Tương lai bất ổn cho nền kinh tế Hoa Kỳ khi điều kiện tín dụng thắt chặt
Các thị trường vẫn tương đối ổn định kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang công bố mức tăng lãi suất 25 điểm căn bản hồi tháng Ba, trong bối cảnh không có bất ngờ mang tính tiêu cực nào đột nhiên xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ.
Nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang trên bờ vực rắc rối. Có những yếu tố bất ổn tiềm năng trên một số phương diện có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và tất cả những yếu tố bất ổn tiềm năng này khiến công việc của Cục Dự trữ Liên bang trở nên khó khăn hơn khi ngân hàng trung ương cố gắng tránh một cuộc “hạ cánh cứng.” Sau đây chúng ta sẽ xem xét một vài yếu tố như vậy.
Theo một ghi chú của Deutsche Bank gửi cho khách hàng hôm 23/03, trong bài diễn văn hồi tháng Ba của ông, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng Fed dự đoán việc thắt chặt các điều kiện tín dụng sẽ gây áp lực lên nền kinh tế Hoa Kỳ trong phần còn lại của năm. Và trên thực tế, tác động này có thể “thay thế được cho một số đợt tăng lãi suất bổ sung.”
Tất nhiên, không có điểm nào trong dự đoán này là thực sự rõ ràng, khiến cho công việc của ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn nhiều trong suốt chặng đường còn lại.
Tác động dễ thấy nhất của điều kiện tín dụng thắt chặt này là cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây — vốn đang đè nặng lên vai các ngân hàng vừa và nhỏ.
Với việc các cơ quan quản lý liên bang dự kiến sẽ công bố các yêu cầu về vốn nghiêm ngặt hơn và cứng rắn hơn trong tương lai, đồng thời khi lãi suất cao hơn đẩy chi phí tài trợ của các ngân hàng lên cao hơn, thì các điều kiện tín dụng sẽ thắt chặt hơn.
Tình huống này có nghĩa là hầu hết các ngân hàng nhỏ hơn sẽ thấy chi phí vốn của họ tăng lên, dưới hình thức phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiết kiệm (đối với tiền gửi của họ) hoặc lãi suất cao hơn đối với việc tài trợ bằng vay nợ. Tất cả các yếu tố này đồng nghĩa với việc có ít vốn hơn để cho các công ty, các doanh nghiệp nhỏ, và cá nhân vay. Và tiền vốn có sẵn để cho vay sẽ có yêu cầu bảo lãnh phát hành cao hơn và lãi suất cao hơn.
Nói cách khác, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thấy tín dụng trở nên khó tiếp cận và đắt đỏ hơn nhiều.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs trong một ghi chú gửi đến khách hàng hồi cuối tháng Ba, tình huống thắt chặt tín dụng này sẽ khiến tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm từ 0.25 đến 0.5%.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman, đã nắm bắt một cách hiệu quả một câu hỏi hóc búa khác trong một nghiên cứu hôm 27/03, lưu ý đến môi trường khó khăn hiện tại mà cả nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt.
“Thật khó để đồng thời giải thích mức tăng trở lại lớn ở phần đầu của đường cong lợi suất và khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán khi đối diện với những gì có vẻ như là một sự xáo trộn tiêu cực đối với tăng trưởng ở mức độ chưa biết,” ông Hatzius viết. Và ông tự hỏi liệu một phần của sự mất kết nối này có phải là do việc thắt chặt tín dụng hầu như đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực không được thể hiện rõ trên các thị trường đại chúng (tức là thị trường chứng khoán và trái phiếu) — chẳng hạn như lĩnh vực địa ốc thương mại và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ hơn — hay không.
Nói về địa ốc thương mại, một lượng tổn thất đáng kể có thể ẩn sâu bên trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Có 5.5 ngàn tỷ USD nợ địa ốc thương mại trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, và giá trị của số tài sản này là không quá minh bạch. Các khoản cho vay này chủ yếu nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng hoặc trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ tín thác đầu tư địa ốc. Định giá của các tài sản này thường được ước tính theo mô hình, và trong khi các mô hình phụ thuộc vào các giao dịch công khai để so sánh định giá chuẩn, thì các nhà quản lý có rất nhiều không gian tự do để xác định giá trị hợp lý của các tài sản này trong các điều kiện thị trường hiện hữu.
Nhưng 270 tỷ USD trong số nợ kể trên sẽ đáo hạn vào năm 2023 và hơn 70% trong số các khoản nợ đó là do các ngân hàng vừa và nhỏ nắm giữ. Trước thực tế môi trường lãi suất hiện tại, việc tái cấp vốn cho các khoản vay đó sẽ đắt hơn đáng kể, nếu các khoản vay đó còn có thể được tái cấp vốn được chút gì.
Cả Silicon Valley Bank và Signature Bank đều có các khoản đầu tư cho vay địa ốc thương mại đáng kể trên bảng cân đối kế toán của họ, và phần lớn danh mục đầu tư đó được cho là đã bị giảm giá do lãi suất tăng gần đây.
Một yếu tố gây áp lực khác đối với nợ địa ốc thương mại là “ngày tận thế của văn phòng làm việc” đang diễn ra. Sự bùng nổ việc làm từ xa do COVID-19 đã làm giảm cả tỷ lệ lấp đầy văn phòng lẫn giá cho thuê, với nhiều tòa nhà văn phòng bị bỏ trống và chủ các tòa nhà này không trả được nợ.
Ngay cả những nhà tài trợ có lượng vốn dồi dào như Brookfield, Blackstone, và Columbia Property Trust cũng đã quyết định loại bỏ các tòa nhà văn phòng trong danh mục đầu tư của họ, với một số tòa trong số đó là các tài sản chất lượng cao thuộc Hạng A tại các trung tâm đô thị.
Tình hình trên lại càng không được cải thiện với mức độ cắt giảm không gian văn phòng đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Các công ty công nghệ lớn như Meta Platforms, Amazon.com, và Microsoft đang tìm cách cho thuê lại không gian hiện có của họ. Tạp chí Crain’s New York Business cho biết hiện có khoảng 174 triệu feet vuông (xấp xỉ 16 triệu mét vuông) diện tích văn phòng có sẵn để cho thuê lại trên toàn quốc, một dấu hiệu cho thấy giá thuê và tỷ lệ lấp đầy có thể sẽ tiếp tục giảm.
Đối với các khoản cho vay kinh doanh, thì phần lớn tổn thất vẫn chưa xảy đến. Hạng mục cho vay này gồm các khoản cho vay của ngân hàng, các khoản cho vay mở rộng có rủi ro vỡ nợ cao, cũng như tất cả các loại tín dụng tư nhân được cung cấp bởi các bên được gọi là các nhà cho vay trực tiếp, hoặc các nhà khởi tạo tín dụng tư nhân từng thay thế phần lớn các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tín dụng tư nhân là một lĩnh vực đã mọc lên như nấm để trở thành một thị trường trị giá 1.4 ngàn tỷ USD.
Một nhà quản lý danh mục đầu tư tại một quỹ tín dụng tư nhân trị giá 10 tỷ USD ở thành phố New York đã nói với tôi hôm 31/03 rằng, mặc dù các cam kết về tỷ lệ lãi vay tối đa trên thu nhập của công ty tại các công ty vay vốn thuộc danh mục của ông vẫn trong tình trạng lành mạnh, nhưng “khó khăn đáng kể sẽ đến vào quý 3 hoặc quý 4/2023 nếu lãi suất vẫn tiếp tục tăng cao và tăng trưởng kinh tế đình trệ.”
Chủ yếu xem các công ty có quy mô trung bình và nhỏ hơn là các bên đi vay, những nhà cho vay tín dụng tư nhân này cho biết các công ty đã chịu tổn thất do tác động kép của lạm phát chi phí đối với nguyên liệu thô và lương lao động cũng như lãi suất cao hơn. Hầu như mọi khoản vay như vậy đều là trái phiếu có lãi suất thả nổi, có nghĩa là khi Fed tăng lãi suất căn bản, thì gánh nặng chi phí đối với các công ty này trở nên cao hơn.
Cho đến nay, khi việc làm, tiền lương trên toàn quốc, và mức giàu có trung bình của các gia đình còn duy trì được xu hướng đi lên, thì các công ty vẫn có thể chuyển một cách hiệu quả những chi phí cao hơn này sang người tiêu dùng (và các khách hàng doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có giao dịch với doanh nghiệp). Nhưng việc chuyển chi phí này không có khả năng kéo dài; vì nếu nền kinh tế lùi bước từ đây, thì sức mạnh định giá như vậy sẽ không duy trì được.
Nếu tất cả những điều này xảy ra, thì tình trạng cắt giảm chi phí và sa thải nhân công trên diện rộng sẽ xảy đến — và hậu quả là, một vòng xoáy đi xuống dẫn đến suy thoái kinh tế.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times