Cửa hàng nhượng quyền thương mại đột ngột đóng cửa, Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ bồi thường cho khách hàng
Một chuyên gia tài chính Trung Quốc cảnh báo, nhiều dịch vụ lưu ký vàng ở Hoa lục là lừa đảo.
Gần đây khi giá vàng tăng vọt, tình trạng các cửa hàng vàng đột ngột đóng cửa đã xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại lớn và gây phẫn nộ trong dư luận.
Trước tình hình này, Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã đưa ra một thông báo vào tuần trước (01-07/04), tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp các khoản thanh toán tạm ứng cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi việc cửa hàng của tập đoàn này đóng cửa ở Bắc Kinh.
Một chuyên gia tài chính Trung Quốc lưu ý rằng các hoạt động “lưu ký vàng” như vậy ở Trung Quốc về căn bản là lừa đảo.
Hôm 01/04, một công ty con có trụ sở tại Bắc Kinh của Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc, Công ty Trang sức Vàng Quốc gia Trung Quốc (China Gold), đã thông báo rằng bên nhận quyền thương mại của họ, Công ty TNHH Vàng–Trang sức Tam Đỉnh Nguyên Bắc Kinh (Beijing Sandingyuan Gold and Jewelry Co. Ltd.), hoạt động tại Cửa hàng R&F Plaza Bắc Kinh, đã vi phạm thỏa thuận nhượng quyền đã ký với China Gold.
Cửa hàng này đã hoạt động bất hợp pháp khi “lưu ký” vàng cho khách hàng nhưng đã ngừng hoạt động hôm 27/12/2023, khi cửa hàng không thể hoàn trả lại số vàng mà người tiêu dùng đã lưu trữ tại đây. Người kiểm soát Tam Đỉnh Nguyên, họ Dương, đã bị giam giữ vì cáo buộc hình sự và vụ việc đang trong quá trình tố tụng tư pháp.
China Gold cũng tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp các khoản thanh toán cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi cửa hàng tại Bắc Kinh của China Gold đột ngột đóng cửa, có thông tin cho rằng cửa hàng ở Bắc Kinh của Tập đoàn Vàng Sơn Đông (Shandong Gold Group) cũng đã đột ngột đóng cửa và chủ cửa hàng đã biến mất cùng số vàng khách hàng đã gửi, có thể trị giá lên tới hơn 400 triệu nhân dân tệ (56 triệu USD).
Dịch vụ gửi vàng
Với việc các nhà phát triển địa ốc lớn của Trung Quốc lần lượt vỡ nợ và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán gần đây, nhiều người Trung Quốc đã chuyển sang đầu tư vào vàng để bảo toàn tài sản trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Trong vài năm qua, các cửa hàng của China Gold đã khai triển dịch vụ gửi vàng đặc biệt. Khi người tiêu dùng mua vàng tại một cửa hàng, cửa hàng đó sẽ cung cấp dịch vụ gửi vàng, tuyên bố rằng việc cất giữ như thế là an toàn hơn so với để vàng ở nhà của khách hàng.
Các cửa hàng vàng cũng cung cấp những ưu đãi để khuyến khích khách hàng gửi vàng. Ví dụ, cứ mỗi 100 gram vàng gửi trong cửa hàng, thì khách hàng có thể nhận thêm 2.5 gram vàng mỗi năm, tương đương với việc gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 2.5%. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua và gửi vàng tại các cửa hàng.
Khi giá vàng tiếp tục tăng cao, nhiều người muốn đổi số vàng đã gửi thành tiền hoặc gia hạn chứng chỉ lưu ký vàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng trên cả nước phàn nàn rằng khi họ có ý định làm như vậy, họ phát hiện các cửa hàng đã đóng cửa và vàng của họ đã biến mất cùng với chủ cửa hàng.
Khi khách hàng liên hệ với trụ sở chính của công ty vàng đó, thì họ được cho biết đó là những cửa hàng nhượng quyền, chứ không phải là cửa hàng do công ty trực tiếp điều hành. Vì là nhượng quyền, nên những cửa hàng này phải tự chịu trách nhiệm cho lãi lỗ của chính họ, do đó nếu chủ cửa hàng có bỏ chạy, thì trụ sở chính cũng không chịu trách nhiệm.
Chủ kênh video tài chính Trung Quốc “Chiếu Lý Thuyết Sự” (tạm dịch: Chiểu Theo Lý Lẽ Mà Giải Thích Sự Kiện), người có 3.36 triệu người theo dõi, cho biết trong một video rằng chính vì giá vàng tăng vọt mà nhiều tiệm vàng đã phải đối mặt với phá sản.
Người có ảnh hưởng này cho biết, “Vậy tại sao những tiệm vàng này lại giúp quý vị lưu ký vàng miễn phí và thậm chí còn trả lãi cho việc đó? Mục đích chính của họ là bán cùng một số lượng vàng cho hai hoặc thậm chí ba người mua. Quý vị mua vàng từ cửa tiệm của họ, và họ nói với quý vị rằng vàng đã được gửi trong tiệm của họ và quý vị không thể mang vàng đi [để họ có thể bán chính số vàng đó cho những khách hàng khác]. Trên thực tế, họ có thể không cần có trong tay nhiều hơn một chút vàng nào để nhận được thêm tiền từ phía người tiêu dùng — điều này tương đương với việc họ sử dụng vàng ảo để vay tiền từ người tiêu dùng và chỉ trả cho người tiêu dùng lãi suất 2.5% mỗi năm.”
Ông cho biết mức lãi suất như vậy là thấp hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Ông cho rằng vấn đề với mô hình này là nó có rủi ro cao; có nghĩa là khi giá vàng tăng vọt, thì cửa hàng sẽ chịu thua lỗ. Khi người tiêu dùng thấy giá vàng tăng cao như vậy, thì họ sẽ muốn đổi vàng lấy tiền hoặc mang vàng về nhà, nhưng cửa hàng lại không có đủ tiền hoặc vàng để đưa cho họ sau khi đã lạm dụng tiền của họ. Đó là lý do tại sao mới đây có rất nhiều tiệm vàng trốn chạy.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận rằng hành vi của các tiệm vàng này là “một hình thức gây quỹ bất hợp pháp núp bóng dưới danh nghĩa gửi vàng” và “nếu giá vàng giảm, thì tiền của người tiêu dùng sẽ mua thêm được vàng, và những cửa hàng này sẽ kiếm được bộn tiền; tuy nhiên, vì giá đã tăng mạnh, nên các cửa hàng thua lỗ và những người chủ bỏ chạy.”
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay rất nhiều nạn nhân của hình thức gửi vàng lừa đảo này đã trình báo hành vi phạm tội và nhiều người đang có ý định khởi kiện dân sự, nhưng cũng bày tỏ lo lắng.
“Vì những người này muốn lừa gạt vàng của người tiêu dùng nên có lẽ họ đã lên kế hoạch từ trước,” chủ kênh “Chiếu Lý Thuyết Sự” cho biết. “Họ đã chuyển tiền của quý vị đi rồi và quý vị không thể lần ra được. Vì vậy, đây là một vụ lừa đảo lớn.”
Cơn sốt mua vàng của Trung Quốc
Trong lúc các tiệm vàng quốc doanh của Trung Quốc đang lừa đảo người dân trong nước thì chính quyền cộng sản lại cũng đang mua vàng rầm rộ trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh chiến tranh diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua vào một lượng lớn vàng trong hơn một năm qua để mở rộng lượng vàng nắm giữ của Bắc Kinh, đẩy giá vàng quốc tế lên cao.
Truyền thông và giới quan sát quốc tế đã nêu lên rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nắm giữ vàng để chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược Đài Loan và cho các lệnh trừng phạt kinh tế sau đó từ phương Tây.
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times