Hoa Kỳ: Bài diễn văn của đại sứ Trung Quốc bị các nhà hoạt động, sinh viên Harvard làm gián đoạn vì vấn đề nhân quyền
Một người biểu tình hô lớn: ‘Ông không xứng có mặt ở đây. Đây là một đất nước tự do. Ông không thể thể hiện sự đàn áp xuyên quốc gia của mình ở đất nước này.’
Hôm thứ Bảy (20/04), bài diễn văn của đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã bị gián đoạn khi các nhà hoạt động và sinh viên phản đối các vụ vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản.
Khi đại sứ Tạ Phong (Xie Feng) đọc phần mở đầu bài diễn văn tại Hội nghị Trung Quốc của Trường Harvard Kennedy, ông liên tục bị những người biểu tình cản trở. Họ đã đứng dậy để lên án sự đàn áp của chế độ cầm quyền Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông. Họ cũng chỉ trích hành động gây hấn của chế độ này đối với Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem là lãnh thổ của mình.
Một nữ sinh viên cầm một tấm biểu ngữ nhỏ có nội dung “Trung Quốc Dối trá” đã cáo buộc ông Tạ đang vẽ nên “ảo tưởng về một Trung Quốc thịnh vượng” trong khi quyền tự do của Hồng Kông bị chế độ cộng sản gây xói mòn.
Cô sinh viên Đài Loan này nhanh chóng bị một người đàn ông mặc vest đen đưa ra ngoài.
Theo các đoạn video ngắn do tổ chức Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do công bố, người biểu tình này đã hét lên khi bị đưa đi: “Các người đã cướp đi các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông và hủy hoại nền dân chủ của họ. Giờ đây, các người cũng muốn làm điều tương tự ở đất nước Đài Loan của tôi.”
Sau đó, một nữ sinh khác đã đứng lên phản đối cuộc đàn áp của chế độ này ở Tây Tạng. Cô hô lên rằng 80% trẻ em Tây Tạng hiện bị ép buộc phải vào các trường nội trú “kiểu thuộc địa,” nói rằng mục đích của hành động này là “hủy diệt cuộc sống của người dân Tây Tạng chúng tôi.”
Cầm trên tay một tấm biển tương tự có dòng chữ “Người dân Chết,” cô sinh viên này cũng khiến mọi người chú ý đến cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của đảng này. Cô cho biết chế độ này đã đưa người Duy Ngô Nhĩ vào một mạng lưới rộng lớn gồm các trại giam, tại đó họ bị cưỡng gian, tra tấn, và triệt sản bắt buộc.
“Tay các người đã vấy máu. [Đó là] tội diệt chủng,” cô hét lên. Người sinh viên này sau đó đã được nhân viên bảo an đưa ra ngoài.
Ông Tạ đã giữ im lặng trong suốt thời gian gián đoạn kéo dài khoảng hai phút này.
Theo một bản tóm tắt bài phát biểu của ông Tạ do đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ công bố, nhà ngoại giao này kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc để “thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng phát triển ổn định, lành mạnh, và bền vững.”
Ông Tạ cũng cảnh báo Hoa Thịnh Đốn đừng can thiệp vào những gì Bắc Kinh cho là công việc nội bộ của mình. Ông Tạ nói tại sự kiện rằng nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, và Biển Đông, thì “không có ‘hàng rào bảo vệ’ nào có thể ngăn mối quan hệ song phương giữa hai nước chạm đáy.”
Theo Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do, một nhóm vận động cho tự do chính trị của người Tây Tạng, sáu sinh viên và nhà hoạt động đã chen ngang vào bài diễn văn của ông Tạ.
Tổ chức này cho biết những người biểu tình muốn người dân biết rằng đại sứ của chế độ này “không được chào đón trong khuôn viên trường.”
Trong một video khác do nhóm này công bố, một người đàn ông tham gia biểu tình đã bị đuổi ra ngoài sau khi anh ấy giương cao lá cờ Tây Tạng và phản đối Harvard vì đã tiếp đón ông Tạ.
“Ông là đại diện cho một chính phủ có chủ trương diệt chủng. Sự diệt chủng đối với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, sự chiếm đóng ở Hồng Kông,” nhà hoạt động này nói.
“Ông không xứng có mặt ở đây. Đây là một đất nước tự do. Ông không thể thể hiện sự đàn áp xuyên quốc gia của mình ở đất nước này, ở lục địa này.”
Các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường
Bên ngoài Trung tâm Littauer, nơi ông Tạ đọc diễn văn, hàng chục người đã cầm biểu ngữ và cờ đứng dưới mưa để kêu gọi chấm dứt các hành động đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc.
Mặc một chiếc áo mưa màu vàng, ông Michael Tăng chia sẻ với The Epoch Times: “Chúng tôi ở đây để phản đối các điều kiện tại Trung Quốc, cách mà chính quyền này đối xử với người dân, [và] cuộc đàn áp đối với nhiều nhóm người: Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những tín đồ Cơ Đốc Giáo hầm trú.”
Các học viên Pháp Luân Công giơ cao các tấm biểu ngữ mang thông điệp như “Chấm dứt Du lịch Ghép tạng ở Trung Quốc” và “Ngăn chặn Nạn Diệt chủng ở Trung Quốc.”
ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Hàng triệu học viên đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não, và nhà tù trên khắp đất nước, nơi họ bị tra tấn và ngược đãi nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin. Một số lượng lớn nhưng chưa được thống kê đầy đủ về các học viên của môn này được cho là đã bị tra tấn đến mất mạng hoặc bị sát hại để lấy nội tạng.
Một số nhà hoạt động đã phản đối việc ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông ngày càng hà khắc hơn.
Thành phố này đã chuyển sang chế độ độc tài nhanh chưa từng có kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào năm 2020, cùng với nhiều chính trị gia dân chủ hiện đang phải ngồi tù hoặc phải sống lưu vong. Hồi tháng Ba, chính phủ thân Bắc Kinh của Hồng Kông đã thông qua luật an ninh quốc gia của riêng mình, được gọi là Điều 23, làm tăng thêm mối lo ngại về tương lai của trung tâm tài chính này.
Bản tin có sự đóng góp của Learner Liu và Eva Fu.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times