Cung tiền tăng cao: 1 euro năm 1999 giờ đây chỉ có giá trị khoảng 0.29 euro
Mới đây cách tính toán thống kê giỏ hàng hóa đại diện ở Đức đã được thay đổi — các yếu tố thúc đẩy giá nhà ở, nước, điện, và khí đốt đang được tính với trọng số thấp hơn. Thật đáng tiếc, án chiếu theo phương pháp đó mà phân tích thì giờ đây lạm phát có vẻ ít nghiêm trọng hơn.
Cuối tháng Hai, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố một báo cáo gây chú ý, có tác dụng như một liều thuốc an thần cho người dân. Trong bối cảnh này, cổng Internet của Deutsche Wirtschaftsnachrichten đã cho chạy dòng nhan đề sau vào ngày 22/02/2023: “Giỏ hàng mới: Lạm phát giảm đáng kể!”
Có phải những người chỉ trích chính sách tiền tệ nới lỏng đã lại đang phóng đại một lần nữa, chứ mọi thứ đều không tệ đến vậy và các cơ quan đang kiểm soát được tình hình?
Sự biến hóa trong thống kê
Sẽ rất thú vị khi quý vị chịu khó xem xét sự phát triển của phương pháp tính toán do Văn phòng Thống kê Liên bang sử dụng. Nhà ở, nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác có trọng số là 233.06 phần nghìn trong năm 2020, 253 phần nghìn trong năm 2021, 252.20 phần nghìn trong năm 2022, và hiện nay vào năm 2023 chỉ còn chiếm 165 phần nghìn.
Một thực tế rõ ràng và phổ biến là các yếu tố thúc đẩy giá đang được tính với trọng số thấp hơn, để giảm tỷ lệ lạm phát dựa trên trọng số này.
Từ quan điểm hài hước này, việc tạo ra kết quả giống như một hành động ném xúc xắc có kiểm soát. Ngẫu nhiên, trong một bài bình luận ngày 24/04/2022, tờ Deutsche Wirtschaftsnachrichten đã mô tả việc tổng hợp giỏ hàng đại diện này là một “màn lừa dối vô song.”
Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) — trọng số cho các lĩnh vực sản phẩm được lựa chọn
Chiến dịch tuyên truyền được dàn dựng cẩn thận xung quanh sự thay đổi trong giỏ hàng hiện tại đã kết thúc vào hôm thứ Hai, ngày 27/02/2023. Một thông điệp từ Thủ tướng Đức đã được trích dẫn trên cổng thông tin điện tử của kênh tin tức ntv.
Sự hợp tác đồng bộ đó đã dừng lại và cuộc khủng hoảng lạm phát hiện đã được khắc phục. Bản tin kể trên có kèm theo các dự báo liên quan đến diễn biến tiếp theo của tỷ lệ lạm phát, trong đó cho rằng lạm phát sẽ chậm lại.
Sự hiện diện của xung đột lợi ích là rõ ràng. Chính phủ Đức là tác nhân chính khiến cung tiền tăng cao thông qua các khoản vay mới. Các nguyên thủ quốc gia cần các quỹ thanh khoản, chẳng hạn như để mua vũ khí hoặc tài trợ cho ngân sách nói chung và các “lợi ích” khác của chính phủ.
Đại bộ phận dân chúng có thể bị đánh lừa rất nhiều khi nói đến tình trạng giảm sức mua và mức độ của các quá trình dồn ép tài chính liên tục này. Việc thay đổi mô hình trong cách thức lạm phát được định nghĩa và thảo luận là cần thiết hơn bao giờ hết. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa mức tăng cung tiền (dẫn đến lạm phát) và mức tăng giá (dẫn đến giảm sức mua).
1 euro năm 1999 tương đương với 0.29 euro ngày nay
Lạm phát liên quan đến việc mở rộng cung tiền. Từ năm 1999 đến cuối năm 2022, cung tiền trong khu vực đồng euro đã tăng vọt từ 4,667 tỷ euro lên hơn 16,000 tỷ (với hệ số nhân 3.4) thông qua việc mở rộng tín dụng (chủ yếu là do bổ sung nợ chính phủ).
Một biểu hiện của tình trạng tiền tệ giảm giá trị này là 1 euro từ năm 1999 giờ chỉ có giá trị trao đổi định lượng thuần túy khoảng 0.29 euro (lấy 1 euro chia cho 3.4).
Cung tiền tăng ảnh hưởng đến cầu: kết quả là tình trạng thiếu hụt trên thị trường hàng hóa, trong đó tiền mới in ra tạo ra thêm nhu cầu. Trên cơ sở tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa này, giá trị trao đổi của tiền sẽ thấp đi, dẫn đến giá tiền tính bằng đồng euro sẽ tăng lên. Vì vậy, quý vị sẽ cần nhiều euro hơn (so với trước kia) để mua các mặt hàng tương ứng.
Ví dụ, vào đầu năm 1999, quý vị phải chi khoảng 345 euro để mua một ounce vàng. Ngày nay, phải mất hơn 1,700 euro (gần như gấp 5 lần) để có được một ounce vàng. Nếu tính theo vàng, thì giá trị trao đổi đã giảm khoảng 80%. Cung tiền tăng sẽ làm giảm chất lượng của tiền xuống và điều này biểu hiện dưới hình thức giá trị trao đổi giảm xuống.
Giá cả là tương đối và phụ thuộc vào sự khan hiếm
Tuy nhiên, trái với điều mà chúng ta vẫn thường nghĩ, giá cả không quyết định giá trị của hàng hóa. Từng cá nhân sẽ có sự đánh giá, nhận định khác nhau về giá cả và giá trị chủ quan của một mức giá. Một chiếc xe hơi đắt tiền có thể trị giá hàng chục ngàn euro trở lên đối với người này, nhưng không hẳn là có giá như vậy đối với người khác.
Giá cả được hình thành trên cơ sở các hiện tượng của thị trường và là một phần của việc trao đổi tự nguyện. Giá cả là giá trao đổi và luôn chỉ có thể cho thấy giá trị trong quá khứ nhưng không nói lên điều gì về tương lai. Vì vậy, các dự báo về diễn biến giá trong tương lai về bản chất là không chắc chắn và luôn mang tính chất giả định suy đoán.
Ngày nay sự phát triển của tỷ giá hối đoái đồng euro so với vàng có thể giúp chúng ta mở mang tầm mắt. Giá cả luôn mang tính tương đối trong tương quan với mặt hàng khác và phản ánh sự thay đổi liên tục của tình trạng khan hiếm. Nhận định về giá trị và sau đó là giá trao đổi trên thị trường sẽ lên và xuống tùy theo sự khan hiếm của một loại hàng hóa, cụ thể là trong mối tương quan (mối quan hệ trao đổi) với một loại hàng hóa khác.
Sự khác biệt giữa ảo tưởng thống kê và thực tế
Sự khác biệt giữa mức độ tăng cung tiền (dẫn đến lạm phát) và mức độ sức mua giảm (do giá tăng) hầu như không được đề cập đến trong công chúng. Chỉ trong những ấn phẩm do Văn phòng Thống kê Liên bang, EZB, hoặc Eurostat phát hành thì khái niệm này mới được đề cập và thảo luận.
Những số liệu dựa trên chỉ số giá tiêu dùng đã được đưa ra thảo luận. Cung tiền cũng như giá của tài sản (bất động sản, cổ phiếu, v.v.) đều không được tính đến. Ngoài ra, thành phần của chỉ số giá tiêu dùng là mang tính chủ quan cao và được để ngỏ để có thể thay đổi tùy ý. Hơn nữa, mỗi người có xu hướng tiêu dùng và đầu tư khác nhau và do đó, tỷ lệ lạm phát đối với mỗi cá nhân là khác nhau.
Không chỉ ở châu Âu mà ngay cả ở Hoa Kỳ, thì cơ sở tính toán tỷ lệ lạm phát cũng đã nhiều lần bị thay đổi đáng kể. Dựa trên phương pháp tính toán từ những năm 1980, lạm phát của Hoa Kỳ sẽ cao hơn khoảng 5% so với những gì đã được báo cáo trong những năm gần đây. Động cơ cho việc làm này là rõ ràng.
Chính trị và lạm phát
Các chính trị gia không nhất thiết phải là những người giỏi kinh doanh. Nếu không có việc in tiền tín dụng kéo dài và cái gọi là tài trợ tiền tệ không bắt buộc cho các chính phủ từ Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), thì trò chơi đã kết thúc từ lâu.
Trên cơ sở nền kinh tế thị trường, các quốc gia thuộc khu vực đồng euro đã có thể vỡ nợ cách đây vài năm. Và mỗi euro nợ chính phủ bổ sung, như đã giải thích ở trên, sẽ mở rộng cung tiền và làm giảm chất lượng tiền dưới hình thức sức mua giảm (giá trị trao đổi so với các hàng hóa khác giảm).
Quá trình có thể được mô tả như là một cơ chế lạm phát này sẽ vẫn tiếp tục dưới hình thức “bất chấp tất cả”, bằng mọi giá mà không quan tâm đến tổn thất. Về khía cạnh này thì có một xung đột lợi ích rõ ràng, cả liên quan đến chính trị và ngân hàng trung ương, cũng như liên quan đến các nhà thống kê chính phủ từ các cơ quan có liên đới. Khách hàng, tức là công chúng bỏ phiếu, nên được giữ tâm trạng vui vẻ và vì vậy cần có các báo cáo nhằm tạo ấn tượng rằng tình hình đang được kiểm soát về mặt chính sách tiền tệ.
Lạm phát kể từ năm 1999: 242%
Kể từ khi thành lập hệ thống đồng tiền chung châu Âu vào năm 1999 cho đến cuối năm 2022, Văn phòng Thống kê Liên bang đã công bố tỷ lệ lạm phát tích lũy (có tên gọi chính thức là tỷ lệ lạm phát) là 41.2%. Tuy nhiên lạm phát, tức là việc mở rộng cung tiền, là cao hơn đáng kể khi ở mức hơn 242%. Tất nhiên, tỷ lệ chênh lệch mang tính lừa dối khoảng 200% này là rất đáng kể, ngay cả khi nhìn nhận lạm phát hoàn toàn từ góc độ định lượng và không đả động gì đến về việc tăng giá trên các thị trường cho từng loại mặt hàng riêng lẻ.
Những tác động của chính sách in tiền không hạn chế này đối với giai tầng trung lưu đã được cảm nhận thấy trong vài năm. Trước tình trạng dư thừa cung tiền, giá nhà ở đã tăng mạnh hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Vì vậy, những người có mức lương trung bình khó có thể đủ khả năng để sở hữu một ngôi nhà. Một số người và ngay cả những người muốn tận hưởng thời gian hưu trí xứng đáng của họ, hầu như là không thể trang trải chi phí sinh hoạt. Các yếu tố thúc đẩy chi phí của từng tiểu bang, chẳng hạn như áp dụng thuế CO2 hoặc tăng thuế bất động sản, cũng có tác động tiêu cực, [ảnh hưởng đến mức sống của người dân].
Đối với từng cá nhân thì mọi người “cảm nhận và trải nghiệm” tỷ lệ tăng giá rất khác so với tỷ lệ được công bố. Quý vị nên tránh xa các phương pháp đã được thiết lập trước đây để đo lường và đánh giá những thay đổi về sức mua.
Đây là những ảo tưởng thống kê có thể thay đổi theo ý muốn và có động cơ chính trị, với mục đích biện minh cho chính sách tiền tệ nới lỏng đối với tài chính công. Chúng ta cũng cần kiên quyết bác bỏ sự tồn tại của một mức giá. Giá cả luôn thay đổi với các mức độ khác nhau. Luôn có những mức giá thay đổi nhanh hơn, tăng hoặc giảm nhanh hơn các mức giá khác.
Việc nắm bắt được [tất cả những diễn biến đó] qua thống kê chỉ đơn giản là điều không thể. Mặt khác, sự phát triển về mặt định lượng của cung tiền, ít nhất là cho đến ngày nay, đã cung cấp một bức tranh chân thực về chất lượng và giá trị trao đổi định lượng của tiền.
Về tác giả
Do Benjamin Mudlack thực hiện
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức