Cuốn sách bị cấm nhưng vĩ đại: ‘Nhật ký Anne Frank’
Cách đây vài năm, vào đầu mùa xuân ở Amsterdam, tôi đã có dịp đến thăm ngôi nhà cũ của một cô bé. Sau khi bước vào cánh cửa hẹp, đi lên cầu thang dốc, đến góc phòng họp, rẽ vào chiếc tủ sách nổi tiếng, liền có thể bước vào không gian nhiều màu của sắt, một nơi lạnh lẽo và chật hẹp ở phía sau tủ. Ngoài cửa sổ là cây dẻ với những chiếc lá mới xanh non, xa xa là mái nhà thờ. Tất cả đều hiện lên trong ký ức của tôi, quen thuộc đến nỗi như thể tôi đã bước vào thế giới của cô bé này. Tên của cô là Anne Frank, tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới từng bị cấm, “Nhật ký Anne Frank.”
Anne Frank sinh ra trong một gia đình Do Thái giàu có ở Frankfurt, nước Đức vào ngày 12/06/1929. Năm 1933, Hitler lên nắm quyền và khởi động làn sóng đàn áp người Do Thái ở Đức, gia đình của Anne buộc phải di cư đến Hà Lan. Cha của cô bé, Otto Frank, là một thương nhân thông minh. Ông đã mở một công ty bán thạch ở Amsterdam.
Sau khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, vào tháng 05/1940, quân phát xít Đức đã chiếm đóng Hà Lan chỉ trong một tuần. Số phận của gia đình Anne bắt đầu thay đổi. Họ trải qua mỗi ngày trong nỗi sợ hãi. Tin đồn về việc người Do Thái bị bắt và đưa vào các trại tập trung không ngừng lan truyền. Ông Otto Frank bắt đầu lên kế hoạch bí mật cải tạo một tầng lửng trên nóc công ty. Rất khó để nhận ra sự tồn tại của căn gác mái phụ này nếu nhìn từ bên ngoài tòa nhà. Ông Otto đã tìm đến cô Miep, một đồng nghiệp trong công ty: “Miep thân mến, cô biết hoàn cảnh của người Do Thái chúng tôi. Nếu một ngày nào đó tôi cầu xin cô giúp đỡ, điều này với cô mà nói có lẽ sẽ rất nguy hiểm, nhưng tôi không biết còn có thể tin tưởng ai được nữa, cô đồng ý chứ?” Miep là một cô gái hơi quá khổ với đôi mắt to, tính tình ngay thẳng, tốt bụng và có thiện cảm với người Do Thái. Cô ấy đã nghiêm túc gật đầu.
Năm 1942 là sinh nhật lần thứ 13 của Anne. Cô bé nhận được quà sinh nhật là một cuốn nhật ký bìa đỏ trắng. Cuốn nhật ký có một chiếc khóa nhỏ bằng đồng, “cạch” một tiếng là mở ra thế giới của Anne, sau đó với một tiếng “cạch” nữa, thế giới của Anne có thể được ẩn giấu hoàn toàn trong cuốn sách. Kể từ hôm đó, Anne bắt đầu viết nhật ký.
Vào ngày 05/07/1942, đó là ngày chủ nhật, Anne đang nằm phơi nắng trên mái nhà thì có tiếng chuông cửa ở tầng dưới, Anne hy vọng rằng đó là mối tình đầu của cô bé đến tìm mình. Trên thực tế, đó là người của chính quyền Đức Quốc Xã đến thông báo cho chị gái Anne là Margot, yêu cầu cô ấy ngay lập tức phải đến trại lao động miền Đông Ostarbeiter. Đây là điều mà cả gia đình Frank lo lắng. Gia đình Frank đã ‘biến mất’ vào ngày hôm sau.
Thế giới được viết bởi Anne trên căn gác bí mật
Chính quyền Đức Quốc Xã cho rằng gia đình Frank đã trốn sang Thụy Sĩ, nhưng thực tế gia đình họ không hề rời đi, bởi vì đó cũng là con đường đầy rẫy người bỏ mạng hoặc bị bắt giữ. Ông Otto không muốn những người phụ nữ của mình gặp rủi ro, thế là họ bắt đầu cuộc sống ẩn náu kéo dài hai năm trên căn gác bí mật. Tất nhiên, Anne đã mang cuốn nhật ký yêu thích của mình vào nơi ẩn náu.
Sau đó, những người bạn Do Thái của cha Annie cũng trốn vào đó, tổng cộng có tám người sống trong một không gian nhỏ. Vì sự an toàn, trong nhà đã đặt ra nội quy nghiêm ngặt, phải nói nhỏ, ban ngày không được dùng nước, khi đi lại phải mang tất. Chỉ đến buổi tối, khi người của công ty tan sở mới có thể quay lại văn phòng và nghe radio. Họ ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một tủ sách nặng được trang bị cơ chế xoay. Miep và những đồng nghiệp đáng tin cậy của Otto đã mang đồ ăn đến cho họ.
Anne đã ghi lại cuộc sống thường ngày của mình ở căn phòng bí mật trong cuốn nhật ký. Cô thiếu nữ Anne đang ở tuổi thanh xuân giống như một mầm cây mọc lên từ mặt đất nhưng lại bị một tảng đá đè bẹp. Cô bé không thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sự trưởng thành duy nhất của cô bé là sự chín chắn trong thế giới nội tâm.
Anne đặt tên cuốn nhật ký là “Kitty”. Mỗi ngày cô bé đều tâm sự với người bạn trung thành này của mình.
“Kitty”, tôi thích người dẫn chương trình của đài phát thanh kháng chiến ngầm Hà Lan. Anh ấy khiến tôi có nguyện vọng muốn trở thành một nhà báo. Tôi phải tiếp tục viết, nhưng liệu sau này tôi thực sự có thể viết được điều gì đó vĩ đại không?
Trong ‘đại gia đình’ sống cùng Anne có một chàng trai trẻ tên Pete, hơn Anne ba tuổi.
“Kitty”, tớ nghĩ tớ thích Pete rồi. Anh ấy nhút nhát quá! Ôi Chúa ơi, con trai đều ấu trĩ như thế sao, họ có tất cả những ý tưởng đơn giản và lố bịch ở trong đầu. Annie đã bắt đầu hẹn hò với Pete trong không gian nhỏ bé này.
Đài phát thanh liên tục đưa tin xấu liên quan đến người Do Thái, trại tập trung, phòng hơi ngạt. Nhưng Anne là một cô gái vui vẻ, ngay cả vào ngày người của tổ chức Gestapo đến khám xét văn phòng công ty, cô bé cũng không tuyệt vọng.
Một ngày nọ, Anne nghe được một chương trình phát thanh trên đài BBC: thỉnh cầu người dân ở các vùng bị chiếm đóng hãy tiếp tục viết nhật ký và viết bài. Dù ngày tháng có đen tối và ác độc đến đâu, hãy ghi lại lịch sử có thật bằng văn tự. Anne được truyền cảm hứng một cách đặc biệt, thế là nhật ký của cô bé bắt đầu mang một ý nghĩa sâu sắc hơn.
Một cửa sổ kính mỏng ngăn cách với thế giới thực
Nơi Anne thích đến nhất là bên cửa sổ, nơi ngăn cách với thế giới thực chỉ bằng bởi một tấm kính mỏng. Cây dẻ bên ngoài liên tục thay da đổi sắc, từ ra hoa đến kết quả, rụng lá rồi mọc lại. Nó đối ứng với sự khao khát cuộc sống của Anne. Anne cũng thích nghe tiếng chuông nhà thờ. Nó khiến cô bé thấy rất yên tĩnh và khiến cô cảm thấy mình rất gần với Chúa.
Trang cuối cùng trong cuốn nhật ký là vào ngày 01/08/1944. Thời đó ở Hà Lan, để săn lùng người Do Thái, người Đức đã treo thưởng 40 guilder Hà Lan cho bất kỳ ai mật báo về một người Do Thái nào.
Vào ngày 04/08, tổ chức Gestapo nhận được mật báo và mở chiếc tủ sách, lao vào căn phòng bí mật. Họ bắt Anne và tất cả những người đang ẩn náu rồi đưa họ vào trại tập trung.
Miep, người đồng nghiệp được Frank ủy thác, sau đó đã đến căn phòng bí mật chỉ còn lại một mảng bừa bộn và tìm thấy cuốn nhật ký của Anne giữa đống sách báo. Sau chiến tranh, ông Otto Frank đã thoát chết và trở về được Amsterdam. Miep không hề mở chiếc khóa nhỏ bằng đồng, bà cẩn thận trao thế giới của Anne lại cho ông Otto. Ông Otto cũng không mở chiếc khóa đồng nhỏ đó mà cẩn thận chờ đợi sự trở về của con gái.
Về sau, tin xấu cuối cùng đã đến. Anne và chị gái đã mất trong trại tập trung Bergen-Belsen. Ngày họ mất chỉ chưa đầy hai tháng trước ngày quân Đồng minh đến giải phóng.
Chỉ sau khi biết được cái chết của con gái mình, ông Otto mới mở cuốn nhật ký ra. Thuận theo một tiếng “cạch”, cuộc đời tươi đẹp nhưng ngắn ngủi của Anne đã tái xuất hiện trên thế giới. Ông Otto đã không thể ngăn dòng nước mắt chảy xuống được nữa…
‘Nhật ký Anne Frank’ là ‘tác phẩm văn học trong Đệ nhị Thế chiến’ có ảnh hưởng nhất
Kể từ khi xuất bản vào năm 1947, cuốn “Nhật ký Anne Frank” đã bán được hơn 30 triệu bản bằng 65 ngôn ngữ trên khắp thế giới. Nó trở thành “tác phẩm văn học trong Đệ nhị Thế chiến” có ảnh hưởng nhất với số lượng phát hành lớn nhất. Vào năm 2009, cuốn “Nhật ký Anne Frank” đã chính thức được đưa vào Di sản tư liệu thế giới của UNESCO, bởi vì cô bé Anne đã lập nên một kỷ lục lịch sử xuất sắc và chân thực.
Nước Đức là thủ phạm chính gây ra thảm kịch nhân loại này. Trong những năm sau chiến tranh, chính phủ Đức đã cố gắng giáo dục người dân về bản chất xấu xa của chủ nghĩa phát xít Hitler, nhưng luôn không có hiệu quả.
Vào năm 1950, ấn bản tiếng Đức của cuốn “Nhật ký Anne Frank” đã được Nhà xuất bản Lambert Schneider ở Heidelberg xuất bản. Người Đức biết rất rõ rằng, lịch sử sẽ bị các chính trị gia bôi nhọ, bởi vì đó là điều họ đã làm trong quá khứ. Nhưng cuốn nhật ký của cô bé Anne, một ghi chép có thật, đã bắt đầu gây chấn động cả nước. Người Đức đã nhìn thấy và tin rằng bản thân họ đã gây ra tội ác. Vậy nên cho đến hôm nay, chủ nghĩa phát xít mới và chủ nghĩa cực đoan tương tự rất khó có thể hồi sinh và gây tổn hại cho quốc gia này.
Vào ngày hôm nay của lịch sử, “Nhật ký Anne Frank” khuyến khích quý vị hãy viết ra những bất công và bức hại mà bản thân phải chịu đựng. Chỉ khi Trương Anne (Zhang Anne) và Lý Anne (Li Anne) đều ghi lại nhật ký, thì tội ác mới rời xa đất nước và thế hệ tương lai.