Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 5 nhà xuất cảng thịt bò Úc
Hành động này diễn ra trong bối cảnh những tiết lộ về hoạt động gián điệp do Bắc Kinh hậu thuẫn ở Úc tiếp tục xuất hiện.
Bắc Kinh đã dỡ bỏ các lệnh cấm tùy ý đối với thịt bò xuất cảng từ năm lò mổ của Úc vào tối hôm 29/05.
Hành động này diễn ra sáu tháng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ba lò mổ khác vào tháng 12/2023, và là một phần trong quá trình “làm tan băng” rộng hơn trong các mối quan hệ ngoại giao giữa chính phủ Úc đương nhiệm và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc Đảng Lao Động Murray Watt cho biết vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc dỡ bỏ, nhưng đã hoan nghênh hành động này.
Ông nói với ABC hôm 30/05, “Chúng ta đã chứng kiến một số hoạt động chế biến khác được dỡ bỏ lệnh cấm thương mại rồi nhưng giờ đây có thêm năm hoạt động nữa. Đó là tin tuyệt vời cho những người chăn nuôi gia súc, cho ngành chế biến thịt, và cho những người làm việc trong các ngành đó. Và tất nhiên là đối với hàng xuất cảng của Úc.”
Các lệnh trừng phạt vẫn áp dụng đối với hai lò mổ và hoạt động xuất cảng tôm hùm đá.
Hội đồng Ngành công nghiệp Thịt của Úc (AMIC) hoan nghênh thông báo này và cho biết họ đã làm việc từ năm 2020 để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Giám đốc điều hành AMIC Patrick Hutchinson cho biết: “Sau bốn năm vận động và làm việc chăm chỉ thay mặt cho các nhà xuất cảng thịt đỏ, cuối cùng chúng tôi đã đạt được kết quả tuyệt vời.”
“Như là một vấn đề ưu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ liên bang và Trung Quốc để không chỉ dỡ bỏ lệnh đình chỉ đối với hai nhà xuất cảng còn lại, mà còn khởi động lại các cơ hội mới cho các doanh nghiệp thịt đỏ khác của Úc đang chờ tiếp cận thị trường Trung Quốc.”
Ông Hutchinson cũng đã cảm ơn sự trợ giúp của chính phủ và các bộ trưởng.
Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh trừng phạt từ giữa năm 2020 sau lời kêu gọi công khai của chính phủ cựu Thủ tướng Morrison về việc điều tra nguồn gốc của COVID-19 — đưa Úc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới kêu gọi như vậy.
Tuy nhiên, lập trường này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các quan chức ĐCSTQ và cuối cùng dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại liên tiếp áp dụng đối với một loạt mặt hàng xuất cảng của Úc, bao gồm rượu vang, bông, lúa mạch, và thịt.
Kể từ khi Úc thay đổi chính phủ vào tháng 05/2022, Bắc Kinh đã bắt tay vào một nỗ lực lôi kéo nhằm “bình thường hóa” các mối bang giao, dỡ bỏ các lệnh cấm đối với lúa mạch, bông, yến mạch, và gỗ để thông thương lượng hàng hóa trị giá khoảng 3 tỷ USD.
ĐCSTQ và chính phủ Thủ tướng Albanese cũng đã bắt đầu lại các cuộc đàm phán ngoại giao ở cấp cao nhất, với Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường sắp tới thăm Úc vào tháng Sáu.
Trong khi tình hình thương mại được xem là thuận lợi cho chính phủ Úc, thì các vấn đề khác vẫn tiếp tục gây bất hòa.
Những vấn đề này bao gồm hoạt động gây hấn quân sự đang diễn ra của Bắc Kinh đối với Đài Loan (và nguy cơ diễn ra xung đột), cũng như những tiết lộ mới về hoạt động gián điệp.
Một cựu đặc vụ Bắc Kinh, tên là “Eric”, gần đây đã công khai đào tẩu khỏi nhà nước cộng sản và tiết lộ các hoạt động giám sát cộng đồng địa phương của mình.
Ông cho biết ĐCSTQ đã cài khoảng 1,200 điệp viên vào Úc, đồng thời cảnh báo chính phủ Úc duy trì mối bang giao chặt chẽ với Hoa Kỳ.
“Vâng, ông ấy nói rằng nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiểm soát các tiếng nói trong cộng đồng người Hoa thực ra sau đó sẽ ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu ở các quốc gia đó và ảnh hưởng đến chính trị,” ông nói tại một hội nghị quốc phòng thông qua một phiên dịch viên.
Nhận xét của ông Eric phù hợp với nhận xét của cựu nhà ngoại giao ĐCSTQ Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) sau khi ông Trần đào tẩu vào năm 2005.
Ông Trần có tuyên bố nổi tiếng rằng ĐCSTQ đã cài đặt 1,000 điệp viên trên khắp nước Úc, trong đó nhiều người là người cung cấp thông tin thông thường, thỉnh thoảng cung cấp thông tin tình báo cho Bắc Kinh.