Các chuyên gia: Phiên họp kinh tế quan trọng của Trung Quốc bị trì hoãn, báo hiệu một cuộc khủng hoảng lãnh đạo
Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thường được tổ chức vào tháng Mười hoặc tháng Mười Một, vẫn chưa được công bố chính thức vào năm nay. Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng việc không ấn định ngày cụ thể là do cách ra quyết định chuyên quyền của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi những người khác suy đoán ĐCSTQ có thể phải đối mặt với những rủi ro chưa từng có trong quản lý.
Hội nghị lần thứ ba có ý nghĩa quan trọng vì hội nghị này định hình các cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc trong năm đến mười năm tới.
Cứ năm năm một lần, Đại hội Đảng lại triệu tập, dẫn đến việc bầu ra Ủy ban Trung ương mới gồm ban lãnh đạo cao nhất. Tháng Mười năm ngoái, nhà cầm quyền đã tổ chức cuộc họp lần thứ 20 của cơ quan lập pháp trên danh nghĩa, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), với Ủy ban Trung ương mới thành lập, trong đó ông Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có. Ủy ban Trung ương sẽ tổ chức tới bảy phiên họp kín, mỗi phiên có trọng tâm khác nhau.
Ông Tập bắt chước ông Mao
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả lịch sử và nhà bình luận chính trị Trung Quốc cư trú tại California, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/12 rằng, ông Tập đã “hành động vượt ra ngoài các chuẩn mực thông thường, quản lý đất nước và Đảng một cách tùy tiện.”
Ông Ngô nói, đặc biệt là sau khi ông Tập giành được nhiệm kỳ thứ ba, ông bắt đầu hành động giống như cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, người xem cuộc họp toàn quốc là “hình thức” và thậm chí còn trì hoãn một trong số đó.
Ông Mao tổ chức kỳ họp Quốc hội lần thứ chín vào năm 1969, tức là 13 năm sau kỳ họp Quốc hội lần thứ tám vào năm 1956.
Ông Ngô nêu lên rằng ông Tập đang hành động theo ý muốn bất chợt của mình và “ông ấy không còn quan tâm đến những gì người khác nghĩ nữa.”
3 vấn đề chính
Nhà bình luận Lam Thuật (Lan Shu) ở Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng “vấn đề nhân sự, vấn đề kinh tế, và những lo ngại về bang giao” là ba vấn đề không thể vượt qua đối với ông Tập.
Ông Lam cho rằng vấn đề nhân sự xoay quanh việc bãi nhiệm các quan chức cao cấp gần đây, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang), cũng như Tư lệnh và Chính ủy của Lực lượng Hỏa tiễn lần lượt là ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và ông Từ Trung Ba (Xu Zhongbo). Tất cả các quan chức này đều giữ chức vụ trong vòng chưa đầy 1 năm. Tư cách thành viên Ủy ban Trung ương của họ có bị thu hồi hay không cho đến nay vẫn chưa được công bố.
Việc nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một cuộc suy thoái mạnh là điều không thể phủ nhận, ông Lam nói, đồng thời cho biết thêm, “Ông Tập không thể ngăn cản được những cuộc thảo luận về nguyên nhân sâu xa của vấn đề, vì cuộc suy thoái này liên quan đến chiến lược kinh tế trong những năm tới, và ông Tập không thể né tránh vấn đề này.”
Nhà quan sát Trung Quốc này cho biết, mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là một chủ đề sẽ được đề cập.
“Nếu ông Tập không đề ra được các biện pháp thuyết phục để lay chuyển ĐCSTQ và củng cố quyền lực của mình trong Đảng về ba vấn đề này, thì khả năng cao là ông ấy sẽ hoãn Hội nghị Trung ương lần thứ ba.”
Tranh đấu nội bộ bên trong ĐCSTQ
Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Nghiên cứu Công nghiệp và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết việc hoãn hội nghị trung ương lần thứ ba cho thấy ĐCSTQ đang vướng mắc trong các tranh đấu nội bộ.
Hơn nữa, “Trung Quốc vẫn chưa công bố bộ trưởng quốc phòng mới,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Tô cho rằng quyền lực của ông Tập trong Đảng không phải là tuyệt đối. “Hiện tại, có vẻ như ông Tập đang nắm giữ quyền lực, nhưng ông ấy không được nhiều người [các quan chức ĐCSTQ] tôn trọng và quyền lực của ông ấy đang bị thách thức.”
Sau khi bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba làm lãnh đạo Đảng hồi tháng Mười năm ngoái (2022) và củng cố quyền lực của mình bằng cách đề bạt những người thân tín vào các vị trí quan trọng, ông Tập đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng và sự phản đối chính trị vì chính sách zero COVID nghiêm ngặt trong ba năm và những cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chính sách này mang lại.
Cuộc “cách mạng giấy trắng” bắt đầu vào tháng 11/2022 đã đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt chính sách zero COVID. Những người biểu tình, chủ yếu là những người trẻ tuổi, đã giương các biểu ngữ lên án lệnh phong tỏa để chống dịch và bày tỏ thái độ phản đối ông Tập trên khắp Trung Quốc. Do đó, uy tín của ông Tập Cận Bình đã sụt giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến dư luận cũng như vị thế của ông trong Đảng.
Ông Tô nói: “Nếu ông Tập không thể giải quyết tình hình này một cách hiệu quả, thì ông ấy có thể sẽ không thể bảo đảm được nhiệm kỳ thứ tư.”
Năm nay, ĐCSTQ đã trải qua sự bất đồng nội bộ nhắm vào ông Tập, do sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch và những thách thức đang diễn ra trong các mối bang giao quốc tế. Một báo cáo từ Nikkei Asia đã tiết lộ rằng trong hội nghị thường niên Bắc Đới Hà hay còn gọi là “hội nghị thượng đỉnh mùa hè” hồi tháng Tám, các nguyên lão trong Đảng đã kêu gọi ông Tập Cận Bình chịu trách nhiệm và bày tỏ nhiều lo ngại khác nhau. Ngoài ra, một số người cho rằng sự qua đời của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường có liên quan đến các hành động của ông Tập, khiến áp lực lên ông ngày càng tăng lên.
Ông Tô cho biết Tập đã tạo ra một con đường khó khăn cho Trung Quốc bằng cách thắt chặt quyền kiểm soát khu vực tư nhân trong ngành công nghiệp, tham gia vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, áp dụng chiến lược ngoại giao chiến lang, và theo đuổi việc mở rộng quân sự, cùng nhiều mục tiêu khác.
Ông nói, “Tôi tin rằng ông Tập đang phải đối mặt với nhiều tiếng nói bất đồng ở hậu trường.”
Các lãnh đạo quân đội trong tình thế rủi ro
Theo ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học Trung Quốc sống tại Úc, việc liên tiếp cách chức các thành viên cao cấp trong Lực lượng Hỏa tiễn đã có một “tác động đáng kể.”
The Epoch Times đã đưa tin hồi tháng Chín rằng việc ông Tập đàn áp các nhân vật chủ chốt trong Lực lượng Hỏa tiễn và các lĩnh vực liên quan là một hoạt động được dàn xếp cẩn thận nhắm vào những cá nhân đã phản đối kế hoạch quân sự của ông Tập để tấn công Đài Loan.
Ông Lý nói với The Epoch Times rằng trong quân đội của ĐCSTQ, cụm từ “phạm sai lầm chính trị” ám chỉ việc thể hiện sự không trung thành với ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, quân đội hoạt động theo bè phái và có tình anh em bền chặt. Ông nói: “Nếu quý vị lọc ra một người, thì điều đó đồng nghĩa với việc nhắm mục tiêu vào cả một phe phái và nhiều người cùng một lúc.”
Ông Lý cho rằng đây là một trong những lý do khiến nhà cầm quyền không thể bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng mới, và ông Tập sẽ không muốn bổ nhiệm một người có những bất mãn trong tâm, vì người như vậy khó có thể trung thành với ông.
Bản tin có sự đóng góp của Huazhong Ning, Lý Vận, và Lạc Á
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times