Bắc Kinh tiếp tục thay đổi kế hoạch đánh chiếm Đài Loan
Các lựa chọn của ông Tập Cận Bình đã thay đổi khi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể chưa sẵn sàng cũng như chưa muốn dấn thân vào một cuộc chiến trực tiếp để đánh chiếm Đài Loan.
Hoặc có thể do nền kinh tế Hoa lục không đủ khả năng để duy trì một cuộc chiến lâu dài.
Nhưng, điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã từ bỏ mong muốn chinh phạt Đài Loan và xóa sổ Trung Hoa Dân quốc (ROC). Bản thân PLA rõ ràng chưa sẵn sàng cho cuộc chiến, và ông Tập đã bắt tay vào một cuộc thanh trừng trên quy mô lớn trong lực lượng của mình, có lẽ tương đương với [cuộc thanh trừng] mà ông Joseph Stalin của Liên Xô đã thực hiện ngay trước khi lao vào cuộc chiến với Đức.
Các lựa chọn của ông Tập sẽ là gì nếu giờ đây cuộc chiến quân sự trực tiếp bị loại bỏ?
Thứ nhất, ĐCSTQ sẽ cân nhắc nỗ lực áp đặt lệnh phong tỏa đối với Đài Loan, [cô lập] toàn diện trên biển, trên không và thông tin liên lạc đối với đảo chính (Đài Loan) và các đảo lân cận. Các đồng minh lớn của Đài Loan gần như chắc chắn sẽ phản ứng trước sự việc này bằng cách buộc phá bỏ lệnh phong tỏa, hộ tống các đoàn vận tải hàng không và đường biển tới các phi trường của Đài Loan. Những hành động này có thể được các chiến đấu cơ và chiến hạm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc cũng như các đồng minh khác trợ giúp.
Bất kỳ thách thức quân sự nào của PLA với việc phá bỏ lệnh phong toả của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan, theo mặc định, sẽ là một hành động gây chiến, khiến tình hình leo thang vượt quá mức mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được vào thời điểm này. Khi đó, lệnh phong tỏa thực tế này về căn bản sẽ là một vụ lừa phỉnh có rủi ro cao, nhưng sẽ được Trung Quốc xem xét các yếu tố bổ sung.
Một cuộc phong tỏa như vậy có thể là một yếu tố bổ sung vào kế hoạch cô lập Đài Loan của chính quyền Trung Quốc, như việc cắt một loạt các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển vốn kết nối Đài Loan với thế giới bên ngoài. Đó sẽ là một sự leo thang lớn hoạt động phong tỏa trên biển, trên không và chắc chắn có thể được hiểu là một cuộc tấn công vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì cả Liên Hiệp Quốc lẫn Hoa Kỳ (hay Nhật, Úc, Ấn Độ, v.v.) đều không thực sự công nhận chủ quyền của Đài Loan/hay Trung Hoa Dân quốc, thì đây có thể là một rủi ro xét về mặt biện chứng mà Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận.
Trong mọi trường hợp, người ta đều biết rằng Bắc Kinh đã xem xét và trù định việc chặn cáp dưới biển và [hẳn quý vị] còn nhớ đến sự mơ hồ trong nguyên nhân dẫn đến vụ nổ ngày 26/09/2022, vốn cắt đứt đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 (từ Nga đến Đức) ở biển Baltic. Phải mất hàng năm trước khi chính phủ Ukraine được cho là chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Nếu các tuyến cáp truyền thông của Đài Loan bị chặn thì sẽ ít mập mờ hơn vì thủ phạm duy nhất chỉ có thể là chính quyền Trung Quốc. Việc ĐCSTQ nỗ lực thống trị quần đảo Solomon cũng là do quốc gia này gần với các điểm nối cáp xuyên Thái Bình Dương vốn có tầm quan trọng then chốt đối với Úc.
Đồng thời, Trung Quốc sẽ cân nhắc việc bắn hạ các vệ tinh trinh sát quân sự chuyên dụng duy nhất của Đài Loan. Tuy nhiên, việc này sẽ không làm gián đoạn việc truyền một số hình ảnh từ vệ tinh của Hoa Kỳ về các trạm vệ tinh trên mặt đất của Đài Loan. Kế hoạch cô lập của Trung Quốc sẽ có thể cố can thiệp hoặc gây nhiễu các đường truyền vệ tinh của Đài Loan. Về vấn đề này, Trung Hoa Dân quốc được cho là đang chuẩn bị tiến hành sử dụng rộng rãi mạng lưới vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) Starlink của doanh nhân Elon Musk, vốn đã được chứng minh là có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Một lần nữa, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoặc gây nhiễu khả năng trinh sát hoặc liên lạc của các vệ tinh của Đài Loan sẽ tương đương với các “hành động chiến tranh” mặc dù có thể ban đầu Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không xem chúng là khẩn cấp như một hành động quân sự thực sự của PLA. Tuy nhiên, phản ứng của Hoa Kỳ có thể không phải là hành động leo thang quân sự trực tiếp với Trung Quốc mà Hoa Thịnh Đốn sẽ giao các thiết bị không gian của Hoa Kỳ cho Đài Loan để bảo đảm năng lực quân sự và thương mại [của Đài Loan] được tiếp tục diễn ra suôn sẻ.
Các giai đoạn leo thang tiếp theo của PLA sẽ được Hoa Kỳ và Nhật Bản xem là những lời tuyên chiến thực sự. Ví dụ, được biết PLA đã đe dọa khai mào cuộc chiến bằng ba vụ nổ vũ khí xung điện từ trong không gian, có thể là vũ khí hạt nhân, tại quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO).
Những vụ nổ này sẽ phá hủy hệ thống định vị toàn cầu (GPS), huỷ hoại phần lớn khả năng trinh sát và liên lạc của thế giới, mà nước thống trị hệ thống này chính là Hoa Kỳ. Vì vậy, một hành động như vậy sẽ là một lời tuyên chiến rõ ràng của chính quyền Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ bị mất các thiết bị quỹ đạo trái đất tầm thấp của chính mình.
Một hành động như vậy có thể chẳng mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc.
Ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân của Hoa Kỳ và phương Tây — bao gồm cả (đặc biệt) SpaceX của ông Musk, cũng như Blue Origin và Virgin Galactic — hiện đã chứng minh khả năng phóng GPS, thông tin liên lạc, và các vệ tinh khác thay thế trong vòng vài ngày với số lượng lớn. Ngoài ra, một cuộc tấn công hạt nhân LEO của Trung Quốc sẽ gây ra sự phản kháng trên toàn thế giới và thu hút một liên minh trợ giúp lớn hơn cho Đài Loan để chống lại Bắc Kinh.
Vậy nên, một hoặc nhiều vụ nổ trong không gian của Trung Quốc sẽ leo thang chiến tranh một cách mạnh mẽ, và do đó, Bắc Kinh chỉ có thể cân nhắc [thực hiện các vụ nổ này] sau khi một cuộc xung đột quân sự toàn diện được xem là không thể tránh khỏi hoặc đã được kích hoạt.
Tuy nhiên, sau khi xem xét các lựa chọn này, cũng có bằng chứng cho thấy ông Tập có thể cảm thấy cần phải hành động trong một khoảng thời gian khá ngắn. Chính quyền Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó khăn trong việc làm thế nào để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 01/2024 ở Đài Loan. ĐCSTQ phản đối rất mạnh mẽ chính phủ đương nhiệm của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), đảng mà Trung Quốc cho rằng không tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, vốn công nhận rằng chỉ có một Trung Quốc và “Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”. Tuy nhiên có vẻ như trong các ứng cử viên Đảng Dân Chủ Tiến Bộ, thì Phó Tổng thống Lại Thanh Đức rất có khả năng trở thành tổng thống, thay thế Tổng thống Thái Anh Văn, người không thể ra tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ 3.
Trên thực tế, bất kể kết quả thế nào, thì Bắc Kinh có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm đầu tư của Đài Loan vào đại lục, dẫn đến tình hình việc làm và khả năng sản xuất một loạt hệ thống các công nghệ cao quan trọng của nước này ngày càng suy thoái.
Trong mọi trường hợp, trước khi ông Tập mất quyền kiểm soát tình hình Đài Loan – và uy tín trong nước của ông – ông ta phải làm điều gì đó hoặc ông ta sẽ mất quyền lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở đại lục. Vì vậy, Đài Loan, một số nhà phân tích Nhật Bản và Hoa Kỳ tin ông Tập sẽ bắt đầu một số hành động chiến lược nhắm vào Đài Loan sau cuộc bầu cử, nhưng trước khi tân tổng thống được nhậm chức vào cuối tháng 05/2024.
Khả năng dễ xảy ra nhất là chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp cô lập Đài Loan và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc này sẽ có tác động kinh tế đáng kể đến thế giới, vì nhiều quốc gia cũng sẽ buộc phải đình chỉ thương mại với Trung Quốc.
Nhưng tình hình có thể nhanh chóng xấu đi kể từ đó, bất kể những điều vô vị mà chúng ta dự đoán Tổng thống Joe Biden và ông Tập sẽ tuyên bố tại cuộc gặp của họ ở San Francisco vào tháng này.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times