Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị an ninh xông vào nhà đánh tử vong vì đăng tải video biểu tình ở San Francisco
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người biểu tình phản đối ĐCSTQ đã bị xã hội đen đánh đập. Trong khi đó ở trong nước Trung Quốc, ông Tôn Lâm (Sun Lin), một người làm truyền thông ở Nam Kinh, đã bị người của Cục an ninh Quốc gia xông vào nhà đánh tử vong vì đăng tải video biểu tình ở Mỹ quốc. Sự việc này khiến ngoại giới đặc biệt quan tâm.
Hôm 18/11, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Tôn Lập Dũng (Sun Liyong) đã nhận được tin nhắn từ người thân của ông Tôn Lâm với nội dung: “Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Nam Kinh, ông Tôn Lâm đã qua đời … Nguyên nhân tử vong đang được kiểm chứng.”
Sau đó, ông Tôn Lập Dũng đã thông báo tin tức về sự qua đời của ông Tôn Lâm trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Khoảng 13 giờ trưa ngày 17/11, một nhóm nhân viên an ninh quốc gia từ Phân cục Huyền Vũ ở Nam Kinh đã xông vào nhà ông Tôn Lâm. Sau đó, hàng xóm nghe thấy tiếng đánh đập trong nhà. Vào lúc 2 giờ 44 phút chiều cùng ngày, ông Tôn Lâm được đưa đến Bệnh viện Trung Tây Y Kết hợp Giang Tô. Bệnh viện đã ra thông báo tử vong vào lúc 5 giờ 45 phút chiều.
Trước đó, vào lúc 10 giờ 44 phút sáng ngày 16/11, khi người nhà ông Tôn Lâm đã gọi điện nói chuyện với ông, thì mọi chuyện vẫn bình thường. Ông Tôn Lâm mới trải qua cuộc kiểm tra thể chất toàn diện cách đây ba ngày, tình trạng thể chất vẫn bình thường. Người nhà ông Tôn Lâm đã được an ninh quốc gia triệu tập đến bệnh viện vào tối ngày 18/11. Họ yêu cầu được xem thi thể nhưng an ninh không đồng ý. Mãi đến khoảng 3 giờ sáng ngày 19/11, họ mới được thả về nhà và được cho biết là sẽ có thể nhìn thấy thi thể ông Tôn Lâm vào lúc 2 giờ chiều. Thi thể của ông Tôn Lâm hiện đang được Cơ quan An ninh Quốc gia Nam Kinh quản lý và đã được chuyển từ bệnh viện về chùa Tây Thiên ở Nam Kinh (nghĩa trang).
Sau khi ông Tôn Lâm qua đời, nhân viên an ninh quốc gia đã kiểm soát cô Tôn Nghệ Gia (Sun Yijia), con gái của ông Tôn. Đồng thời, họ còn đến nơi ở của bà Hà Phương (He Fang), vợ cũ của ông Tôn Lâm, yêu cầu bà Hà không gây rắc rối, nếu không sẽ phải tự chịu hậu quả.
Bà Lý Thanh (Li Qing), một người bạn của ông Tôn Lâm và là một nhà hoạt động nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, nói với phóng viên của ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trong vài ngày qua, trương mục của ông Tôn Lâm trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) liên tục đăng tải một số cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ và “màn trình diễn” xấu xí của “tiểu phấn hồng”. Hôm 18/11, bà phát hiện tài khoản mạng X của ông Tôn Lâm suốt một ngày không được cập nhật, bà lập tức gọi điện cho ông nhưng không nhận được phản hồi, WeChat của ông cũng không phản hồi. Cuối cùng, bà biết được tin tức về sự qua đời của ông Tôn Lâm trên mạng X.
“Hôm 15/11, tôi biểu tình ở San Francisco, Mỹ quốc. Ông ấy đã làm một video cuối cùng cho chúng tôi,” bà Lý nói. Bà từng được ông Tôn Lâm phỏng vấn khi đi khiếu kiện nhân quyền ở Bắc Kinh hồi năm 2015. Từ đó, họ luôn giữ liên lạc với nhau. Năm 2016, ông Tôn đã đến một tòa án ở Nam Kinh để lên tiếng ủng hộ cho bà Lý.
“Ông ấy là một phóng viên rất chính nghĩa và nhiệt huyết. Ông ấy ghét cái ác và là người rất hào sảng,” bà Lý cho biết. Bà nói rằng nhóm bạn trên WeChat của ông Tôn Lâm đã bị chặn hoàn toàn. Đội An ninh Quốc gia thành phố Nam Kinh là những người thường xuyên “chăm sóc” ông, thường mời ông đi uống trà. Thời điểm ông Tôn Lâm bị kết án, gia đình ông đã bị chính quyền địa phương chia cắt, con gái ông không được sống cùng ông.
Ông Tôn Lâm sinh ngày 15/04/1955 tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, tên trên mạng của ông là Kiết Mộc (孑木). Năm 1998, ông làm việc cho Đài truyền hình Nam Kinh, từng là cựu tổng biên tập số đặc biệt “Đại đô thành” của “Báo Kinh doanh Ngày nay” ở Nam Kinh. Ông bị sa thải vì viết một bài bình luận chỉ trích những tệ nạn thời đó.
Kể từ tháng 10/2006, ông Tôn Lâm đã đưa tin về một số lượng lớn các sự kiện bảo vệ quyền công dân với tư cách là nhà báo công dân cho Boxun.com và RSF, v.v. Tháng 05/2007, ông Tôn đã quay và đăng tải một đoạn video tại Quảng trường Thiên An Môn. Trong đó quay cảnh ông hướng tới Ban tổ chức Olympic để xin phỏng vấn và đưa tin về Thế vận hội. Sự việc đụng chạm đến “thần kinh nhạy cảm” của các quan chức cao cấp ĐCSTQ. Sau đó, ông bị kết án 4 năm tù.
Năm 2016, ông bị cáo buộc xuất bản hoặc chuyển tiếp trên mạng Internet một số bài viết mang tính chính trị với nội dung như thành lập Trung Quốc dân chủ, kế thừa Chủ nghĩa Tam Dân, v.v. Sau khi hô lớn “Đả đảo Đảng Cộng sản” tại cuộc họp đảng viên ở một khu vực nào đó ở Nam Kinh, ông lại lần nữa bị kết án 4 năm tù vì tội “kích động lật đổ nhà nước.”
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây của ông Tập Cận Bình, ông Tôn Lâm đã đăng tải lên mạng xã hội X một số lượng lớn video về những người kháng nghị phản đối ĐCSTQ. Mọi người suy đoán rằng việc ông bị cơ quan an ninh quốc gia “gõ cửa” có liên quan đến chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tập. Họ yêu cầu ông xóa bài đăng, ông từ chối và bắt đầu xảy ra cãi vã, đánh đập, …
Gần đây, ông Tôn Lâm còn tích cực tham gia hoạt động voice chat của “phong trào phá tường” [phong trào toàn cầu dỡ bỏ Bức tường Berlin trên Internet của ĐCSTQ]. Hôm 11/11, ông Tôn Lâm nói với mọi người rằng Cục An ninh Quốc gia Nam Kinh có thể sẽ tìm tới ông trong vài ngày tới, ông dự đoán Nam Kinh sẽ hạ thủ với ông …
Ông Tôn Lập Dũng cho biết ông Tôn Lâm quá kiên cường! Bà Lý Thanh nói: “Bọn họ có thể sát hại một người đang sống, thật vô cùng thương tâm!”
Phóng viên của The Epoch Times đã nhiều lần gọi điện cho ông Lý Kiệt (Li Jie), nhân viên an ninh quốc gia ở Nam Kinh để hỏi liệu ông Tôn Lâm có bị đánh tử vong hay không, nhưng ông Lý từ chối trả lời cuộc gọi.
Sự qua đời ông Tôn Lâm đã thu hút sự quan tâm từ ngoại giới, rất nhiều người bày tỏ nỗi bàng hoàng và lên án.
Ông Chu Phong Tỏa (Chu Fengsuo), người sáng lập trang web Humanitarian China (Trung Quốc nhân đạo), đã đăng một thông điệp nói rằng ông lo ngại về sự thiệt mạng của nhà bất đồng chính kiến Tôn Lâm dưới bàn tay của Cục An ninh Quốc gia Nam Kinh. Ông kêu gọi mọi tầng lớp trong và ngoại quốc gọi tới sở cảnh sát ở Nam Kinh, Giang Tô, yêu cầu mở vụ án để điều tra việc ông Tôn Lâm bị an ninh nhà nước đánh tử vong, bắt giữ kẻ sát nhân và công bố các chi tiết liên quan của vụ án cho công chúng.
Học giả tài liệu lịch sử Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua), cho biết ông vô cùng đau buồn trước sự ra đi của nhà bất đồng chính kiến Tôn Lâm ở Nam Kinh.
Trang web chính thức của Cơ sở Dữ liệu Tù nhân Lương tâm tại Trung Quốc (tenchu.org) cho biết: “Gần đây nhiều nhà bất đồng chính kiến đã tử vong. Chúng ta không chỉ phải chú ý đến các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, mà còn phải chú ý đến tình trạng và sự an toàn của các tù nhân lương tâm trong nhà tù lớn (Hoa lục)!”