo biển Malacca và Biển Đông. Điều này đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế và quân sự của ĐCSTQ.
Đồng thời, CMEC cũng dự định xây dựng tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam, Trung Quốc và Đặc khu kinh tế Kyaukphyu.
The Irrawaddy, hãng truyền thông độc lập của Miến Điện, đưa tin rằng hồi đầu tháng Mười, các kỹ sư Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện dự án đường sắt bằng cách khảo sát các tuyến đường ở nhiều vùng khác nhau ở quốc gia này. Bản tin trích dẫn lời một nhân viên tổ chức dân sự cho biết: “Các kỹ sư Trung Quốc đang khảo sát các tuyến đường sắt và mọi thứ đang được thực hiện bí mật dưới sự bảo hộ của quân đội [Miến Điện]. Vì vậy, người Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.”
Hôm 31/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) đã tới Myanmar và gặp Thống tướng Miến Điện Min Aung Hlaing, trên thực tế là người cai trị quốc gia này. Ông Vương bày tỏ hy vọng hai nước sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như dự án an ninh và cơ sở hạ tầng. Ông Min phúc đáp bằng cách cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc.
Ông Trương Chính bình luận về tình huống này: “Với sức ảnh hưởng ngày càng suy giảm của ĐCSTQ ở Myanmar, việc thúc đẩy các dự án Vành đai và Con đường của ĐCSTQ ở Myanmar đã bị đình trệ. Khi thế giới đang tập trung vào cuộc xung đột ở Israel, thì ĐCSTQ hiện đang trợ giúp gia đình ông Bành [của nhóm MNDAA thân Trung Quốc] giành lại miền Bắc đất nước, khiến cho tất cả các lực lượng ở Myanmar hiểu rằng ĐCSTQ có sức ảnh hưởng tuyệt đối ở Myanmar. Chính phủ quân quản nhận thức rõ về mục tiêu của ĐCSTQ, và cả hai bên đều muốn nhanh chóng ổn định tình hình.”
Bin Zhao, Grace Hsing và Michael Zhuang thực hiện
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times