Có phải Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang tiến gần tới khoảnh khắc Minsky của chính mình?
Việc hạ thấp rủi ro một cách giả tạo trong nền kinh tế có thể bóp méo hành vi đến mức thảm họa.
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, có những bài học quan trọng cần được rút ra. Đặc biệt, một bài học là về tác động tiêu cực và nguy hại lâu dài của một nền kinh tế giả tạo dựa trên chính sách tiền tệ chi phí thấp và trì hoãn rủi ro. Một bài học khác là không có quốc gia nào miễn nhiễm được với vấn đề nào trong hai vấn đề đó.
Khoảnh khắc Minsky
Một khái niệm tuyệt vời của nhà kinh tế học Hyman Minsky giải thích về việc sử dụng vốn có rủi ro thấp trong thời gian dài làm giảm nhận thức về rủi ro như thế nào, và cuối cùng có thể dẫn đến khủng hoảng khi các nhà đầu tư chấp nhận quá nhiều rủi ro ra sao. Minsky đề ra giả thuyết rằng một thời kỳ tăng trưởng kéo dài quá mức trong chu kỳ kinh tế có thể thúc đẩy việc đầu cơ quá mức, cuối cùng dẫn đến thị trường bất ổn hoặc thậm chí gây ra sự sụp đổ kinh tế. Hơn nữa, thời gian đầu cơ theo hướng giá tăng càng kéo dài, thì cuộc khủng hoảng có thể sẽ càng nghiêm trọng.
Cuộc Đại Suy Thoái năm 2008–2009 là một ví dụ điển hình về kết quả như vậy. Về căn bản, thời khắc Minsky là một điểm bùng phát khi việc hành động với rủi ro cao, không có hậu thuẫn về mặt kinh tế trở nên không bền vững, có thể dẫn đến giá giảm nhanh chóng và thị trường suy thoái một cách không thể ngăn cản.
Rủi ro đang gia tăng ở mọi nơi
Lý thuyết của kinh tế gia Minsky thường được áp dụng vào thị trường chứng khoán. Lý thuyết này tập trung vào các giai đoạn tăng giá không còn được hậu thuẫn qua các yếu tố căn bản hoặc kinh tế nữa, mà thay vào đó là qua các yếu tố ảo, chẳng hạn như vốn từ bên ngoài, tâm lý thị trường lạc quan một cách vô lý (hay còn gọi là “sự phấn khích phi lý trí” — “irrational exuberance”), hoặc động lực mua vô cớ, kích động nhiều người mới gia nhập thị trường hơn vì nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội. Trong khi đó, rủi ro và mức độ nghiêm trọng của sự sụp đổ thị trường tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, phân tích của Minsky cũng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Đây có phải là khoảnh khắc Minsky của Trung Quốc?
Trong trường hợp của Trung Quốc, có thể lập luận một cách hợp lý rằng sau nhiều thập niên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục tài trợ cho sự tăng trưởng lớn và không cần thiết thông qua phát triển địa ốc, lý thuyết rủi ro của Minsky cuối cùng đã có hiệu lực.
Trong nhiều năm, rủi ro đối với vốn đầu tư ở Trung Quốc đã được giảm thiểu nhờ nợ quay vòng, theo đó các khoản vay của các dự án thường không bao giờ được trả hết, mà chỉ đơn giản là được PBOC tái cấp vốn với lượng tiền lớn hơn bao giờ hết. Sự phụ thuộc quá mức vào phát triển địa ốc để phục vụ cái gọi là tăng trưởng kinh tế được tài trợ thông qua lượng vốn đầu tư công và tư nhân dường như vô hạn là một ví dụ kinh điển về việc giảm thiểu rủi ro vốn một cách giả tạo và, do đó làm tăng mức độ chấp nhận rủi ro — cũng như hành vi rủi ro — của các nhà đầu tư.
Đến một lúc nào đó, thì rủi ro sẽ là quá lớn vì nợ trong hệ thống không còn bền vững nhờ lợi nhuận đầu tư hay hậu thuẫn của ngân hàng này. Nguồn vốn không rủi ro cạn kiệt và các khoản đầu tư không sinh ra đủ lời để trả nợ.
Hơn nữa, đầu tư ngoại quốc từ phương Tây, chẳng hạn như từ Liên minh Âu Châu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đang giảm và có khả năng sẽ không quay trở lại mức trước đó.
Các vụ phá sản đang xảy ra trong các công ty phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc, ngành chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), có thể có nghĩa là thời khắc Minsky của Trung Quốc cuối cùng đã đến.
Một yếu tố có thể làm giảm thiểu nguy cơ là khả năng Trung Quốc thu thập thêm được của cải và các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao từ các quốc gia mắc nợ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Việc Trung Quốc bổ sung thêm các đối tác thương mại và thu được của cải cũng như GDP từ họ có thể phần nào bù đắp cho sự sụp đổ của nền kinh tế trong nước.
Có phải Hoa Kỳ đang đến gần thời khắc Minsky của mình?
Nhưng còn Hoa Kỳ thì sao? Có phải chúng ta rốt cuộc đang chạm đến khoảnh khắc Minsky của mình không?
Có lẽ là như vậy.
Hãy nhớ rằng chi tiêu thâm hụt ở Hoa Kỳ đã là chuẩn mực trong nhiều thập niên. Một phần là do đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới. Với 60% tổng số giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD, nhu cầu toàn cầu về USD vượt xa số lượng cần thiết của riêng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, như lịch sử đã cho thấy, mức chi tiêu luôn tăng khi mức thu nhập tăng (ngay cả khi “thu nhập” đó là hàng ngàn tỷ USD ngoại quốc tràn vào thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ hết thập niên này sang thập niên khác).
Khi nền kinh tế của các quốc gia khác phát triển, nhu cầu về USD của họ cũng tăng lên, thúc đẩy việc in ấn và vay mượn nhiều hơn. Trong kịch bản đó, chi tiêu thâm hụt gần như là không thể tránh khỏi chứ đừng nói đến việc kháng cự.
Nhưng sẽ đến lúc cỗ máy đó không còn hoạt động nữa.
Ví dụ, nợ quốc gia là hơn 30 ngàn tỷ USD và đang tăng lên. Hơn nữa, dầu không còn được bán độc quyền bằng USD nữa, nghĩa là nhu cầu về USD trên toàn thế giới đã ít hơn. Để xát thêm muối vào vết thương, thì thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ đang yếu hơn bao giờ hết. Điều đó có nghĩa là các quốc gia ngoại quốc từng mua công khố phiếu Hoa Kỳ như một khoản đầu tư chắc chắn, an toàn, và một phương cách bảo đảm để giữ hàng tỷ USD tiền mặt sẽ ít quan tâm hơn đến việc mua công khố phiếu Hoa Kỳ.
Lý do cho điều đó rất đơn giản. Có ít quốc gia hơn tin vào lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mà nước này nợ ở trên các công khố phiếu đó.
Tại sao họ phải tin tưởng, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cao khiến lãi nợ trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với chỉ vài năm trước? Những trở ngại khác bao gồm thực tế là các giao dịch bằng đồng USD đang giảm trên khắp thế giới, đồng dollar dầu mỏ đã bị khai tử và nhiều quốc gia đang liên kết kinh tế với Trung Quốc.
Nói tóm lại, Hoa Kỳ có thể đang thiếu vốn “không rủi ro” dưới hình thức thị trường trái phiếu toàn cầu và đồng USD dầu mỏ mà Hoa Kỳ đã dựa vào trong nhiều thập niên để tài trợ cho các cam kết chính sách tài chính, quân sự, kinh tế, và đối ngoại quá lạc quan của mình trên toàn thế giới.
Như Trung Quốc dường như đang trải qua hiện nay, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đang tiến gần tới một kết quả tai hại kiểu Minsky hơn so với những gì chúng ta muốn thừa nhận.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times