Ấn Độ: Cảnh sát bắt giữ người sáng lập NewsClick, đột kích nhà ký giả vì cáo buộc nhận tài trợ của Trung Quốc
Theo tin tức địa phương, tổng cộng 500 cảnh sát Ấn Độ đã được khai triển để thực hiện cuộc đột kích này.
Hôm 03/10, cảnh sát ở Ấn Độ đã bắt giữ người sáng lập cổng tin tức độc lập NewsClick sau khi đột kích nhà của hàng chục ký giả và nhân viên trong bối cảnh có cáo buộc rằng công ty này đã nhận tài trợ từ Trung Quốc cộng sản.
Theo các bản tin của địa phương, khoảng 500 cảnh sát đã được khai triển tới hơn 100 địa điểm có liên kết với trang tin tức này. Theo các nhà chức trách Dehli, cảnh sát đã thẩm vấn 46 “nghi phạm” và thu giữ thiết bị của họ để điều tra.
Cảnh sát đã bắt giữ ông Prabir Purkayastha, người sáng lập kiêm tổng biên tập NewsClick, và giám đốc nhân sự Amit Chakravarthy theo luật chống khủng bố. Các nhà chức trách cũng phong tỏa văn phòng của công ty này.
Các cuộc đột kích này diễn ra sau khi chính phủ khởi kiện NewsClick vào ngày 17/08 về một bài báo của New York Times cáo buộc cổng tin tức trực tuyến này đã nhận tiền từ một triệu phú người Mỹ, người đã tài trợ cho hoạt động truyền bá “tuyên truyền của Trung Quốc.”
NewsClick đã phủ nhận mọi hành vi sai trái, nói rằng các cáo buộc “được một số tổ chức chính trị và các bộ phận truyền thông đưa ra” nhắm vào trang tin này là “vô căn cứ và không có cơ sở thực tế hoặc cơ sở pháp lý.”
Công ty này nói trong một tuyên bố hôm 04/10, “Những thông tin mà chúng tôi có thể thu thập được là NewsClick bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Ngăn chặn các Hoạt động Bất hợp pháp (UAPA) vì cố tình truyền bá nội dung tuyên truyền của Trung Quốc trên trang web của mình.”
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này của một Chính phủ từ chối tôn trọng sự độc lập của báo chí và xem những lời chỉ trích là hành vi xúi giục nổi loạn hoặc tuyên truyền ‘chống phá nhà nước.’”
NewsClick, được thành lập năm 2009, được xem là hãng thông tấn hiếm hoi của Ấn Độ thẳng thắn chỉ trích Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Kênh truyền thông này đã bị các quan chức thực thi tài chính Ấn Độ đột kích vào năm 2021, nhưng sau đó, một tòa án đã ngăn chính quyền thực hiện bất kỳ “biện pháp cưỡng chế” nào đối với trang web này.
Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết, Hoa Kỳ đã hay tin về mối liên hệ bị cáo buộc của NewsClick với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng họ không thể bình luận về tính xác thực của những tuyên bố đó.
Các cơ quan giám sát truyền thông, bao gồm cả Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), đã lên án gay gắt các vụ bắt giữ và đột kích. Họ nói rằng hoạt động này là một phần trong chiến dịch đàn áp tăng cường đối với các hãng truyền thông độc lập dưới thời ông Modi. Bà Beh Lih Yi, điều phối viên chương trình Á Châu của ủy ban này, cho biết: “Đây là cuộc tấn công mới nhất vào quyền tự do báo chí ở Ấn Độ.”
Tổ chức tin tức kỹ thuật số Ấn Độ Digipub đã lên án mạnh mẽ các cuộc đột kích và tuyên bố rằng họ đã đưa “mẫu hình hành vi tùy tiện và đe dọa của chính phủ lên một cấp độ hoàn toàn khác.” Họ tuyên bố, “Ấn Độ đã rơi vào vòng xoáy đi xuống về tự do báo chí cũng như các thứ hạng khác về tự do dân sự và nhân quyền, và cuộc chiến của chính phủ Ấn Độ nhắm vào giới truyền thông là một vết nhơ đối với nền dân chủ lớn nhất thế giới.”
Theo Digipub, các luật sư đã bị từ chối quyền liên lạc với những người bị giam giữ và chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về lý do giam giữ.
Hiệp hội Biên tập viên Ấn Độ cho biết họ “lo ngại sâu sắc” rằng các cuộc đột kích này là “một nỗ lực khác nhằm bịt miệng giới truyền thông” và kêu gọi chính phủ Ấn Độ tuân theo quy trình thích hợp.
Họ nói, “Việc điều tra các hành vi phạm tội cụ thể không được tạo ra bầu không khí đe dọa chung dưới cái bóng của luật pháp hà khắc, cũng không được xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận và ảnh hưởng đến việc cất lên những tiếng nói bất đồng chính kiến và quan điểm chỉ trích.”
Luật chống khủng bố của Ấn Độ có các quy định bảo lãnh nghiêm ngặt, và các cá nhân thường bị giam giữ hàng tháng, đôi khi hàng năm mà không bị kết tội. Nhiều thế hệ chính phủ Ấn Độ tiếp nối nhau đã viện dẫn luật này, nhưng trong những năm gần đây bộ luật này được sử dụng rất thường xuyên.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, một nhóm vận động cho các ký giả, đã xếp Ấn Độ đứng thứ 161 trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay, nói rằng môi trường báo chí ở nước này có xu hướng ngày càng lao dốc từ “có vấn đề” đến “rất tồi tệ.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times