Hoa Kỳ: Ngoại trưởng Blinken sẽ nêu lên vấn đề nhân quyền trong chuyến công du đến Trung Quốc
Ngoại trưởng Blinken đang ở Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày với sứ mệnh hối thúc chính quyền nước này giải quyết một loạt mối lo ngại của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao xác nhận rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ về cách giải quyết vấn đề nhân quyền của chính quyền Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày tới Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel đã trả lời câu hỏi của đài NTD, hãng thông tấn cũng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Trong mọi cam kết mà chúng tôi có với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ khi bắt đầu chính quyền này, [vấn đề] nhân quyền luôn nằm trong nghị trình của chúng tôi, và sẽ tiếp tục như vậy.”
“Tôi tin chắc rằng vấn đề nhân quyền sẽ được thảo luận trong tuần này khi ngài Ngoại trưởng có mặt ở đó.”
Ông Blinken đã đến Thượng Hải vào chiều hôm 24/04, bắt đầu chuyến công du đến Trung Quốc lần thứ hai trên cương vị ngoại trưởng. Theo Bộ Ngoại giao, quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ gây sức ép với chế độ này về các vấn đề từ việc Trung Quốc viện trợ cho Nga, tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, cho đến nhân quyền.
Một ngày trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao đã công bố một báo cáo mà ông Blinken cho biết là đã ghi chép lại “những hành động áp bức nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra” ở Trung Quốc. Các nhóm bị chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm đến bao gồm các nhóm thiểu số bị đàn áp, những người bất đồng chính kiến, các ký giả ngoại quốc, và những người theo tín ngưỡng tâm linh.
Đề cập đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc mà ông gọi là “nạn nhân của nạn diệt chủng và tội ác phản nhân loại,” ông Blinken cho biết bản Báo cáo Quốc gia về Thực trạng Nhân quyền năm 2023 này “ghi chép lại những hành động tàn bạo gợi nhớ đến những khoảnh khắc đen tối nhất của nhân loại.”
Báo cáo của Bộ Ngoại giao cũng trích dẫn một cuộc phỏng vấn của The Epoch Times với một cựu bác sĩ Trung Quốc, người từng tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng bên trong một chiếc xe tải được cảnh vệ mang vũ trang bảo vệ.
Bác sĩ Trịnh Trị (Zheng Zhi) đã làm chứng về việc mình nghe thấy một sĩ quan quân đội Trung Quốc nói với một quan chức quân đội Trung Quốc khác rằng họ sẽ chọn một quả thận “chất lượng hàng đầu” từ một học viên Pháp Luân Công để thay thế cho quả thận ốm yếu của quan chức này.
Ông Robert Gilchrist, một quan chức cấp cao của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao, chia sẻ với các phóng viên rằng ông Bliken sẽ “nêu lên vấn đề nhân quyền ở mức độ cao nhất và theo cách rõ ràng nhất” khi có mặt ở Trung Quốc.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ này sẽ bắt đầu sứ mệnh của mình bằng cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, và sinh viên tại trung tâm tài chính. Ông sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 26/04 để hội đàm với ông Vương Nghị, quan chức đồng cấp của phía Trung Quốc.
Theo dự kiến, ông sẽ có cuộc hội đàm khác với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập từng tiếp đón Ngoại trưởng Blinken đến thăm tại Bắc Kinh vào tháng 07/2023, tuy nhiên cuộc hội đàm của họ không được xác nhận công khai cho đến một thời gian ngắn trước khi cuộc gặp diễn ra.
Chỉ vài giờ trước khi ông Blinken đến Trung Quốc hôm 24/04, Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã phê chuẩn một gói quốc phòng trị giá khoảng 8 tỷ USD dành cho Đài Loan và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối đầu với sự gây hấn của Trung Quốc. Dự luật này đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật sau đó vào ngày 24/04, và đã dẫn đến một lệnh cấm đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc kiểm soát.
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra sau chuyến thăm tương tự của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người từng đưa ra cảnh báo thẳng thừng về việc Bắc Kinh viện trợ cho Moscow. Bà cảnh báo rằng bất kỳ công ty nào, kể cả những công ty ở Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với “những hậu quả đáng kể” nếu họ cung cấp viện trợ để trợ giúp Nga xâm chiếm Ukraine.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh đã cung cấp cho Moscow những vật liệu và bộ phận vũ khí quan trọng cho cuộc chiến với Ukraine. Trước chuyến thăm của ông Blinken, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết rằng Ngoại trưởng sẽ thúc ép phía Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
Quan chức này cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước nếu chúng tôi tin rằng điều đó là cần thiết cho việc chống lại các công ty đang thực hiện các bước đi trái với lợi ích của chúng tôi và theo những cách mà… làm suy yếu nghiêm trọng an ninh ở cả Ukraine và châu Âu.”
Các nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo rằng chiến thuật ngoại giao này sẽ không ngăn chặn được hành động của Bắc Kinh, vì các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có những tính toán riêng trong việc trợ giúp Moscow.
Ông Trần Thế Dân (Chen Shih-min), một giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, nói với The Epoch Times trước chuyến thăm của ông Blinken rằng: “Nga sẽ đền đáp lại bằng công nghệ hoặc những thứ khác mà từ lâu Trung Quốc đã để mắt tới, chẳng hạn như các động cơ của chiến đấu cơ.”
“Ông Tập Cận Bình cũng không muốn cuộc chiến ở Ukraine kết thúc nhanh chóng. [Khi chiến tranh kéo dài,] Hoa Kỳ càng bị ràng buộc với cuộc chiến đó. Ông Tập Cận Bình có thể tận dụng cơ hội này để thực hiện các dự định của mình ở Eo biển Đài Loan, hoặc ở Biển Đông.”
Ông Trần cũng trích dẫn một đánh giá của các quan chức Hoa Kỳ, trong đó cho thấy Trung Quốc là nguồn cung cấp 70% máy công cụ — vốn có thể được sử dụng để sản xuất phi đạn đạn đạo — được nhập cảng vào Nga trong quý cuối cùng của năm 2023.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp vi mạch bán dẫn hàng đầu cho Nga. Theo một báo cáo gần đây của Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, hơn 80% số vi mạch bán dẫn mà Nga mua kể từ khi diễn ra cuộc chiến Ukraine-Nga đều đến trực tiếp từ Trung Quốc.
Có những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không thay đổi hành vi của mình. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết nước này có “quyền tiến hành trao đổi kinh tế và thương mại bình thường” với Nga và rằng những nước khác “không nên can thiệp hoặc gây gián đoạn.”
Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối bang giao mật thiết hơn trong những năm gần đây. Ông Tập đã hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang viếng thăm nước này hồi đầu tháng này (04/2024) để thể hiện sự đoàn kết giữa hai nước láng giềng. Vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên mối quan hệ đối tác “không giới hạn.” Truyền thông cũng đưa tin rằng người đứng đầu Điện Kremlin sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng Năm này. Nếu được xác nhận, đây sẽ là chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông Putin kể từ khi ông đạt được nhiệm kỳ thứ năm của mình vào tháng Ba.
Không chỉ có ĐCSTQ và Điện Kremlin. Ông Trần nói rằng “Tôi tin rằng Iran có thể đang thông đồng với Nga và Trung Quốc ở hậu trường” trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông, và cho biết thêm rằng Bắc Hàn cũng đang phối hợp với ba nước này.
Ông Trần cảnh báo, các chế độ chuyên chế ở Bắc Kinh, Moscow, Bình Nhưỡng, và Tehran đã hình thành một “trục ma quỷ” mới, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác.
Các nhà phân tích dự đoán rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ tăng áp lực lên Bắc Kinh về vấn đề nước Nga, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích cấp cao từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan tại Đài Bắc, nói với The Epoch Times: “Nếu ĐCSTQ tiếp tục cung cấp nguồn lực quân sự cho Nga, chính phủ [Tổng thống Biden] sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, cho dù đó là để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hay cho cuộc bầu cử [tổng thống] sắp tới.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times