Phong trào giấy trắng và tia hy vọng về sự phản kháng mạnh mẽ hơn nữa chống lại ĐCSTQ
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng khát vọng tự do của người dân Trung Quốc sẽ tiếp nối động lực của phong trào giấy trắng năm ngoái và có được một tác động lâu dài.
HOA THỊNH ĐỐN — Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết người dân Trung Quốc sẽ vẫn mang theo ngọn lửa nhiệt huyết của phong trào giấy trắng năm ngoái trong khát vọng tự do của mình ngay cả sau khi chính sách zero COVID của Trung Quốc kết thúc.
Vào ngày 24/11, một năm trước, một vụ hỏa hoạn tang thương tại một tòa nhà chung cư cao tầng ở Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương phía tây Trung Quốc, đã dẫn khởi phong trào này. Người dân đổ lỗi cho lệnh phong tỏa COVID-19 hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến nhân viên cấp cứu không thể kịp thời ứng phó với đám cháy, khiến nhiều người thiệt mạng hơn; nhiều người cũng tin rằng số người tử vong cao hơn nhiều so với số liệu chính thức là 10.
Hơn 19 thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, đã chứng kiến những cuộc biểu tình nổ ra trên đường phố để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và bày tỏ sự bất mãn của mình. Trong những cuộc tụ tập tự phát đó, người dân đã cầm những tờ giấy trắng để phản đối chính quyền vì đã thực hiện các biện pháp kiểm soát đại dịch cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận.
“Chuyện này sẽ xảy ra khi chế độ chuyên quyền bạo ngược hiển lộ quá rõ ràng, và việc kiểm duyệt trở nên độc đoán đến mức các khẩu hiệu, lập luận, và tuyên ngôn thậm chí không còn cần thiết nữa,” Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ của Hạ viện, trình bày tại một cuộc mít-tinh kỷ niệm tròn một năm diễn ra phong trào giấy trắng.
“Tất cả những gì mọi người cần là một tờ giấy trắng. Mọi người đều có thể điền vào đó, kể cả những kẻ áp bức,” ông nói thêm.
Tác động ‘lâu dài’
Cô Julie Millsap, giám đốc quan hệ chính phủ tại tổ chức Dự án về Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ (UHRP), nói với The Epoch Times rằng tác động của phong trào này sẽ “lâu dài.” Cô xem các cuộc biểu tình giấy trắng là “một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy người dân thực sự mong muốn có được tự do.”
Cô cho biết các sự kiện đánh dấu ngày kỷ niệm một năm diễn ra phong trào này là “một bằng chứng khá mạnh mẽ cho thấy khả năng phản kháng chống lại Trung Quốc sẽ còn nhiều hơn nữa.” “Vì vậy tôi nghĩ đây là một tia lửa sẽ lớn dần lên thành một ngọn lửa cuồng nộ.”
Ông Chu Phong Tỏa (Zhu Fengsuo), giám đốc điều hành Tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc, cũng đồng tình với ý kiến trên. Đối với ông, phong trào này đánh dấu một thời điểm quan trọng ở Trung Quốc vì đó là lần đầu tiên người dân Trung Quốc đã công khai kêu gọi ĐCSTQ hạ đài. Ông cũng cho rằng các cuộc biểu tình này đã góp một phần dẫn đến việc ĐCSTQ quyết định chấm dứt chính sách zero COVID một tháng sau đó (tức tháng 12/2022).
Ông cho biết nhiều người tham gia phong trào đã được nếm trải mùi vị của tự do và không có nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ từ bỏ lý tưởng đó. Theo ông Chu, ảnh hưởng [của phong trào này] đối với thế hệ trẻ ở Hoa lục là điều quý báu nhất.
ĐCSTQ là nguồn gốc của sự tàn bạo
Ông Gallagher xem phong trào giấy trắng chỉ là một phương diện trong một vấn đề lớn hơn: đó là mối đe dọa từ ĐCSTQ.
“Chúng ta cần phải hiểu rõ được bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một tổ chức sùng bái thâm căn cố đế chủ nghĩa Marx-Lenin, không chỉ có tham vọng trong nước, không chỉ có tham vọng trong khu vực mà còn có tham vọng toàn cầu, nhằm làm suy yếu Mỹ quốc và thay thế chúng ta trở thành nhà lãnh đạo thế giới,” ông nói với The Epoch Times. “Và trừ phi chúng ta hiểu được điều đó cũng như hiểu được bản chất của chế độ này, nếu không chúng ta sẽ không thể có được một chính sách thành công trong tương lai.”
Ông cam kết rằng ủy ban của ông sẽ “tiếp tục làm sáng tỏ không chỉ vấn đề cụ thể — cuộc biểu tình của dũng sĩ cầu Tứ Thông và phong trào giấy trắng — mà còn đưa cả các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên khắp Trung Quốc ra ánh sáng.”
Đầu năm nay, ông Gallagher đã đề cử anh Bành Lập Phát (Peng Lifa), được biết đến với biệt danh “Dũng sĩ Cầu Tứ Thông” hay “Người biểu tình trên cầu” (Bridgeman), cho giải Nobel Hòa bình. Anh Bành đã biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh vào năm 2022 phản đối sự cai trị độc tài của ĐCSTQ.
Cô Lesley, một người Trung Quốc sống ở Boston, đã tới Hoa Thịnh Đốn để tham dự buổi mít-tinh này. Cô sử dụng bí danh vì sợ bị ĐCSTQ trả thù.
Cô cho biết cô đã phát tờ rơi về phong trào giấy trắng và đăng các bài báo trực tuyến ủng hộ Người biểu tình trên cầu vào tháng Mười Một năm ngoái. Đến mùa xuân năm này, người nhà của cô ở Trung Quốc đã bị sách nhiễu.
“Sự phản kháng của người dân Trung Quốc luôn dẫn đến sự đàn áp và tẩy não nghiêm trọng hơn từ ĐCSTQ,” cô nói với The Epoch Times. “Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế có thể giúp đỡ, bởi vì đây không chỉ là vấn đề người Trung Quốc bị bắt làm nô lệ. Mà còn một vấn đề là ĐCSTQ đang sử dụng tiền bạc và tài nguyên của người dân Trung Quốc để chống lại toàn bộ thế giới tự do.”
Cô nói thêm rằng sự tự do của người dân Trung Quốc sẽ mang lại một thế giới tốt đẹp hơn. Cô cho biết cô và những người khác sẽ tiếp tục nỗ lực chia sẻ thêm thông tin về Trung Quốc bằng Anh ngữ.
Cô nói: “Tôi tin rằng khi mọi thứ ngày càng trở nên minh bạch, thì các chính sách quốc tế cũng thuận theo đó mà được ban hành.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times