Hồi ức 6 lần cố gắng đào thoát khỏi Trung Quốc: Người Úc gốc Hoa 68 tuổi không hối tiếc khi tìm đến tự do
“Chắc hẳn ông trời rất chiếu cố tôi, tất cả những gì tôi có hôm nay đều bắt đầu từ lần thứ sáu, khi tôi cuối cùng đã trốn thoát thành công đến Macau.” Đó là lời của ông Lư Bính, một nghệ sỹ chơi sáo di cư đến Úc, và hiện là chủ một công ty kỹ thuật. Sau nhiều lần thoát chết trong gang tấc, đến nay đã gần bước vào tuổi xế chiều nhưng ông vẫn không quên những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm về hành trình đào vong đầy gian nan. Ông tin tưởng rằng: “Con người chỉ cần kiên trì niềm tin thì không có việc gì là không thể làm được!”
Trong cơn mưa lạnh rả rích, một ông cụ đứng trước “Đài tưởng niệm thanh niên vượt biên gặp nạn” tại tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ, cúi mình thật sâu để tưởng niệm những người đã khuất. Trên đài tưởng niệm này, có 6 người là đồng nghiệp và hàng xóm của ông. Sau nhiều lần xác minh, ông đã cung cấp tên cho nhóm xây dựng đài tưởng niệm, mong muốn làm một điều gì đó cho những người bạn đã mất trong những năm còn lại của cuộc đời mình, để họ được an nghỉ. Năm 2023, ông cụ đã hai lần đặc biệt từ Úc sang Mỹ, một lần đến bờ Đông và một lần đến bờ Tây, để tham gia các hoạt động tưởng niệm và tưởng nhớ những người bạn đã mất trong cơn sóng gió.
Ông tên là Lư Bính, trải qua sáu lần vượt biên nguy hiểm, thập tử nhất sinh, cuối cùng vào năm 1981 ông đã bơi từ Chu Hải đến Hắc Sa Hoàn, Macau, và có được tự do. Hồi tưởng lại quá khứ, mọi thứ vẫn rõ ràng như ngày hôm qua. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông đã kể lại hành trình lưu vong đầy gian nan của mình, từ việc leo lên xe lửa, bị chó cắn, trèo qua hàng rào thép gai, vượt qua cánh đồng hàu, bơi qua eo biển đầy sóng dữ.
Ông Lư từ Chu Hải vượt biên đến Macau, rồi vào những năm 80 sang Úc lập nghiệp. Từ chỗ không biết một chữ tiếng Anh, ông đã hoàn thành khóa học văn bằng cao cấp về kỹ thuật cơ khí, gia nhập Hiệp hội Kỹ sư Úc, sau đó tự kinh doanh và trở thành ông chủ. Ý chí kiên cường đã đồng hành cùng ông trong suốt cuộc đời. Từ lúc mới lên 9 tuổi, ông Lư đã học thổi sáo với cha mình. Tiếng sáo du dương vang lên từ cây sáo trúc yêu quý đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Âm thanh ấy theo ông từ Trung Quốc sang Úc, gửi gắm những cảm ngộ của ông về cuộc sống.
Hai lần leo tàu hỏa thất bại và cây sáo cứu mạng
Ông Lư Bính tốt nghiệp trung học tại Trường Trung học số 29 Quảng Châu (nay là Trung học Phổ thông Tây Quan Bồi Anh) vào năm 1972, đúng vào thời kỳ cao điểm của phong trào “Lên miền núi, xuống nông thôn,” tức là thanh niên trí thức đến vùng nông thôn để tiếp nhận “tái giáo dục.” Ông bị phân công đến làm công nhân kỹ thuật tại một nhà máy xi măng ở huyện Anh Đức, vùng núi phía bắc Quảng Đông, và hộ khẩu của ông cũng bị chuyển ra khỏi thành phố. Mỗi năm ông chỉ có thể về thăm cha mẹ một hoặc hai lần. Trước đây, cuộc sống ở thành phố mang lại cho ông môi trường sống tốt đẹp hơn hẳn, nhưng giờ đây, ông phải chịu đựng khó khăn ở vùng xa xôi hẻo lánh, không biết liệu có thể quay trở lại thành phố hay không. Những ngày tháng này khiến ông cảm thấy con đường phía trước mịt mờ, không thấy được tương lai.
Năm 1979, lần đầu tiên ông tìm cách vượt biên sang Hồng Kông. Nghe nói có chuyến tàu chở xi măng sang Hồng Kông, ông và ba đồng nghiệp quyết định thử vận may. Họ hàn khung sắt và chất lên tàu hỏa, bên ngoài chất đầy bao xi măng. Họ trốn trong các khe hở giữa những bao xi măng để vượt biên. Cách “leo lên xe lửa” này thật sự khiến người ta kinh hãi, vì trên đường đi, nếu gặp trạm gác kiểm tra, lính gác sẽ dùng bút sắt chọc vào để thăm dò xem có ai không. Nếu bị chọc trúng thì sẽ phải chảy máu. Tuy nhiên, lần này họ không bị phát hiện. Đến khi tàu dừng, họ ngạc nhiên nhận ra chuyến tàu này thực ra đi đến bến cảng Hoàng Phố, Quảng Châu, chứ không phải đi Hồng Kông. Họ đành chật vật rời bến cảng, rồi lên tàu trở lại nhà máy làm việc, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
Không lâu sau, lại có một cơ hội khác, lần này ông Lư Bính không đi nhầm xe lửa nữa, nhưng vì không chịu nổi cái nóng khắc nghiệt, ông thò đầu ra khỏi các bao xi măng để thở và bị bắt tại trận. Ông bị đưa đến đồn công an, lần này cây sáo đã cứu ông. Cảnh sát nhận ra ông là người chơi sáo của đội tuyên truyền nhà máy xi măng Anh Đức, trông ông không giống người xấu, nên sau khi lấy lời khai, họ đã thả ông ra.
Hộp thịt nguội không thể quên
Nhiều người cho rằng thịt hộp là “thực phẩm kém dinh dưỡng,” nhưng đối với ông Lư Bính, đó là một mỹ vị không thể quên. “Đến tận bây giờ, tôi vẫn có cảm tình với thịt hộp và thỉnh thoảng vẫn mua ăn. Lần đầu tiên tôi ăn thịt hộp là ở đồn cảnh sát Hồng Kông.”
Đây là lần thứ ba ông Lư Bính cố gắng vượt biên. Lần đó, ông đã leo núi suốt năm ngày năm đêm, băng qua cánh đồng nuôi hào mà mỗi bước đi như bị dao cứa. Ông chịu đựng vết thương và đau đớn, bơi từ vịnh Hậu Hải đến Hồng Kông. Ông đã bơi suốt ba bốn giờ, chịu đói nhiều ngày. Lần này, ông thực sự đã đặt chân lên bờ, nghĩ rằng mình đã đến được thế giới tự do. Nhưng không ngờ, ông nhanh chóng bị quân Anh canh giữ biên giới phát hiện. Thời điểm đó là tháng 05/1979, Hồng Kông áp dụng “Chính sách định cư” (Touch Base Policy), những người nhập cảnh trái phép và chưa vào thành phố sẽ không được cấp quyền cư trú, ai bị bắt tại biên giới thì chỉ có thể bị trục xuất. Dù vậy, ông vẫn biết ơn cảnh sát Hồng Kông đã đối xử nhân đạo với những người vượt biên. Mỗi người đều được phát một hộp cơm, trong hộp cơm có thịt hộp. Đối với người đã đói khát suốt thời gian dài như ông, hương vị thơm ngon đó đến nay vẫn không thể nào quên.
Chó sói vô tình, dấu răng theo suốt mấy chục năm
Hồng Kông hủy bỏ “Chính sách định cư” vào tháng 10/1980, ngay cả khi vượt biên đến Hồng Kông ông cũng không thể nhận được thân phận cư trú. Với khao khát tự do, ông Lư Bính chuyển hướng sang Macau. Năm 1981, trong lần vượt biên thứ tư, ông tìm đến “Đầu Rắn” (người tổ chức và điều hành các hoạt động nhập cư trái phép) giúp đỡ, và đi thuyền đến Macau thành công. Nhưng thật không may, thời điểm ông đến Macau không đúng lúc, khi đó chính phủ Macau vẫn chưa có chính sách ân xá cho lao động không giấy tờ. Một lần, khi đang gặp gỡ những người bạn cùng vượt biên trong quán cà phê, cuộc trò chuyện của họ bị nghe lén và bị tố cáo, cảnh sát đến điều tra, ông lại bị trục xuất về Trung Quốc.
Lần trục xuất này, ông bị đưa đến trại tạm giam Sơn Trường, Chu Hải. Một người bạn đã dùng tiền để chuộc ông ra. Tâm trạng ông lúc này rất phức tạp, không biết nên trở về Quảng Châu hay thử vận may một lần nữa? Ngay lúc này, Macau ở ngay trước mắt, ông quyết định mạo hiểm thêm một lần. Đêm khuya, ông mò mẫm đến bờ sông Á Dũng, nơi giáp ranh giữa Macau và Cổng Bắc. Mặc cho đôi tay bị gai đâm đau thấu tim, ông leo qua hàng rào sắt cao ba, bốn mét. Tiếng sủa của chó sói vang lên khiến ông giật mình, nhảy xuống từ bờ tường để chạy trốn, nhưng bị một con chó sói cắn chặt vào đùi, không chịu buông ra. Một người lính hùng hổ chạy tới, chửi mắng ông một trận, rồi giải ông về doanh trại. Đến nay, trên người ông Lư Bính vẫn còn dấu răng của con chó sói ngày ấy.
Lần vượt biên cuối cùng, đến bến bờ tự do và chào đón chính sách mới
Trên thân đầy vết thương, nhưng với ý chí kiên cường, ông Lư Bính vẫn ôm ấp khát vọng tự do. Vào giữa năm 1981, một người bạn cho biết rằng Macau có thể sắp ban hành chính sách “đại xá” cho lao động không giấy tờ. Chỉ cần đến được Macau và cẩn thận để không bị phát hiện, thì sẽ nhìn thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm. Với quyết tâm thử một lần cuối cùng, ông Lư Bính không màng nguy hiểm, quyết định vượt biên thêm lần nữa.
Với kinh nghiệm từ những lần trước, ông và bạn quyết định xuống nước tại Thủy Loan Đầu ở Chu Hải, rồi trốn ở một công trường gần đó. Sau đó, họ chờ đến thời điểm thích hợp để xuống nước và bơi đi trong đêm tối. Lần này khá suôn sẻ, sau hai giờ họ đã đến Macau. Nhưng ngay khi lên bờ, họ bị “Đầu Rắn” phát hiện, dù vậy, vẫn tốt hơn bị cảnh sát bắt. “Đầu Rắn” đòi họ một khoản tiền lớn, họ giả bộ đồng ý, nhưng sau đó lén trốn thoát trong đêm mà không trả tiền.
Lần này đến Macau, ông Lư Bính cuối cùng đã có được tự do. Ngày 18/02/1982, chính quyền Macau đã mời “Năm thương hội lớn” tổ chức cuộc họp kín, đề cập đến các biện pháp cụ thể để quản lý cư dân bất hợp pháp. Ngày 06/04/1982, các nhà sản xuất ở Macau bắt đầu đăng ký thông tin cá nhân của lao động không giấy tờ và thân nhân của họ. Sau khi cảnh sát kiểm tra, sẽ cấp “Giấy phép cư trú tạm thời” cho họ. Cảnh sát bắt đầu phát hành giấy phép từ ngày 01/05 và kết thúc vào ngày 12/07. Ông Lư Bính là một trong những người may mắn được cấp giấy phép cư trú. Từ tháng 05/1984, Macau lại ban hành một chính sách mới, theo đó những người có giấy phép cư trú tạm thời có thể nhận thẻ căn cước chính thức. Từ đó, ông trở thành một thành viên của “đồng hương Hồng Kông và Macau.”
Với sự chăm chỉ và ham học, ông Lư Bính đã làm việc tại một nhà máy điện tử và nhanh chóng được thăng chức. Ông quản lý hơn 20 nhân viên, đồng thời phụ trách việc tuyển dụng. Kể từ khi ông quản lý, hiệu suất của nhà máy liên tục tăng trưởng. Điều khiến ông bất ngờ nhất là một nữ công nhân đóng gói mà ông phá lệ tuyển dụng sau này trở thành vợ của ông. Hai người có những trải nghiệm vượt biên tương tự, trân trọng nhau, và bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời.
*********
Nhìn lại những trải nghiệm ‘thập tử nhất sinh’ thời trẻ, ông Lư Bính cho biết rằng ông chưa bao giờ hối hận và rất biết ơn vì những lựa chọn của mình. “Cách mạng Văn hóa” và “Lên miền núi, xuống nông thôn” đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho thế hệ thanh niên Trung Quốc. Ông Lư tin rằng, việc thoát khỏi móng vuốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để đến một xã hội tự do, tái thiết cuộc sống mới bằng sự cần cù và trí tuệ đều rất xứng đáng.
“Thông thường, nhiều người vượt biên là để kiếm một bữa ăn, thay đổi môi trường kiếm tiền. Nhưng có lẽ do tôi luôn nhận được tin tức từ hải ngoại thông qua đài phát thanh, cho nên sự khao khát tự do dân chủ đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi hiểu rất rõ vùng đất bị ĐCSTQ cai trị sẽ ra sao, và tôi cũng biết rõ ĐCSTQ không bao giờ giữ lời hứa. Vì vậy, khi có cơ hội di cư theo diện kỹ thuật, năm 1987, tôi đã chọn di cư đến Úc và rất may mắn khi đã đưa ra quyết định này.”
Câu chuyện ông Lư Bính lập nghiệp tại Úc là hình ảnh đại diện của một thế hệ người Hoa vươn lên ở hải ngoại. Trong lòng ông, sự tự do không dễ dàng có được khiến ông càng trân trọng mọi thứ xung quanh. Ông Lư hy vọng thông qua câu chuyện của mình có thể khích lệ nhiều người hơn nữa kiên định với niềm tin, không sợ cường quyền.