Nhà lập pháp EU: Cách quản trị của Âu Châu hiện nay là ‘phản dân chủ’
‘Tôi thực sự cần người dân Mỹ cứ là người Mỹ và duy trì khái niệm tự do đã ăn sâu vào người Mỹ.’
Một thành viên của Nghị viện Liên minh Âu Châu (EU) khẳng định cách quản trị của EU là “phản dân chủ.”
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với ông Jan Jekielek, người dẫn chương trình Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ (American Thought Leaders) của The Epoch Times, bà Christine Anderson, một nghị viên của Nghị viện Âu Châu đại diện cho Đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD), đã giải thích cách mô hình quản trị của EU bỏ qua việc đại diện đầy đủ cho công dân.
Bà Anderson nhấn mạnh sự phân chia quyền lực không phù hợp mà các quốc gia thành viên đều đã trải qua, cho rằng tình trạng này vi phạm các nguyên tắc căn bản của các nền dân chủ.
Chính trị gia người Đức này giải thích, các thành viên của chính phủ có thể bỏ qua các đại diện được bầu chọn một cách dân chủ của họ và tìm kiếm sự chấp thuận cho luật pháp ở cấp EU.
Đây là cách việc này diễn ra: “Giả sử chính phủ Đức muốn thông qua một đạo luật, và Bundestag (Nghị viện Đức), cơ quan đại diện được bầu cử dân chủ của người dân Đức, đã nói: ‘Không … chúng ta sẽ không bỏ phiếu cho luật đó.’”
“Câu chuyện sẽ không kết thúc ngay tại đó đâu. Mà giờ đây chính phủ Đức, tất cả những gì họ phải làm là mang luật đó đưa đến các tổ chức EU, bởi vì trong ủy ban … họ sẽ thông qua luật ở cấp độ EU.”
Bà giải thích rằng cấu trúc này tạo ra một hệ thống trong đó “không có sự phân chia quyền lực” và các quan chức có thể thực thi “chính đạo luật” mà đã không được cơ quan lập pháp được bầu chọn thông qua.
Bà nói, cấu trúc phi dân chủ này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giải trình, vì các chính trị gia có thể đẩy trách nhiệm đi bằng cách chuyển quyền lập pháp cho các cơ quan và chuyên gia.
Bàn về các lựa chọn mà người dân có trong tay, bà Anderson nói, “Cách duy nhất mà tôi có thể thay đổi bất cứ điều gì là theo đuổi các quan chức được bầu. … Tôi đã bầu cho những người này. Họ phải chịu trách nhiệm.”
“Họ phải chịu trách nhiệm trước tôi, nhưng tôi không biết ai đứng trên trách nhiệm đó, cho dù đó là ai.”
Để bảo đảm rằng các quan chức được bầu vẫn chịu trách nhiệm về các đạo luật và chính sách tác động đến công dân của họ, bà Anderson nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản trị của EU.
Ứng phó với sự bất đồng quan điểm
Là thành viên của Nghị viện Âu Châu kể từ năm 2019, bà cũng thảo luận về một số xu hướng đáng lo ngại khác đã được thấy ở đất nước của bà và trên khắp EU. Các xu hướng này bao gồm việc gán cho bất kỳ ai bất đồng quan điểm với hệ tư tưởng cấp tiến là “cực hữu.”
Ông Jekielek hỏi liệu EU có đang chứng kiến xu hướng tương tự như Hoa Kỳ, nơi những tiếng nói bất đồng chính kiến bị các hãng truyền thông lâu năm gạt ra ngoài lề hay không. Một số cái tên nổi bật đã được đưa ra để minh họa cho tâm thái chính trị gần đây, trong đó có Tổng thống mới đắc cử Javier Milei của Argentina và tỷ phú công nghệ Elon Musk.
Trả lời khẳng định về tâm thái chính trị ở đất nước mình và ở EU, bà Anderson cho rằng thuật ngữ “cánh hữu” đang bị lạm dụng.
“Tất cả những người bày tỏ không đồng tình với bất kỳ nghị trình theo chủ nghĩa toàn cầu nào đang được ủng hộ hoặc thúc đẩy vào thời điểm hiện tại” đều bị gọi như thế.
Bà lập luận rằng bất kỳ ai không phù hợp với nghị trình theo chủ nghĩa toàn cầu hiện nay đều bị xem là “cực hữu”. Lấy ví dụ về các cuộc biểu tình ở Berlin chống lại các hạn chế do COVID, bà nhấn mạnh việc các cá nhân, vốn dĩ ban đầu thuộc phe cánh tả, đã bị các hãng truyền thông lâu năm gọi là những người cánh hữu cực đoan, đến mức nói rằng, “Chúng tôi không cực hữu, cho đến nay chỉ là khuynh hữu.”
Bà Anderson cho biết, việc dán nhãn sai cho những người bất đồng chính kiến góp phần tạo ra sự phân cực và bóp nghẹt cuộc tranh luận thực sự. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận những quan điểm đa dạng trong một xã hội dân chủ, thúc đẩy đối thoại cởi mở và hiểu biết.
Bà nói, bằng cách xem những tiếng nói bất đồng chính kiến là “cực hữu”, thì cách diễn giải như vậy sẽ trở nên phân cực, cản trở nguyên tắc dân chủ về tự do biểu đạt và tranh biện.
Tác động ở các quốc gia khác
Tuy nhiên, khu vực Đông Âu và Tây Âu không nhất quán về hệ tư tưởng của họ. Theo bà Anderson, Đông Âu đang cố tình rời xa nghị trình theo chủ nghĩa toàn cầu vì lịch sử gần đây của khu vực này với sự cai trị toàn trị.
“Họ nhớ chứ. Họ nhận ra các cách thức mà các chế độ toàn trị tiến hành những việc nhất định,” bà nói. “Họ nhận ra cách sử dụng ngôn ngữ; họ nhận ra sự thao túng tâm lý. Vì vậy, điều đó không thực sự hiệu quả ở các nước Đông Âu và đó là nơi chúng tôi thực sự có nhiều phản kháng nhất.”
Chính trị gia người Đức này cũng lưu ý rằng bà tin là việc chuẩn bị đang được tiến hành để mở đường cho sự cai trị rộng khắp hơn của chính phủ, đồng thời nêu ra rằng các quốc gia phương Tây có xu hướng chống lại sự kiểm soát nhiều hơn và sẽ cần phải bị dụ dỗ để rơi vào quyền kiểm soát hoàn toàn của chính phủ.
“Quý vị không cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho xã hội trước việc tước bỏ tự do ở Bắc Hàn,” bà Anderson nói. “Nhưng quý vị phải làm điều đó ở Hoa Kỳ, ở các nền dân chủ phương Tây … đó là nơi quý vị phải chuẩn bị sẵn sàng.”
Bà tiếp tục khẳng định rằng bà đã phải “đối mặt với thực tế là chúng tôi sẽ không thể khắc phục” một số thiệt hại đã xảy ra gần đây ở EU, nhưng bà thực sự ôm giữ hy vọng cho Tây Âu.
Bà Anderson cho biết một phần hy vọng của bà nằm ở Hoa Kỳ, mặc dù thực tế là đất nước này đang phải đối mặt với một số cuộc tranh đấu tương tự trong nội bộ chính phủ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times