Tại hội nghị APEC, lãnh đạo Trung Quốc đe dọa chiến tranh với Đài Loan
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco, trên các trang báo của Wall Street Journal hôm 13/11, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc bị gọi là một “nhà độc tài tàn nhẫn” và “côn đồ.” Ông Tập đã xác nhận những danh hiệu này bằng những hành xử của mình khi gặp Tổng thống Joe Biden hai ngày sau đó.
Tại cuộc gặp, ông Tập đã úp mở về một mối đe dọa chiến tranh với Đài Loan và tận dụng các ca tử vong vì fentanyl ở Hoa Kỳ. Lời hứa lẽ ra phải có từ lâu của ông ấy tại cuộc hội đàm với Tổng thống Biden về việc ngừng xuất cảng các chất liên quan đến fentanyl từ Trung Quốc có thể được tin cậy như những lời hứa năm 2016 của ông ấy với cựu Tổng thống Barack Obama về việc ngăn chặn các vụ xâm nhập mạng và không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông Tập đã phá vỡ cả hai lời hứa này trong vòng mấy năm.
Bình luận của Tổng thống Biden sau cuộc họp rằng ông sẽ “tin tưởng nhưng xác minh” lời hứa mới nhất của ông Tập, và rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc này thực sự là một “người độc tài” như ông đã từng nhận xét trước đây, là nhận định chuẩn xác. Hai ông đã gặp nhau trong nhiều giờ để thảo luận “thẳng thắn” và có một cuộc đi dạo trong vườn, mở đầu bằng cái bắt tay nồng ấm trông gượng gạo của ông Biden trước ống kính ghi hình cùng các nhóm chính sách có vẻ lạnh nhạt, hình thức, và buồn rười rượi của của hai bên.
Dựa trên nỗ lực kéo dài 15 tháng của ông Tập nhằm tận dụng hơn 70,000 ca tử vong do fentanyl ở Mỹ quốc trong khoảng thời gian từ tháng 08/2021 đến tháng 08/2022 (chính xác là 73,654 ca tử vong trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với năm 2019) cuộc gặp này hẳn là đã làm lợi cho Bắc Kinh. Người ta có thể cho rằng sự bất hợp tác trong việc chống ma túy của ông Tập là một hành động diệt chủng tàn bạo không bao giờ nên bị lãng quên hay tha thứ.
Hai “thỏa thuận” nên có từ lâu khác mà lẽ ra phải là đương nhiên đã được Tòa Bạch Ốc trình bày như một sự tiến triển sau cuộc gặp mặt, đó là một đường dây nóng tổng thống giữa hai nước và việc cho chép tổ chức một cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng.
Việc Bắc Kinh trước đây từ chối tham gia vào các hoạt động liên lạc cơ bản như vậy, cùng với việc điều động chiến đấu cơ và oanh tạc cơ có năng lực hạt nhân bay quanh Đài Loan, có thể là những nỗ lực bất thành nhằm đe dọa Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp, ông Tập ám chỉ khả năng có hành động quân sự với hòn đảo dân chủ này nếu như hòn đảo này không “thống nhất một cách hòa bình” với đại lục trong vòng một vài năm.
Ông Tập “nhấn mạnh rằng [Đài Loan] là vấn đề lớn nhất, tiềm ẩn rủi ro nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, nêu rõ rằng, quý vị biết đấy, ưu tiên của họ là thống nhất hòa bình nhưng sau đó ngay lập tức chuyển sang điều kiện có thể viện đến khả năng sử dụng vũ lực,” một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết, như Reuters đã đưa tin.
Việc một nền dân chủ hợp nhất với một chế độ độc tài do bị đe dọa chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên được xem là “hòa bình” và sẽ không được xem là “hợp nhất lại” trong mọi trường hợp, vì những người cộng sản chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này. Chính phủ Tổng thống Biden sau đó đáng lẽ phải nói điều này một cách công khai.
Theo Tòa Bạch Ốc, các vấn đề được nêu ra và không đạt được đồng thuận tại cuộc họp bao gồm việc các công dân Hoa Kỳ bị giam giữ, các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, và Biển Đông. Rõ ràng, cuộc diệt chủng Pháp Luân Công ở Trung Quốc ít được chính phủ Tổng thống Biden quan tâm hơn nên đã không được nêu ra.
Điều chúng ta không biết là Tổng thống Biden đã đồng ý những gì sau cánh cửa đóng kín để đổi lấy sự hợp tác nhiều hơn về fentanyl.
Theo nguồn tin của Bloomberg trước thềm cuộc họp, “Theo thỏa thuận [về fentanyl] — vốn vẫn đang được hoàn thiện — Trung Quốc sẽ truy lùng các công ty hóa chất để ngăn chặn dòng chảy của cả fentanyl và nguyên liệu nguồn được sử dụng để sản xuất ra loại thuốc phiện tổng hợp gây tử vong này. … Đổi lại, chính phủ Tổng thống Biden sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với viện cảnh sát pháp y của Trung Quốc, một cơ quan mà dư luận nói là đang bị Hoa Kỳ cáo buộc chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền” với người Duy Ngô Nhĩ.
Dưới sức ép của việc ngày càng nhiều người Mỹ tử vong do dùng fentanyl, thì quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, sẽ vừa hy sinh người Duy Ngô Nhĩ, vừa thừa nhận Bắc Kinh có quyền sử dụng việc không hợp tác chống ma túy của họ như một lợi thế thương lượng khủng khiếp mà sẽ là hành động đầu hàng trước sự theo đuổi quyền lực vô lương tâm của ĐCSTQ qua việc nhiều năm tạo thuận lợi cho hành vi có thể gọi là tội diệt chủng đối với hàng ngàn thi thể đầy fentanyl của người Mỹ.
Thay vì giữ vững nguyên tắc — rằng việc Bắc Kinh phải tham gia hợp tác chống ma túy hiệu quả là điều đương nhiên, và rằng Hoa Kỳ cần tăng cường các biện pháp trừng phạt năm 2020 đối với Viện Khoa học Pháp y Trung Quốc cho đến khi ĐCSTQ chấm dứt hành động diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ một cách rõ rệt — chính phủ Tổng thống Biden dường như đã cho phép Bắc Kinh cố gắng liên kết hai hành động này, thực hiện hai trong số những hành động diệt chủng của ĐCSTQ, và do đó khuyến khích họ sử dụng lại chiến lược này trong tương lai.
Những yêu cầu thêm của Bắc Kinh về việc Hoa Kỳ bằng cách này hay cách khác chấp nhận chế độ độc tài cộng sản của họ tương đương với một nền dân chủ thực sự, và việc chấm dứt thuế quan áp cho Trung Quốc đối với các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh nhằm phá hủy ngành công nghiệp Mỹ quốc, về cơ bản là những yêu cầu Mỹ quốc đầu hàng về tư tưởng và vật chất, để có được điều đó ông Tập đã thể hiện rằng ông ấy sẵn sàng mở đường cho hàng chục ngàn ca tử vong do fentanyl ở Hoa Kỳ.
Đây là cuộc chiến dưới một cái tên khác, và bằng cách không thừa nhận nhiều với công chúng, chính phủ Tổng thống Biden đầu hàng thông qua hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác mà, nếu như được phép tiếp tục, thì sẽ dẫn đến sự đầu hàng của tất cả những gì khiến Mỹ quốc và nói rộng ra, là nền dân chủ, mạnh mẽ. Các giá trị của chúng ta, nền kinh tế, quân sự — và cuối cùng là chủ quyền của chúng ta — đang bị đe dọa.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times