Trong khi lạm phát đang ám ảnh nền kinh tế toàn cầu, thì Trung Quốc lại đối mặt với giảm phát
Lãnh đạo ĐCSTQ cho biết: “Một số người gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong quá trình tìm kiếm việc làm.”
Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức của một môi trường giảm phát, khiến đời sống dân sinh ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, đặc trưng là tình trạng thất nghiệp và cắt giảm lương trên diện rộng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến những gián đoạn liên quan đến ba năm xảy ra đại dịch, và chính sách zero-COVID nghiêm ngặt đã góp phần làm cạn kiệt ngân khố quốc gia của Trung Quốc.
Bên cạnh những thách thức này, mối đe dọa rõ ràng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra đối với trật tự thế giới đã khiến các quốc gia phương Tây ngừng kết giao với họ, khiến nền kinh tế Trung Quốc mất đi hai trụ cột quan trọng là: thu nhập từ xuất cảng và dòng vốn đầu tư ngoại quốc.
Trong bài diễn văn đầu Năm Mới vào ngày cuối cùng của năm 2023, lãnh đạo ĐCSTQ đã công khai thừa nhận rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Ông nói, “Một số công ty đang phải đối mặt với áp lực kinh doanh, một số người gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong quá trình tìm kiếm việc làm.”
Dữ liệu mới nhất được công bố chỉ vài giờ trước khi ông Tập có bài diễn văn này cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang thu nhỏ lại, với Chỉ số nhà Quản lý Mua hàng (PMI) trong tháng 12/2023 ghi nhận là 49, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp rơi vào vùng thu hẹp. Số liệu PMI của tháng Mười và tháng Mười Một lần lượt là 49.5 và 49.4.
Hai tuần trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) trong tháng Mười Một giảm 0.5% so với cùng thời kỳ năm trước (2022), vượt qua mức giảm 0.2% trong tháng Mười. Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) trong tháng Mười Một đã giảm 3.0%, tệ hơn so với mức giảm 2.6% trong tháng Mười, báo hiệu tình trạng giảm phát của Trung Quốc đang ngày càng trở nên sâu sắc.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với lạm phát — như ở Hoa Kỳ với mức cao nhất là 7.0% vào năm 2021 và sau đó là sự sụt giảm sau khi tăng lãi suất — thì Trung Quốc lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, họ đang trải qua một giai đoạn giảm phát đáng lo ngại.
Theo ông Vương Quân (Wang Jun), một nhà kinh tế Trung Quốc được The Epoch Times phỏng vấn, “Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại với các nền kinh tế ngoại quốc, và đây không phải là một dấu hiệu tốt. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Âu Châu và Hoa Kỳ đang gặp phải tình trạng lạm phát, lãi suất liên tục tăng. Còn Trung Quốc lại giảm lãi suất, cho thấy tình trạng giảm phát. Nói một cách dễ hiểu, thì dấu hiệu này có nghĩa là suy thoái kinh tế.”
Nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề trong ba năm đại dịch
Đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, và ông Vương đã bày tỏ hoài nghi về khả năng phục hồi trong ngắn hạn của quốc gia này. Nhìn về tương lai trong ba, năm, hoặc thậm chí mười năm tới, ông dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn để có thể khôi phục được trạng thái vững mạnh như trước đây.
Dựa trên phép ẩn dụ của y học cổ truyền Trung Quốc, ông Vương đã nhận xét về những ‘di chứng’ lâu dài của đại dịch. Ông đã nhấn mạnh rằng nếu để tuột mất một số cơ hội kinh doanh thì tức là sẽ mất vĩnh viễn, và bối cảnh kinh tế Trung Quốc không còn là nơi mà các cơ hội dễ dàng đến và đi do tính chất phức tạp của hệ thống kinh tế.
Ông nhấn mạnh hậu quả của đại dịch trên các đường phố, nơi nhiều cơ sở kinh doanh, ngay cả các chi nhánh ngân hàng cũng phải đóng cửa. Cảnh tượng đâu đâu cũng thấy sẵn mặt tiền cửa hàng cho thuê cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống đang phải đối mặt, khi mà thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển đổi đáng kể sang các nền tảng trực tuyến cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.
Dữ liệu chính thức từ tháng 01 đến tháng 04/2023 cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trên toàn quốc đạt tổng lợi nhuận là 287.2 tỷ USD, giảm 20.6% so với cùng thời kỳ năm trước, một mức giảm đáng kinh ngạc. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là ở các khu vực như Đồng bằng sông Dương Tử và Đồng bằng sông Châu Giang, đã phải đóng cửa, khiến vị thế “công xưởng của thế giới” lâu nay của Trung Quốc bị lung lay.
Đồng thời, sự sụp đổ của ngành bất động sản, cùng với những thách thức kinh tế này, đã dẫn đến các báo cáo về tình trạng thất nghiệp gia tăng và giảm lương.
Vào tháng 06/2023, dữ liệu chính thức từ ĐCSTQ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 21.3%. Kể từ đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố thêm về dữ liệu thất nghiệp.
Cụm từ “Không tìm được việc, hãy đến Didi” (một dịch vụ lái xe chở khách của Trung Quốc) đã trở nên phổ biến như một sự phản ánh về những khó khăn kinh tế. Tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc đã có thêm hơn 1.2 triệu tài xế gọi xe được cấp phép.
Các trường hợp khó khăn về kinh tế còn được minh họa rõ hơn bằng một “cuộc biểu tình tập thể về lương” bên ngoài chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng Phát triển Phố Đông hôm 11/05/2023. Các tin tức đã tiết lộ rằng Công ty Quản lý Tài chính Ngân hàng Phố Đông (Puyin Wealth Management), một công ty con của Ngân hàng Phát triển Phố Đông, đã cắt giảm đáng kể mức lương của nhân viên, trong đó một số người bị cắt giảm đến 50% lương. Ngay cả các công chức, những người có truyền thống giữ “bát cơm bằng sắt,” cũng không ngoại lệ, vì việc cắt giảm lương đã được thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh, và Thiên Tân. Những mức cắt giảm này dao động từ hơn 40% đối với công chức cấp giám đốc cho đến việc tạm dừng trợ cấp ở một số khu vực.
Xét nghiệm acid nucleic làm cạn kiệt nguồn ngân khố quốc gia
Các nước phương Tây đang ngày càng tách rời ĐCSTQ, góp phần gây ra sự suy thoái kinh tế đáng chú ý ở Trung Quốc. Đây không chỉ là hậu quả của sự cạn kiệt ngân khố Trung Quốc sau đại dịch kéo dài ba năm mà còn là kết quả của việc các quốc gia phương Tây nhận ra mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra và chọn cách không kết giao với chế độ này.
“Không phải là Trung Quốc đang nói về việc tách rời sao? ‘Chúng ta phải tự lực cánh sinh, chúng ta phải gian khổ phấn đấu.’ Nói theo cách khác dễ hiểu hơn thì điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ đóng cửa và tự mình làm mọi việc — nếu Hoa Kỳ và châu Âu không muốn hợp tác với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tự chơi với nhau,” ông Vương nói. “Kết quả là, một loạt vấn đề lộ ra — lãi suất liên tục giảm, nhiều công ty địa ốc phá sản, chuỗi vốn bị đứt, và sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm.”
Khi ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ĐCSTQ đã cam kết ký một thỏa thuận phụ liên quan đến hoạt động mua sắm của chính phủ. Tuy nhiên, họ đã không thực hiện cam kết đó, mà thay vào đó họ hướng sức mua đáng kể của quốc gia vào các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và tiếp tục trợ cấp. Đồng thời, các công ty Trung Quốc tham gia vào hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ từ các đối tác phương Tây, cho phép họ mở rộng và cạnh tranh trên toàn cầu, đồng thời họ còn nhận trợ cấp của chính phủ.
Sau khi nhận ra những thông lệ này, sức chịu đựng của Hoa Kỳ đã bị đẩy đến mức giới hạn. Hồi tháng 08/2020, Tổng thống đương thời Donald Trump đã đề nghị ý tưởng cắt đứt liên hệ kinh tế với Trung Quốc, một lập trường cứng rắn được duy trì bởi người kế nhiệm ông, Tổng thống Joe Biden, người đã thực thi các quy định mới nhằm hạn chế hoạt động đầu tư của Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp cụ thể của Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy rằng quá trình tách rời vẫn đang diễn ra một cách đều đặn, với tỷ trọng hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ của Trung Quốc giảm từ 21.6% năm 2017 xuống 16.3% vào năm 2022. Tỷ trọng hàng hóa chiến lược thậm chí còn giảm đáng kể hơn, giảm từ 36.8% năm 2017 xuống 23.1% vào năm 2022. Các quốc gia khác chứng kiến mức tăng trưởng thị phần ở Hoa Kỳ là Việt Nam, Đài Loan, Canada, Mexico, Ấn Độ, và Nam Hàn, trong khi thị phần của Trung Quốc lại giảm 5.3 điểm phần trăm.
Các công ty Mỹ cũng đang rời khỏi Trung Quốc. Intel đang xem xét rời chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ, Microsoft đang dự tính chuyển một số hoạt động sản xuất sang châu Âu, còn Dell có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Mexico. Apple đã chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam, trong đó các nhà cung cấp như Foxconn đang mở rộng cơ sở sản xuất tại nước này.
Việc rút vốn đầu tư ngoại quốc cũng góp phần dẫn đến tình trạng thất nghiệp đáng kể ở Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times