EU phải bớt ngây thơ khi Trung Quốc khởi động lại sách lược gây thiện cảm
Bắc Kinh lại lôi kéo EU khi tình hình trong nước xấu đi và mối bang giao với Hoa Kỳ trở nên tồi tệ
Giữa tháng Hai đánh dấu sự nối lại của cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Âu Châu và Trung Quốc diễn ra hai năm một lần. Hội nghị an ninh Munich cũng đã diễn ra từ ngày 17/02 đến 19/02, với việc Trung Quốc đóng một vai trò chủ chốt.
Đây chỉ là hai trong số các bước mà Bắc Kinh đang thực hiện để thuyết phục EU và châu Âu rộng lớn hơn rằng họ đang thay đổi chính sách ngoại giao, tìm kiếm mối bang giao tốt hơn và ổn định hơn với EU, đồng thời giả vờ tin rằng EU có thể và nên tự mình là một cường quốc và nên cắt đứt các mối bang giao với Hoa Kỳ. Trên thực tế, phái đoàn Trung Quốc đã tập trung đa phần thời gian vào việc cáo buộc Hoa Kỳ gây nguy hiểm cho an ninh Âu Châu và tìm cách chia rẽ Hoa Thịnh Đốn và EU, tất cả đều dưới uyển ngữ ủng hộ “quyền tự trị chiến lược” của châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự thay đổi hầu như lập dị như vậy trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc dường như phụ thuộc vào hai yếu tố chính, vốn thúc đẩy rất nhiều chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu. Thứ nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cảm thấy ở Hoa lục an toàn như thế nào, chừng nào họ còn nắm được quyền lực. Các cuộc biểu tình, một cuộc suy thoái kinh tế, các tình trạng bất bình ở thị trường nội bộ, hoặc một sai lầm chính sách khác nữa của ông Tập Cận Bình có xu hướng khiến Bắc Kinh thay đổi giọng điệu của mình theo chiều hướng tốt hơn. Yếu tố còn lại là mối bang giao quốc tế, và thường xuyên nhất là mối bang giao với Hoa Kỳ. Khi mọi chuyện trở nên khó khăn với Hoa Kỳ, và ở một mức độ thấp hơn, với Nhật Bản hoặc Úc, thì giọng điệu trong chính sách đối với châu Âu, cũng như với tác động từ tình hình trong nước, có xu hướng được cải thiện.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chính sách thực tế thay đổi, mà là cách chính sách này được thể hiện ra. Hiếm khi chính sách này chịu nhiều thay đổi, bởi vì thế giới quan của ĐCSTQ dường như bất di bất dịch.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi từ chính sách hung hãn sang chính sách xoa dịu với nhiều sắc thái hơn. Và không chắc đây là lần cuối cùng diễn ra sự sự chuyển đổi như thế này.
Ngay bây giờ, cả hai yếu tố nói trên đều vô cùng thuận lợi để cho ĐCSTQ thể hiện sự nhân nhượng và một giọng điệu thân thiện. Và mặc dù đến thời điểm này, lẽ ra chúng ta đã học hỏi đủ nhiều để không phải đặt câu hỏi này, nhưng tôi, với tư cách là một người Âu Châu, vẫn e ngại rằng chúng ta vẫn phải hỏi rằng: Liệu EU có mắc bẫy một lần nữa hay không?
Tại quốc nội, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, và việc chấm dứt chính sách zero COVID đã không mang đến kiểu đột phá mà Bắc Kinh mong đợi. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang chuyển từ lý thuyết sang tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế hiện tại và tương lai của đất nước này. Các biện pháp chống dịch COVID hà khắc đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống lại ông Tập và ĐCSTQ, hay việc giới nhà giàu Trung Quốc mang theo tiền bạc của họ rời đi, và số lượng người xin tị nạn gia tăng nhanh chóng – tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy một tình thế ác liệt ở trong nước.
Trên bình diện quốc tế, dường như mọi thứ cũng không khá hơn là mấy. Mới đây, Hoa Kỳ đã đi đầu để chống lại việc Trung Quốc thành lập các “trạm dịch vụ” công an không chính thức và chiến dịch FoxHunt săn lùng những kẻ bị cáo buộc đào thoát ra ngoại quốc. Hoa Kỳ đã hạn chế giao thương với các công ty thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, Hoa Kỳ đang ngày càng khéo léo hơn trong việc thu hút các đồng minh tham gia trong tất cả các lĩnh vực này và hơn thế nữa, điều này có lẽ còn là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với ĐCSTQ.
Ảnh hưởng của ĐCSTQ chủ yếu dựa vào việc khiến cho một phương Tây bị chia rẽ chống lại nhau, và mặc dù điều đó vẫn có khả năng, nhưng xét ở mức độ nào đó thì ĐCSTQ sẽ khó làm như vậy hơn. Tệ hơn nữa, cuộc chiến kinh tế gần như toàn diện chống lại Úc hóa ra lại là một thất bại lớn, không chỉ làm nổi bật sự yếu kém của Trung Quốc, mà ngay cả các nước nhỏ hơn cũng ít bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa của Trung Quốc so với hầu hết chúng ta nghĩ. Lithuania và Cộng hòa Séc là những quốc gia đã có các bước đi táo bạo khi làm phật lòng ĐCSTQ — những hành động mà chỉ vài năm trước đây là điều không thể tưởng tượng nỗi.
Chính vì lối suy nghĩ như vậy, nên thật dễ hiểu tại sao Trung Quốc lại cố gắng lôi kéo EU — đối tác kinh tế quan trọng nhất của họ cho đến nay. Các cuộc hội đàm về việc khởi động lại Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) đang được quảng bá. Sau khi từ chối tham gia với EU qua cuộc đối thoại nhân quyền EU-Trung Quốc, hiện nay phía Trung Quốc đột nhiên cởi mở, thậm chí rất muốn tham gia. Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hồi tháng Hai, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã thảo luận về triển vọng tăng cường mối bang giao EU-Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và vấn đề Đài Loan. Ở hậu trường, thật khó để không nghĩ rằng nhiều ý tưởng về đề nghị, thỏa thuận thương mại, và các chuyến thăm cấp nhà nước đang được đưa ra.
Giờ đây, cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Trung Quốc là một quá trình mà tôi nhận thức sâu sắc. Cuộc đối thoại này không chỉ cải thiện việc đối xử với các tù nhân chính trị mà còn có thể và đã khiến những người bảo vệ nhân quyền cụ thể được đối xử tốt hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu không có cuộc đối thoại này, một số người sẽ không còn sống sót đến ngày nay. Tôi biết điều này một cách trực tiếp. Đành rằng, tính hữu dụng [của cuộc đối thoại nhân quyền này] đã giảm đi so với một thập niên trước, vì Trung Quốc cảm thấy chẳng cần phải chú ý đến lời kêu gọi của bất kỳ ai. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong số ít các cuộc đối thoại ở cấp tổ chức mang lại kết quả trực tiếp và tích cực cho những người bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, rõ ràng là ĐCSTQ đang sử dụng điều này như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm nối lại giao thiệp với EU, vốn đang được thực hiện để khắc phục các vấn đề quốc tế và trong nước mà Trung Quốc hiện phải đối mặt.
Như trước đây, một khi những tình huống đó đã được giải quyết, thì giọng điệu của ĐCSTQ sẽ lại thay đổi, và như thường lệ, họ sẽ quay lại cố gắng thực thi các hiệp ước bất bình đẳng (CAI là một hiệp ước quan trọng, nhưng là hiệp ước mà không quốc gia nào sẵn lòng tham gia, do bản chất vô cùng bất bình đẳng của hiệp ước này), và bắt đầu tung ra các mối đe dọa xung quanh bất cứ khi nào EU, hoặc bất kỳ quốc gia thành viên EU nào, dự tính đưa ra một quyết định chính sách khiến Trung Quốc không hài lòng. Tất nhiên, tất cả điều này chỉ là vấn đề về giọng điệu; Bắc Kinh sẽ làm những điều này một cách bất chấp, nhưng có lẽ với một tốc độ chậm hơn.
Tuy nhiên, tất cả sự xoa dịu và lôi kéo này chỉ đơn thuần là một sự diễn tập thể hiện giọng điệu, và thậm chí giọng điệu đó sẽ biến mất một khi ông Tập cảm thấy mình có đủ quyền kiểm soát trở lại, và chính EU, và nói rộng ra là thế giới tự do, sẽ phải trả giá cho việc thất bại trước một mưu mẹo đơn giản như vậy.
Hy vọng rằng lần này, EU có nhiều chính trị gia, quan chức, và cố vấn bớt cả tin, bớt thiếu hiểu biết, và bớt ngây thơ hơn so với thập niên vừa qua.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times