Bắt chước Hồng quân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Miến Điện trồng thuốc phiện để nuôi quân
Miến Điện đã vượt qua Afghanistan để trở thành nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Miến Điện hay còn gọi là Myanmar, đã vượt qua Afghanistan để trở thành nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Đây là những gì mà Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB) đã kế thừa từ kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đó là “trồng thuốc phiện để nuôi quân.” Trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật, ĐCSTQ đã từng đầu độc người dân Trung Quốc bằng cách trồng và bán thuốc phiện để tự cứu mạng mình.
Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) báo cáo hôm 12/12 rằng Miến Điện đã vượt qua Afghanistan để trở thành nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới sau khi Taliban tuyên bố rằng trồng thuốc phiện và sản xuất ma túy là hoạt động bất hợp pháp.
Sản lượng thuốc phiện ở Miến Điện đã tăng 36% trong năm nay, đạt 1,080 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2001.
Từ năm 2014 đến năm 2020, Miến Điện chứng kiến diện tích trồng thuốc phiện sụt giảm, nhưng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 02/2021, diện tích trồng thuốc phiện đã tăng 33%.
Hiện nay, diện tích trồng thuốc phiện ở quốc gia Đông Nam Á này lên đến 47,000 ha (khoảng 116,140 mẫu Anh), tăng 18% so với năm ngoái (2022). Khu vực biên giới phía bắc tỉnh bang Shan là nơi gia tăng diện tích trồng cây thuốc phiện nhiều nhất, tiếp theo là tỉnh bang Chin và tỉnh bang Kachin.
Sau đó, thuốc phiện sẽ được tinh chế thành heroin, mà phần lớn trong số này sẽ chảy vào Trung Quốc, và cung cấp cho hàng triệu con nghiện ở đó. Theo báo cáo năm 2014 của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm, có hơn 3.3 triệu người sử dụng thuốc phiện trên khắp châu Á, chủ yếu tập trung ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, số người sử dụng thuốc phiện có hồ sơ lưu ghi lại ước tính là 1.9 triệu người. Tiếp theo là Việt Nam, Myanmar, Malaysia, Indonesia, và Thái Lan.
Tất cả điều này là hệ quả cay đắng của việc Đảng Cộng sản Miến Điện học tập theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ và áp dụng chiến lược cách đây 50 năm của đảng này là “trồng thuốc phiện để nuôi quân.”
Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB) được thành lập vào tháng 08/1939. Sau khi Miến Điện giành độc lập, CPB vẫn một mực phản đối chính phủ Ngurah Rai, và vào tháng 08/1948, chính phủ Ngurah Rai phát động cuộc tấn công toàn diện nhắm vào CPB. Năm 1960, CPB mất căn cứ ở miền trung Miến Điện và quay sang cầu cứu Bắc Kinh. Một nhóm lãnh đạo CPB đã sang Trung Quốc để học lý thuyết cộng sản và ĐCSTQ cũng bí mật huấn luyện cho một nhóm tướng lĩnh của CPB.
Với sự giúp đỡ của ĐCSTQ, CPB đã tái lập các căn cứ của mình ở phía đông bắc Miến Điện, bao gồm các tỉnh bang Wa, Kachin, và Kokang.
Vào giữa những năm 1970, CPB đã thành lập bốn quân khu: Quân khu Đông Bắc, Quân khu miền Trung, Quân khu 815, và Quân khu 101.
Học hỏi cách ‘kiếm tiền từ thuốc phiện’ của ĐCSTQ
Cơ sở hạ tầng quân sự và hành chính rộng lớn đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể. Tuy nhiên, do tình trạng nghèo khó của người dân Miến Điện và khó khăn trong việc thu thuế, kinh phí đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với ban lãnh đạo trung ương và quân đội của CPB. Trong thời buổi khó khăn này, CPB đã nhớ đến một phương pháp từng là phao cứu sinh cho ĐCSTQ trong lúc đảng này rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.
Trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc vào những năm 1940, ĐCSTQ đã quay về Diên An đóng quân để bảo toàn sức mạnh của mình. Ban đầu, các quan chức, chiến sĩ ở Diên An có cuộc sống khó khăn, mà theo lời ông Mao Trạch Đông miêu tả là “không có quần áo để mặc, không có dầu để ăn, không có giấy, và không có lương thực.” Khi đó đích thân ông Mao Trạch Đông đã quyết định “kinh doanh đặc sản địa phương;” trong đó thuật ngữ “đặc sản địa phương” ám chỉ đến thuốc phiện.
ĐCSTQ đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc trồng và buôn lậu thuốc phiện. Từ năm 1942 đến năm 1945, thuốc phiện chiếm khoảng 40% doanh thu thường niên trong khu vực.
Sản xuất và buôn bán ma túy
CPB, vốn đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn, cũng noi theo tấm gương mà ĐCSTQ đã đặt ra trước đó.
Nơi đầu tiên tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy là Quân khu Đông Bắc. Vào ngày 01/05/1976, Quân khu Đông Bắc thành lập một nhóm có tên là “Tổ Buôn Hàng Đặc biệt” — hàng đặc biệt này ám chỉ thuốc phiện, do Bộ trưởng Tài chính Quân khu, ông Ngô Giác Mẫn (Wu Juemin) trực tiếp quản lý.
Với những nỗ lực mạnh mẽ của “tổ thuốc phiện” này, việc trồng và sản xuất thuốc phiện đã phát triển nhanh chóng ở khu vực phía bắc tỉnh bang Shan ở Miến Điện. Việc mua sắm và vận chuyển thuốc phiện cùng với nguồn thu từ thuế thuốc phiện đã trở thành nguồn tài chính chủ lực của Quân khu Đông Bắc.
Quân khu Đông Bắc còn thuê kỹ thuật viên lập nhà máy chế biến, chuyển thuốc phiện thô thành thuốc phiện dạng tinh chế, vốn có kích thước nhỏ hơn và trọng lượng nhẹ hơn nhiều, giúp giảm chi phí vận chuyển. Đến năm 1979, số lượng nhà máy chế biến thuốc phiện trên lãnh thổ thuộc Quân khu Đông Bắc tăng lên nhanh chóng. Khu vực này thu được lợi nhuận đáng kể từ việc sản xuất và buôn bán ma túy, trở thành khu vực đầu tiên trong số các quân khu của CPB trở nên giàu có.
Tháng 08/1980, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Miến Điện quyết định đưa “tổ thuốc phiện” của Quân khu Đông Bắc về dưới sự giám sát trực tiếp và quản lý tập trung của chính quyền trung ương, đồng thời thành lập một cơ quan điều hành thuốc phiện mới mang tên “819.” Họ thành lập các nhà máy chế biến ở nhiều địa điểm khác nhau để sản xuất thuốc phiện tinh chế quy mô lớn, thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất ma túy ở miền Bắc Miến Điện. Thuốc phiện tinh chế tiếp tục được điều chế thành heroin và được bán trên toàn thế giới. Rất nhanh chóng, lãnh thổ của CPB đã trở thành một trong những vương quốc ma túy quan trọng ở khu vực “Tam giác vàng.”
Vào ngày 17/04/1989, quân đội tỉnh bang Wa phát động một cuộc đảo chính, giành quyền lãnh đạo từ Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Miến Điện, và từ đó cũng kế thừa kinh nghiệm buôn bán ma túy của CPB. Các khu vực do Wa kiểm soát nhanh chóng trở thành khu vực sản xuất và buôn bán heroin lớn nhất cả nước.
Từ năm 1996 đến năm 1999, diện tích trồng cây thuốc phiện ở tỉnh bang Wa là khoảng 1.1 triệu mẫu Anh, sản xuất hơn 1,000 tấn thuốc phiện, chiếm khoảng 60% diện tích và sản lượng trồng thuốc phiện trên địa bàn khu vực “Tam giác vàng.” Gần như toàn bộ số thuốc phiện này đã được chế biến thành heroin.
Mười cân thuốc phiện có thể chiết xuất được một cân heroin, cho nên sản lượng heroin hàng năm ở tỉnh bang Wa là khoảng 100 tấn.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times