Giảm phát cho thấy những khó khăn kinh tế của Trung Quốc
Giảm phát đang nổi lên ở Trung Quốc, vẽ nên một đường kẻ tối tăm đằng sau rất nhiều vấn đề của nền kinh tế đó.
Không gì có thể nói lên những khó khăn kinh tế của Trung Quốc một cách bi thảm hơn sự bắt đầu gần đây của giảm phát.
Trong hai tháng nay, giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm đến mức tính đến tháng Mười Một, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu, giá đã thấp hơn khoảng 0.5% so với 12 tháng trước. Giá mà Cục Thống kê Trung Quốc gọi là “giá xuất xưởng” — tương đương với giá sản xuất của Hoa Kỳ — đã giảm 3.0% trong 12 tháng qua.
Đây không phải là những con số lớn, nhưng chúng đang nói lên một điều gì đó. Trong thời kỳ căng thẳng vì lạm phát này, người Mỹ có thể sẽ hoan nghênh những tin tức như vậy. Tuy nhiên, giảm phát dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều báo hiệu rắc rối — đối với Trung Quốc là dưới dạng nguồn cung quá dư thừa cho những thứ không cần, nhu cầu thiếu, và môi trường tài chính căng thẳng — là điều mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng không mong muốn.
Mặc dù phần lớn trách nhiệm của tình trạng này đều thuộc về Bắc Kinh, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Một nguyên nhân là tình hình ở ngoại quốc. Phần lớn xảy ra độc lập với Bắc Kinh, hai thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc đã cắt giảm mạnh lượng mua hàng. Châu Âu sắp bước vào thời kỳ suy thoái, còn Hoa Kỳ, mặc dù vẫn cho thấy các khía cạnh lành mạnh về kinh tế, nhưng chắc chắn đã tăng trưởng chậm lại so với tốc độ tăng trưởng hồi đầu năm nay. Việc mua hàng Trung Quốc cũng chậm lại vì Brussels và Hoa Thịnh Đốn thể hiện thái độ thù địch rõ rệt đối với thương mại Trung Quốc.
Hoa Kỳ đang nói về việc “tách rời” nền kinh tế của mình khỏi nền kinh tế Trung Quốc, trong khi châu Âu nói về “giảm rủi ro”, nhưng trên thực tế hai khái niệm này là như nhau. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Âu Châu đang ngày càng tìm nguồn cung ứng từ những nơi bên ngoài Trung Quốc, và dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc từ phương Tây cũng như từ Nhật Bản đã suy giảm.
Những gánh nặng lên khía cạnh quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc này khó có thể được xoay xở từ bên trong Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ dễ bị tổn thương của Trung Quốc trước sự suy giảm xuất cảng phần lớn là do lỗi của Bắc Kinh. Trong nhiều năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khuyên Bắc Kinh đa dạng hóa nỗ lực kinh tế khỏi xuất cảng và hướng tới người tiêu dùng trong nước nói chung, đặc biệt là hướng tới lĩnh vực dịch vụ. Bắc Kinh đã bày ra một cuộc chơi rất hay về việc thực hiện sự điều chỉnh như vậy. Tuy nhiên, thực tế là các nhà hoạch định của Bắc Kinh vẫn tiếp tục ưu tiên đổ các nguồn lực kinh tế — đất đai, nhân lực, và vốn — vào xuất cảng. Và giờ đây khi các thị trường lớn ở Hoa Kỳ và châu Âu rút lui, thì nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu tổn thất nặng nề hơn về doanh thu so với mức lẽ ra Bắc Kinh có thể có nếu họ thực hiện các điều chỉnh mà họ và IMF đã đề cập.
Dễ hiểu là, các nhà sản xuất và bán sỉ bị mất hoạt động kinh doanh ở ngoại quốc đã cố gắng chuyển một số sản phẩm của họ sang thị trường nội địa Trung Quốc. Họ chỉ đạt được thành công khiêm tốn, một phần vì những loại sản phẩm phù hợp để xuất cảng không phù hợp với thị trường trong nước.
Nếu các nhà hoạch định thực hiện sự chuyển dịch được IMF khuyến nghị và được các nhà lãnh đạo của họ ca tụng trong những bài diễn văn, thì hoạt động kinh doanh của Trung Quốc hẳn đã vững bước trên con đường đạt được sự điều chỉnh mà họ rất cần lúc này. Nhưng sự chuyển dịch đó đã không diễn ra. Do đó, việc đột ngột chuyển sản phẩm sang thị trường nội địa, đặc biệt là với một rổ sản phẩm không phù hợp, đã góp phần khiến tình trạng giảm phát nảy sinh, từ đó gây chú ý đến việc không thực hiện được những điều chỉnh cần thiết.
Nhưng điều này chưa phải là tất cả. Giảm phát cũng phản ánh và do đó thu hút sự chú ý đến các vấn đề kinh tế mà gánh nặng nợ xấu đang gây ra cho nền tài chính Trung Quốc. Sự sụp đổ của các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc và tình trạng nợ nần chồng chất của các chính quyền địa phương đã khiến các tổ chức tài chính Trung Quốc, cả trong khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, mất đi nguồn lực để tài trợ cho các loại dự án giúp kinh tế phát triển được trong nước.
Tệ hơn nữa, sự sụp đổ của hoạt động phát triển địa ốc dân cư đã tạo ra sự sụt giảm giá trị địa ốc và, kéo theo đó là sự suy giảm giá trị tài sản ròng của giai tầng trung lưu Trung Quốc vốn từng một thời phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, tâm lý bất ổn về thu nhập trong các gia đình Trung Quốc có từ thời phong tỏa kéo dài liên quan đến chính sách zero COVID của Bắc Kinh đã chất thêm gánh nặng lên niềm tin của người tiêu dùng. Vì lẽ đó, các gia đình đã cắt giảm chi tiêu, dẫn đến nhu cầu giảm làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và, tất nhiên cũng góp phần làm xuất hiện tình trạng giảm phát.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã cố gắng hết sức để kìm hãm nền kinh tế. Trong nhiều năm trước đại dịch và ngay cả trong thời kỳ khó khăn đó, ông Tập đã chỉ trích các doanh nghiệp tư nhân lớn nhỏ ở Trung Quốc, cáo buộc họ làm việc chống lại người dân Trung Quốc bằng cách theo đuổi lợi nhuận thay vì ủng hộ nghị trình của ĐCSTQ. Ông đã sử dụng quyền lực của chính quyền để tước đoạt nguồn tài chính cho việc mở rộng các công ty, và trong khi làm như vậy, cũng đồng thời cắt đứt nguồn tăng trưởng và việc làm mà lẽ ra phải có.
Do đó, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc rất thận trọng chi tiêu cho việc phát triển và mở rộng. Theo Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh, khoản đầu tư tích lũy vào tài sản cố định của các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp sơ cấp (các doanh nghiệp tham gia khai thác và thu hoạch sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như trong cách ngành nông nghiệp, khai khoáng, lâm nghiệp, v.v. rồi bán cho người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp thương mại) trên thực tế đã giảm khoảng 10.6% trong 12 tháng qua. Sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm nhu cầu và góp phần gây ra giảm phát, mà còn làm chậm tốc độ mà lẽ ra Trung Quốc có thể điều chỉnh nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất cảng. Có một sự trớ trêu nhất định khi những lời hùng biện gay gắt ủng hộ nghị trình cộng sản của ông Tập khiến Trung Quốc càng dễ bị tổn thương hơn trước Hoa Kỳ và châu Âu.
Đây không phải là một tình huống đáng khích lệ. Trong một hoặc hai tháng tới, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố đã đạt được mục tiêu tăng trưởng thực 5% cho năm 2023. Nếu họ đưa ra tuyên bố như vậy, thì sẽ có rất nhiều suy đoán chính đáng — cả ở bên trong và bên ngoài Trung Quốc — về việc Cục Thống kê đã phóng đại các con số ra sao để giúp ĐCSTQ trông có vẻ khá khẩm. Việc phóng đại số liệu không phải là lần đầu tiên. Nếu Bắc Kinh một lần nữa quyết định mục tiêu tăng trưởng thực là 5% cho năm 2024, thì các vấn đề hiện nay ngụ ý rằng mục tiêu đó sẽ cần đến rất nhiều thủ thuật thống kê.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times