ĐCSTQ khởi động lại chiến dịch đấu tranh giai cấp nhắm vào người giàu, kiểm soát quần chúng
Khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một lần nữa thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản cực đoan về đấu tranh giai cấp và nhắm vào người giàu. Gần đây, tuyên truyền của ĐCSTQ thường xuyên quảng bá “Kinh nghiệm Phong Kiều,” một chiến lược quản lý xã hội theo chủ nghĩa Mao nhằm loại bỏ tự do hóa tư tưởng qua đấu tranh giai cấp.
Cái gọi là Kinh nghiệm Phong Kiều bắt nguồn từ những năm 1960. Khi đó, ĐCSTQ vận động quần chúng tại một thị trấn ở huyện Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang để “giám sát và cải tạo” những người bị xếp vào danh sách “Bốn loại phần tử.” “Bốn loại phần tử” này là một khái niệm chung mà ĐCSTQ dùng để gọi địa chủ, phú nông, “phần tử phản cách mạng, và phần tử xấu.” Chiến lược này chia dân chúng thành các giai cấp và khuyến khích đấu tranh giai cấp để thanh trừng những người được cho là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1963, ông Mao Trạch Đông chỉ thị quảng bá “Kinh nghiệm Phong Kiều” ra toàn quốc nhằm củng cố sự cai trị toàn trị của ĐCSTQ và đè bẹp những đối thủ của chế độ ở cấp cơ sở. Điều này đưa đến việc sát hại nhiều người trong “Bốn loại phần tử.”
Tái hiện cuộc đấu tranh giai cấp
Trong những thập niên vừa qua, ĐCSTQ đã sử dụng Kinh nghiệm Phong Kiều để kiểm soát dân chúng, và chiến lược này thu hút nhiều sự chú ý hơn trong những năm gần đây. Hôm 22/11, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài bình luận, tuyên bố rằng nên áp dụng “Kinh nghiệm Phong Kiều thời đại mới.” Theo bài báo, năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ông Mao Trạch Đông quảng bá Kinh nghiệm Phong Kiều.
Hôm 15/11, Hồng Kỳ Văn Cảo, một tạp chí tuyên truyền xuất bản hai tháng một lần của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo có cùng tiêu đề với Nhân dân Nhật báo. Theo bài báo này, hôm 06/11, các lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ đã chỉ thị cho các quan chức cấp dưới của đảng quảng bá Kinh nghiệm Phong Kiều. Ngoài ra, trong chuyến thăm Chiết Giang hồi tháng Chín, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến thăm thị trấn hình thành Kinh nghiệm Phong Kiều.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/11 với The Epoch Times, ông Mạnh Quân, một doanh nhân gốc Hoa đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói rằng Kinh nghiệm Phong Kiều thực chất là một phương tiện để ĐCSTQ “cải tạo” và kiểm soát người dân. Chế độ này đã tạo ra một hệ thống để mọi người giám sát và tố giác lẫn nhau nếu có những ý kiến và quan điểm mà họ cho là vượt quá giới hạn.
Ông Mạnh cho rằng ĐCSTQ vẫn đang thực hiện chiến lược này dù cho Đại Cách mạng Văn hóa đã kết thúc vài thập niên, và việc nỗ lực củng cố chiến lược này của chế độ chắc chắn sẽ mang đến những biện pháp tồi tệ hơn Kinh nghiệm Phong Kiều trước kia.
Ông Mạnh từng sở hữu một công ty sản xuất các sản phẩm làm từ cao su với hơn 100 nhân viên tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đặt dấu chấm hết cho doanh nghiệp của ông. Công việc kinh doanh của ông bị phá sản do chính sách phong tỏa hà khắc của ĐCSTQ và cuối cùng ông phải bỏ Quảng Châu sang Hoa Kỳ.
Bà Vương Thụy Cầm (Wang Ruichen) là một cựu quan chức của ĐCSTQ ở tỉnh Thanh Hải và là một doanh nhân tư nhân đến từ Trung Quốc. Bà đã công khai kêu gọi bãi nhiệm lãnh đạo của ĐCSTQ và cùng ngày, bà cũng nói với The Epoch Times rằng Kinh nghiệm Phong Kiều liên quan đến việc khuyến khích người dân Trung Quốc theo dõi và giám sát lẫn nhau, đồng thời tạo ra bầu không khí sợ hãi và tự kiểm duyệt.
“Kinh nghiệm Phong Kiều về căn bản là lạm dụng quyền tư pháp,” bà Vương nói. “ĐCSTQ giao một lượng lớn quyền lực cho các quan chức cấp cơ sở, những người không có trình độ của công tố viên nhưng lại được giao trách nhiệm trong hệ thống tư pháp địa phương. Ví dụ, một quan chức hành chính cấp dưới có thể đột kích vào nhà của người dân để bắt người.”
Theo góc độ cai trị của ĐCSTQ, chiến lược như vậy làm giảm áp lực lên các cấp cao nhất của chế độ trong việc kiểm soát dân chúng. Chiến lược này trao quyền cho các quan chức cấp dưới và cho dân thường để họ giám sát lẫn nhau.
Người giàu trở thành nạn nhân
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trong vòng xoáy đi xuống, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc ngập trong nợ nần, và vốn ngoại quốc đang ồ ạt rút khỏi đất nước này. ĐCSTQ hiện đang nhắm vào tài sản của những người giàu có ở Trung Quốc.
Bà Vương giải thích rằng có một số lý do khiến ĐCSTQ nhắm vào người giàu. Ở Trung Quốc, giới tinh hoa của ĐCSTQ rất giàu có và tha hóa, nhưng “người giàu” trong trường hợp này ám chỉ những người mà sự thành công của họ không phụ thuộc vào đảng và có thể không có liên đới với chế độ.
Theo bà Vương, nhiều người Trung Quốc giàu có trong khu vực tư nhân đã đạt được vị thế kinh tế hiện tại nhờ tự lực cánh sinh, và trong quá trình đó, họ đã trở nên quen thuộc với sự tha hóa cố hữu và cấu trúc giống như băng đảng mafia của ĐCSTQ. Vậy nên, họ không ủng hộ đảng mà đã đi theo con đường riêng của mình.
“Có một thực tế là người giàu không nhất thiết phải ủng hộ ĐCSTQ,” bà nói. “ĐCSTQ giờ đây sẽ truy lùng những người giàu có cũng như những người theo đuổi các giá trị dân chủ, nhất tiễn song điêu (một mũi tên trúng hai con chim).”
Ông Mạnh cũng cho biết, theo quan điểm của ĐCSTQ, người giàu giống như những con cừu non sắp bị làm thịt và mục đích của ĐCSTQ khi thúc đẩy Kinh nghiệm Phong Kiều là để tước đoạt tài sản của những người giàu có ở Trung Quốc.
Nguy cơ bị thanh trừng
Hôm 23/10, tờ The New Yorker đưa tin rằng ĐCSTQ hiện có một quy định nội bộ yêu cầu “điều tra tất cả những người có tài sản trên 30 triệu nhân dân tệ (4.23 triệu USD).” Theo báo cáo, do suy thoái kinh tế, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã dùng đến biện pháp tống tiền qua “các cuộc kiểm toán thuế.”
Báo cáo dẫn lời một chủ nhà máy ở Thượng Hải cho biết, các quan chức của ĐCSTQ đã thông qua các ngân hàng để kiểm tra danh sách những người có tài sản lưu động hơn 30 triệu nhân dân tệ (4.23 triệu USD) và yêu cầu họ giao nộp 20% tài sản nếu không sẽ bị kiểm toán thuế chặt chẽ.
Doanh nhân Trung Quốc Hồ Lực Nhậm (Hu Liren) sinh sống tại Hoa Kỳ từng nói với The Epoch Times rằng thông lệ của ĐCSTQ về việc tống tiền, cướp bóc người giàu và giới doanh nhân đã tồn tại từ lâu, chỉ là giờ đây điều đó đã trở nên công khai hơn và ở một quy mô lớn hơn.
Ông Mạnh cho biết: “Ngay cả những người siêu giàu được ĐCSTQ hậu thuẫn trước đây, như ông Mã Vân (Jack Ma), ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) của Wanda Group, ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) của Tomorrow Holding, và ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) của Anbang Insurance đều đã bị thanh trừng, và một số người cuối cùng phải chịu cái kết rất bi thảm.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Tâm
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times