Hoàng đế Khang Hy và ‘Hồng lâu mộng’ (Phần 1)
Căn nguyên sâu xa cuốn “Hồng lâu mộng” được viết ra là nhờ vào một trường phú quý do Thánh chủ Hoàng đế Khang Hy ban tặng. “Hồng lâu mộng” là cuốn sách chưa được hoàn thành. Cuốn tiểu thuyết tự truyện này tương ứng với trạng huống hưng suy của phủ Chức tạo ở Giang Ninh trong thời kỳ Khang Hy đế và Ung Chính đế trị vì. Những điều này có thể tra tìm trong các tư liệu lịch sử. Vinh Quốc công và Ninh Quốc công là chủ nhân đầu tiên của Vinh Quốc phủ và Ninh Quốc phủ. Xét từ chi tiết “Tiêu Đại đi theo ông nội xuất quân” trong nội dung tiểu thuyết, kết hợp với bối cảnh lịch sử có thể thấy, có lẽ là khi quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, họ là những người Hán đi theo người Mãn Châu cùng vào kinh đô. Giống như những người Hán lập công khai quốc triều Đại Thanh như Phạm Văn Trình (hậu nhân của Phạm Trọng Yêm).
Nhưng thân phận của nhà họ Tào là những nô tài, nô bộc của hoàng gia. Mẫu thân của Tào Dần từng là nhũ mẫu của Khang Hy, địa vị của nhũ mẫu rất cao. Phần duyên phận giữa nhà họ Tào và Hoàng đế Khang Hy, cùng mối quan hệ thân thiết này khá sâu dày. Vào thời điểm đó, ba Chức tạo lớn ở Giang Nam là Tô Châu, Giang Ninh, Hàng Châu đều là nô bộc của hoàng gia, là thân tín của Hoàng đế Khang Hy. Mẫu thân của Chức tạo Tô Châu Lý Húc từng là nhũ mẫu của Khang Hy khi ông còn nhỏ. Cho nên, giữa Hoàng đế Khang Hy và Tào Dần, Lý Húc còn có một tầng tình cảm anh em nuôi (anh em chung dòng sữa). Hơn nữa, ba Chức tạo lớn này có niên đại sâu xa, có mối liên kết hôn phối cưới gả với nhau. Ví dụ như phu nhân của Tào Dần là tỷ muội của Lý Húc. Như vậy, hai bên lại có một tầng mối liên kết thân thích. Vì vậy, một lần Hoàng đế Khang Hy hạ chỉ truyền khẩu dụ cho Chức tạo Hàng Châu Tôn Văn Thành đã từng nói như thế này: “Chức tạo của ba nơi là cùng một thể, cần phải hòa thuận với nhau.” Nguồn gốc của “Hồng lâu mộng” hẳn nên nói là từ một trường phú quý do Thánh tổ Đại Thanh Hoàng đế Khang Hy ban tặng. Cho nên, trong truyện, nhà họ Giả nhắc mãi về nhà họ Chân ở Kim Lăng đã bốn lần tiếp giá (tiếp đón Hoàng đế đi tuần du). Đây cũng là muốn gửi gắm vinh quang huy hoàng một thời của Tào phủ vào ngòi bút.
Mối quan hệ giữa Hoàng đế Khang Hy và Tào Dần là giữa chủ nhân với nô tài, cũng là giữa quân và thần, nhưng lại có thêm một tầng tình cảm thân thiết của tình bạn lâu năm từ thời thiếu niên đến khi tuổi già.
Tào Dần sinh ra vào năm Thuận Trị thứ 15, còn Hoàng đế Khang Hy sinh vào năm Thuận Trị thứ 11. Tào Dần nhỏ hơn Hoàng đế Khang Hy bốn tuổi. Ông trưởng thành từ Nội vụ phủ. Cho đến cuối đời, Tào Dần dâng lên Khang Hy một bản mật tấu, trong đó có câu: “Từ khi thần còn nhỏ đã ra sức khuyển mã.” Đây là Tào Dần đang tự thuật lại chuyện bản thân từ khi còn nhỏ đã tiến cung làm nội thị bên cạnh Hoàng đế. Tào Dần từng làm thị vệ và Loan nghi vệ bên cạnh Hoàng đế Khang Hy. Loan nghi vệ của triều Đại Thanh là noi theo Cẩm y vệ của triều Đại Minh, là đội binh sĩ giỏi võ, thanh tuấn, mặc cẩm y, cưỡi ngựa trông bừng bừng khí thế.
Vì được trải qua nền giáo dục tốt nhất trong cung đình nên bản thân Tào Dần giỏi cả văn lẫn võ, thông minh và có năng lực. Có ý kiến dẫn chứng nói rằng trước khi Tào Dần làm thiếp thân thị vệ, thì ông còn làm bạn học của Hoàng đế Khang Hy. Hãy tưởng tượng thử xem, vào năm Khang Hy thứ 8, lúc ấy Khang Hy 16 tuổi, đã dẫn dắt một nhóm thiếu niên bắt Ngao Bái, lập nên chiến công kinh thiên động địa. Lúc đó Tào Dần 12 tuổi, phải chăng chính là một trong những thiếu niên đã ấn giữ Ngao Bái? Quả thật nghĩ tới điều này khiến cho người ta liên tưởng miên man không thôi.
Công tử tài danh Nạp Lan Tính Đức từng viết một câu nổi tiếng thiên cổ: “Nhân sinh như lần đầu gặp gỡ, cớ gì thu sang buồn với quạt tranh”. Ông cùng với Tào Dần từng là đồng sự, tuổi tác xấp xỉ nhau, đều là tài năng xuất chúng. Nạp Lan Tính Đức cũng từng là Loan nghi vệ, Ngự tiền thị vệ của Hoàng đế Khang Hy giống như Tào Dần. Trong văn tập của Nạp Lan Dung Nhược có những bài viết cho Tào Tử Thanh, chính là Tào Dần. Tào Dần có tự là Tử Thanh, hiệu Luyện Đình. Nạp Lan Tính Đức tự là Dung Nhược, hiệu Lăng Già Sơn Nhân. Mặc dù Nạp Lan Dung Nhược là người Mãn Châu chính gốc, nhưng khi những hậu thế như chúng ta đọc thi từ của ông lại có thể tự nhiên cảm thán rằng, văn hóa người Hán đã thẩm thấu, gột rửa và bồi dưỡng tầng lớp con cháu của những người Bát kỳ đến từ bên ngoài quan ải. Qua hai, ba thế hệ, con cháu của những người Bát kỳ đã được văn hóa người Hán thẩm thấu đến tận xương tủy.
Sau này, Nạp Lan Tính Đức làm Ngự tiền thị vệ, hộ giá Hoàng đế xuống Giang Nam và gặp lại Tào thị vệ của ngày xưa ở Giang Ninh. Tào Dần nhân dịp này viết bài thơ “Đề Luyện Đình dạ thoại đồ”:
Tử tuyết minh mông luyện hoa lão,
Oa minh sảnh sự đa thanh thảo;
Lư Giang Thái thú phóng cố nhân,
Kiến Khang tịnh giá năng khuynh đảo.
Lưỡng gia môn đệ giai liệt kích,
Trung niên lĩnh quận sảo trì tảo;
Văn thải phong lưu chính hữu dư,
Tương phùng thậm dục trữ hoài bão.
Vu thì diệc hữu bất tốc khách,
Hợp tọa thanh nghiêm đấu viêm hốc.
Khởi vô chích lý dữ hàn yến,
Bất phạp chưng lê kiêm thược tảo;
Nhị quỹ dụng hưởng cổ tắc nhiên,
Tân thù chủ túy kim thành thiếu.
Ức tích túc vệ Minh Quang cung,
Lăng Già Sơn Nhân mạo giảo hảo;
Mã tào cẩu giam cộng trào nan,
Nhi kim xúc thống thương khô cảo.
Giao tình độc thặng trương công tử,
Vãn thức thi quân thông trữ cảo;
Đa văn trực lượng phục hề nghi,
Thử nhạc bất thù ngư tại tảo.
Thủy giác thi thư thị thản đồ,
Vị phòng xa cốc đương hành lạo.
Gia gia tranh xướng ẩm thủy từ,
Lạp Lan tâm sự kỷ tằng tri?
Ban ti khuếch lạc thùy đồng tại?
Sầm tịch danh tràng nhĩ hứa thì.
Tạm dịch:
Tuyết tím phủ mờ, hoa xoan già,
Ếch kêu trước sảnh, cỏ xanh mơn mởn.
Thái thú Lư Giang gặp lại cố nhân,
Theo giá hầu vua đến Kiến Khang.
Hai huynh đệ đều thập phần cảm kích,
Tuổi trung niên mới đứng đầu một quận, nói chi chuyện sớm muộn.
Thời gian rảnh rỗi làm thơ, vẻ phong lưu có thừa,
Gặp lại chỉ muốn cùng nhau bộc bạch hoài bão.
Lúc đó có những vị khách bất ngờ đến,
Cùng nhau ngồi trò chuyện luận bàn sôi nổi.
Chẳng thiếu thức ăn nóng lạnh như cá chép và chim yến,
Còn có lê hấp và táo dầm.
Những món này xưa kia cả hai đều quen thuộc,
Hôm nay cả chủ lẫn khách đều say khướt, đối đãi chân thành.
Nhớ xưa bảo vệ ban đêm ở cung Quang Minh,
Lăng Già Sơn Nhân phong thái đẹp đẽ.
Gặp phải nhiều cảnh giam cầm và giễu cợt,
Nay sự thống khổ ấy đã khô héo, xưa cũ rồi.
Mối giao tình duy nhất còn là Trương công tử,
Về sau mới quen biết Thi quân.
Nghe nhiều chuyện và rộng lượng bỏ qua những nghi ngờ,
Niềm vui ấy chẳng khác gì cá ở trong đám rong rêu.
Thuở ban đầu cảm thấy thi thư là con đường bình phẳng,
Chưa từng đề phòng bánh xe sẽ đi trên con đường gập ghềnh.
Nhà nhà đều tranh nhau ca xướng thi từ, uống rượu,
Tâm sự của Nạp Lan mấy ai hiểu?
Lụa ban đốm rơi rồi, ai người ở cùng?
Nơi cao vút, tịch mịch đã nổi tiếng từ lâu.
Câu thơ “Ức tích túc vệ Minh Quang cung, Lăng Già Sơn Nhân mạo giảo hảo”, ý là nhớ lại thuở xưa kia, khi hai người họ ở lại trong cung canh gác ban đêm, công tử Dung Nhược đã từng tài tuấn sáng lạn, ngọc thụ lâm phong. Mỗi người đều là văn võ toàn tài. Thanh xuân của Tào Dần và Nạp Lan Tính Đức đều đã qua, có thể nói là phồn hoa như gấm, cũng là một đời phong lưu dưới triều Hoàng đế Khang Hy!
Cho nên, hậu thế của nhà họ Tào đã viết nên một hình tượng công tử Giả Bảo Ngọc đa tình đến vậy. Đó là nhờ được xây dựng từ những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống của mấy đời người.