Những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Hoa Kỳ ca ngợi Phong trào Thoái Đảng là ‘sự thức tỉnh tinh thần’ của người Trung Quốc
Hơn 422 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ cũng như Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong.
Những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đánh giá cao một phong trào cơ sở toàn cầu được khởi xướng từ một loạt bài xã luận do The Epoch Times xuất bản, ca ngợi đây là “cột mốc thức tỉnh tinh thần của người Trung Quốc” giúp chấm dứt sự cai trị chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một cách hòa bình.
Phong trào Thoái Đảng, có nghĩa là “phong trào thoái xuất khỏi ĐCSTQ,” bắt đầu vào năm 2004 sau khi The Epoch Times xuất bản loạt bài xã luận “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (hay còn gọi là Cửu Bình).
Theo trang web của Cửu Bình, loạt bài xã luận này vạch trần nguồn gốc tà ác, bản chất vô đạo đức, và lịch sử sát nhân của ĐCSTQ, và hiện đã được xuất bản bằng 16 ngôn ngữ, trong đó có Hoa ngữ và Anh ngữ. Cửu Bình đã đạt được giải thưởng xuất sắc trong việc đưa tin trên mạng về các vấn đề của người Mỹ gốc Á từ Hiệp hội Ký giả người Mỹ gốc Á năm 2005.
Ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), một nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc và là Chủ tịch điều hành Ban Thanh niên của Đảng Dân Chủ Trung Quốc, hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, cho biết: “Cửu Bình đã mở ra cánh cổng đưa quý vị đến với sự thật.”
Kể từ khi loạt bài xã luận này được xuất bản hồi tháng 11/2004, các tình nguyện viên Pháp Luân Công đã phân phát cả bản đọc trên thiết bị điện tử ở Trung Quốc và các quốc gia khác, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bản chất tà ác của ĐCSTQ.
Tháng 12/2004, một cựu đảng viên ĐCSTQ đã gửi tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ với ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của đảng này. Đây là tuyên bố thoái đảng đầu tiên được gửi tới ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Hiện nay, mỗi ngày, hàng chục ngàn người đã công khai tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới trên trang web của Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Toàn cầu.
Theo Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Toàn cầu, tính đến ngày 13/11/2023, có hơn 422 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ, Đoàn Thanh niên, và Đội Thiếu niên, nên còn được gọi là “Phong trào Tam Thoái.”
Năm 2021, trong khi ĐCSTQ tuyên bố họ có hơn 95 triệu thành viên, mà hầu hết công dân Trung Quốc ngay từ khi còn nhỏ đã phải gia nhập các tổ chức liên đới của đảng này — Đội Thiếu niên Tiền phong dành cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở, và Đoàn Thanh niên Cộng sản dành cho trẻ em trong độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Khi gia nhập, họ tuyên thệ với ĐCSTQ rằng họ sẽ hy sinh mạng sống của mình cho ĐCSTQ và họ sẽ không bao giờ phản bội ĐCSTQ. Những yêu cầu như vậy là bắt buộc khi trẻ em ghi danh vào hầu hết các trường học trên khắp Trung Quốc.
Phong trào Thoái Đảng yêu cầu mọi người rút lại lời thề mà họ đã tuyên thệ với ĐCSTQ khi gia nhập các tổ chức của đảng.
Nhà hoạt động nhân quyền ở hải ngoại: ‘Tất cả hãy trở thành tình nguyện viên thoái đảng’
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Giới nói với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng lần đầu tiên ông biết đến Phong trào Thoái đảng là tại một khu chợ địa phương ở quê nhà vào năm 2004 khi ông vẫn còn là một thiếu niên.
Ông kể lại rằng nhiều người dân địa phương ở quê nhà đã nhận được Cửu Bình. Để cảnh sát không phát hiện, ông dán những chiếc đĩa CD nhận được bằng băng dính dưới quần áo.
“Cả nhà tôi thường xem đĩa CD Cửu Bình khi chúng tôi ăn cơm tối,” ông Giới cho hay. “Chúng tôi đã hiểu được bản chất thực sự của ĐCSTQ sau khi xem loạt bài xã luận này. Những tài liệu này thực sự đã mở ra cánh cổng dẫn tới sự thật!”
Năm 2009, ông đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi công lý sau khi ngôi nhà của ông bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá bỏ, mẹ ông bị bức hại đến mất mạng, và cha ông thành tàn tật vì bị cảnh sát địa phương tra tấn dã man. Ông đã gặp một học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Người này còn nói với ông về việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ, và lần này ông đã thoái đảng bằng tên thật của mình.
“Vẫn còn 800 triệu người, có thể là một tỷ người Trung Quốc chưa thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó,” ông Giới cho biết. “Tất cả chúng ta hãy trở thành những tình nguyện viên như các học viên Pháp Luân Công và nói với đồng hương của chúng ta thoát xuất khỏi chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ và quay về với nền văn minh Trung Hoa đích thực.”
Ông khuyến khích người Hoa ở hải ngoại nên xem bộ phim tài liệu “The Awakening of 400 Million People” (“Sự Thức Tỉnh Của 400 Triệu Người”,) một bộ phim ghi lại cách mà các học viên Pháp Luân Công nâng cao nhận thức của mọi người về sự tàn bạo của ĐCSTQ. Bộ phim đang được chiếu tại các thành phố trên khắp Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
“Những bằng hữu Pháp Luân Công của chúng tôi đã mạo hiểm sự tự do, thậm chí cả mạng sống của mình để nói cho mọi người biết sự thật và giúp mọi người tránh xa thảm họa đỏ của ĐCSTQ. Dũng khí của những bằng hữu Pháp Luân Công của chúng tôi cũng như nguyên tắc làm người tốt và bảo vệ công lý của họ giống như ánh dương chiếu sáng khắp từng ngõ ngách trên thế giới, mang đến cho chúng ta sự ấm áp và điều tốt lành,” ông Giới nói.
Cửu Bình — một ‘cột mốc’
Ông Trần Tư Minh (Chen Siming), một nhà bất đồng chính kiến ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, đã bị Cục Công an Chu Châu đưa vào danh sách đen do ông đã tham gia hoặc tổ chức các sự kiện thường niên tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06.
Ông nói rằng Cửu Bình là một “cột mốc trong cuộc chiến của người dân Trung Quốc chống lại sự chuyên chế của chế độ cộng sản.”
“Tôi hy vọng người dân Trung Quốc sẽ tự nguyện đứng lên để lên án ĐCSTQ và tà giáo cộng sản của nó,” ông Trần nói.
Ông Trần bị bức hại nghiêm trọng ở Trung Quốc vì các hoạt động ủng hộ dân chủ của mình.
Hồi tháng Năm, các đặc vụ công an đã triệu tập ông một cách ngẫu nhiên, giam giữ ông mà không có lý do pháp lý, tịch thu điện thoại, tìm cách đưa ông đi giám định chứng rối loạn tâm thần, và hủy sổ thông hành của ông.
Tháng Bảy, ông Trần đã đào thoát khỏi Trung Quốc, và sau một loạt hành trình qua nhiều quốc gia, đến tháng Mười, ông đã xin tị nạn chính trị thành công từ chính phủ Canada. Ông nói rằng ông chưa bao giờ là đảng viên Đảng ĐCSTQ, nhưng ông đã gia nhậ Đoàn Thanh niên Cộng sản khi còn trẻ, và ông đã thoái xuất vào năm 2018 khi một tình nguyện viên Thoái Đảng gọi cho ông.
Hồi đầu tháng này, ông Trần nói với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng: “Đưa ra tuyên bố công khai về việc tôi từ bỏ Đoàn Thanh niên là để công khai thể hiện thái độ của tôi [phản đối ĐCSTQ].”
Bà Vương Tinh (Wang Jing), một ký giả công dân và là một nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc, cho biết, năm 2014 bà đã đọc Cửu Bình trên mạng và công khai tuyên bố từ bỏ mối liên hệ với ĐCSTQ vào ngày 02/08/2022. Bà nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng bà rất “biết ơn” những bằng hữu Pháp Luân Công đã nói với bà về phong trào Thoái Đảng này.
Bà nói rằng bà đã biết thêm sự thật về lịch sử sát nhân và sự tàn bạo của ĐCSTQ sau khi đọc loạt bài xã luận này. Tuy nhiên, bà đã bị bỏ tù vì thỉnh nguyện đòi công lý cho em gái 19 tuổi của mình, người đã bị sát hại tại nơi làm việc không lâu sau khi đọc bài xã luận.
Bà Vương lưu ý rằng ngày càng có nhiều người Trung Quốc chủ động thoái xuất khỏi ĐCSTQ thông qua phong trào Thoái Đảng.
“Cùng với rất nhiều năm nỗ lực và kiên trì của những bằng hữu Pháp Luân Công, phong trào Thoái Đảng đã mở ra một kỷ nguyên ‘thức tỉnh tinh thần’ của người dân Trung Quốc,” bà Vương cho biết.
“Phong trào này không chỉ trở thành mục tiêu theo đuổi sự an toàn về thể chất và tự do về tinh thần mà còn là phương tiện và sự bày tỏ của người dân Trung Quốc đang sống trong hoàn cảnh khốn cùng để truyền đạt những cảm xúc không thể chịu đựng và sự phản kháng chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ.”
Bà Vương bị thụ án 4 năm 10 tháng tại Nhà tù nữ Cát Lâm và bị tra tấn dã man. Bà nhìn thấy nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam trong cùng một nhà tù. Ngay lập tức bà đã liên lạc với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ và gửi cho ấn phẩm này tên của những học viên Pháp Luân Công bị cầm tù mà bà có thể nhớ được.
Sự thức tỉnh tinh thần cho người dân Trung Quốc
Ông Lý Quân (Li Jun), đạo diễn bộ phim tài liệu “Sự Thức Tỉnh Của 400 Triệu Người,” đã dành ba năm để phỏng vấn hơn chục tình nguyện viên Thoái Đảng ở châu Âu, Úc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông, và Hoa lục.
“Phong trào Thoái Đảng là một phong trào thức tỉnh tinh thần của người dân Trung Quốc,” ông Lý nói. “Bản chất của phong trào này là rút lại cam kết mà chúng tôi đã tuyên thệ với ĐCSTQ, trong đó chúng tôi được yêu cầu cống hiến cuộc đời mình và hy sinh tất cả vì nó,” ông nói.
Ông nói thêm rằng người dân Trung Quốc đã bị buộc phải cam kết trung thành với ĐCSTQ khi họ còn là học sinh tiểu học.
“Tôi cảm thấy được trách nhiệm của mình, là một nhà làm phim tài liệu, là trình bày giai đoạn lịch sử này. Một ngày nào đó, khi Trung Quốc tiến tới nền dân chủ và tự do, chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn đối với những tình nguyện viên này và chắc chắn sẽ ghi nhớ phần lịch sử này,” ông nói.
Hôm 04/11, bộ phim tài liệu đã có buổi công chiếu tại Palo Alto thuộc Vùng Vịnh San Francisco, California, và gần 300 khán giả đã tham dự buổi công chiếu. Nhiều người đã xúc động đến rơi lệ khi xem bộ phim tài liệu này.
Ông Phương Chính (Fang Zheng), bị xe tăng cán qua chân trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đã bày tỏ “sự tôn trọng sâu sắc” đối với các tình nguyện viên Pháp Luân Công sau khi xem phim tài liệu của ông Lý.
Ông Phương, một trong những sinh viên biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nói rằng ông đã thoái ĐCSTQ vào năm 2005 sau khi đọc Cửu Bình.
“Con đường tương lai của Trung Quốc hướng tới nền dân chủ và tự do, sự hồi sinh cuối cùng của dân tộc Trung Hoa, đòi hỏi một phong trào khai sáng thực sự, một sự thức tỉnh trên toàn quốc. Tôi tin rằng phong trào Thoái Đảng là khởi đầu cho sự thức tỉnh này,” ông Phương nói với The Epoch Times hôm 04/11.
Ông kêu gọi tất cả khán giả tại địa điểm chiếu phim hãy trở thành tình nguyện viên Thoái Đảng.
Ông Ly Khai Phùng (Feng Congde), một trong những thủ lĩnh sinh viên trong cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nói rằng người dân Trung Quốc nên nhận thức được bản chất tà ác của ĐCSTQ, và họ chính là hậu duệ của dân tộc Trung Hoa, không phải của chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa Lenin.
“Trên thực tế, ĐCSTQ còn tà ác hơn cả Đức Quốc xã và Hitler, nhưng phương Tây chưa nhận thức đầy đủ về điều này. Chúng ta nên đánh thức các công ty và đảng phái chính trị phương Tây đã dung dưỡng cho ĐCSTQ,” ông Phùng nói.
Ông nói với The Epoch Times hôm 04/11 rằng ông rất mong bộ phim tài liệu “Sự thức tỉnh của 400 triệu người” có thêm phiên bản Anh ngữ, Pháp ngữ, và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ông bày tỏ rằng ông hy vọng người dân trên khắp thế giới sẽ không còn tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với ĐCSTQ tà ác này.
Ông Lý Quân là thành viên của Hiệp hội Phim Tài liệu Trung Quốc và là một đạo diễn được công nhận trên toàn quốc. Tham gia vào ngành truyền thông truyền hình trong 30 năm, ông Lý đã nhận được năm giải Đại Bàng Vàng (Golden Eagle Awards), giải thưởng cao nhất về nghệ thuật truyền hình Trung Quốc, và 2 giải Phim tài liệu Gấu Trúc Vàng quốc tế (International Golden Panda Documentary Awards).
Năm 2014, ông Lý chuyển đến Hoa Kỳ và kể từ đó đã sản xuất ba bộ phim tài liệu: “Thu Hoạch Nội Tạng Sống: 10 Năm Điều Tra”, đã đạt giải Phim Tài liệu Độc lập Quốc tế Hollywood hạng mục phim tài liệu hải ngoại hay nhất vào tháng 01/2017, Phim tài liệu “False Fire: China’s Tragic New Standard in State Deception” (“Lửa Giả: Tiêu Chuẩn Mới Bi Thảm của Trung Quốc về Lừa Dối do Nhà Nước”), và “Sự Thức Tỉnh Của 400 Triệu Người.”
Bản tin có sự đóng góp của Li Xi, Li Yingying, và Andrew Chen
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times