Ngã rẽ sinh tử: Hành trình đào thoát của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Trần Tư Minh
Nhà hoạt động này chia sẻ với The Epoch Times về chuyến bay liều lĩnh của ông từ Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Trần Tư Minh (Chen Siming) được biết đến là người theo dõi chăm chú vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Hành động của ông và các bài đăng trên mạng xã hội đã dẫn đến các vụ bắt giữ, hạn chế đi lại, và bị công an liên tục giám sát, đặc biệt là vào khoảng thời gian kỷ niệm vụ thảm sát ngày 04/06. Cuối cùng, vào mùa hè năm ngoái (2023), sau khi liên tục phải đối mặt với những lời đe dọa và sách nhiễu, ông đã quyết định tìm cách trốn khỏi Trung Quốc.
Hành trình của ông Trần đã bước sang một trang mới khi ở lại phi trường Đài Loan hai tuần. Khi trường hợp của ông thu hút sự chú ý của quốc tế, ông đã được cấp tị nạn ở Canada. Ông Trần đã chia sẻ với The Epoch Times một cách chi tiết về trải nghiệm đau khổ của mình, và lý do tại sao ông sẽ tiếp tục lên tiếng.
Phải chạy thôi!
Mọi chuyện đã trở nên căng thẳng đối với nhà hoạt động này vào ngày 21/07/2023. Vào thời điểm đó, ông Trần, 60 tuổi, đang sống ở Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc. Công an Chu Châu đã triệu tập ông vào sáng hôm đó và nói với ông rằng ông sắp được đưa đi giám định tâm thần.
Đối với ông Trần, lời đe dọa rằng ông sẽ bị nhốt vào viện tâm thần còn đáng sợ hơn cả việc tống ông vào tù.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khét tiếng với việc sử dụng các cơ sở điều trị tâm thần để bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Thông lệ đó giúp ĐCSTQ loại bỏ hoàn toàn các nhà hoạt động khỏi hệ thống tư pháp, mà không cần phải qua xét xử, đồng thời chẩn đoán họ mắc bệnh tâm thần để họ bị xã hội cô lập ngay cả sau khi được tại ngoại. Trong các viện tâm thần của Trung Quốc, nạn nhân phải chịu sự ngược đãi về tinh thần và thể chất. Sau khi trở về nhà, nhiều người trong số họ phải đối mặt với chứng PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) và thậm chí mắc chứng mất trí nhớ sớm do bị ép dùng thuốc.
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng khi ông bước ra khỏi trụ sở công an, một ý nghĩ không thể cưỡng lại đã hình thành trong đầu ông: Phải chạy thôi!
Hành trình đào thoát
Ông Trần vội vàng túm lấy chiếc điện thoại và cục sạc dự phòng của mình. Không mang theo ba lô, ông vơ vội hai bộ quần áo vào một chiếc túi nhựa trong suốt, rồi lái chiếc xe máy điện của mình đi. Một sự pha trộn giữa cảm giác phấn khích và sợ hãi chảy trong huyết quản của ông.
Sau khi đi lòng vòng qua một vài khu phố, rẽ trái rồi lại rẽ phải nhiều lần, ông đâm thẳng ra phía đại lộ. Ở đó, để tránh bị theo dõi, ông đã thực hiện một quyết định táo bạo đó là lái xe ngược chiều, đối mặt với dòng xe đang lao tới.
Trong một giờ, ông đến một bến xe buýt đường dài. Nhìn qua trái rồi lại nhìn qua phải, sau khi xác nhận rằng không có người nào theo sau mình, ông đã nhanh chóng bỏ lại chiếc xe tay ga đó, lên một chuyến xe buýt đi đến Trường Sa, cách Chu Châu khoảng 45 dặm (72 km) về phía bắc. Khi đến nơi, ông nhanh chóng chuyển sang tàu điện ngầm và đi thẳng đến phi trường Hoàng Hoa.
Thời gian di chuyển thông thường từ Chu Châu đến phi trường này là 50 phút, nhưng ngày hôm đó, ông Trần đã mất trọn năm giờ rưỡi để đến đây. Ông biết rằng công an đã theo dõi ông qua căn cước công dân kể từ năm 2018, chỉ cần ông quét thẻ căn cước tại trạm kiểm soát dành cho phương tiện giao thông công cộng đều sẽ có báo động. Dù có phải đi đường vòng, nhưng ông biết rằng xe buýt đường dài và tàu điện ngầm là hai phương tiện duy nhất giúp ông tránh các trạm kiểm soát vì hai phương tiện này không yêu cầu quét thẻ căn cước.
Lúc ông đến Hoàng Hoa là 5 giờ 30 chiều, phi trường có rất ít hành khách. Chuyến bay sớm nhất đến Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam — một tỉnh giáp biên giới với Lào — là lúc 8h30 sáng ngày hôm sau.
Ông Trần không chắc hãng hàng không này có liên kết với mạng lưới công an hay không, nhưng ông cho rằng việc mua vé quá sớm sẽ rất nguy hiểm. Ông quyết định đợi đến sau 10 giờ tối, khi công an đã tan sở. Ông tìm một chỗ vắng vẻ và chờ đợi.
Ngẫm lại hoạt động dân sự của mình và lời đe dọa của công an
Kể từ khi bắt đầu lên tiếng công khai vào năm 2016, ông Trần đã nhiều lần bị công an địa phương triệu tập với danh nghĩa “thảo luận,” “uống trà,” và “du lịch.” Những lời thăm hỏi lịch sự qua điện thoại, và đôi khi, là những lần giam giữ, đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của ông. Mỗi lần gần đến ngày 04/06, công an địa phương lại truy lùng ông, dùng nhiều lý do khác nhau để hạn chế quyền tự do của ông, nói rằng họ muốn ngăn ông “gây rối trật tự xã hội.”
Trước lễ kỷ niệm Vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm ngoái, công an địa phương đã gọi điện cho ông Trần và thông báo rằng ông sẽ được “đi du lịch.”
Suy nghĩ nhanh chóng, ông đã tweet một bài đăng về vụ thảm sát trước khi công an đến. Công an đã phát hiện và yêu cầu ông xóa bài đăng đó. Ông Trần từ chối. Kết quả là ông bị giam 15 ngày.
Sáng ngày 21/07, công an triệu tập ông và một lần nữa yêu cầu ông xóa bài viết kia. Ông Trần đồng ý, với điều kiện công an phải đưa ra lệnh tạm giam và lệnh triệu tập, nhưng công an đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của ông.
“Này lão Trần, ông có thể phải chịu mức án từ ba đến năm năm tù, hoặc có thể bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Ông có biết rằng tôi có thể đưa ông đi làm giám định tâm thần ngay lập tức không?” Viên sĩ quan nói năng từ tốn nhưng với một giọng điệu đầy hăm dọa.
Lời đe dọa đó khiến ông Trần nhớ ngay đến cô Đổng Quỳnh Dao (Dong Yaoqiong), một cô gái trẻ đến từ Chu Châu, người đã hất cả bình mực lên tấm bích chương có hình lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cô đã bị cưỡng ép vào trại tâm thần; cha cô, người đã bào chữa cho cô, đã bị tống giam và mất mạng ở đó.
[Ý định] “chạy trốn” đã thoáng qua tâm trí ông Trần cách đây vài năm khi những người bạn thân thương của ông khích lệ ông rời khỏi Trung Quốc. Một là ông do dự vì muốn tiếp tục hoạt động của mình, hai là ông cảm thấy mình không đủ can đảm để gánh chịu những rủi ro khó lường trong tương lai, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ và sổ thông hành hợp lệ của ông đã bị công an hủy bỏ vào năm 2019. Ông biết mình sẽ chỉ có thể rời Trung Quốc bằng con đường vượt biên trái phép.
Gạt những nỗi sợ đó sang một bên, giờ đây ông đang trên đường trốn thoát. Dù sao ông cũng đang gặp nguy hiểm rồi, không suy nghĩ gì nhiều, ông chỉ có thể dũng cảm tiến về phía trước.
Hành trình vượt biên
10h30 sáng ngày 22/07, phi cơ của ông Trần đáp xuống Tây Song Bản Nạp. Ông vẫn còn cảm thấy rất hồi hộp: trên phi cơ lúc nào ông cũng thấp thỏm lo sợ rằng công an đang ngồi đâu đó ở những hàng ghế kế bên, thậm chí ông còn nghĩ rằng họ đang đợi ông ở lối ra phi trường.
May mắn thay, dường như công an Chu Châu vẫn chưa biết về việc ông đã đào thoát, và ông đã rời phi trường mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Lúc đó ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm, ông nhận ra mình đang đói. Ông đã không ăn gì từ sáng ngày hôm trước. Ông tìm đến một khu chợ, ăn nhanh một cái gì đó, mua bốn chai nước rồi đi thẳng đến biên giới.
Để thoát khỏi sự theo dõi của công an, ông liên tục thay đổi phương tiện — lúc thì taxi, lúc thì đi xe máy, và có lúc lại sử dụng xe hơi riêng.
Cuối cùng, đến 4 giờ chiều, trong một buổi chiều mát mẻ của mùa hè Vân Nam, ông đã đến được chân đồi biên giới.
Ngước mắt nhìn lên, ông không thể nhìn thấy đỉnh núi dốc mà ông sắp phải đối mặt. Ông chỉ thấy một dòng suối uốn lượn chảy từ trên xuống, vài chú chim hót líu lo, những tán cây rung rinh trong gió. Tuy nhiên, ông Trần không có ý định dừng chân để thưởng thức phong cảnh nơi đây. Đây là biên giới, bất cứ lúc nào cũng có thể chạm trán lính tuần tra, chưa kể còn có khả năng bị công an truy đuổi từ phía sau. Ông không dám nán lại mà vội vàng leo lên núi.
Đường núi mỗi lúc một dốc hơn, và ông cảm thấy ngày càng thấm mệt. Để giảm bớt gánh nặng, ông bỏ bốn chai nước và bỏ lại túi quần áo mang theo.
Cuối cùng cũng leo được đến đỉnh núi, ông thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng mình đã đến biên giới. Thế nhưng lại một đỉnh núi khác hiện ra, biên giới vẫn còn xa lắm. Ông không còn cách nào khác ngoài tập trung sức lực và tiếp tục cuộc hành trình này.
Thời tiết miền núi thay đổi rất nhanh. Cách đó không lâu, mặt trời còn đang chiếu sáng, bỗng nhiên xuất hiện một trận mưa như trút nước đổ xuống. Ông Trần đã ướt sũng sau trận mưa này và phải đối mặt với hành trình đầy thử thách trên con đường núi ẩm ướt và trơn trượt.
Khi lên đến đỉnh của ngọn núi thứ hai, ông cảm thấy mình đã kiệt sức. Ông đã bỏ lại cục sạc dự phòng, chỉ giữ lại điện thoại và bộ sạc — phương tiện liên lạc duy nhất của ông, một thứ mà ông không thể bỏ đi.
Cuối cùng khi đã đến được đỉnh núi, ông lại một lần nữa tin rằng mình đã đến được biên giới. Nhưng một sự thật phũ phàng là vẫn còn một đỉnh núi khác đang chờ ông ở phía trước.
Lúc này, ông nhận ra rằng thử thách không còn là rào cản ngôn ngữ hay vô số điều khác từng khiến ông lo lắng. Đó đơn giản chỉ là những đỉnh núi thấp thoáng trước mắt ông.
Khi đến được đỉnh núi thứ tư, thể lực của ông đã đạt đến ngưỡng chịu đựng giới hạn, chân ông nặng trĩu, mỗi bước đi đều trở nên vô cùng khó khăn. Ông thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại, gần như sắp ngất lịm. Ông bắt đầu đặt câu hỏi liệu việc mạo hiểm này có đáng không. Thậm chí ông còn nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Tuy nhiên, ý nghĩ đó đã sớm bị gạt bỏ. Ông không muốn quay trở lại quá khứ đó.
Kể từ năm 2016, ông trở thành mục tiêu sách nhiễu của công an: bị công an gọi điện thoại hàng ngày, bắt giữ, và giam giữ thường xuyên.
“Trung Quốc bị vấy bẩn bởi cái ác, nơi mà cuộc sống của người dân không còn phẩm giá nữa,” ông phản tỉnh lại. Ông biết đã không còn đường quay lại nữa. Có lẽ mạo hiểm sẽ là cơ hội duy nhất để ông thoát ra. Ông nghiến răng và tiếp tục leo lên.
Đến 7 giờ tối, ông đã vượt qua hàng rào thép gai để vượt qua biên giới giữa Trung Quốc với Lào. Ông thở phào nhẹ nhõm.
Đường xuống núi còn nguy hiểm hơn
Màn đêm buông xuống, xa xa là những tiếng chim vọng lại. Cảm giác nhẹ nhõm của ông Trần khi đến được biên giới nhanh chóng bị thay thế bằng một nỗi sợ hãi mới: ông có thể bị lực lượng an ninh biên giới Lào bắt giữ bất cứ lúc nào. Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn ở Lào, và bị bắt đồng nghĩa với việc quay trở lại Trung Quốc.
Ông cố ngăn những dòng suy nghĩ đó lại, ưu tiên hàng đầu của ông lúc này là phải xuống núi.
Trên ngọn núi tối đen như mực này, ông không thể nhìn thấy ngay cả bàn tay trước mặt mình. Để tránh bị phát hiện, ông Trần thậm chí còn không sử dụng đèn pin điện thoại mà chỉ dựa vào ánh sáng mờ nhạt của màn hình để chiếu sáng con đường khó phân định dưới chân. Ông mò mẫm tiến về phía trước, ông lấy chân để dò đường và cẩn thận bước từng bước xuống núi.
Đột nhiên, ông bị trượt chân. Ông cứ thế lăn xuống dốc và cũng không biết được rằng ông đã lăn đi trong bao lâu, cuối cùng ông bị một cái cây lớn chặn lại. Ông dừng lại một hồi lâu, cơ thể đầy đau đớn, sau đó ông lấy lại bình tĩnh và từ từ leo trở lại con đường mòn.
Tuy nhiên, vừa đi được một đoạn ngắn thì ông lại trượt chân và lăn xuống sườn đồi.
Sự việc cứ lặp đi lặp lại như vậy — dò dẫm từng bước, lăn xuống, lại dò dẫm từng bước, lại lăn xuống. Ông không nhớ mình đã té ngã bao nhiêu lần. Tay, chân, và bàn chân đầy vết thương do cành cây và gai nhọn. Cơ thể ông dính đầy máu, nước mưa, và bùn lầy.
Lúc này, ông đã chẳng còn biết sợ là gì nữa. Trong đầu ông chỉ còn một suy nghĩ duy nhất, đó là ‘sống sót.’
“Bang!” Đầu ông va phải một vật cứng. Vì không nhìn thấy gì, nên ông đã va vào một cái cây lớn trên đường đi. Một cục u nổi lên trên trán ông. Hai chiếc răng cửa của ông cũng bị mẻ.
Cứ như thế, ông ngã lăn xuống dốc, rồi đứng dậy, ngã lăn xuống dốc, rồi lại đứng dậy. Cuối cùng, vào lúc 10 giờ tối, ông cũng đến được chân núi. Ông không dám dừng lại để nghỉ ngơi. Ông tiến thẳng đến Tam Giác Vàng: một khu vực gần giống như một khu tự trị, vô luật pháp, có chung đường biên giới với ba nước Thái Lan, Lào, và Myanmar.
Ẩn náu trong Tam Giác Vàng
Tam Giác Vàng là trung tâm cờ bạc và du lịch phục vụ người Trung Quốc; nơi đây còn được gọi là “thuộc địa của Trung Quốc trên thực tế.” Tội phạm tràn lan: ma túy, cờ bạc, rửa tiền, buôn người, lừa đảo, và buôn bán động vật hoang dã. Đặc khu kinh tế này có lực lượng công an riêng; công an Lào được cho là cần có giấy phép đặc biệt mới có thể vào.
Ông Trần tìm thấy một khách sạn hẻo lánh và ẩn náu ở đó. Ông luôn che màn cửa sổ và ở trong căn phòng nhỏ cả ngày.
Ngày 26/07, ông nhận được tin nhắn từ một người bạn: công an đã lấy được thông tin của ông từ hãng hàng không và bắt đầu truy lùng trên quy mô lớn.
Quá sợ hãi, ông nhanh chóng cắt đứt liên lạc với bạn bè ở Trung Quốc. Ông biết mình phải nhanh chóng rời khỏi Lào nhưng không biết mình phải làm cụ thể những gì tiếp theo.
Đến ngày 29/07, ông đọc được một bản tin nói rằng luật sư nhân quyền Lô Tư Úy (Lu Siwei), người trốn khỏi Trung Quốc, đã bị công an Lào bắt khi ông chuẩn bị lên tàu tới Thái Lan. Công an Lào gần như chắc chắn sẽ đưa ông Lô về Trung Quốc.
Bản tin đó đã khiến cho nỗi sợ hãi của ông dâng trào, ông thấy rằng tình hình đang rất cấp bách, và ông phải lập tức rời đi.
Sáng hôm sau, ông khởi hành đến bờ sông Mê Kông, nơi chia Tam Giác Vàng thành ba phần: Lào, Myanmar, và Thái Lan. Con sông này rộng khoảng một cây số. Nhìn dòng nước chảy xiết, ông Trần nhận ra việc tự mình bơi qua Thái Lan là điều không thể. Ông cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Không thể kiềm chế được nữa, ông bật khóc.
Đi thuyền sang Thái Lan
Trở lại khách sạn, một ngày dường như dài dằng dặc. Tuy nhiên, cuối cùng, một cơ hội đã xuất hiện. Ông Trần lên thuyền đánh cá của ngư dân địa phương vào một đêm khuya. Chiếc thuyền hẹp này chỉ to hơn người ông một chút. Ông nằm úp mặt xuống đáy tàu ngập nước khi nó lao đi trong đêm tối.
Khoảng nửa giờ sau, thuyền cập bến. Ông leo lên bờ và băng qua một cánh đồng cỏ cao đến thắt lưng và ra đến đường cái. Sau đó, ông đi thẳng đến vùng Tam Giác Vàng đồi núi hiểm trở của Thái Lan, và sau đó đến Bangkok.
Ở Bangkok, ông Trần biết mình đã an toàn hơn, nhưng vẫn không phải là quá an toàn. Mặc dù Thái Lan không bị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ như Lào nhưng hai nước vẫn duy trì mối bang giao thân thiết. Nếu bị công an bắt, ông có thể bị giam giữ và bí mật giao lại cho chính quyền Trung Quốc.
Ông tìm được một căn hộ, chỉ ra ngoài để mua thức ăn. Khi đi ra ngoài, vừa đi ông vừa ngoái về phía sau để xem mình có đang bị theo dõi hay không, hành động này của ông không khác nào một tên trộm. Kiểu sống trong nơm nớp lo sợ này, khiến mỗi ngày trôi qua dài như cả năm.
Dần dần, ông quen biết được một vài người Trung Quốc trong cộng đồng người tị nạn Thái Lan. Một số người đang chờ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) tái định cư [sang nước khác]. Những người khác đang lập kế hoạch thực hiện chuyến đi đầy rủi ro đến Hoa Kỳ xuyên qua những khu rừng rậm ở Nam và Trung Mỹ.
Con đường bí mật này đã trở thành một sự lựa chọn của nhiều người, những người rời khỏi Trung Quốc trong tuyệt vọng sau nhiều năm [chính quyền] áp dụng các biện pháp zero COVID. Họ bay từ Thái Lan tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đáp chuyến bay tới Quito, Ecuador. Sau đó, họ sẽ tiến về phía bắc, đi qua Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala, và Mexico trước khi vượt biên để vào California.
Ông Trần cũng xem xét ý tưởng này nhưng ông biết mình không thể thực hiện được. Kinh nghiệm khi đi dọc biên giới Trung Quốc–Lào đã cho ông thấy rằng hành trình đến Hoa Kỳ kia có thể khiến ông phải trả giá bằng mạng sống. Ông cũng phát hiện ra rằng, từ giữa năm 2023, ĐCSTQ đã hợp tác với Thái Lan để chặn người Trung Quốc tại các phi trường của Thái Lan. Hơn 80% hành khách Trung Quốc từ Bangkok đến Istanbul không thể lên phi cơ. Sau khi bị chặn, tấm vé phi cơ đắt tiền của họ sẽ trở nên vô giá trị.
Ông không mang theo nhiều tiền mặt, và đã cắt đứt mọi liên lạc ở Trung Quốc. Người duy nhất ông liên lạc là người bằng hữu tên Quách Thắng (Guo Sheng), một nhà hoạt động cùng với ông hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Trong những ngày tháng tuyệt vọng và bất lực ở Lào, nhờ có sự giúp đỡ và động viên tinh thần của ông Quách nên ông mới có tài chính và biết được phương hướng.
Quy chế tị nạn
Một ngày nọ, một người nào đó trong cộng đồng người tị nạn khuyên ông nên ghi danh và nộp đơn lên UNHCR, và gợi ý rằng đó có thể là cơ hội để nhập cảnh vào một quốc gia khác một cách hợp pháp. Vào ngày 18/08, ông Trần đã nộp đơn xin tị nạn, sử dụng một số bài báo cũ về bản thân làm tài liệu bổ sung. Ông không có nhiều hy vọng thành công. Ông biết rằng một số người nộp đơn lên UNHCR đã chờ đợi nhiều năm mà không có kết quả khả quan.
Ngay khi ông Trần rơi vào trạng thái bi quan, thì đến ngày 25/08, ông đã nhận được tin từ UNHCR, hẹn ông đến phỏng vấn vào ngày 30/08. Thật bất ngờ, vào ngày phỏng vấn, UNHCR đã cấp cho ông quy chế tị nạn.
Ông Trần vui mừng khôn xiết. Nếu có quy chế tị nạn, ông sẽ không bị trục xuất về Trung Quốc và có thể cư trú hợp pháp ở Thái Lan.
Sau nhiều tuần lo lắng, cuối cùng ông cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông muốn dành chút thời gian cho bản thân, khám phá các địa điểm du lịch ở Thái Lan, và thưởng thức các món ăn đường phố hấp dẫn của quốc gia này.
Đáng tiếc là, khi ông đang vui vẻ thì một tin tức như một gáo nước lạnh đổ ập xuống đầu ông. Công an Trung Quốc biết ông đang ở Thái Lan. Khi nộp hồ sơ cho UNHCR, ông cũng đã vô tình tiết lộ danh tính của mình cho những người cung cấp thông tin cho ĐCSTQ.
Ông Trần một lần nữa rơi vào vực sâu. Ở lại Thái Lan không còn khả thi nữa.
Rất may là, quy chế tị nạn đã cho ông quyền tự do đi lại. Ông trở lại Lào trước vì tin rằng ĐCSTQ có thể không lường trước được hành động này, sau đó quay lại Thái Lan. Ông đi đi lại lại vài lần. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài; ông cần phải rời khỏi Thái Lan càng sớm càng tốt.
Chặng dừng ở Đài Loan
Ngày 22/09, ông Trần mua vé phi cơ. Bởi vì ông không có thị thực nhập cảnh để đi du lịch nơi khác, nên nghịch lý thay, ông lại phải mua vé bay về Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi từ Bangkok tới Quảng Châu này sẽ chuyển tiếp ở Đài Loan để đổi phi cơ.
Chuyến bay đó đã đáp xuống phi trường Đào Viên của Đài Loan lúc 6h30 sáng. Ông dự kiến sẽ có mặt trên chuyến bay đến Quảng Châu không lâu sau đó.
Sau khi đáp chuyến bay, ông đã nhanh chóng quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi chính phủ Đài Loan không hồi hương ông về Trung Quốc.
Đột nhiên, ông thấy mình trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Giới truyền thông đổ xô đưa tin về câu chuyện này, điện thoại của ông reo lên với hết yêu cầu phỏng vấn này đến yêu cầu phỏng vấn khác. Các tổ chức nhân quyền địa phương, các tổ chức cơ sở, và các nhà hoạt động nhân quyền từ khắp nơi trên thế giới đã được vận động đến [Đài Loan] để tiến hành giải cứu ông.
Vào lúc 2 giờ chiều hôm đó, ông Trần được đưa đến văn phòng Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Đài Loan để thẩm vấn. Khi cuộc trò chuyện kéo dài ba tiếng đồng hồ diễn ra, bầu không khí trở nên bất ổn. Tuy nhiên, các quan chức nhập cư cuối cùng cũng hiểu rõ hoàn cảnh của ông và bầu không khí trở nên thân thiện hơn.
Đồng thời, các tổ chức dân sự và các nhóm nhân quyền ở Đài Loan cũng tích cực vận động để giúp ông Trần có được chỗ ở trong thời gian ông ở lại đây. Các nhà hoạt động từ Canada và Hoa Kỳ cũng đang liên lạc với chính phủ của họ. Vào ngày 26/09, nhà hoạt động người Canada Thịnh Tuyết (Sheng Xue) đã gửi thông tin của ông Trần cho Bộ Ngoại giao Canada, giúp ông có được một cuộc gọi video với Bộ trưởng Ngoại giao Canada.
Ông bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy bối rối và lo lắng.
Chiều ngày 02/10, các quan chức của cơ quan nhập cư đã gặp ông Trần cùng với một nhà ngoại giao Canada. Nhà ngoại giao nói bằng tiếng phổ thông trôi chảy: “Chúng tôi đang sắp xếp cho ông một chuyến đi đến Canada và cũng đã đặt vé máy bay cho ông rồi. Ông có thể phải đợi khoảng một tuần nữa.”
Ông lập tức nhận ra trường hợp của mình: Ông đã được Canada chấp nhận rồi. Cứ như thể ông vừa thoát ra khỏi một cơn ác mộng vậy. Hành trình sinh tử suốt hai tháng qua cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết.
Quá xúc động, ông Trần thực sự muốn ôm nhà ngoại giao Canada nhưng lúc đó, ông chợt nhận ra mái tóc dài, bộ râu nhếch nhác, và bộ trang phục nhàu nát gồm áo phông và quần đùi, lúng túng không biết phải làm sao ông chỉ nói đi nói lại một từ: “Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.”
Ngày 05/10, ông Trần đáp chuyến bay tối từ Đài Loan đến Vancouver, chính thức bắt đầu một cuộc sống mới.
Lời tái bút
Khi cộng đồng quốc tế tập hợp lại để giải cứu ông Trần trong những ngày ông ở phi trường Đài Loan, ĐCSTQ ở phía bên kia cũng tất bật không kém.
Công an Trung Quốc đã bắt giữ và thẩm vấn bất kỳ ai quen biết ông Trần hoặc giúp đỡ ông. Một số người phải đối mặt với án tù.
Những nỗ lực của ĐCSTQ vẫn không dừng lại sau khi ông Trần đến Canada. Ba tháng sau, công an Hồ Nam gửi tin nhắn yêu cầu ông giữ im lặng, “nếu không muốn có kết cục giống như ông Hoa Dũng.”
Ông Hoa Dũng (Hua Yong) là một họa sĩ đào thoát khỏi Trung Quốc và đã chết đuối một cách bí ẩn ở Vancouver.
Bản tin có sự đóng góp của Y Linh
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times