Các nhà hoạt động Trung Quốc: Chúng tôi biết đến Pháp Luân Công thông qua cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04
Vào ngày 25/04/1999, một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, được biết đến với cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 có sự tham gia của hàng ngàn học viên Pháp Luân Công, đã khiến thế giới chú ý đến môn tu luyện này. Ngay sau đó, vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhắm vào Pháp Luân Công.
Đã 25 năm trôi qua kể từ ngày đó, cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn còn đang tiếp diễn.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04, một số nhà hoạt động nổi tiếng người Trung Quốc đã chia sẻ những kiến giải của mình. Họ tin rằng Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất bị ĐCSTQ bức hại nặng nề nhất.
Ông Hồ Bình (Hu Ping), một nhà phê bình chính trị nổi tiếng và là tổng biên tập của nguyệt san Beijing Spring có trụ sở tại New York hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ, cho hay lần đầu tiên ông biết đến Pháp Luân Công là nhờ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04/1999.
Sau đó, khi tìm hiểu, ông đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng “trong số bằng hữu của tôi ở Trung Quốc, không có gia đình nào mà không có người tập Pháp Luân Công. Tôi nhận ra Pháp Luân Công rất phổ biến.”
Điều làm ông ngạc nhiên hơn nữa là, bất chấp sự đàn áp hà khắc của ĐCSTQ, đặc biệt là sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, một số lượng đáng kể người dân đã dám thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
“Năm đó trùng với dịp 10 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, và thật bất ngờ, sự kiện ngày 25/04 của Pháp Luân Công diễn ra,” ông nói. Sự khởi đầu với việc những người cao niên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, trong mắt ĐCSTQ và lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân, đã trở thành “một thách thức nghiêm trọng đối với ĐCSTQ.”
“Thế là, họ không ngờ rằng Pháp Luân Công lại kiên định đến vậy. Một khi cuộc đàn áp bắt đầu, họ không thể thoát ra được nữa. Cuộc đàn áp đã trở thành một vòng luẩn quẩn, và họ không thể kiềm chế được nữa.”
Ngay sau đó, ông Hồ đã tiến hành nghiên cứu và điều tra sâu rộng. Ông nhận thấy rằng Pháp Luân Công về căn bản khác với những gì ĐCSTQ miêu tả. Ông phát hiện ra rằng không có phát ngôn viên nào được chỉ định cho Pháp Luân Công; những người đại diện cho môn tu luyện này là những người được lựa chọn ngẫu nhiên. Hơn nữa, không có tổ chức chính thức, không có nghị trình chính trị, và chắc chắn không có âm mưu nào cả. “Tuy nhiên, sự áp bức độc tài của ĐCSTQ đã buộc họ đi vào con đường phản kháng.”
Sau này, ông Hồ đã viết cuốn sách có nhan đề “The Phenomenon of Falun Gong” (Hiện tượng Pháp Luân Công), lên tiếng bênh vực Pháp Luân Công và thanh minh cho môn tu luyện này.
“Nhiều thập niên đã trôi qua, và chúng ta thấy rằng Pháp Luân Công không những không bị “xóa sổ” mà còn rất thịnh vượng, đặc biệt là bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi chứng kiến họ phát triển thành một lực lượng có sự tham gia rộng rãi của công chúng, đóng vai trò rất chủ động trong việc phản kháng lại chế độ độc tài của ĐCSTQ ngày nay,” ông Hồ nhận xét.
“Chúng ta có thể dự đoán rằng, sau khi Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ trong tương lai, Pháp Luân Công sẽ đóng một vai trò đáng kể trong việc tái thiết đạo đức của toàn bộ xã hội Trung Quốc,” ông dự đoán.
‘Cuộc đàn áp Pháp Luân Công dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ’
Bà Trần Lệ Quân (Chen Liqun), phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc, nói rằng: “Chưa có nhóm nào khác phải chịu sự tàn sát và đàn áp quy mô lớn của ĐCSTQ như vậy. Pháp Luân Công đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ, tất cả đều do ĐCSTQ gây ra.”
Bà cho biết Pháp Luân Công là một nhóm tu luyện ôn hòa. Trong việc phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ, thế giới đã chứng kiến Pháp Luân Công thúc đẩy làn sóng phản kháng của thường dân ở Trung Quốc như thế nào, từ sự xuất hiện của loạt bài xã luận “Chín bài bình luận về Đảng Cộng Sản” đến các phong trào phản bức hại và chống tra tấn. Bà nói. “Tôi tin rằng đây là phương diện thực sự xuất sắc của Pháp Luân Công.
Bà Trần tin rằng ĐCSTQ đã đi vào bế tắc trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và ĐCSTQ đang bước vào giai đoạn sụp đổ.
“Chính ĐCSTQ đã dưỡng thành những kẻ đào mộ cho mình. Ví dụ, các nhà hoạt động nhân quyền ban đầu chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân, nhưng cuối cùng họ bị buộc đi về hướng đối lập. Điều tương tự cũng áp dụng cho Hồng Kông. Ban đầu, đó là việc bảo vệ quyền lợi khi người dân phản đối Điều 23. Nhưng cuối cùng, họ trở thành phe đối lập… ĐCSTQ thực sự đang dưỡng thành sự sụp đổ của chính họ bằng cách tạo ra những kẻ thù của chính họ,” bà Trần nói.
Bà nói: “Sự tàn bạo ngu xuẩn của ĐCSTQ đã buộc rất nhiều cá nhân đặc biệt — nhiều tiến sĩ và trí thức trong số [các học viên Pháp Luân Công], đi theo con đường chống lại chủ nghĩa cộng sản.”
Bà Trần tin rằng sự kiên định của Pháp Luân Công xuất phát từ niềm tin của họ vào “chân, thiện, nhẫn.”
“Việc họ tuân theo ‘chân, thiện, nhẫn’ có thể làm cho mọi người hiệp lực với nhau và thúc đẩy sự gắn kết. Ở phương diện này, Pháp Luân Công đã làm một tấm gương đáng chú ý,” bà nói.
Bà khuyến khích các lực lượng dân chủ bên ngoài Trung Quốc đồng lòng với Pháp Luân Công. “Chúng tôi đã sát cánh cùng Pháp Luân Công trong hơn 20 năm qua. Chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động của Pháp Luân Công và chúng tôi trợ giúp lẫn nhau,” bà Trần nói.
‘Vết nhơ nhân quyền lớn nhất của ĐCSTQ’
Khi cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 diễn ra hồi năm 1999, chuyên gia pháp lý và nhà bình luận độc lập Hồ Bình đang ở Bắc Kinh. “Chính sự kiện này đã dạy cho tôi sức mạnh to lớn của Pháp Luân Công,” ông nói. “Bản kiến nghị liên quan đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người, là lần đầu tiên xét về quy mô kể từ cuộc biểu tình của sinh viên vào ngày 04/06/1989.”
Từ góc độ pháp lý, ông coi việc ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Từ quan điểm nhân quyền và tự do tôn giáo, đây là một sự vi phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt là việc cấm hoàn toàn một tôn giáo mà không có bất kỳ thủ tục hợp pháp nào. Điều này rất hiếm thấy,” ông nói.
Giống như nhiều luật sư ở Trung Quốc bảo vệ Pháp Luân Công, ông tin rằng Pháp Luân Công vô tội.
“Pháp Luân Công đang bảo vệ quyền lợi của mình, rất chính đáng; và phương pháp bảo vệ là ôn hòa,” ông nói. “Đây đơn thuần là vấn đề đức tin, không có hành vi bất hợp pháp hay gây hại cho cộng đồng, vậy mà ĐCSTQ đã biến sự bảo vệ này thành vấn đề phạm pháp. Đây là vết nhơ nhân quyền lớn nhất dưới thời Đảng Cộng Sản cầm quyền.”
Tinh thần của Pháp Luân Công là ‘rất, rất đáng được tôn trọng’
Khi cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 xảy ra, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) đang học tại Đại học Thanh Hoa, và ông là một trong những người cuối cùng rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn.
Là một nhà hoạt động sinh viên phản đối ĐCSTQ từ khi còn trẻ, ông tuyên bố rằng tà đảng Trung Cộng là kẻ thù chung, và chúng ta cần phải cảnh giác và hiệp lực cùng nhau khi đối mặt với điều này, một cảm giác “thù địch chung.”
“Trong hai thập niên qua, cuộc đàn áp tàn bạo này đã ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, cùng với những sự thật vô cùng kinh hoàng về tra tấn, thu hoạch nội tạng, v.v. Ông nói rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công đã lên đến đỉnh điểm, trong một chiến dịch có hệ thống và quy mô công nghiệp.”
“Nhưng kết quả cuối cùng là gì? … Yếu tố quyết định chính là dư luận. Điều quan trọng là phải quan sát chiều hướng của dư luận và thích ứng với dư luận, nếu không đảng này sẽ bị đào thải.”