Lý do nền kinh tế Trung Quốc sẽ lụi tàn
Bất chấp vô số lời bàn tán hân hoan về nền kinh tế Trung Quốc của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, những người cộng sản đang thế chấp tương lai của chính đất nước mình thông qua sự bất tài và việc quản lý yếu kém nền kinh tế.
Chuyến thăm gần đây của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới San Francisco là một màn lừa dối các nhà tư bản Mỹ, những người đã trả những khoản phí hậu hĩnh để tham dự một buổi “tiệc tối kinh doanh” hôm 15/11 và chào đón ông Tập bằng sự hoan nghênh nhiệt liệt.
Có gì đó không ổn ở đây. Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đăng một số tuyên bố đáng kinh ngạc trái với dữ kiện thực tế. Ví dụ, một kẻ ba hoa đã tuyên bố trên China Daily hôm 20/11 như sau: “Địa ốc bán lẻ có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong cả nước.” Hoặc bài này từ China Daily hôm 04/12: “Nỗi lo về quá trình cải tổ của Trung Quốc là không có cơ sở.” Và một bài khác từ Tân Hoa Xã hôm 04/12: “Lĩnh vực tiếp vận mở rộng của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đang ổn định.”
Thực tế là Evergrande — từng là nhà phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu — đã vỡ nợ vào năm 2021 và đang trong quá trình tái cấu trúc nợ vốn chỉ trì hoãn một vụ phá sản gần như đã chắc chắn. Và cuộc “cải tổ” của Bắc Kinh — nghĩa là thắt chặt các quy định đối với doanh nghiệp thông qua việc thực thi tùy tiện các luật phản gián và an ninh quốc gia mới — đã thuyết phục nhiều công ty ngoại quốc ngừng đầu tư, thoái vốn, và chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Theo ghi nhận của Business Insider hôm 23/11, tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới “đang trên đà giảm 1.4% trong hai năm, một mức trượt chưa từng thấy kể từ những năm 1960 và 1970, khi Mao Trạch Đông chủ trì một nền kinh tế yếu kém.”
Rõ ràng, những lời tuyên bố của chính quyền cộng sản là không phù hợp với thực tế. Nhưng có những vấn đề khác mà họ nên quan tâm.
Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm đối với Trung Quốc
Moody’s Investor Service là “một công ty đánh giá rủi ro tích hợp toàn cầu” chuyên về lĩnh vực dự báo kinh tế và phân tích thứ bậc tín nhiệm của các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo bản tin của Bloomberg News hôm 05/12, trong một diễn biến bất ngờ đối với các nhà đầu tư hiện tại và tương lai ở Trung Quốc cộng sản (cũng như những người chào đón ông Tập tại bữa tiệc tối kinh doanh ở San Francisco), Moody’s đã “cắt giảm triển vọng đối với trái phiếu chính quyền Trung Quốc” — cụ thể là hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính quyền Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực do lo ngại ngày càng tăng về mức nợ của Trung Quốc.
Mối lo ngại đặc biệt ở đây là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước vốn đang mắc nợ chồng chất, và trong khi làm như vậy sẽ gây ra những rủi ro tài chính đáng kể cho các ngân hàng và nền kinh tế Trung Quốc khi chuyển nguồn tài chính từ đầu tư phát triển kinh tế sang tái cấu trúc và trả nợ.
Theo hệ thống xếp hạng của Moody’s, trái phiếu Trung Quốc được xếp hạng ở mức A1, hạng thứ tư trong thang 21 bậc và tương ứng với mức xếp hạng tốt nhất đối với trái phiếu cấp trung bình cao, nhưng là thấp hơn nhiều so với xếp hạng AAA hàng đầu. Theo Investopedia, xếp hạng A1 cho thấy “trái phiếu có chất lượng cao và có nhiều phẩm chất tích cực, nhưng có mức độ rủi ro đầu tư dài hạn cao hơn một chút.” Và cùng với những mưu ma chước quỷ khác mà ĐCSTQ đang tiến hành, chẳng hạn như sự hiếu chiến của quân đội Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông, mức độ rủi ro đầu tư cao hơn đang khiến các công ty ngoại quốc phải xem xét lại việc đầu tư hoặc mở rộng ở Trung Quốc.
Vấn đề quá rõ ràng
Nợ của chính quyền địa phương là lực cản thực sự đối với nền kinh tế Trung Quốc, và vì nhiều lý do khác nhau — năng lực quản lý kinh tế kém cỏi, tệ nạn tham nhũng, và vấn đề chính trị — Bắc Kinh hoặc là từ chối trực tiếp giải quyết hoặc không biết cách làm thế nào để giải quyết vấn đề. Và khoản nợ được xem là “nợ ẩn” của các chính quyền địa phương là rất lớn và đang tăng lên nhanh chóng.
“Nợ ẩn” đề cập đến tất cả các khoản vay phi tiêu chuẩn và ngoại bảng của các chính quyền địa phương Trung Quốc, vượt quá hạn mức và quy định về nợ của chính quyền địa phương.
Như The Wall Street Journal đã lưu ý hôm 05/12, “Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các ngân hàng Wall Street ước tính rằng tổng số dư nợ ngoại bảng của chính quyền là khoảng 7 ngàn tỷ USD đến 11 ngàn tỷ USD.” Số nợ đó đã tài trợ cho đường, cầu, và các cơ sở hạ tầng khác, cũng như các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nhà nước vốn đã được chứng minh là thua lỗ trong những năm qua. Và phần lớn số nợ đó đều là do các ngân hàng thương mại Trung Quốc nắm giữ.
Thất bại không thể là một lựa chọn vì tai tiếng gắn với việc quản lý yếu kém của chính quyền cộng sản sẽ kéo theo sau đó, và vì vậy, khoản nợ này đã được gia hạn trong nhiều thập niên, dẫn đến hàng ngàn tỷ có thể không bao giờ được hoàn trả. Các chính quyền địa phương buộc phải tái cấp vốn cho khoản nợ ngoài sổ sách của mình bằng cách phát hành trái phiếu công đặc biệt do Bắc Kinh hậu thuẫn. Tuy nhiên, có những con số ước tính rằng có tới 800 tỷ USD trong khoản “nợ ẩn” này có nguy cơ vỡ nợ cao do các chính quyền địa phương không có đủ nguồn thu để trả lãi, chứ chưa nói đến trả nợ gốc. Một vài vụ vỡ nợ ở địa phương có thể gây ra một trận tuyết lở hủy diệt toàn ngành ngân hàng Trung Quốc.
Kết luận
Các nhà kinh tế học Trung Quốc dường như tin rằng đối với mỗi “cái đinh” khủng hoảng kinh tế, giải pháp là một “cái búa” của chính quyền. GIS Reports lưu ý hôm 05/12 rằng khi “khủng hoảng [kinh tế] xảy ra, chính quyền Trung Quốc có xu hướng can thiệp bằng cách thao túng thị trường tài chính và tập trung các quy trình ra quyết định. Kết quả là, vai trò của các động lực thị trường tự do bị suy yếu, một diễn biến không tốt cho sự tăng trưởng trong tương lai.”
Nói tóm lại, những người cộng sản không tin vào lý thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith về thị trường, vốn cho rằng một thị trường tự do và tự tối ưu sẽ đạt đến trạng thái cân bằng thông qua hành động của các cá nhân và sự tương tác giữa cung và cầu. Và họ chắc chắn không hiểu được tầm quan trọng của “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” của Joseph Schumpeter, liên quan đến việc phá bỏ một cách có chủ đích các quy trình cũ — bao gồm các công nghệ, phương pháp, và ý tưởng có khả năng gây gián đoạn — để mở đường cho các phương pháp sản xuất nâng cao. Sự phá bỏ ấy liên quan đến yếu tố để cho các doanh nghiệp thất bại phá sản rồi bán đi những phần hữu ích và hiệu quả của những doanh nghiệp này để tái thiết các doanh nghiệp mới.
Việc ĐCSTQ không hiểu được các động lực của thị trường mà thay vào đó nhấn mạnh vào sự can thiệp trực tiếp của chính quyền để trợ giúp cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang thất bại, qua đó quyết định người thắng kẻ thua giữa các doanh nghiệp, là lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Chủ nghĩa cộng sản không bao giờ mang lại lợi ích như đã hứa cho người dân, và người Trung Quốc đang nhận ra rằng “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” của ông Tập cũng vậy — sẽ không bao giờ mang lại lợi ích cho họ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times