G7 cam kết tìm cách ngăn chặn các tổ chức tài chính Trung Quốc trợ giúp toàn bộ nền kinh tế chiến tranh của Nga
Các tổ chức tài chính ngoại quốc nào trợ giúp doanh nghiệp Nga sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt.
Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc đã chứng minh cho thế giới thấy rằng châu Âu và Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga gây hấn hơn nữa, bằng các biện pháp trừng phạt được đưa ra đối với các tổ chức của Trung Quốc, trong đó có các tổ chức tài chính cung cấp động lực kinh tế để Nga duy trì cuộc chiến tranh với Ukraine.
Trong thông cáo của G7 đưa ra hôm 14/06, “Trung Quốc” được nhắc đến những 28 lần hiếm thấy khi thông cáo giải thích thêm về việc chế độ cộng sản Trung Quốc đe dọa đến địa chính trị và hòa bình trong các vấn đề như dư thừa công suất, trợ giúp cho cuộc chiến Nga-Ukraine, “quân sự hóa, và các hoạt động cưỡng ép và hăm dọa” ở Biển Đông, cùng các vấn đề khác.
Các nhà lãnh đạo từ Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, cũng như Liên minh Âu Châu đã cảnh báo chính quyền Trung Quốc không được ủng hộ cuộc chiến tranh của Nga, đồng thời hứa hẹn trong tuyên bố là sẽ có “các biện pháp đối với các tác nhân ở Trung Quốc và những nước thứ ba trợ giúp về mặt vật chất cho cỗ máy chiến tranh của Nga, trong đó có các tổ chức tài chính, phù hợp với các hệ thống pháp luật của chúng ta, và những tổ chức khác ở Trung Quốc tạo thuận tiện cho Nga mua lại thiết bị cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế học Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 17/06 rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này đã đạt được sự đồng thuận chống lại ĐCSTQ, một điểm trọng yếu được quan tâm khác với các hội nghị thượng đỉnh trước đây.
“Trước đây, các quốc gia Tây phương ít nhiều xét đến mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, và chính trị với Trung Quốc Cộng sản, luôn né tránh việc nêu tên Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng lần này G7 đã có sự thay đổi lớn, gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng ‘nếu ĐCSTQ cung cấp nguồn lực cho cuộc chiến tranh của Nga, thì họ sẽ phải trả giá đắt,’” ông nói.
Ông Ngô Gia Long (Henry Wu), một học giả kinh tế vĩ mô người Đài Loan và là nhà kinh tế trưởng tại AIA Capital, cho biết: “Hoa Kỳ đang nhắm đến ĐCSTQ ở vị thế là một đối tác gắn kết với Nga.”
Hôm 18/06, ông Ngô chia sẻ trong chương trình “Diễn đàn Tinh Anh” của đài truyền hình NTD rằng: “Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga đã trải qua nhiều đợt tiến triển, và giờ đây còn tiến triển hơn nữa để mở rộng các lệnh trừng phạt đối với hệ thống tài chính của Nga, trong đó có cả những quốc gia mà các ngân hàng Nga có giao dịch kinh doanh, với mục đích rõ ràng là nhắm vào ĐCSTQ.”
Ông tin rằng hội nghị thượng đỉnh G7 hẳn là đang cố gắng “đưa ra một trật tự quốc tế mới sau cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.”
Các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Nga
Hôm 12/06, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thông báo việc mở rộng đáng kể các lệnh trừng phạt theo cam kết của G7, liên quan đến hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, châu Á, châu Âu, và châu Phi “cho phép Nga duy trì các nỗ lực chiến tranh và trốn tránh các lệnh trừng phạt.”
Trong các lệnh trừng phạt có cả các công ty thương mại Hồng Kông “chuyển trở lại hệ thống tài chính của Nga các khoản thanh toán liên quan đến việc bán vàng thông qua các tổ chức tài chính ngoại quốc.”
Bộ Ngân khố cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính của Nga, trong đó có Sở giao dịch Moscow, cũng như kho lưu ký chứng khoán và trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia lớn nhất nước này.
Đáp lại, hôm 13/06, Sở giao dịch Chứng khoán Nga đã đình chỉ giao dịch bằng đồng dollar Mỹ và đồng euro bằng các ngoại tệ và kim loại quý, cũng như sử dụng hai loại tiền tệ này làm công cụ tài chính.
Trong khi đó, đồng Rúp (RUB) lao dốc ngay lập tức, và người ta thấy hôm 13/06, nhiều người Nga xếp hàng tại một điểm đổi tiền ở St. Petersburg để mua dollar.
Nga dựa vào đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc làm ngoại tệ chính
Hôm 14/06, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (CBR) đã chỉ định đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc là ngoại tệ chính và tỷ giá hối đoái CNY-RUB làm tham chiếu cho các loại tiền tệ khác.
Hôm 13/06, ngân hàng trung ương Nga đã phát hành khoản vay 14.2 tỷ CNY (khoảng 1.96 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại ở Nga cho khoản 174.2 tỷ RUB trong một giao dịch hoán đổi tiền tệ. Ngày hôm sau, ngân hàng này đã tăng gấp đôi hạn mức hoán đổi tiền tệ lên 20 tỷ CNY (khoảng 2.76 tỷ USD).
Thỏa thuận Song phương Hoán đổi Tiền tệ Địa phương Trung-Nga đã được ký kết trước đó hồi tháng 10/2014, khi Nga đang bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập Crimea của Ukraine.
Thỏa thuận này giữa CBR và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) quy định quy mô hoán đổi là 150 tỷ CNY (khoảng 20.7 tỷ USD)/815 tỷ RUB. Thỏa thuận này có hiệu lực trong ba năm và có thể được gia hạn với sự đồng ý của cả hai bên.
Các ngân hàng Trung Quốc ‘né tránh’ SWIFT
Kể từ tháng Ba năm nay, để tránh trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, bốn ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc—Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc—cũng như các ngân hàng quốc gia khác, chẳng hạn như Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng CITIC, đã đình chỉ hoạt động thanh toán với Nga và đình chỉ các dịch vụ mở tài khoản mới.
Tuy nhiên, theo nhiều hãng truyền thông Trung Quốc, nhiều ngân hàng nông nghiệp và thương mại ở các tỉnh phía đông bắc giáp Nga, gồm có Ngân hàng Cát Lâm, Ngân hàng Nông dân và Thương nhân Trường Xuân, Ngân hàng Phát triển Trường Xuân, và Ngân hàng Nông dân và Thương nhân Diên Biên (Yanbian), tiếp tục cung cấp “một tuyến thanh toán tự do hơn và linh hoạt hơn cho thương mại biên giới” thông qua Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS) được ngân hàng trung ương Trung Quốc trợ giúp.
Tin tức cho biết các ngân hàng đó đã dùng chung tuyến đồng RUB của tuyến đồng RUB của Ngân hàng Huy Xuân (Hunchun) và “do các giao dịch chủ yếu được thanh toán bằng đồng RUB làm tiền tệ, chứ không phải đồng CNY, nên hệ thống này nằm ngoài phạm vi quy định của Hệ thống Thanh toán Quốc tế (SWIFT) và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp [bởi các lệnh trừng phạt].”
Về vấn đề này, ông Lý cho rằng những ngân hàng nhỏ này không được kết nối trực tiếp với hệ thống SWIFT, điều đó không có nghĩa là họ có thể vi phạm các lệnh cấm của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu và thoát khỏi các lệnh trừng phạt.
Bản tin do Bin Zhao, Xin Ning, và Lynn Xu thực hiện
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times