Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức không nhận thấy châu Âu sắp suy thoái kinh tế
Chủ tịch Deutsche Bundesbank Joachim Nagel cho biết ông không tin rằng Liên minh Âu Châu sẽ có suy thoái kinh tế vào năm 2023, và cho rằng nửa cuối năm đang có những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn.
Nói tại Cuộc họp Mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Nhóm Ngân hàng Thế giới hôm thứ Năm (13/04), người đứng đầu ngân hàng trung ương này nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức trong việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm qua.
“Câu hỏi về năng lượng ít nhiều đã được giải quyết,” ông Nagel cho biết, đồng thời thừa nhận rằng các giải pháp thay thế khí đốt của Nga không phải là lý tưởng nhưng khả dĩ. Tương tự, với việc còn phải làm đối với vấn đề lạm phát, ông cũng nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách đã theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ.
“Có vẻ như lạm phát toàn phần đang giảm xuống — một tin tốt — nhưng lạm phát lõi (lạm phát căn bản) vẫn còn khá cao.”
Hôm thứ Tư (12/04), lạm phát căn bản tháng Ba ở Hoa Kỳ lần đầu tiên cao hơn lạm phát toàn phần trong hai năm, lần lượt là 5.6% và 5%. Khoảng cách này cho thấy giá thực phẩm và năng lượng đang giảm nhanh hơn so với các thành phần khác, nhưng các ngân hàng trung ương theo sát lạm phát căn bản nhiều hơn trong vấn đề quyết định chính sách tiền tệ.
Tại Đức, lạm phát toàn phần giảm trong tháng Ba trong khi lạm phát căn bản tăng. Tuy nhiên, lạm phát toàn phần vẫn cao hơn ở mức 7.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với lạm phát căn bản đạt 5.8%.
Ông Nagel lạc quan rằng lạm phát căn bản sẽ sớm giảm, có thể sớm nhất là vào mùa hè này. Tuy nhiên, ông tái khẳng định cam kết giữ lãi suất cho vay cao cho đến thời điểm đó.
Ông nói, “Chúng ta phải giảm lạm phát. Cuối cùng, chúng ta sẽ thành công.”
Hạ thấp mối lo ngại về suy thoái
Khi người dẫn chương trình CNBC Sara Eisen nhấn mạnh về việc liệu tiếp tục tăng lãi suất có dẫn đến suy thoái kinh tế hay không, ông Nagel đã hạ thấp mối lo ngại này.
“Tôi không nhận thấy suy thoái đang đến,” ông nói. “Có thể quý đầu tiên sẽ yếu, nhưng phần còn lại của năm có vẻ khá thuận lợi.”
Nhận xét của ông Nagel phân biệt ông với các ngân hàng trung ương khác và các quan chức IMF. Trong biên bản họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang đã có thông tin rằng hội đồng thống đốc của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay.”
Chủ tịch ngân hàng Bundesbank kết thúc bằng cách nói rằng các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương phải luôn “cảnh giác” và tránh tự mãn.
Một số nhà phân tích thị trường xem sự thay đổi này trong ngôn ngữ của Fed là quan trọng.
Ông Mike “Mish” Shedlock, tác giả của blog kinh tế MishTalk, nói với The Epoch Times rằng các thành viên FOMC không dễ dàng sử dụng những thuật ngữ như vậy. Ông chỉ ra sự miễn cưỡng của họ trong việc sử dụng từ Suy Thoái trong những tháng trước bất chấp bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và hệ thống tài chính khó khăn.
“Lúc đó họ đã không dùng từ ‘suy thoái,’” ông nói. “Chà, giờ thì họ đang sử dụng từ ‘suy thoái.’ Kiểu mọi thứ ăn khớp với nhau ở đây.”
Về câu hỏi liệu một cuộc suy thoái có xảy ra hay không, triển vọng của ông Shedlock có phần linh hoạt hơn. Mặc dù ông dự đoán cơn đau kinh tế sắp tới sẽ tương đối nhẹ, nhưng ông lo ngại rằng cơn đau đó có thể kéo dài.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times