Các nhóm nhân quyền: ĐCSTQ đang đối xử khắc nghiệt hơn với những người bất đồng chính kiến
LONDON—Năm 2019, vì muốn trốn thoát cuộc đàn áp của công an đối với những người bất đồng chính kiến, chồng của cô Lô Lina (Lu Lina) đã rời khỏi Trung Quốc. Lúc đó cô Lô nghĩ rằng cô và con trai nhỏ của họ sẽ sớm được đoàn tụ cùng anh ở nơi an toàn tại hải ngoại.
Cô không hề biết rằng mình sẽ bị buộc phải chuyển nhà, đứa con trai 8 tuổi của cô sẽ bị đuổi học và lực lượng biên phòng sẽ cấm cô rời khỏi đất nước trong ba năm sau đó. Cuối cùng, cặp vợ chồng này phải dùng đến cách nộp đơn ly hôn ở Trung Quốc để thoát khỏi lệnh cấm xuất cảnh.
“Sau khi chồng tôi rời đi, công an đã gây ra rất nhiều rắc rối cho cuộc sống của chúng tôi,” cô Lô nói từ Los Angeles, nơi mà cuối cùng gia đình cô đã được đoàn tụ và định cư hồi cuối năm ngoái. “Lần nào bộ đội biên phòng cũng ngăn cản tôi, thu giữ điện thoại, ví, và toàn bộ tư trang hành lý của tôi. Họ không đưa ra lời giải thích nào.”
Chồng của cô Lô, anh Lưu Tứ Phảng (Liu Sifang), một nhạc sĩ và cũng từng là một giáo viên, nằm trong số các nhà hoạt động và luật sư nhân quyền Trung Quốc bị bắt, buộc phải lẩn trốn hoặc chịu cảnh lưu vong sau khi tham dự một cuộc họp mặt không chính thức vào năm 2019 để thảo luận về nhân quyền.
Các nhóm nhân quyền cho rằng việc trừng phạt gia đình anh Lưu cho thấy sự đàn áp ngày càng khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với những người bất đồng chính kiến cả trong và ngoài Trung Quốc. Khi các tổ chức nhân quyền kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào Chủ Nhật (11/12), họ lo ngại rằng tình hình [nhân quyền] ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đang trở nên tồi tệ hơn chứ không có xu hướng trở nên tốt đẹp hơn.
Các nhóm nhân quyền cho rằng chính phủ của các nước phương Tây không gây áp lực đủ mạnh lên nhà cầm quyền Trung Quốc, và một nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã ngày càng trở nên cứng rắn hơn trước áp lực quốc tế.
Bà Sophie Richardson, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm và là cựu giám đốc đảm trách các vấn đề về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Nếu quý vị nhìn vào hoạt động độc lập trong khoảng thời gian ông Tập lên nắm quyền, so với những gì quý vị có thể thấy bây giờ, điều rõ ràng một cách đáng lo ngại là ông Tập đã tìm cách xóa sổ xã hội dân sự và bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong thời gian ông ta cầm quyền, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu, để chắc chắn rằng bất kỳ ai chỉ trích ông ta và chế độ đều phải dè chừng.”
Một báo cáo mới của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Rome, được công bố hôm Chủ Nhật nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, cáo buộc rằng ĐCSTQ đang tăng cường sử dụng “hình phạt tập thể” đối với thân nhân của những người ủng hộ nhân quyền trong những năm gần đây.
Theo báo cáo, “dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng không muốn cho phép các mục tiêu chính trị rời khỏi đất nước, áp dụng các lệnh cấm xuất cảnh đối với họ và gia đình họ, đồng thời sử dụng các phương pháp đàn áp xuyên quốc gia để kiểm soát những người tìm đường thoát thân.”
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn chục nhà hoạt động nhân quyền và các báo cáo truyền thông tổng hợp, báo cáo trên cho biết họ đã xác định được ít nhất 50 trường hợp như vậy từ năm 2015 đến năm 2022, bao gồm việc giam giữ, đuổi ra khỏi nhà, sách nhiễu hoặc hành hung bạo lực đối với thân nhân của các nhà hoạt động.
Ngày Nhân quyền Quốc tế năm nay — đánh dấu 75 năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc thông qua văn kiện mang tính nền tảng toàn cầu nhằm bảo vệ quyền của mọi cá nhân ở khắp mọi nơi — diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU đến thăm Trung Quốc để dự vòng đàm phán mới.
Mặc dù cuộc họp thượng đỉnh đó tập trung vào thương mại và cuộc chiến Ukraine, nhưng EU cho biết khối này cũng bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Cả hai bên đều cho biết họ hoan nghênh việc nối lại cuộc đối thoại về nhân quyền vào đầu năm nay.
Tuần trước (04-10/12), Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nhắc lại quan điểm biện hộ từ xưa đến nay của Trung Quốc trước những lời chỉ trích của quốc tế về hồ sơ nhân quyền của nước này.
Bà Richardson, chuyên gia về nhân quyền Trung Quốc, cho biết cuộc đối thoại về nhân quyền giữa EU và Trung Quốc còn lâu mới đạt được những kết quả thực sự khả quan cho những người bất đồng chính kiến.
Hồi tháng Tư, công an Trung Quốc đã bắt giữ ông Dư Văn Sinh (Yu Wensheng), một luật sư nhân quyền và vợ ông là bà Hứa Diễm (Xu Yan) khi họ đang trên đường đến văn phòng Liên minh Âu Châu ở Bắc Kinh để gặp đại sứ EU.
Cặp vợ chồng này đang phải đối mặt với các tội danh được gọi là lật đổ quyền lực nhà nước và “gây gổ và kích động rắc rối” — mặc dù họ chưa nhận được bất kỳ tài liệu pháp lý nào nêu rõ các tội danh đó, theo ông Bao Long Quân (Bao Longjun), một luật sư am tường về vụ án này.
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times