Các chuyên gia cho rằng sự thuyên giảm trong tình trạng giảm phát của Trung Quốc sẽ chỉ là một sự trì hoãn nhỏ
Các chuyên gia cho biết, sự phục hồi giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng Hai — lần đầu tiên sau sáu tháng — chỉ mang lại sự hòa hoãn tạm thời khỏi áp lực giảm phát đối với nền kinh tế. Họ cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng cách tiếp cận chủ động hơn.
Các chuyên gia cho rằng sự phục hồi này đến từ sự gia tăng trong các hoạt động dịch vụ và đang bị lu mờ bởi tình trạng mất cân đối trong sản xuất, nhu cầu tiêu dùng yếu, và lực cản kéo dài từ lĩnh vực địa ốc.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, một chỉ số chính đo lường lạm phát, trong tháng Hai đã tăng 0.7% so với cùng thời kỳ năm trước, đảo ngược mức giảm 0.8% trong tháng Một, theo dữ liệu công bố hôm 09/03 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Nhà thống kê NBS Đổng Lê Quyên (Dong Lijuan), cho rằng chỉ số CPI tăng là do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 24/02.
Theo một bản tin của Reuters, giá tiêu dùng đã tăng so với cùng thời kỳ năm ngoái lần đầu tiên sau 11 tháng nhờ sự gia tăng của một số mặt hàng chính, bao gồm thịt heo và rau quả tươi, cũng như hoạt động du lịch trong thời gian cao điểm vào dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc trong tháng Hai.
Sự phục hồi trở lại miền dương của dữ liệu CPI tháng Hai cũng tương phản với mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 14 năm xảy ra trong tháng 01/2024, do mẫu số thống kê để tính số liệu tỷ lệ lạm phát tháng 01/2024 là cao hơn vì Tết Nguyên Đán năm ngoái đã xảy ra sớm hơn vào tháng 01/2023 thay vì tháng Hai khiến cho chi tiêu tháng 01/2023 tăng lên.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lập luận rằng thay vì chỉ dựa vào số liệu thống kê tổng thể, tình trạng thực sự của nền kinh tế được phản ánh qua các con số theo ngành.
Theo ghi chú của Natixis Research công bố hôm 11/03, “áp lực giảm phát giảm bớt của Trung Quốc không thể che giấu mô hình tăng trưởng mất cân bằng thiên về các lĩnh vực sản xuất.”
Natixis cho biết thêm rằng các con số cho thấy thành phần dịch vụ có sự gia tăng đáng kể trong khi thành phần sản phẩm tiếp tục giảm. Do đó, sự mất cân đối hiện tại trong lĩnh vực sản xuất — được định nghĩa là nhu cầu yếu hơn nguồn cung — vẫn tồn tại và sự phục hồi trong hoạt động dịch vụ của Trung Quốc chủ yếu là nguyên nhân giúp giảm bớt tình trạng giảm phát cốt lõi của đất nước.
Theo dữ liệu của NBS, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, đo lường giá sản phẩm tại cổng nhà máy (giá xuất xưởng), đã giảm 2.7% so với cùng thời kỳ trong tháng Hai. Trên cơ sở hàng tháng, PPI đã giảm 0.2% trong tháng Hai.
Natixis cho biết: “PPI hàng tháng được điều chỉnh theo mùa và ngày lễ của chúng tôi, bao gồm nhiều thành phần hàng hóa hơn CPI, vẫn ở mức âm, mặc dù đã tăng trong tháng Hai.”
“Khoảng cách giữa cung và cầu đối với sản xuất trong nước chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng, đây không phải là dấu hiệu tốt cho vấn đề dư thừa công suất và áp lực giảm phát trong tương lai.”
Giảm phát là một mối lo ngại
Giảm phát của Trung Quốc trở thành mối lo ngại toàn cầu kể từ tháng 07/2023, khi giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 0.3% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên sau gần hai năm Trung Quốc rơi vào giảm phát.
Lần giá cả suy giảm gần đây nhất đối với người tiêu dùng là vào tháng 02/2021.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh như thế nào sau đại dịch. Bất chấp việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19, vốn dẫn đến chi tiêu tiêu dùng tăng vọt ở hầu hết các quốc gia phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đã không chứng kiến mức tăng giá tương ứng sau khi dỡ bỏ một số quy định nghiêm ngặt nhất về virus corona trên thế giới.
Giá giảm có thể đặt ra những thách thức cho Trung Quốc, bao gồm một gánh nặng nợ lớn hơn và tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Trung Quốc cũng gặp khó khăn với tình trạng nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng, các vấn đề về thị trường nhà ở, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (trong độ tuổi 16–24) cao.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã trải qua tình trạng giá giảm (giá xuất xưởng giảm), phản ánh nhu cầu trong nước kém so với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, tình trạng giảm phát của Trung Quốc là mối lo ngại lớn hơn đối với cộng đồng quốc tế vì quốc gia này là nhà sản xuất lớn trên toàn cầu, và việc giảm phát diễn ra ở đó có thể có những tác động lan tỏa. Mặc dù giảm phát ở Trung Quốc có thể giúp kiềm chế giá cả tăng cao ở các quốc gia khác, nhưng giảm phát có thể làm ngập thị trường toàn cầu với hàng giảm giá từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở nơi khác.
Giảm phát của Trung Quốc đã làm tăng thêm áp lực giảm phát và căng thẳng thương mại ở các quốc gia phát triển khi các đối thủ cạnh tranh cáo buộc về định giá không công bằng, với việc các nhà xuất cảng của Trung Quốc vận chuyển nhiều sản phẩm và dịch vụ ra ngoại quốc với chi phí cao ngất để bù đắp cho sự suy thoái trong nước.
Theo Viện Tài chính Quốc tế, giảm phát và dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong giá sản phẩm (giảm 1.1% vào năm 2023) và giá dịch vụ (giảm 1.0%).
Tình trạng này cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp giảm đầu tư, giảm tuyển dụng, và người tiêu dùng giảm chi tiêu.
Ngoài ra, nhu cầu năng lượng, nguyên liệu thô, và thực phẩm giảm từ Trung Quốc — thị trường lớn nhất thế giới — đang ảnh hưởng đến xuất cảng toàn cầu.
Chưa thoát khỏi nguy hiểm
Do đó, các chuyên gia cho biết, Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái nhà ở kéo dài, như dữ liệu lạm phát ảm đạm của Trung Quốc cho thấy.
Tại “Kỳ họp Lưỡng hội” hồi tuần trước (04-10/03), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình phát triển của Trung Quốc và giảm bớt rủi ro do các nhà phát triển địa ốc phá sản gây ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cách hiệu quả nhất để Trung Quốc tăng tiêu dùng là cải thiện nhu cầu.
HSBC cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Bảy (09/03), “Sự phục hồi của giá tiêu dùng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu trong nước được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi thương mại vẫn phải đối mặt với tình trạng bất ổn và lực cản trong ngành địa ốc vẫn tiếp diễn, điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ cần giữ lập trường chủ động.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times