Hamas thả con tin để đổi lấy tù nhân Israel trong ngày ngừng bắn đầu tiên
Hôm thứ Sáu (24/11), Hamas đã thả nhóm con tin đầu tiên như một phần của thỏa thuận giữa tổ chức khủng bố này và Israel trong một cuộc ngừng bắn. Đổi lại, Israel đã thả 39 người Palestine đầu tiên ra khỏi nhà tù vào cuối ngày hôm đó.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội Israel hiện đang “cùng với các con tin được thả.” Những người này đã được “đánh giá y tế ban đầu bên trong lãnh thổ Israel.”
“Họ sẽ tiếp tục được các binh sĩ IDF hộ tống trên đường đến bệnh viện Israel, nơi họ sẽ đoàn tụ với gia đình mình,” tuyên bố nói và cho biết thêm rằng IDF và “toàn bộ cơ quan an ninh Israel sẽ tiếp tục hành động cho đến khi tất cả các con tin được trở về nhà.”
Israel đã công bố tên của 13 con tin Israel, trong đó có 4 trẻ em đi cùng với 4 thành viên trong gia đình, và 5 phụ nữ cao niên khác.
Quân đội cho biết: “Các con tin đã được đánh giá y tế ban đầu bên trong lãnh thổ Israel. Họ sẽ tiếp tục được các binh sĩ IDF hộ tống khi lên đường đến các bệnh viện của Israel, nơi họ sẽ được đoàn tụ với gia đình.”
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết trong một thông điệp được ghi lại qua video rằng: “Chúng tôi vừa hoàn tất việc trao trả nhóm con tin đầu tiên. Trẻ em, mẹ của các em, và những người phụ nữ khác. Mỗi người trong số họ đều là một thế giới riêng biệt. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng quý vị, gia đình quý vị, các công dân Israel: Chúng tôi cam kết sẽ giải thoát tất cả các con tin của mình.”
Các quan chức Thái Lan xác nhận rằng 12 công dân bị bắt nằm trong số những người được Hamas thả.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng 12 người Thái đã được thả khỏi nơi bị giam cầm ở Gaza. Không có thêm thông tin ngay lập tức về các con tin người Thái Lan này. Trước đó, những người này chưa được tuyên bố như một trong những điều khoản của thỏa thuận trao đổi tù nhân đi kèm với thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài bảy tuần này.
Ông Thavisin cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter: “Tôi đã nhận được xác nhận từ đội an ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao của chúng tôi rằng 12 con tin Thái Lan đã được thả. Nhân viên RTE của chúng tôi đang trên đường tiếp nhận họ.” Ông Thavisin nói thêm, “Nếu muốn biết thêm về tên và thông tin chi tiết của họ, vui lòng chú ý theo dõi.”
Hội Hồng Thập Tự thông báo rằng tổng cộng 24 con tin đã được thả, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em Israel cũng như công nhân nông trại Thái Lan.
“Nỗi đau sâu sắc của các thành viên trong gia đình khi phải xa cách người thân là không thể diễn tả được. Chúng tôi cảm thấy thanh thản vì một số người đã được đoàn tụ sau một thời gian dài đau khổ,” ông Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực Cận Đông và Trung Đông của Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế (ICRC) cho biết.
ICRC cho biết các con tin đã được chuyển ra khỏi Gaza và bàn giao cho chính quyền Ai Cập tại cửa biên giới Rafah, cùng với 8 nhân viên của ICRC trên một đoàn gồm bốn chiếc xe.
Qatar, quốc gia đóng vai trò trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn này, cho biết 13 người Israel đã được thả, một số có hai quốc tịch, cùng với 10 người Thái Lan và một người Philippines. Phía Qatar cho biết 39 phụ nữ và trẻ em Palestine đã được thả khỏi nhà tù của Israel để đổi lấy 13 người Israel.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng 12 công nhân Thái Lan đã được trả tự do, nhiều hơn 2 người so với con số mà người Qatar đưa ra. Không có lý do cho sự khác biệt này được đưa ra.
Tổng cộng 50 con tin và 150 tù nhân Palestine sẽ được trả tự do sau lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày, mặc dù Israel cho biết lệnh ngừng bắn có thể được gia hạn nếu Hamas tiếp tục thả con tin với tốc độ ít nhất 10 người mỗi ngày. Một quan chức Palestine nói với Reuters rằng có tới 100 con tin có thể được trả tự do.
Hamas được cho là đã bắt giữ hơn 200 con tin kể từ khi nhóm này phát động cuộc tấn công khủng bố vào Israel hôm 07/10.
Hôm thứ Năm (23/11), Đại sứ quán Palestine ở Cairo thông báo rằng những người Palestine bị mắc kẹt ở Bán đảo Sinai đã được phép đi qua Gaza. Đại sứ quán cho biết người Palestine ở Ai Cập có thể vào khu vực này vào thứ Bảy nếu họ muốn.
Những chi tiết khác
“Chúng tôi rất vui mừng cho những gia đình có người thân sắp trở về nhà, nhưng chúng tôi lo lắng cho những người còn ở lại,” ông Idan Baruch, người có em trai Uriel Baruch, bị bắt cóc vào tháng trước.
Ông Baruch giải thích với Jerusalem Post rằng, “Chúng tôi đã hy vọng thấy được một thỏa thuận chung sẽ đưa tất cả các con tin ra ngoài, nhưng chính phủ khẳng định rằng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, và chúng tôi phải tin vào điều đó. Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không đưa ra quyết định. Ít nhất bây giờ sẽ có những người được thả, và chúng tôi sẽ mừng cho họ.”
Vụ trao đổi con tin diễn ra trong bối cảnh có một thỏa thuận ngừng bắn trong ngắn hạn giữa Israel và Hamas. Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết trong một video hôm thứ Sáu rằng tổ chức của ông sẽ tôn trọng thỏa thuận nếu Israel cũng vậy.
Ông nói rằng, “Hamas sẽ theo đuổi nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Gaza, hoàn tất việc trao đổi tù nhân, chấm dứt sự phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza và ‘cuộc tấn công’ vào Nhà thờ Hồi Giáo Al-Aqsa bên cạnh việc tạo thuận tiện cho người dân Palestine thực hiện quyền dân tộc hợp pháp của họ đối với một nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô,” và các yêu cầu khác.
Điều này diễn ra khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố hôm thứ Sáu rằng một nhà nước Palestine trong tương lai có thể sẽ được phi quân sự hóa và thay vào đó sẽ có lực lượng an ninh quốc tế.
Reuters đưa tin, dẫn lời ông Sisi nói trong cuộc họp báo chung ở Cairo rằng, “Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẵn sàng phi quân sự hóa nhà nước này, và cũng có thể có sự bảo đảm về lực lượng, dù là lực lượng NATO, lực lượng Liên Hiệp Quốc hay lực lượng Arab hay Mỹ, cho đến khi chúng ta đạt được an ninh cho cả hai quốc gia, nhà nước Palestine non trẻ và nhà nước Israel.”
Ông Sisi nói thêm rằng một nghị quyết chính trị yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới ngày 04/06/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô, vẫn nằm ngoài tầm với. Các nước Arab đã bác bỏ đề xướng rằng một lực lượng Arab sẽ bảo đảm an ninh ở Dải Gaza sau khi kết thúc chiến dịch quân sự hiện tại của Israel chống lại Hamas, nhóm chiến binh người Palestine vốn đã kiểm soát Gaza kể từ năm 2007.
Trong tuần này, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói với các phóng viên ở London rằng các quốc gia Arab sẽ không muốn tiến vào Dải Gaza, nơi có thể bị biến thành “vùng đất hoang” do cuộc tấn công quân sự của Israel.