Hoàng đế Khang Hy viết chữ đẹp là nhờ vào bí quyết gì?
Khang Hy Hoàng đế (CN 1654-1722) Thanh Thánh Tổ Ái Tân Giác La – Huyền Diệp là vị Hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sử sách khen ngợi ông là bậc thánh quân. Ông tài trí mưu lược, văn võ song toàn khó ai bì kịp, một đời Nam chinh Bắc chiến, mở mang bờ cõi, dẹp yên phản loạn, bắt Ngao Bái, dẹp loạn “tam phiên”, thân chinh đại mạc. Hơn nữa, ông còn là một người học rộng tài cao, không những tinh thông toán học, hiểu biết y thuật, mà ở phương diện nghệ thuật thư pháp truyền thống Trung Quốc còn được người đời sau ca ngợi. Khang Hy Hoàng đế về mặt võ công anh dũng thiện chiến, bút tích thư pháp của ông mang đậm phong cách phóng khoáng, tự nhiên, nho nhã mà cũng rất thanh tú và đẹp đẽ, triển hiện thể giới nội tâm thanh thản. Ông làm cách nào mà có được tài năng như vậy?
Tuần du bên ngoài lấy bút mực tiêu khiển
Hoàng đế Khang Hy trong những năm tháng cường thịnh nhất thường tuần du bên ngoài sau những lúc bận rộn với trăm công ngàn việc, mỗi ngày ông lấy việc bắn cung và viết chữ để tiêu khiển. “Ở thư phòng làm bạn với bút mực, chỉ cần vẩy bút thì như rồng lượn” chính là miêu tả ông lúc đắm chìm trong thế giới bút nghiên, say sưa thỏa thích với niềm vui của mình. Những bề tôi hộ vệ theo hầu mỗi ngày đều được chiêm ngưỡng kỹ năng bắn tên thần kỳ của Hoàng thượng, bách phát bách trúng. Còn trình độ thư pháp của ông thì như thế nào? Bề tôi đều không thể nhìn thấy được, vì vậy đều cảm thấy rất hiếu kỳ. Một ngày nọ, theo quan viên Đại học sĩ Hàn lâm tề tựu trước hành cung, cung kính thỉnh cầu Hoàng thượng thể hiện kỹ năng thư pháp cho bọn họ chiêm ngưỡng. Lúc đó, Khang Hy Hoàng đế liền lệnh cho các hoàng tử ra ngoài cửa hành cung, rồi ngồi xuống viết chữ, trong phút chốc đã viết được chữ lớn, chữ nhỏ hơn mười trang, bọn bề tôi, tùy tùng vây quanh xem, ai nấy đều lộ thần sắc kinh ngạc.
Bài thơ Ngắm trăng bên nhành liễu là một bài thất ngôn tuyệt cú:
Vũ quá cao thiên tế vãn hồng
Quan sơn điều đệ nguyệt minh trung
Xuân phong tịch tịch xuy dương liễu
Diêu duệ hàn quang độ viễn không.
Tạm dịch:
Mưa tạnh trời cao hiện cầu vồng
Quan ải xa xăm trăng sáng trong
Gió xuân tĩnh tịch thổi dương liễu
Ánh sáng chập chờn giữa trời không.
Nội dung miêu tả khung cảnh biên ải vào mùa xuân khi trời quang mưa tạnh: dương liễu nơi biên ải đung đưa trong gió xuân tĩnh tịch, lúc mưa xuân vừa tạnh trời gần tối, phía chân trời xuất hiện cầu vồng, dưới ánh trăng chiếu sáng, núi non thật xa xăm.
Dương liễu bay trong gió, tơ liễu phản chiếu ánh sáng nhạt, vô cùng tự tại. Dương liễu vô tâm, người xem hữu tình, cảm hứng vô hạn gửi nơi dương liễu, lay động qua về giữa trời không. Bút họa thư pháp trong “Bài thơ ngắm trăng bên dương liễu” này thanh tú tròn đầy, mộc mạc đạm bạc. Trong câu chữ rộng thoáng cân đối, thể hiện tâm trạng nhàn nhã, tự nhiên, nét chữ tinh tế uyển chuyển, thanh lệ, triển hiện nội lực thâm sâu và trình độ nghệ thuật thư pháp nhuần nhuyễn thành thục. Hơn nữa, một phần tâm trạng tự nhiên và nhàn nhã cùng với tình ý trong “Bài thơ ngắm trăng bên nhành liễu” tương hỗ chiếu sáng cho nhau, chữ và thơ càng thêm đẹp đẽ.
Trình độ thư pháp của Hoàng đế Khang Hy có được từ đâu?
Ông thuở nhỏ đã ham đọc sách, thường để tâm đến văn chương chữ viết và có sở thích mô phỏng lại bút tích và chữ khắc trên bia đá của các danh nhân thời xưa. Khi bọn bề tôi theo hầu tập trung lại xem thư pháp của ông, ông đã tiết lộ về tâm tư cũng như quá trình tự luyện tập viết chữ của mình.
“Trẫm từ nhỏ đã thích tập viết chữ, mỗi ngày đều viết hơn ngàn chữ, trước nay chưa từng gián đoạn. Phàm là bút tích hoặc chữ khắc trên bia đá của các danh nhân xưa, đều mô phỏng một cách cẩn thận tỉ mỉ. Đến nay, hơn 30 năm thực sự đã trở thành sở thích quen thuộc rồi. Trẫm viết chữ sáng sủa, cũng viết rất nhanh, trước nay chưa hề có sai sót. Phàm là lời phê trên tấu chương của Đốc phủ và chữ son trên dụ đều là trẫm tự viết”.
Hoàng đế Khang Hy thuở nhỏ đã yêu thích sao chép thư pháp, mỗi ngày đều viết hơn ngàn chữ, chưa từng có ngày gián đoạn, liên tiếp đã hơn 30 năm tính đến thời điểm ông nói những lời này với các bề tôi của mình. Ông đối với những chữ chạm khắc trên bia đá và bút tích của những danh nhân từ xưa đến nay đều cẩn thận tỉ mỉ sao chép. Công phu này được triển hiện ở hiệu quả viết chữ của ông, đó chính là “mau lẹ, trước nay không có sai sót”. Khang Hy đã để lại rất nhiều tập thư pháp ngự chế, mô phỏng tác phẩm có chữ viết của các bậc danh gia như Nhị Vương (Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi), Đường Thái Tông, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Triệu Mạnh Phủ, Đổng Kỳ Xương v.v…
Hoàng đế Khang Hy rất yêu thích thư pháp của Đổng Kỳ Xương người nhà Minh. Nhà thư pháp thời bấy giờ Thẩm Thuyên, là quan Hàn Lâm (người đứng hàng nhất trong 3 tiến sĩ dưới thời Thuận Trị năm thứ 9) rất giỏi về thư pháp mang phong cách của họ Đổng, Hoàng đế Khang Hy cho mời Thẩm Thuyên vào cung hầu chuyện, bái Thẩm Thuyên làm thầy, khiêm tốn học tập. Khang Hy hoàng đế từng truyền dụ cho Lý Quang Địa bề tôi ở Nội các nói rằng: “Trẫm lúc ban đầu học thư pháp, phụ thân của Tông Kính (Thẩm Tông Kính) là Thuyên theo hầu, nhiều lần chỉ ra chỗ được mất, đến nay mỗi bài thư pháp đều chưa bao giờ quên sự cần mẫn của Thuyên vậy”. Dưới sự dạy dỗ cần mẫn của thầy giáo, cũng có thể thấy được sự chăm chỉ học tập không biết mệt mỏi của Hoàng đế Khang Hy.
Đạo kính trọng và tôn trọng thư pháp
Khang Hy hoàng đế rất yêu thích thư pháp, đối với thư pháp rất dụng công, cũng rất xem trọng thư pháp của các quan viên ở Hàn Lâm viện, ông lúc tuyển chọn người tài cũng chú trọng đến trình độ thư pháp của họ. Có một trường hợp như vậy, vào năm Khang Hy thứ 30 (CN 1691), kết quả khoa thi trong điện vua, quan chủ khảo đã định ra danh sách 3 người: người đứng đầu là Ngô Bính, người thứ hai là Đới Hữu Kỳ, người thứ ba là Dương Trung Nạp. Hoàng đế Khang Hy sau khi xem bài thi, nhìn thấy Đới Hữu Kỳ “thư pháp quá đẹp”. Lúc ấy bèn khâm điểm chọn đứng đầu giáp, lấy đỗ Trạng Nguyên. Còn một câu chuyện nữa, kỳ thi hội cuối cùng dưới thời Khang Hy tuyển chọn tiến sĩ (năm 1721), Đặng Chung Nhạc người Liêu Thành (1674-1748) vào kinh ứng thí, tuy nhiên người này văn chương bình thường, nhưng nghệ thuật thư pháp thì nổi bật hơn người, kết quả được Khang Hy hoàng đế tán thưởng là “tự giáp thiên hạ” (chữ đứng đầu thiên hạ), đồng thời khâm điểm cho làm Trạng Nguyên.
Khang Hy Hoàng đế cho rằng thư pháp có thể hun đúc tính tình của một người, có thể rèn luyện chính khí an hòa trong nhân tâm, đạt được khế cơ trong chỗ huyền diệu, cho nên coi nó là đạo dưỡng sinh, đạo trường thọ. Ông sáng tác bài thơ “Mô phỏng bút tích của Nhị Vương”, viết rằng: “Móc bạc chuyển dời theo chữ xưa của bậc thầy, khống chế trạng huống lúc tâm lay động khiến cho ngay chính”. Khang Hy Hoàng đế một đời không ngừng mô phỏng các tác phẩm nổi tiếng của người xưa, từ đó vận dụng tự viết chữ của mình, “sư cổ chính tâm” biểu hiện trong thế giới bút mực của ông rất khế hợp với người xưa và với trời đất.
Có một lần, lúc ông đến chùa Pháp Hải chiêm ngưỡng thư pháp do Hoàng khảo của ông ngự chế, đã đích thân viết hai chữ “kính Phật”, trong bài thơ “Pháp Hải tự chiêm ngưỡng Hoàng khảo ngự thư kính Phật nhị tự”, có một câu thơ như thế này: “Pháp tắc quang hoa viễn, thiên niên chiếu Phật luân” (Pháp tắc xa rực rỡ, nghìn năm chiếu Phật luân.”
Nội tình tư tưởng của thư pháp và công nghiệp to lớn của bậc thánh quân thiên cổ lại nằm ở kính Trời, kính Phật. Khang Hy Hoàng đế còn có một bức hoành, liễn đối liên quan đến thư pháp là “kính Thiên” (kính Trời), liễn đối là: “Dĩ ái kỉ chi tâm ái nhân, dĩ trách nhân chi tâm trách ki” (Lấy cái tâm yêu mình mà yêu người, lấy cái tâm trách người mà trách mình”. Hoàng đế Khang Hy đem liễn đối treo ở thư phòng, giống như ngày ngày lắng nghe tiếp nhận sự chỉ bảo tận tâm từ Thiên Thượng, bộc lộ ra hoài bão kính Trời thương người của bậc thánh quân, khí độ lấy sự hòa ái, nghiêm cẩn để câu thúc bản thân, lấy khoan dung mà đối đãi người khác. “Kính Phật, kính Trời”, đây là tâm ý mà Khang Hy Hoàng đế, bậc thánh quân một thời lưu lại cho hậu nhân, tín ngưỡng sinh mệnh, cũng là khuôn mẫu lưu lại của bậc thánh quân.
Tư liệu tham khảo:
- Lang tiềm kỉ văn
- Thanh thực lục Khang Hy triều thực lục
Điểm duyệt: Nhóm Điểm Sáng của “Sáng mãi văn hóa Trung Hoa”
Đạp Tuyết Phi Hồng
Phương Bái biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ