Lượng công dân Trung Quốc vượt biên vào Hoa Kỳ nhiều chưa từng thấy, khớp với xu hướng ‘đào thoát’ trên mạng xã hội ở Trung Quốc
Hồi tháng 03/2022, đợt phong tỏa Thượng Hải, đô thị lớn nhất của Trung Quốc đã thúc đẩy sự xuất hiện của xu hướng “润,” có phiên âm là “rùn” giống với chữ “run” (chạy) trong bối cảnh người Trung Quốc cố gắng di cư. Hồi tháng Một, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã thông báo số lượng người Trung Quốc vượt qua biên giới phía nam tăng gấp 10 lần, làm dấy lên các mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, chỉ riêng trong tháng Một, đã có 1,084 công dân Trung Quốc đã bị bắt tại biên giới phía nam Hoa Kỳ, so với 89 công dân hồi tháng 01/2022, tăng 1,118%.
Ngoài ra, các nhân viên của lực lượng Tuần tra tại biên giới phía nam Hoa Kỳ đã bắt giữ 2,999 công dân Trung Quốc trong khoảng thời gian bốn tháng từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023, tăng 719% so với 366 người cùng thời kỳ năm 2022 và nhiều hơn so với 2,626 người bị bắt trong các tài khóa 2021 và 2022 cộng lại.
Tại sao số lượng người Trung Quốc vượt biên trái phép qua biên giới phía nam của Hoa Kỳ lại tăng cao?
Đây chỉ là một dòng chảy nhỏ trong làn sóng di cư đã bùng phát ở Trung Quốc những năm gần đây.
Chính sách zero COVID của ĐCSTQ thúc đẩy xu hướng ‘đào thoát’
Hồi tháng 05/2022, ký tự tiếng Trung “润” (rùn) thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.
Từ “润” (rùn) trong tiếng Hoa được phát âm nghe giống từ “run” trong tiếng Anh, được sử dụng trên mạng xã hội Trung Quốc có nghĩa là đào thoát để di cư ra hải ngoại.
Bắt đầu từ tháng 03/2022, giới chức trách ở Thượng Hải, một đô thị với đông đảo giới tinh anh về kinh doanh, văn hóa, và học thuật, đã bắt đầu phong tỏa thành phố và tách trẻ em khỏi cha mẹ bị nhiễm COVID-19, làm dấy lên sự bất bình trong dư luận. Những cư dân lên mạng để chỉ trích chính quyền đã bị công an tiếp cận.
Tình trạng giam cầm và chủ nghĩa độc đoán đã khiến ước muốn nhập cư [ngoại quốc] của người dân Trung Quốc tăng cao và gia tăng các cuộc thảo luận trực tuyến về chủ đề này.
Một cư dân mạng “Hong Buming” cho biết, “Rất nhiều khách hàng mà tôi biết ở Thượng Hải đã đào thoát. Những người có tiềm lực để đào thoát, hoặc là bản thân họ hoặc con em họ đã làm như vậy.”
Ông Trần Sấm Sang (Chen Chuachuang), một luật sư người Trung Quốc đã đào thoát sang New York hồi năm 2012, nói rằng mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực thi quyền lực độc tài trong nhiều thập niên, nhưng vẫn hiếm khi thấy hầu hết người dân bị giam giữ như tù nhân như trong ba năm vừa qua.
Hôm 16/02, ông Trần nói với The Epoch Times, “Chẳng hạn, khi có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn, thì 20% dân số thành thị vẫn có [đời sống] tốt hơn nhiều so với 80% dân số nông thôn còn lại.”
“Nhưng lần này, cho dù quý vị ở thành phố, hay nông thôn, Bắc Kinh, Thượng Hải, ở khắp mọi nơi, chúng ta đều thấy chính quyền nhốt người dân trong nhà của họ chẳng khác gì tù nhân. Vì vậy, đối với những người bình thường, trải nghiệm cá nhân như vậy lại càng khó quên hơn.”
Theo “Chỉ số WeChat” do ứng dụng truyền thông xã hội WeChat của Trung Quốc cung cấp, vào ngày 03/04/2022, sau khi ĐCSTQ chính thức tuyên bố “tuân thủ nghiêm ngặt chính sách ‘zero COVID,’” chỉ số tìm kiếm toàn bộ cho cụm từ khóa “những người nhập cư” đã tăng 440% vào ngày hôm đó.
Theo dữ liệu tìm kiếm từ khóa “di cư” do Baidu công bố trong tuần từ ngày 28/03 đến ngày 03/04/2022, số lượng tìm kiếm về “các điều kiện để di cư đến Canada” đã tăng lên mức cao nhất, tăng 2,846% so với tháng trước. Tiếp theo đó, số lượt tìm kiếm “những địa điểm tốt để đi du lịch ngoại quốc” đã tăng 2,455% so với tháng trước.
Tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc đạt được nhiệm kỳ thứ ba của mình, khiến nhiều người Trung Quốc cân nhắc đến việc đào thoát.
Ông David Lesperance, một luật sư người Âu Châu từng làm việc với các gia đình giàu có ở Hồng Kông và Trung Quốc, nói với Financial Times rằng ông đã nhận được ba chỉ thị từ các gia đình doanh nhân Trung Quốc vô cùng giàu có để thực hiện “kế hoạch thoát khỏi hỏa hoạn” của họ. Nhiều khách hàng của ông đã dành nhiều năm để trù tính cho việc đào thoát, chuyển tiền bạc một cách hợp pháp đến các khu vực tài phán an toàn ở ngoại quốc và thu xếp nhà cửa ở hải ngoại cũng như quốc tịch mới cho thân nhân của họ.
Theo New World Wealth, một đối tác tình báo dữ liệu toàn cầu của công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners, hồi năm 2022, khoảng 10,800 người Trung Quốc giàu có đã di cư, nhiều nhất kể từ năm 2019.
Một vụ di cư bất hợp pháp truyền cảm hứng
Có nhiều cách để người giàu nhập cư, nhưng làm thế nào để người nghèo đào thoát khỏi Trung Quốc?
Một bài báo của CNN hồi tháng 08/2022 đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Bài báo đó mô tả cách anh Vương Quần (Wang Qun), một thanh niên Trung Quốc 33 tuổi, bỏ lại thân quyến ở quê nhà và di chuyển hàng ngàn dặm bằng phi cơ, xe buýt, thuyền, và xe máy qua những khu rừng rậm rạp và những ngọn núi hoang vu, ra vào các trung tâm giam giữ, và cuối cùng đã vượt qua biên giới phía Nam Hoa Kỳ.
Một thanh niên Trung Quốc khác, anh Liễu Tường (Liu Xiang), đã đọc bài báo này. Bài báo đã khiến cho bản đồ đường đi của Trung Quốc trong tâm trí anh ngay lập tức trở nên rõ ràng.
Anh Liễu đã muốn ra ngoại quốc bấy lâu nay.
Anh Liễu sinh ở Tân Cương vào năm 1985. Sinh ra tại đây là nguồn gốc của nhiều điều kinh hoàng trong cuộc đời anh.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Liễu ở lại Tân Cương làm việc. Một lần đi trên đường, anh đã bị công an chặn lại mà không có lý do.
Anh Liễu nói với The Epoch Times hôm 17/02, “Trong hoạt động kiểm tra điện thoại trên đường phố, [công an] đã kiểm tra điện thoại của tôi và thấy rằng có một số ứng dụng trong điện thoại này không được chính quyền Tân Cương chấp thuận và được xem là tương đối nhạy cảm.”
“Người công an đó nói với tôi rằng tôi có thể bị đưa vào trại cải tạo vì hành vi như vậy, nhưng vì anh ta không tìm thấy nhiều hồ sơ ‘bất hợp pháp’ của tôi nên anh ta đã thả tôi ra. Tuy nhiên, anh ta nói nếu anh ta tìm thấy bất cứ điều gì như thế một lần nữa, anh ta sẽ tống tôi vào trại.”
Sau trải nghiệm kinh hoàng này, anh Liễu rời Tân Cương đến Bắc Kinh làm việc và tìm cách thay đổi hukou (hệ thống ghi danh hộ khẩu của Trung Quốc) từ Tân Cương sang Thâm Quyến. Tuy nhiên, hệ thống giám sát của ĐCSTQ đã theo dõi anh như hình với bóng.
“Vì tôi được sinh ra ở Tân Cương nên hộ khẩu, số căn cước công dân của tôi bắt đầu bằng số 65, nên bất cứ khi nào tôi ở khách sạn hoặc dùng xe công cộng như xe lửa ở bất cứ đâu trong nước, công an đều sẽ chặn tôi lại. Bởi vì tôi sinh ra ở đó và hộ khẩu của tôi cũng ở đó, nên họ sẽ xếp tôi vào một hạng mục khác. Khi tôi ở khách sạn, công an sẽ đến kiểm tra tôi, hỏi tôi đang làm gì, ở bao nhiêu ngày, địa chỉ liên lạc của tôi… đủ thứ.”
Kể từ năm 2020, anh Liễu đã nung nấu ý định rời khỏi Trung Quốc.
Vào ngày 24/09/2022, anh Liễu đã đọc được bài báo của CNN về anh Vương Quần. Đây là lần đầu tiên anh hay biết về một tuyến đường như vậy để nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Vào ngày 25/09/2022, đơn xin cấp hộ chiếu của anh Liễu đã bị từ chối. Lý do được các nhà chức trách đưa ra là “việc du lịch quốc tế là không cần thiết.” Làm theo thông tin cư dân mạng chia sẻ, vào ngày 30/09, anh Liễu đã nộp đơn xin hộ chiếu một lần nữa với lý do “làm bài kiểm tra IELTS ở Macao,” đề cập đến Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế. Vào ngày 14/10/2022, anh Liễu đã nhận được hộ chiếu của mình.
Vào ngày 27/10/2022, anh Liễu đến lãnh sự quán Hoa Kỳ để xin thị thực du lịch nhưng bị từ chối. Cho đến lúc đó, anh Liễu đã quyết định đi theo lộ trình đến Hoa Kỳ giống như anh Vương.
Đi xe máy 1,600 dặm xuyên Mexico
Vào ngày 01/22/2022, anh Liễu đã từ Chu Hải đến Macau. Sau đó, anh từ Macau bay đến Thái Lan qua Đài Bắc, từ Thái Lan đến Seoul, từ Seoul đến Thành phố Panama, rồi vượt biên trái phép vào Costa Rica, qua Nicaragua, Honduras, Guatemala, và sau đó vào Mexico. Tiếp đến, anh đã đi xe máy 1,600 dặm từ miền nam lên miền bắc Mexico để đến biên giới Mexico-Hoa Kỳ ở California, tổng cộng mất 14 ngày.
Dọc đường đi, anh Liễu luôn phải sống trong sợ hãi và gian khổ.
“Ngày nào cũng có thể có các đợt kiểm tra nhập cư [Mexico], và sau đó là các băng đảng, và thậm chí là một số cảnh sát biến chất,” anh chia sẻ. “Tất cả những người này đến để cố gắng trấn lột hết tiền bạc của chúng tôi, nhưng chúng tôi phải giữ lại một số tiền cho băng đảng tiếp theo. Nếu chúng tôi không có tiền, thì viên cảnh sát đó sẽ cho chúng tôi trở lại nhà tù nhập cư, vì vậy ngày nào chúng tôi cũng phải đi lại rất cẩn thận. Khi chúng tôi nhìn thấy một trạm kiểm soát từ xa, chúng tôi đã cố hết sức né tránh.”
Bất chấp những khó khăn trên hành trình này, anh Liễu không quản ngại vì anh có một mục tiêu trong tâm trí.
Anh Liễu đã từ chối kể nhiều về quá trình cụ thể để nhập cư vào Hoa Kỳ. Anh chỉ thổ lộ rằng lúc đó, rốt cuộc anh cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
“Tôi cảm thấy như rốt cuộc mình đã thoát khỏi những nỗi sợ hãi đó và có thể đứng dậy và tiến về phía trước một cách đường hoàng.”
Trên đường đi, anh Liễu đã gặp khoảng 50 người Trung Quốc đang cố lẻn qua biên giới phía nam để vào Hoa Kỳ.
Tình trạng người Trung Quốc vượt biên bất hợp pháp gia tăng gây lo ngại
Ông Victor Avila, một cựu nhân viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) đồng thời là chuyên gia về an ninh biên giới, nói với Texas Scorecard rằng theo nguồn tin của ông, hàng ngàn công dân Trung Quốc đang từ Nam Mỹ đổ xô đến biên giới.
Số lượng người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam đã tăng vọt, khiến dấy lên lo ngại ở Hoa Thịnh Đốn.
Trong hai năm qua, dòng người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới phía nam của Hoa Kỳ đã tăng vọt, đạt 1,734,686 trong năm 2021, tăng 278% so với 458,088 trong năm 2020. Số lượng người nhập cư trái phép qua biên giới phía nam trong năm 2022 lên tới 2,378,944, tăng 419% so với năm 2020.
Ông Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với Fox rằng đây là một “cơ hội hoàn hảo” để các cơ quan an ninh của ĐCSTQ đưa nhân viên của họ đến Hoa Kỳ.
“Biên giới phía nam của chúng ta không được bảo vệ và có những kẻ xấu đang tiến vào,” ông nói. “Chúng ta cần kiểm soát tình trạng này.”
Ông Victor Avila, một nhân viên ICE đã về hưu, đồng tình rằng những người nhập cư trái phép là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng vì có khả năng gián điệp của ĐCSTQ đang lẩn vào nhóm người này.
“Đây là một vấn đề an ninh quốc gia … bởi vì chúng ta biết Trung Quốc là ai,” ông Avila nói. “Họ là địch thủ mạnh nhất của chúng ta.”
Những mối lo ngại như vậy là chính đáng, vì ảnh hưởng của ĐCSTQ đang lan rộng khắp châu Mỹ Latinh và Caribe, với thương mại hai chiều tăng vọt từ 18 tỷ USD năm 2002 lên gần 316 tỷ USD vào năm 2019. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Chile, Peru, và Uruguay. ĐCSTQ có các hiệp định thương mại tự do với Chile, Costa Rica, và Peru. Ngoài ra, 19 quốc gia ở Tây Bán cầu đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, và Bắc Kinh đã thành lập khoảng 45 Học viện Khổng Tử trong khu vực này.
Ông Trần nói rằng, đối với ĐCSTQ, họ phải thâm nhập vào mọi nơi.
Ông cho biết, “Họ chắc chắn không từ bỏ các biện pháp khác để đến đây dưới vỏ bọc hợp pháp, nhưng vượt biên trái phép có một ‘lợi thế’ so với thị thực hợp pháp.”
“Cho dù quý vị xin loại thị thực nào, thì quý vị luôn phải cung cấp thông tin cá nhân về bản thân. Hoàn cảnh gia đình của quý vị, môi trường làm việc của quý vị, tất cả những điều đó phải được Đại sứ quán Hoa Kỳ xác thực. Nhưng nếu quý vị vượt biên trái phép, thì không có cách nào để xác nhận điều đó. Quý vị có thể tự nhận mình là bất kỳ ai.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times