Thời điểm để suy ngẫm: Bộ trưởng Đảng đối lập Úc lên tiếng về cuộc đàn áp kéo dài 25 năm của chính quyền cộng sản
Ngày 25/04 không chỉ là một ngày quan trọng đối với người dân Úc và New Zealand mà còn đối với người dân Trung Quốc trên toàn thế giới.
Bộ trưởng các vấn đề đa văn hóa đảng đối lập của Úc đã kêu gọi chính phủ Đảng Lao Động của Thủ tướng Albanese tiếp tục gây sức ép với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về các vấn đề nhân quyền.
Bình luận của Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do Paul Scarr được đưa ra khi những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị đàn áp, chuẩn bị cho ngày 25/04 — một ngày quan trọng không chỉ đối với cộng đồng người Hoa mà còn đối với người Úc ở khắp mọi nơi kỷ niệm Ngày Anzac.
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã tụ họp để thỉnh nguyện ôn hòa tại trụ sở ban lãnh đạo ĐCSTQ ở Trung Nam Hải.
Cuộc thỉnh nguyện được tổ chức để phản ứng trước một sự việc xảy ra vài ngày trước đó, khi các học viên Pháp Luân Công đến thăm Trường Đại học Sư phạm Thiên Tân để nói chuyện với chính quyền về một bài báo trên tạp chí vu khống môn tu luyện thiền định này.
Tuy nhiên, những học viên này đã vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ công an địa phương, với 45 người bị giam giữ.
Cuộc tập hợp tại Trung Nam Hải nhằm mục đích tìm ra giải pháp cho “biến cố Thiên Tân” và, vào thời điểm đó, đã được Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên, bất chấp cuộc gặp với ông Chu, tình hình đối với Pháp Luân Công sẽ bắt đầu xấu đi (theo lệnh của lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân), dần leo thang cho đến khi cuộc đàn áp chính thức bắt đầu vào ngày 20/07/1999.
Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu cuộc đàn áp do nhà nước hậu thuẫn kéo dài 25 năm qua với nhiều cá nhân bị đưa vào danh sách đen, bị giam giữ bất hợp pháp, tra tấn, sát hại, kể cả trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng.
“Dịp kỷ niệm 25 năm cuộc biểu tình ở Trung Nam Hải là thời điểm để suy ngẫm về tình hình nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ Scarr viết cho The Epoch Times. “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là vấn đề được nhiều người dân Úc quan tâm.”
Ông nói: “Các đảng Liên minh Quốc gia Tự do, trong cả chính phủ và phe đối lập, đã liên tục bày tỏ mối lo ngại của chúng tôi với chính quyền Trung Quốc về những hành vi đàn áp nhân quyền như được biết và đã mạnh mẽ thúc giục chính phủ Đảng Lao Động của Thủ tướng Albanese tiếp tục đưa ra những tuyên bố đó.”
“Liên minh tiếp tục tìm kiếm thông tin cập nhật từ chính phủ về những vấn đề này.”
Ông cũng nói rằng tôn giáo không nên được xem là điều cơ bản của sự đàn áp và tự do tín ngưỡng là một quyền căn bản của con người, phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
“Trong thời gian làm việc tại Quốc hội, tôi đã đón tiếp các phái đoàn và đại diện liên quan đến tình hình nhân quyền của Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cũng như liên quan đến các cá nhân học viên đã bị giam giữ. Tôi vô cùng xúc động trước nỗi đau khổ mà cuộc đàn áp này đã gây ra cho nhiều người Úc.”
Thượng nghị sĩ cho biết người Úc có nghĩa vụ đạo đức phải tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh về tình hình này.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định ôn hòa và được cho là nhóm tín ngưỡng bị đàn áp lớn nhất ở Trung Quốc tính theo số lượng người theo học — 70 triệu đến 100 triệu người theo ước tính chính thức vào giữa những năm 1990.
Khi cuộc đàn áp chính thức bắt đầu, các cơ quan truyền thông có liên hệ với Bắc Kinh cũng bắt đầu sản xuất hàng trăm giờ tuyên truyền nhằm phỉ báng môn tu luyện này. Đồng thời, các quan chức của ĐCSTQ gây áp lực và khuyến khích các tổ chức và chính phủ ở ngoại quốc tuân theo đường hướng [tuyên truyền] của đảng.
Các học viên ở ngoại quốc ở các nước phương Tây tiếp tục phải đối mặt với sự can thiệp và áp lực từ ngoại quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Thương mại gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và an ninh của Úc.”
Một phát ngôn viên nói với The Epoch Times: “Chính phủ Úc đã nói rõ rằng họ lo ngại trước các báo cáo về việc chính phủ ngoại quốc sách nhiễu và giám sát người dân ở Úc.”
“Không thể chấp nhận được việc bất kỳ chính phủ ngoại quốc nào nhắm vào các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi bằng cách ngăn cản các cá nhân thực hiện các quyền và tự do căn bản của họ ở Úc, gồm cả việc thực hành tôn giáo của họ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times