Báo cáo của Hoa Kỳ nêu bật các hoạt động bí mật của Trung Quốc nhằm bịt miệng, trừng phạt các nhà phê bình ở hải ngoại
Chiến thuật đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới sau khi một mạng lưới các đồn công an Trung Quốc ngoài vòng pháp luật bị vạch trần.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh các hoạt động sâu rộng của chính quyền Trung Quốc nhằm bịt miệng các mục tiêu của họ ở Hoa Kỳ và các nơi khác, khai triển các chiến thuật như truy lùng, cưỡng bức mất tích, và khai triển quyền lực của công an ra hải ngoại.
Theo báo cáo nhân quyền hôm 22/04 của bộ, các nhóm mà chính quyền này truy lùng bao gồm các nhóm thiểu số bị đàn áp, các nhà bất đồng chính kiến, sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại và những người có đức tin tín ngưỡng.
Được gọi là đàn áp xuyên quốc gia, chiến thuật này đã thu hút sự quan tâm trên toàn cầu sau khi một nhóm nhân quyền tiết lộ một mạng lưới các đồn công an Trung Quốc ngoài vòng pháp luật ở các quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có một số đồn ở Hoa Kỳ.
Hồi tháng 04/2023, Bộ Tư pháp đã buộc tội hai người đàn ông điều hành một đồn như vậy ở New York. Những người đàn ông này bị cáo buộc đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối để phá hoại các cuộc thỉnh nguyện của nhóm tín ngưỡng bị đàn áp Pháp Luân Công, theo dõi các nhà hoạt động dân chủ, và sách nhiễu các nhà bất đồng chính kiến thay mặt cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Tháng 05/2023, các công tố viên cũng cáo buộc hai cá nhân cố gắng hối lộ Sở Thuế vụ (IRS). Cùng tháng đó, ông Lương Lợi Đường (Liang Litang) sống tại Boston bị bắt vì bị cáo buộc cung cấp hình ảnh cho chính quyền Trung Quốc và các thông tin chi tiết khác về các nhà hoạt động dân chủ dưới sự chỉ đạo của các quan chức Trung Quốc.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao thừa nhận cả hai trường hợp ở Boston và New York, nhưng bỏ qua sự thật là những trường hợp này xảy ra trên đất Mỹ, chỉ nói rằng một “chính quyền ngoại quốc” đã đưa ra cáo buộc chống lại một số công dân Trung Quốc cư trú tại “quốc gia ngoại quốc” đó. Trong một trường hợp khác được ghi lại trong báo cáo, ba người đàn ông đã bị kết án vì làm đặc vụ ngoại quốc thay mặt cho Trung Quốc tại một quốc gia nào đó. Hành vi phạm tội xảy ra ở New Jersey.
Ngày 20/06/2023, ba người đàn ông đã bị kết án tại tòa án liên bang Brooklyn vì theo dõi một gia đình ở New Jersey và gây áp lực buộc họ phải trở về Trung Quốc thay mặt cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
“Báo cáo cho thấy các chính quyền đang bành trướng hành vi lạm dụng ra ngoài biên giới của chính họ,” ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo công bố báo cáo. Hai ngày nữa, ông sẽ bay sang Trung Quốc để gặp các quan chức cấp cao ở Thượng Hải và Bắc Kinh.
Đề cập đến việc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc, những người mà ông gọi là “nạn nhân của nạn diệt chủng và tội ác phản nhân loại,” ông Blinken cho biết Báo cáo Quốc gia về Thực hành Nhân quyền năm 2023 “ghi lại những hành động tàn bạo gợi nhớ đến những khoảnh khắc đen tối nhất của nhân loại.”
Các quan chức và công an của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trực tiếp tiến hành các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia, thường thông qua sự hỗ trợ của các nhóm bình phong trong cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại.
Ông Lương, một người lãnh đạo một nhóm địa phương có tên là Hội Xúc tiến Thống nhất Hòa bình Trung Quốc New England. Năm 2019, nhóm làm việc với các sinh viên Trung Quốc hải ngoại ở Boston, đã “tổ chức hơn một ngàn người yêu nước” tập trung trước tòa nhà Quốc hội tiểu bang Massachusetts và tại khu phố người Hoa ở Boston để “tố cáo những người ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông, độc lập của Đài Loan, độc lập của Tây Tạng, và nền độc lập của Tân Cương,” theo một bản cáo trạng trích dẫn một tài liệu từ nhóm mà ông Lương đã gửi cho một quan chức Trung Quốc phụ trách việc truyền bá ảnh hưởng của Bắc Kinh ra hải ngoại.
Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) cũng đóng vai trò là “cơ chế giám sát ở hải ngoại” giúp Bắc Kinh trấn áp các quan điểm bất đồng chính kiến, đồng thời theo dõi và báo cáo về các sinh viên thời tiền dân chủ, vốn thúc đẩy hành vi đe dọa và bắt nạt, báo cáo của Bộ Ngoại Giao lưu ý.
Khi chính quyền tăng cường luật chống gián điệp sâu rộng yêu cầu công dân Trung Quốc trợ giúp công tác tình báo bất cứ khi nào họ cho là phù hợp, các sinh viên Trung Quốc du học ở hải ngoại đã bày tỏ lo ngại về việc hồi hương, báo cáo cho biết.
Báo cáo này trích dẫn một báo cáo của Thụy Điển mô tả các nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc bị buộc phải ký các thỏa thuận bí mật yêu cầu họ “cam kết trung thành với ĐCSTQ, ‘phục vụ lợi ích của chính quyền này’ và không bao giờ tham gia vào các hoạt động trái với ý muốn của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Việc vi phạm thỏa thuận có thể làm cho các gia đình ở Trung Quốc của họ chịu phạt, báo cáo cho biết.
Nhiều trường đại học, bao gồm Đại học Friedrich Alexander ở Erlangen-Nuremberg của Đức cũng như các trường ở Đan Mạch và Hà Lan, đã đình chỉ hợp tác với các học giả được cơ quan nhà nước Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) tài trợ vì các hợp đồng như vậy.
Báo cáo cũng lưu ý chiến dịch của chính quyền này nhằm gây áp lực lên các quốc gia khác “cho các mục đích có động cơ chính trị,” với mục tiêu “buộc các quốc gia đó có hành động bất lợi chống lại các cá nhân hoặc nhóm cụ thể,” mặc dù chi tiết vẫn còn mơ hồ.
The Epoch Times đã thu thập được các tài liệu và lời thừa nhận chính thức từ các quan chức Trung Quốc cho thấy rằng Bắc Kinh đã gây áp lực chính trị và kinh tế lên các quan chức và nhà hát địa phương của Hoa Kỳ để can thiệp vào các buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts), một đoàn nghệ thuật có trụ sở tại New York trình diễn nghệ thuật về văn hóa truyền thống Trung Hoa và giới thiệu những tác phẩm làm sáng tỏ hành vi đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Trung Quốc.
Các hoạt động bành trướng của ĐCSTQ có nghĩa là ngay cả những người bất đồng chính kiến đã đào thoát khỏi Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Đảng này.
Các tù nhân chính trị mà Bộ Ngoại giao nêu tên bao gồm ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong), một học viên Pháp Luân Công và là cha của hai cư dân Hoa Kỳ, ông đã bị kết án tám năm tù hồi tháng 04/2023.
Ở Trung Quốc, những học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, môn tu luyện dạy về các giá trị chân, thiện, nhẫn, đã phải đối diện với việc bị bắt giữ, ép lao động cưỡng bức, và thậm chí cả tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức chỉ vì kiên định với đức tin của mình.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao đã trích dẫn một buổi phỏng vấn của Epoch Times với một cựu bác sĩ Trung Quốc, ông đã tham gia hoạt động thu hoạch nội tạng bên trong một chiếc xe tải được binh lính vũ trang bảo vệ.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times