Hoàng đế Khang Hy và ‘Hồng lâu mộng’ (Phần 2)
Xem lại: Hoàng đế Khang Hy và ‘Hồng lâu mộng’ (Phần 1)
Năm Khang Hy thứ 29, con trai của Tào Dần kế thừa nghiệp cha, rời khỏi Tử Cấm Thành về Giang Nam làm quan và tiếp nhận vị trí Chức tạo Tô Châu. Đến năm Khang Hy thứ 31, con trai của Tào Dần chuyển sang đảm nhận Chức tạo Giang Ninh.
Khi Hoàng đế Khang Hy thực hiện chuyến tuần du lần thứ ba xuống phía nam, ông đã đi qua Nam Kinh và nghỉ lại tại phủ Chức tạo Giang Ninh của Tào Dần. Tôn thị, mẫu thân của Tào Dần, trước kia là nhũ mẫu của Huyền Diệp [1], đã ra dập đầu lạy tạ đối với Khang Hy. Lúc đó, Hoàng đế Khang Hy nắm tay bà và cảm khái nói với các quan lại xung quanh rằng: “Đây chính là lão nhân trong nhà của ta đấy!” Lúc bấy giờ đang là mùa xuân, trước sảnh đường hoa huyên nở rộ, Hoàng đế Khang Hy đã tự tay viết [bức hoành] “Huyên Thụy Đường” và ban tặng cho nhũ mẫu Tôn thị của mình. Vì vậy, trong “Hồng lâu mộng”, từ đường mà Giả phủ tế bái vào đêm giao thừa được miêu tả rất chi tiết. Tác giả liên tục hai lần nhắc tới rằng nơi này có bức hoành phi, còn có câu đối do tiên Hoàng đề bút. Cần lưu ý rằng “Huyên Thụy Đường” do Hoàng đế Khang Hy tự tay viết và ban tặng đã được Tào Tuyết Cần biến hóa và đưa vào “Hồng lâu mộng”, chính là nguyên mẫu của Vinh Hy Đường được đề cập trong hồi thứ ba của nguyên tác!
Trong Hồi thứ ba “Kim Lăng thành khởi phục Giả Vũ Thôn, Vinh Quốc phủ thu dưỡng Lâm Đại Ngọc” [2] của “Hồng lâu mộng”, tác giả đã miêu tả về Vinh Hy Đường qua góc nhìn của Đại Ngọc. Trong “Kim Lăng thập nhị thoa” [3], nhân vật đầu tiên thực sự xuất hiện chính là Lâm Đại Ngọc, có thể nói nàng là người đứng đầu trong “Kim Lăng thập nhị thoa”. Khi Đại Ngọc đến nương nhờ Giả phủ, nàng bái kiến các trưởng bối là Giả mẫu và các cậu mợ. Qua ánh mắt quan sát của Đại Ngọc, Vinh Hy Đường được miêu tả một cách trịnh trọng và chi tiết.
Nguyên văn miêu tả như sau:
“Đi một lúc đã đến Vinh phủ, Đại Ngọc xuống xe. Các ma ma dẫn Đại Ngọc rẽ về phía đông, đi qua một tiền sảnh hướng đông tây, sau đại sảnh phía nam, vào viện lớn sau cổng nghi môn. Đằng trước là có năm gian nhà chính, hai bên là hai dãy sương phòng, cửa ngách hành lang. Từ nhà nọ sang nhà kia thông suốt bốn mặt ngang dọc rộng rãi, tráng lệ nguy nga, khác hẳn chỗ ở của Giả mẫu. Đại Ngọc nhìn liền biết chỗ này là nhà chính. Một con đường rộng rãi, đi thẳng đến cửa lớn. Bước vào gian chính giữa, ngẩng đầu trông thấy ngay một cái biển lớn sơn xanh chạm chín con rồng thiếp vàng, trên khắc ba chữ to ‘Vinh Hy Đường’, bên cạnh có một hàng chữ nhỏ đề ‘ngày tháng năm, viết ban cho Vinh quốc công Giả Nguyên’, lại có cả ấn ‘Vạn cơ thần hàn chi bảo’. Trên án thư làm bằng gỗ tử đàn chạm khắc con ly [4], đặt một đỉnh đồng cổ màu xanh, cao gần ba thước, trên treo một bức vẽ long ám lớn có đề bốn chữ ‘Đãi lậu tùy triều’[5]. Một bên bày chậu pha lê, một bên bày bình vàng chạm hình con dữu [6]. Trên mặt đất đặt hai hàng với mười sáu cái ghế làm bằng gỗ nam. Còn có một đôi câu đối bằng gỗ mun khảm chạm nét chữ bạc. Câu đối rằng:
Tọa thượng châu cơ chiêu nhật nguyệt,
Đường tiền phủ phất hoán yên hà.
(Tạm dịch:
Chậu ngọc trên lầu trong chói lọi,
Áo xiêm ngoài cửa bóng huy hoàng). [*]
“Phủ phất” là gì? Đó chính là những hoa văn trang trí trên lễ phục hoa mỹ lộng lẫy! Câu này vô cùng khéo léo chỉ ra thân phận và chức nghiệp của phủ Chức tạo. Học vấn uyên bác của Thánh Tổ Đại Thanh và sự quan tâm thân thiết đối với các hạ thần của ông được thể hiện rõ ràng qua từng dòng chữ trên trang giấy!
Tào Dần ở Giang Nam, ngoài việc tiếp tục tận tụy với công việc Chức tạo của hoàng gia, còn có thêm một hướng đi phong nhã, đó là giao du rộng rãi với các văn nhân mặc khách. Nhân đây, xin kể thêm một giai thoại về thân thế của Tào Dần.
Tào Dần và Cố Cảnh Tinh, người triều Minh, thường dùng thân phận cậu cháu để trao đổi thơ văn với nhau. Tào Dần gọi Cố Cảnh Tinh là cậu. Cố Cảnh Tinh sinh ra ở Kỳ Xuân, Hồ Bắc. Tổ tiên của ông thuộc dòng tộc Cố thị ở Côn Sơn, một gia tộc lớn xuất hiện nhiều lớp nhân tài, trong đó có Cố Viêm Vũ cùng thời với Cố Cảnh Tinh. Về mặt huyết thống, Cố Viêm Vũ và Cố Cảnh Tinh thuộc cùng một dòng tộc. Những người trong gia tộc họ Cố này nổi tiếng là những người trung thành tuyệt đối với triều Minh. Quê hương của Tào gia lại ở vùng Đông Bắc xa xôi của Thẩm Dương, thì con gái nhà họ Cố sao có thể gả cho cha của Tào Dần được? Vì vậy, lại có một giả thuyết nói rằng, trong thiên mở đầu của “Hồng Lâu Mộng”, bé gái Anh Liên của gia đình Chân Sĩ Ẩn bị mất tích (cũng chính là hầu gái Hương Lăng của Tiết Bàn sau này). Vận mệnh của cô gái này ẩn chứa câu chuyện về thân thế của mẫu thân Tào Dần. Vì trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Cố Cảnh Tinh đã từng đưa cả nhà từ Kỳ Xuân, Hồ Bắc trở về nhà tổ họ Cố ở Thiên Đăng, Côn Sơn để tránh chiến tranh. Trong khoảng thời gian này, có lẽ có một bé gái bị loạn quân bắt đi, lưu lạc đến nhà họ Tào, và trở thành thiếp của Tào Tỉ, sinh ra Tào Dần. Giả thuyết này không được nghiệm chứng bằng DNA, tuy nhiên có thể tạm thời bảo lưu giả thuyết này vậy.
Từ trong “Bạch mao đường toàn tập” của Cố Cảnh Tinh, và những bài văn thơ trao đổi với Tào Dần, có thể thấy được tình cảm sâu đậm giữa hai người họ. Như bài thơ “Hoài Tào Tử Thanh” của Cố Cảnh Tinh có viết:
Tình thân hà khiển quyển, tiễn biệt bội trì trù.
Lão ngã hình hài uế, đa quân châu ngọc như.
Thâm tàm lộ xa tặng, cận khổ tắc hồng sơ.
(Tạm dịch:
Tình thân sao lưu luyến, tiễn biệt càng trù trừ.
Ta già thân thể xấu, bạn còn như châu ngọc.
Đường xa ngại gửi ngựa xe, gần lo đắp đổi lưa thưa thư từ.)
Tào Dần đã gửi tặng tiền lộ phí và thuốc men cho Cố Cảnh Tinh. Sau khi Cố Cảnh Tinh qua đời, Tào Dần còn bỏ tiền xuất bản toàn tập thơ văn của ông. Cho dù đó là tình cảm cậu cháu hay tình bạn văn chương, đều cho thấy mối giao hảo sâu rộng của Tào Dần với giới văn nhân mặc khách ở Giang Nam. Tính cách yêu thích văn thơ của ông làm cho giới văn nhân phương Nam rộng rãi tiếp nhận và họ giao tiếp với nhau vô cùng hòa hợp. Điều này có tác dụng giúp triều đình động viên địa phương và ổn định lòng dân, đóng góp công lao không nhỏ trong việc Đại đế Khang Hy thu phục lòng dân phương Nam.
Chú thích:
[1] Huyền Diệp: Là tên thật của Hoàng đế Khang Hy.
[2] Theo bản dịch tiếng Việt của dịch giả Vũ Bội Hoàng, đề tựa của hồi thứ 3 là: “Nhờ anh vợ, Như Hải đền được ơn dạy bảo; Đón cháu ngoại, Giả mẫu xót thương trẻ mồ côi.”
[3] “Kim Lăng thập nhị thoa”: Là 12 cô gái ưu tú nhất trong tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”.
[*] Nguyên đoạn miêu tả Vinh Hỷ Đường và câu đối theo bản dịch của dịch giả Vũ Bội Hoàng (có chỉnh lý).
[4] Con ly: Con rồng không sừng trong truyền thuyết để trang trí các công trình kiến trúc hoặc công nghệ phẩm.
[5] ‘Đãi lậu tùy triều’: Tên bức tranh, có nghĩa là chờ đợi giờ để theo các quan vào triều.
[6] Con dữu: Tức là loài khỉ đuôi dài.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ